Hành trình về dài bất tận và thông dịch viên bất đắc dĩ…
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (13)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (12)
Ngẫm nghĩ chán, tôi vòng về tiệm Internet thấy lúc sáng, lên mạng kiểm tra email, Facebook. Sẵn rảnh tôi lướt mấy trang tin tức xem tình hình Việt Nam có gì mới hay không, và rụng rời khi được tin cơn bão số 6 với “sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (từ 118 – 149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15“, trong đó các tỉnh ảnh hưởng nặng nề từ Thanh Hóa tới Đà Nẵng, nghĩa là đường tôi về từ Luang Prabang, qua Xieng Khouang, đến Nghệ An, rồi vào lại TP. Hồ Chí Minh sẽ đi qua vùng chịu ảnh hưởng nặng nề đó.
Trời! Tôi lo, nhưng mọi thứ đã chuẩn bị xong, tôi vẫn muốn làm theo những gì đã dự định. Đó là ngày Chủ nhật, 02/10/2011. Không muốn những người thân của mình lo lắng, tôi chẳng hề cho ai thông tin về ngày về của mình, nghĩ mọi thứ cứ để thuận theo ý trời…
Về lại nhà nghỉ, tôi ngồi phía trước, lôi quyển sổ nhỏ ra ghi chép vài suy nghĩ. Anh chàng tiếp tân mon men lại gần hỏi thăm tôi, nhưng nhìn ánh mắt có vẻ da diết của anh ta, tôi không muốn “tám” chuyện nhiều với anh chàng. Rồi cũng đến lúc đi, xe tuk tuk đúng hẹn đến đón tôi ra bến xe.
Thấy tôi lơ ngơ kiểm tra lại số xe ghi trên vé, một cô (sau mới biết là chủ xe) tiến tới hỏi tôi “Hà Nội?” bằng giọng trọ trẹ của miền Quảng Trị, Nghệ An. Tôi lắc đầu nói “Dạ, Vinh”. Cô à lên “Người Việt hả?”. Tôi tự hỏi là mặt mình không hề giống người Việt Nam một chút nào hay sao, mà ai cũng không nhận ra hết vậy? Tự nhiên nghĩ tới Th., bạn ấy cũng nói lúc đầu thấy anh Châu (nhà xe Yến Hải) chở tôi từ chiếc xe trung chuyển nhỏ tới xe lớn trong bến xe Đà Nẵng, Th. cứ nghĩ tôi là người lần đầu tiên qua Lào làm việc. Nhưng rồi nhìn phong cách của tôi với cái túi (tự làm) luôn kè kè bên người không giống túi của người Lào, nên cũng thắc mắc không biết tôi là người nước nào, và qua Lào làm gì. Ha ha…
Chưa đến giờ xuất phát, bến xe vắng vẻ, có mỗi chiếc xe Luang Prabang – Vinh ở bến. Ngoài tôi ra còn bốn người khách Tây là đi cùng hành trình, đưa hành lý cho phụ xe chất vào thùng rồi ngồi đợi. Một lát lại lác đác vài người tới mua vé đi, hoặc gửi tiền, hàng qua. Có người mẹ Lào gửi đồ sang cho con đang học ở Việt Nam, với ác khoác, đồ ăn,… Nhìn cảnh bà mẹ lúi húi mở thùng đồ thông báo từng món đồ với cô chủ xe (vì qua hải quan sẽ bị lục tung ra kiểm tra), rồi lúi húi cột lại, ghi số điện thoại của con,… tôi thấy sao giống cảnh những bà mẹ ông bố ở Việt Nam gửi đồ cho những đứa con ở xa đến thế.
Trong lúc đợi, cô chủ xe hỏi tôi một vài câu, như đi chơi à, sao lại đi một mình. Tôi cũng hỏi lại cô là xe đi đến Vinh thôi à, đang mùa mưa bão nên vắng khách đúng không, rồi tôi nhắc đến việc mưa bão ở Việt Nam thì cô nói cô có gọi cho con gái cô thì biết là hết bão rồi, đường thông thoáng rồi, làm tôi cũng yên tâm phần nào.
