DU KÝ · Du Ký Lào

Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (5)


“Điếc không sợ súng”

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (4)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (3)

Tôi chụp một tấm ảnh siêu thị miễn thuế, một tấm nguyên khu nhà làm việc của hải quan cửa khẩu, và đứng ngay giữa cửa khẩu chụp thêm một tấm cổng cửa khẩu (trước đó, khi xuống xe tôi có chụp xa rồi). Có lẽ hành động “tự nhiên như người Hà Nội” của tôi đã lọt vào mắt bốn anh hải quan canh cổng. Và các anh muốn dọa tôi chăng?

Khi tôi tiến lại gần cổng để đi qua phía Lào thì một trong bốn anh tiến tới, ngoắc tôi vào, rất tự nhiên lôi máy ảnh đang đeo trên cổ tôi ra. Tôi hơi hoảng, nhưng cũng nghĩ, mình có làm sai gì đâu? Tôi chủ động hỏi trước.

– Có gì hả anh?

– Có biết quy định cấm chụp ảnh ở đây không? – Anh ta cất giọng.

– Không, em không biết.

Tôi biết các cửa khẩu chỉ cấm chụp hình nơi làm việc và trong khu làm thủ tục xuất nhập cảnh thôi. Đằng này tôi chỉ chụp ảnh bên ngoài cửa khẩu, và hẳn là khách nào lần đầu tiên đứng trước một cái cửa khẩu nào đó cũng đều có chung tâm lý muốn ghi lại hình ảnh đó làm kỷ niệm. Tôi chắc là mình không làm gì sai.

Lúc đó có một bạn nam chung xe đi tới, cũng dừng lại chụp ảnh, rồi thấy tôi đứng đó, máy ảnh bị anh kia giữa, bạn ấy chìa hộ chiếu có đóng dấu cho anh ta, và hỏi tôi phải đưa máy ảnh cho anh ấy nữa hả. Tôi lắc đầu nói không biết.

Anh chàng hải quan xem hộ chiếu bạn nam kia, rồi quay sang hỏi tôi có cái này không (hộ chiếu). Tôi lục túi lấy hộ chiếu đưa anh ta. Anh ta trả hộ chiếu cho bạn nam kia, cho đi, rồi cầm hộ chiếu lẫn máy ảnh của tôi sang đưa cho ba anh hải quan còn lại. Anh ta không nói câu nào mà thản nhiên bỏ tôi đứng đó, qua xem hộ chiếu các khách khác.

Tôi không nghĩ mình lại gặp rắc rối với vấn đề nhỏ như thế, trong lòng chỉ lo ở đây quá lâu xe sẽ bỏ tôi mà đi mất. Nghĩ thế, tôi tiến lại chỗ ba anh hải quan kia. Một anh hỏi tôi sang Lào chơi à, tôi gật đầu. Tôi hỏi vụ máy ảnh, anh ta bảo sẽ lập biên bản tịch thu. Tôi xuống nước, dù biết là mình không làm sai, nói không biết quy định đó, rồi đề nghị anh ta chỉ cần xóa hết ảnh thôi. Anh ta ngắm nghía cái máy ảnh yêu dấu của tôi, rồi tôi nhận ra anh ta đang muốn mở nó lên, nhưng không biết mở chỗ nào, tôi bèn bấm nút mở, cho anh ta xem bốn tấm ảnh đầu tiên đó (may mà chưa đi loanh quanh, chụp lung tung). Anh ta xem, rồi nhận xét: cũng chưa có gì nghiêm trọng, rồi cho tôi đi. Sao đổi thái độ nhanh thế nhỉ?

Tôi đi thẳng một hơi, lần này không dám nấn ná ở đâu đó chụp ảnh nữa, càng không dám chụp cái cửa khẩu phía Lào như thế nào, rắc rối thế đủ rồi. Trên đường đi bộ sang phía Lào có nhiều người dân Việt Nam làm dịch vụ đổi tiền. Tỉ giá lúc đó là 1 kip Lào tương đương 2,6 Việt Nam đồng. Thật kỳ lạ, kinh tế Việt Nam khá hơn kinh tế Lào và Campuchia rất nhiều, nhưng mệnh giá tiền đồng lại thấp hơn.

À quên nói, cái tỉ giá này làm tôi choáng váng, vì quên mất thông tin về tỉ giá mà tôi có được trước chuyến đi là từ nhiều năm về trước (1 kip = 1,6 VND), và tôi lại không nghĩ ra là nó tăng nhanh đến thế. Đúng là đồng tiền Việt Nam ngày càng mất giá! Thêm nữa, tôi cứ ỷ y vào thông tin trên Internet và Lonely Planet, rằng ở Lào dùng cả tiền USD, VND lẫn kip Lào và bath Thái, nên không thèm đổi sang tiền Lào. Tôi chỉ mang theo USD và VND thôi (sau này mới biết là những trao đổi thông thường chỉ chấp nhận tiền kip). Vả lại, những dịch vụ trao đổi theo kiểu chợ đen tại cửa khẩu thường có tính chất gian trá, những ai chưa có kinh nghiệm dễ bị hớ lắm. Sau này tôi mới biết bên cửa khẩu phía Lào có một ngân hàng, bạn có thể vào đó đổi tiền.