Tôi hỏi xin cô chiếc danh thiếp, để có thông tin cho những ai quan tâm. Giá xe (trên xe không có nhà vệ sinh) không bao gồm bữa ăn, thông tin chi tiết các bạn tự xem ảnh dưới.
Hơn 18g30 thì xe cũng khởi hành, có lẽ chỉ có 11 người khách (bốn Tây và bảy Việt Nam) nên số ghế ghi trên vé không có giá trị, ai muốn ngồi đâu thì ngồi. Tất nhiên tôi xin được ngồi đầu. Bốn người khách Tây yêu cầu được ngồi ở dưới cùng, thật kỳ lạ, có lẽ tự biết yếu thế về số lượng nên co cụm bên dưới chăng?
À, xe này là giường nằm thứ thiệt (ba dãy giường) nên không lo mấy vụ quấy rối ha.
Nói một chút về hành trình về. Từ Luang Prabang về Vinh thì phải đi qua Xieng Khouang, vì cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An) giáp ranh với tỉnh Xieng Khouang của Lào. Do lúc đầu tôi muốn rời Vientiane càng sớm càng tốt, đến bất kỳ địa danh nào nên đã chọn đi Xieng Khouang trước. Sau này những bạn nào muốn đi như tôi (đi từ Đà Nẵng, về Vinh) thì nên chọn hành trình là Vientiane – Luang Prabang – Xieng Khouang rồi về Việt Nam thì hay hơn, đỡ đi lại những cung đường đã qua, đã không thú vị, tốn thời gian, lại còn tốn tiền di chuyển nữa.
Đúng là tài xế Việt, lái đọan đường đầy đèo dốc nên chẳng dám đi nhanh, lại còn bóp còi liên tục (trái ngược hẳn với tài xế Lào), nhưng như thế tôi lại thấy an tâm hơn. Buổi tối xe có dừng cho khách ăn tối, nhưng tôi không muốn ăn. Đoạn đường từ trung tâm Xieng Khouang đến cửa khẩu giáp Việt Nam vô cùng xấu. Bình thường đã đèo, dốc, nay lại trong mùa mưa bão, nên bùn đất, ổ voi ổ gà, dồng dốc tùm lum. Nhiều lúc xe dồng, hay tài xế bẻ ngoặt tay lái mà hành khách muốn rơi khỏi chỗ ngồi. Xe giường nằm nhưng chẳng ngủ nghê gì được hết. Có điều may là nguyên đoạn đường dài từ Lào đến cửa khẩu, và sau này từ Vinh đến TP. Hồ Chí Minh tôi chỉ hơi mệt chứ không bị say xe chút nào.
Khoảng 5g sáng hôm sau (03/10/2011) xe đến cửa khẩu, và phải chờ ở đó cho đến khi các anh hải quan làm việc (khoảng 2 tiếng đồng hồ). Mọi người trên xe vẫn ngủ, tôi lẳng lặng đi theo cô chủ xe lên ngọn đồi thấp bên hông khu làm việc (là nơi ở của nhân viên cửa khẩu) để đi nhờ nhà vệ sinh. Lò dò đi lên mấy bậc thang, tôi thấy có một tấm bảng ghi bằng hai thứ tiếng Lào và Việt. Tiếng Việt đề là “Cẩn thận chó cắn”. Tôi phì cười, nghĩ, có thấy con chó nào đâu. Nhưng leo đến bậc thang cuối cùng thì một bầy chó từ xa chạy lại, sủa ầm ỹ, gầm gừ nhìn tôi. Cô chủ đã đi lên trước rồi, tôi chả thấy cô ở đâu nữa, đành bình tĩnh, đứng im, dùng ánh mắt thân thiện nhất nhìn bọn chúng. Có lẽ thấy tôi không manh động gì, bọn chó có vẻ hiền bớt, chỉ còn vài tiếng sủa âm vang chứ không gầm gừ nữa. Một hồi chúng tản ra, lại tung tăng nô đùa. Tôi đứng đó, ngắm… trời mây, đồi núi, hoa dại, và sương sớm lảng bảng. Tiếng gà gáy, tiếng chim hót giữa khung cảnh núi rừng lúc sáng sớm nghĩ mà thích, tiếc là máy ảnh đã đóng gói mất rồi.
Một lát cô chủ xe từ sâu bên trong đi ra, thân thiện chỉ tôi chỗ vệ sinh. Xong tôi đi xuống tìm chỗ ngồi đợi. Một lát cũng tới giờ làm việc, thủ tục cũng nhanh, có lẽ còn sớm, chủ xe quen, và mùa vắng khách. Ở phía cửa khẩu Lào, thấy tôi tự động rút tiền ra kẹp chung với passport, một chị Tây hỏi tôi phải trả bao nhiêu, tôi nói 10.000 kíp. Lúc này các bạn Tây mới biết là tôi biết nói tiếng Anh, vì trên xe họ hỏi cô chủ gì cô chủ cũng chỉ “Yes” hoặc “No” hoặc… nói tiếng Việt. Tôi một phần đang chuẩn bị tâm lý… ói, một phần thấy chưa có gì khó hiểu nên chưa nói giúp tiếng nào.
Thêm 10.000 đ làm thủ tục nhập cảnh ở phía cửa khẩu Việt Nam (tôi chả thấy thu của các khách Tây). Thủ tục phía Việt khá lâu, chẳng hiểu là đợi gì, vì chỉ có lèo tèo mấy khách nhập cảnh sớm. Chị Tây lúc nãy khi nghe mấy người Việt nói tiếng trọ trẹ bèn quay sang hỏi tôi họ nói tiếng gì, tôi bảo tiếng Việt, chị bèn hỏi vậy tôi nghe có hiểu không. Tôi cười, bảo hiểu một chút. Mà thật là tiếng nói của vùng Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An khó nghe ghê!
À, vì có vài khách nên máy soi hành lý cá nhân chả thèm mở, khách cứ thế tự vác hành lý hiên ngang đi qua luôn. Thật đỡ một mối lo lớn về những rắc rối có thể bị dính dáng trong lúc qua cửa khẩu. Tôi chỉ thắc mắc sao bên cửa khẩu Lào lúc qua cũng như lúc đi lại chả thấy bị soi hành lý mà chỉ có lúc nhập cảnh bên cửa khẩu Việt Nam mới bị soi? Hổng lẽ người ta chỉ buôn lậu từ Lào qua Việt Nam chăng?
Trong lúc đợi các anh hải quan Việt soi xe, kiểm hàng (soi bằng mắt thường và bằng tay, các bạn Tây thấy thế xì xầm, chỉ trỏ, thật đáng buồn), chị Tây lúc nãy chỉ mấy anh xe ôm trước cửa khẩu và hỏi tôi họ là ai. Tôi cũng hỏi lại chị vài câu, biết chị cũng đi bụi một mình, và tình cờ gặp ba người kia ở bến xe. Chị đến Vinh, cùng với hai người trong số đó sẽ bắt xe đi tiếp đến Hà Nội. Trong lúc nói chuyện, tôi để ý thấy anh Tây lẻ loi còn lại cứ thỉnh thoảng liếc tôi, có vẻ như muốn hỏi chuyện gì đó nhưng chưa có cơ hội.
Xe lại tiếp tục hành trình, không dừng cho khách ăn sáng mà đi thẳng một mạch. Lúc đó trời đã không còn dấu hiệu nào của bão, nắng lên đẹp, bầu trời trong xanh, tuy nhiên đoạn đường từ cửa khẩu đến đó rất kinh, vẫn là đèo dốc quanh co, nhiều đoạn bị sạt lở do mấy cơn bão vừa qua, tóm lại là nguy hiểm luôn rình rập. Các bạn đi sau nhớ rút kinh nghiệm chọn ngày thời tiết đẹp mà đi nha.
Có lẽ là 11g trưa, xe dừng ở một quán cơm nhỏ, cách Con Cuông chừng 40 km (nghe nhà xe nói chuyện như thế). Xe vừa dừng, tôi lên tiếng hỏi cô chủ xe là đến Vinh còn bao lâu nữa. Cô nói khoảng 15g sẽ đến. Lúc này những người Việt còn lại, kể cả khách và phụ xe mới ngạc nhiên khi biết tôi là người Việt (vì từ lúc đầu tôi chỉ kè kè nói chuyện với cô chủ xe thôi). Một anh phụ xe bảo hôm qua giờ thấy tôi ngồi im cứ tưởng là người Trung Quốc. Một chị khách còn nói trông là lạ cứ tưởng là Hàn Quốc. Trời!
Phần cơm 35.000 đ, ăn cũng được, với cá kho, canh măng và rau xào, được dọn riêng theo từng món. Mấy người khách Việt khác rủ tôi ngồi chung bàn nhưng tôi không muốn. Khi đang ngồi chờ cơm một mình thì chị Tây kia đến nhờ tôi gọi món vì cô bé phục vụ quán không hiểu. Mấy vị khách Tây miễn cưỡng ăn cơm vì ngoài cơm ra quán chẳng có gì cả. Tôi bảo các vị Tây xuống dưới nhà bếp thích ăn gì thì chọn món đó, chứ hỏi phục vụ gì cũng không có (thậm chí sau đó chị Tây hỏi tôi cà phê tiếng Việt nói sao để chị gọi mà cũng không có nốt!!!). Ăn xong, cô chủ xe nhờ tôi nói giúp số tiền phải trả (vì các vị Tây chọn món riêng nên mỗi vị 40.000 đ). Anh chàng Tây lẻ loi kia hỏi tôi có thể trả bằng tiền kíp được không, vì anh ta chỉ còn tiền kíp, USD cũng không còn (chưa rút thẻ), nhưng chủ quán đâu có chịu. Cặp đôi Tây còn lại trả giúp cho anh ta, lúc đó tôi nghĩ nếu không có ai trả, tôi trả cho anh ta cũng được. Nhưng lúc đó tôi vẫn đang mệt, cái bệnh tâm lý lại nghĩ đến hành trình dài ngoằn tiếp theo sau khi đến Vinh nên càng mệt hơn, bởi thế tôi không thể hiện chút gì sự thân thiện, nhiệt tình với mấy người khách Tây kia. Mấy người khách Việt thấy tôi nói chuyện với tụi Tây thì hỏi tôi có phải là thông dịch viên của tụi nó không.
Lên xe, anh Tây lẻ loi hỏi tôi đi đâu sau khi đến Vinh, tôi nói tôi vào Sài Gòn. Anh ta hỏi tôi vậy là đi qua Huế đúng không, tôi gật đầu. Rồi tôi hỏi lại hình như anh đi Hà Nội đúng không, anh ta bảo ba người kia mới đi Hà Nội, còn anh ta sẽ đi Huế, và anh ta bảo vậy anh ta sẽ đi cùng tôi. Tôi đồng ý.
Trước đó tôi đã hỏi cô chủ xe việc đón xe đi tiếp vào TP. Hồ Chí Minh. Cô nói có thể đón ở đoạn đường gần Vinh, nhưng hôm đó là ngày lẻ, không có nhiều xe nên cô bảo đến bến xe Vinh rồi mua vé xe Hoàng Long đi. Tôi nghĩ cũng phải vì lúc đó chỉ muốn nhanh chóng đến nơi chứ không muốn lưu lại đêm ở Vinh.
Đến bến xe, tạm biệt ba người khách Tây kia (được cô chủ xe giới thiệu xe đi tiếp Hà Nội cách gần 300 km). Khi biết tôi sẽ đi ngược vào TP. Hồ Chí Minh, anh Tây trong cặp đôi đùa với tôi “Long journey”. Mà đúng thật, “cuộc hành xác” của tôi đã bắt đầu từ 18g 30 hôm qua rồi, hi vọng đoạn đường tiếp theo sẽ nhanh chóng đến nơi đến chốn an toàn.
Tôi và anh chàng Tây còn lại đi vào quầy vé của bến xe Vinh để hỏi xe đi TP. Hồ Chí Minh thì được chỉ qua phòng vé Hoàng Long cách đó không xa lắm. Tôi hỏi xe đi Huế thì biết là còn chuyến đi Đà Nẵng, lúc đó đầu óc ngu ngơ sao tôi cứ nghĩ từ Bắc vào Nam đến Đà Nẵng trước rồi mới tới Huế, nên nói anh chàng như thế. Anh chàng cũng mất phương hướng địa lý như tôi (nên nhớ, người “đi bụi” luôn nghiên cứu rất kỹ lịch trình, bản đồ), nên đồng ý theo tôi qua phòng vé Hoàng Long hỏi xem còn vé không. May quá, có chuyến sớm nhất lúc 16g (thật ra là 15g nhưng xe – chạy từ Hà Nội – đến trễ), đi Huế (8 tiếng) giá 260.000 đ, đi TP. Hồ Chí Minh (34 tiếng, nghe mà khủng hoảng) giá 810.000 đ (đắt khiếp). Anh Tây hỏi tôi đi Huế mất 8 tiếng nghĩa là đến nơi lúc 12g đêm thì có sao không. Tôi trấn an anh ta khi bảo rằng Huế là thành phố du lịch nên sẽ không sao, anh ta có thể đi xe ôm hoặc taxi đến khách sạn mà anh ta chọn trong Lonely Planet.
Lúc đầu tôi tưởng ai đi Huế phải trả bằng giá với đi TP. Hồ Chí Minh, nên thông báo với anh chàng Tây như thế. Anh ta đồng ý luôn, rồi bảo anh ta muốn tìm chỗ rút tiền. Tôi hỏi hai cô phòng vé Hoàng Long (rất thân thiện và nhiệt tình) thì được hai cô chỉ chỗ gần đó và nói giúp chỗ với một chú xe ôm, còn nói chúng tôi gửi hành lý ở văn phòng hai cô trông giúp cho. Tôi nhờ chú chở anh chàng đi rút tiền, báo giá chở đi chở về là 20.000 đ cho anh chàng. Một cô tiếp tân thấy vậy bảo tôi sao không đi cùng anh ta luôn. Chắc cô ta nghĩ tôi “cặp” với anh chàng này chắc?
Một lát anh chàng về, thanh toán tiền rồi bảo đi lòng vòng ăn cái gì đi. Tôi bảo vé xe đã bao gồm bữa ăn rồi. Vậy là anh ta bảo anh ta sẽ đi lòng vòng mua ít đồ.
Tôi ngồi đợi một hồi thì đến giờ xe chạy, nhưng chưa thấy anh ta quay lại, làm tôi sốt hết cả ruột. Cô nàng phòng vé (chạy ra trước, lên xe bàn giao hành khách) cứ liên tục hỏi anh ta ở đâu, bảo tôi đi tìm đi, rồi bảo tôi mang hành lý ra xe. Hành lý tôi chỉ là cái ba lô gọn nhẹ, tôi mang được, chứ hành lý anh ta cái túi to đùng, nặng như đá tảng, tôi kéo mãi mới dịch chút ít nên tôi nghĩ thôi thì mình đã đồng ý “mang theo” anh ta rồi, đành ngồi chờ anh ta quay lại, chắc mẩm là trễ chuyến này rồi (chuyến tiếp theo lúc 17g). Nhưng không ngờ ngồi lại chút xíu thì cô nàng phòng vé chạy vào bảo thấy anh ta rồi. Anh chàng miệng thì xin lỗi tôi, nhưng khuôn mặt vẫn bình thản. Anh ta mang ba lô ra xe, cùng tôi chất vào thùng xe. Khi đó một bác tài xế (đầu trọc, sẽ có chuyện vui về bác này sau) hỏi tôi đi chung với anh ta à, rồi chọc qua đi với anh đi (đúng là đàn ông Bắc, dẻo miệng thế chứ!).
Lên xe, tôi chỉ anh chàng chỗ ngồi của anh ta, rồi về chỗ của mình (dãy sát bên, nhưng ở trước một hàng). Trời bắt đầu âm u, mưa mưa. Xe cứ đến một tỉnh nào đó thì ghé vào bến xe trung tâm để rước thêm khách. Ở Hà Tĩnh xe đón thêm một cậu nằm sát hàng ghế với tôi. Vừa lên, thấy anh Tây, cậu này bèn trèo qua cái ghế trống sát anh Tây và tới tấp hỏi chuyện bằng thứ tiếng Anh sai be bét ngữ pháp. Tuy nhiên, tôi ủng hộ kiểu thực hành tiếng Anh của cậu này. Người có học qua ngoại ngữ nhưng vẫn không tiến bộ là vì sự tự ti, sợ sai, sợ xấu hổ. Cứ như cậu trai này, nói sai nhưng vẫn nói, thậm chí nói rất to. Thông qua việc nghe nói thường xuyên như vậy ta sẽ học được tính phản xạ nhanh, rồi bắt chước câu cú, từ ngữ của người kia, khiến cho vốn từ càng tăng lên, vậy là từ từ sẽ giỏi. Nói thế chứ không hẳn ai cũng dám làm và làm tốt. Bản thân tôi cũng là người nhút nhát và không dạn dĩ trong giao tiếp, nhưng tôi tự thấy mình được ở chỗ luôn ham học hỏi những điều có ích mọi lúc mọi nơi và không ngại xấu hổ để được học.
Sau khi “tám” chán chê với anh Tây, cậu ta quay qua “tám” với tôi. Cậu ta bảo quê ở Quảng Ngãi, và đang trên đường về quê, làm xây dựng nên đi khắp nơi. Cậu ta cho biết hồi phổ thông học rất giỏi tiếng Anh, mấy năm rồi không dùng nên quên hết. Tuy nhiên tôi bảo sau mấy năm không dùng mà còn nói được như thế, đủ cho anh Tây kia hiểu cũng là giỏi lắm rồi.
Đây là lần đầu tiên tôi đi xe Hoàng Long nên cũng khá lạ lẫm. Vì là xe chất lượng cao nên trông các hành khách đều có vẻ tử tế, lịch sự. Xe chạy từ đầu Hà Nội nên đa số là người Bắc. Mọi người tự nhiên nói chuyện với nhau trông cũng vui. Buổi tối lúc vào quán cơm tôi nghe mọi người nói chuyện với nhau rằng xe Hoàng Long giờ không uy tín bằng xe Mai Linh vì chất lượng phục vụ lẫn bữa ăn, mà theo lời cậu Quảng Ngãi kia là “cơm như cơm chó”. Tôi thấy bữa ăn cũng không đến nỗi gọi là “cơm chó”, nhưng nếu thử so sánh với cái giá vé cao ngất ngưỡng kia thì bữa ăn quả là tệ.
Anh chàng Tây hỏi tên tôi, và tự giới thiệu tên là Filip, người Đức. Anh ta có 10 ngày ở Việt Nam, từ Huế sẽ đi vào TP. Hồ Chí Minh. Tôi hỏi sao không ghé thăm Hà Nội, anh ta nói vì không có nhiều thời gian. Tôi bảo anh ta có thể đi máy bay đến các địa danh mà. Anh ta lại nói như thế thì ngân quỹ không cho phép. Anh ta bảo anh ta đang là sinh viên sắp ra trường, và tranh thủ kỳ nghỉ để đi du lịch một mình.
Filip bảo tôi chỉ cho anh ta những nơi nên ghé qua, những nơi mà ít khách du lịch và không mang tính chất thương mại. Điều này có vẻ hợp với tôi. Anh ta bảo từ TP. Hồ Chí Minh anh ta sẽ bay sang Philippines, nơi em gái anh ta đang thực tập và hẹn gặp cô bé ở đó. Anh chàng khen tôi nói tiếng Anh hay, có lẽ nhờ sau khi nói chuyện với cậu Quảng Ngãi kia. Ha ha…
Tôi bảo anh ta hành trình sau này có thể chọn đi xe Mai Linh Express vì xe đó chuyên nghiệp hơn cho du khách, còn loại xe chúng tôi đang đi chỉ dành cho người địa phương. Tôi cũng cho anh chàng địa chỉ email và số điện thoại, bảo có gì thì cứ liên hệ tôi. Anh chàng nói khi nào đến TP. Hồ Chí Minh sẽ gặp tôi. Tuy nhiên ngày anh ta đến và hẹn gặp thì tôi lại bận, và cho đến giờ chẳng nhận được tin tức gì của anh ta nữa. Tôi cũng chẳng thèm email hỏi thăm anh ta luôn.
Những người đi chung xe khi biết tôi chỉ là tình cờ gặp anh Tây này thì đã rất ngạc nhiên, vì từ đầu họ nghĩ anh ta là khách của tôi, khi biết tôi làm về du lịch.
Xe lại tiếp tục chạy, và khoảng 12g đêm thì đến Huế. Filip chào tôi đi xuống.
Khoảng 6g sáng hôm sau thì xe đến Quảng Ngãi và dừng ăn sáng tại đây. Thật là hành trình đầy mệt mỏi, vì xe bị hư hỏng bộ phận gì đó nên tài xế chỉ dám chạy chậm và tranh thủ đến quán ăn sẽ tìm cách sửa. Tôi tìm quanh quất xem có chỗ nào có dịch vụ điện thoại không để gọi về nhà thông báo tình hình nhưng không có, mà mượn điện thoại di động của người khác thì ngại. Có lẽ giờ điện thoại di động đã quá thông dụng và rẻ nên chẳng mấy ai còn có dịch vụ kia, nhất là ở tỉnh lẻ như thế này. Kể từ cuộc gọi thông báo đang ở Savanakhet cho ba tôi biết, và ngày thứ hai ở Lào có nhắn về cho chị và em gái, thì cũng đã gần 10 ngày tôi chưa thông tin về nhà. Tôi nghĩ mọi người chắc lo lắm, nhưng tôi cũng muốn mọi người nên tập cho quen cái việc tôi “lang thang” và mất liên lạc như thế. Lỡ sau này tôi có “lang thang” tận nơi nào yếu kém về thông tin liên lạc thì người ở nhà vẫn cảm thấy bình thường.
Lúc dừng ăn cơm trưa, hai bác tài lại hì hụi sửa xe một lần nữa. Xe vốn đã khởi hành chậm, đi chậm, giờ thêm xe hư làm cho thời gian đến kéo dài hơn. Buổi chiều trời bắt đầu mưa xối xả, đoạn đường chỗ Tuy Hòa bị ngập nặng, xe nối hàng dài đứng đợi, tưởng là phải đợi lâu rồi chứ, nhưng may quá, có các chú công an làm nhiệm vụ, mọi chuyện lại ổn.
Bữa cơm tối cuối cùng (hành khách tự trả tiền), trên xe còn đúng bốn người khách (hai nam, hai nữ), thêm hai bác tài, và ba hành khách đón dọc đường (xe Hoàng Long có quy định là không được đón khách dọc đường, nếu có chuyện đó, hành khách chỉ việc gọi điện đến văn phòng Hoàng Long thì cả xe sẽ được miễn phí vé – Nói vậy chứ ai cũng hiểu, có ai nỡ làm thế đâu!). Bác tài đầu trọc đề nghị bốn khách cũ cùng ăn chung bữa cơm chia tay. Hai bác tài còn mang cả canh rượu còn khoảng một lít ra lai rai nữa chứ. Tôi với cô bé đi cùng lo ăn nhanh rồi ra trước quán ngồi chờ bốn người kia nhậu. Vậy mà sau đó hai bác vẫn tỉnh táo thay nhau lái xe và đến nơi an toàn. Mạng tôi quả là còn lớn lắm!
3g sáng ngày 5/10/2011 tôi đặt chân an toàn xuống bến xe Miền Đông. Vậy là từ Luang Prabang, tôi đã mất khoảng 58 tiếng để về đến TP. Hồ Chí Minh, hành trình dài nhất từ trước đến nay trong đời tôi mà không làm tôi bị say xe. Tự nhiên thấy tự hào về bản thân mình quá!
À, bác tài đầu trọc bảo tôi thuê phòng trọ chung với cô bé đi cùng kia (quê Hậu Giang, lên Thái Nguyên thăm chị gái sinh con), chờ trời sáng rồi về, nhưng tôi bảo nhà trọ tôi gần đây nên muốn về luôn. Bác tài bảo, làm như có ai ăn thịt vậy. Ha ha, ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra?
Vậy là tôi đón xe ôm về thẳng nhà trọ, kết thúc hành trình đến với đất nước Triệu Voi.
(Còn tiếp)
Chú thích: Những chữ in nghiêng nằm trong ngoặc kép được trích dẫn nguồn từ Internet.