Đi ngang qua phía mấy cổng cửa khẩu Lào, thấy mấy anh hải quan Lào nhìn nhìn, mà không thấy đòi xem hộ chiếu, tôi đi luôn. Đứng lại mất công lại bị giữ lại, lỡ đâu lần này là vì cái quần đùi mà tôi đang mặc thì sao (từ quần dài cắt ngang, không thèm may lại mà để te tua như thế, tại tôi nghĩ đi xe giữa trời mưa gió thì ăn vận đẹp đẽ lịch sự làm gì, vả lại đi trên xe xa lạ, gặp những người xa lạ, đến một nơi xa lạ thì cũng nên trang bị cho mình một hình ảnh hơi lập dị và khó gần tí).

10.000 Kip để làm thủ tục nhập cảnh vào Lào, không có tiền Kip nên tôi đưa luôn 2 USD (xót lắm kia!). Ngay phía bên kia là tỉnh Savanakhet, vì chỗ đó là biên giới nên sóng Mobifone Việt Nam vẫn còn dùng được, tôi gọi điện thông báo cho gia đình biết là mình đã sang phía Lào. Tại đây cũng có nhiều người Việt Nam bán sim Lào. Lần này đi chẳng quen ai nên tôi không có nhu cầu mua sim để liên lạc.

Nói thêm là một sim Lào có giá 10.000 Kip (hoặc 30.000 VND), và bạn phải mua thêm thẻ để nạp tiền. Ở Lào hiện có 3 mạng điện thoại là Tigo (đầu số 7), Unitel (với 40% cổ phần Viettel Việt Nam – đầu số 9), và ETL (đầu số 5). Tất cả các số đi động đều bắt đầu bằng 020 và 021. Nếu từ Việt Nam muốn gọi sang Lào thì bạn bấm số 00 856 (mã điện thoại Lào) 20 (hoặc 21, tùy, bỏ số 0 đi) + số cần gọi.

Từ đây lại bắt đầu chặng đường dài cả nửa ngày (theo đường 9 Nam Lào) để đến được thủ đô Vientiane. Đường Lào cũng như đường Việt Nam, ổ gà ổ trâu và bụi mịt mùng (có lẽ do kỹ sư Việt Nam làm!). Đúng là xứ đồi núi, toàn núi với đồi, sông với suối. Những ngôi nhà sàn kiểu Lào cũng không quá xa lạ đối với tôi, vì hình ảnh đó tôi đã được thấy nhiều trên báo đài, và chúng cũng có nhiều nét tương đồng với nhà sàn của người Ê Đê, Gia Ray Tây Nguyên kết hợp với nhà sàn của người Tày, Nùng ở Hòa Bình.

Xe dừng ăn tối ở quán cơm – phở Hà Phú, địa phận Phà Lan. Đó là một quán lụp xụp dựng bằng tre nứa đúng kiểu Lào, sau này mới đọc được thông tin là quán của gia đình o Hà (gốc Quảng Trị qua Lào sau giải phóng). Có thể nói tôi thích nhất ở xe Yến Hải này mỗi cái là bữa ăn cho khách rất ngon và phong phú. Mỗi bàn ăn chừng 8 người, bữa ăn nào cũng có đủ 7 – 8 món. Có lẽ quán của người Việt nên các món đều mang hương vị Việt, với gà luộc chấm muối tiêu chanh, măng xào, ếch xào…

Một bạn nam gắp cho tôi và một cô bé ngồi cùng bàn (sau này mới biết người Lào, học ở Việt Nam – trường Đại học Vinh có nhiều người Lào theo học) đùi gà, nhưng tôi không thích nên đã nhờ chú bên cạnh ăn giúp. Tôi không ngờ bạn nam và chú kia chính là hai người tôi nhập hội cùng khi sang đến Vientiane sau này. Bạn nam ấy cũng là người đóng vai trò hướng dẫn viên (tình nguyện và miễn phí), giúp tôi hiểu hơn về đời sống người Việt tại Lào, cũng như về người Lào, nước Lào trong thời gian tôi ở Vientiane.

Khoảng 4g 30 sáng, xe tới Vientiane. Theo Lonely Planet, Vientiane có ba bến xe cả thảy: bến xe lớn phía Nam (Northern bus station) có các xe đi Vang Vieng, Luang Prabang, Xieng Khouang, Udomxai và cả Hà Nội; bến xe nhỏ Talat Sao (Talat Sao bus station) kế bên chợ Talaat Kudin (được biết là chợ lớn nhất Vientiane) gồm các xe đi trong nội thành và sang cửa khẩu để đến tỉnh Nong Khai (Bắc Thái Lan), ở đây cũng có xe đi Pakse và Savanakhet; bến xe mà xe chúng tôi đi vào là bến xe Si Muang (Si Muang bus station), bến này khá lớn, gồm các xe đi Pakse và Savanakhet, có lẽ là về Việt Nam nữa, vì xe Yến Hải đỗ tại đây kia mà!

5g sáng tại bến xe Si Muang, Vientiane.

Trước đó tôi đã hỏi anh chàng lơ xe là mấy giờ xe quay về Việt Nam. Anh bảo là 6g 30. Tôi dự định sẽ ở lại trên xe chờ trời sáng rồi đón xe đi tìm nhà nghỉ. Nhưng khi xe dừng, thấy ai cũng lục tục đi xuống, tôi cũng xuống theo, định sẽ hỏi ai đó về việc tìm nhà nghỉ. Lần đi này tôi không hề đặt trước cái nhà nghỉ nào, dù tôi đã cố lên mạng tìm thông tin các nhà nghỉ để đặt trước nhưng bó tay vì chẳng tìm ra email của những nhà nghỉ được giới thiệu trong cuốn Lonely Planet. Mà đặt qua các trang đặt phòng thì cũng hơi rắc rối ở chỗ thanh toán. Vậy là tôi nghĩ lần này thử đóng vai “ta ba lô”, cứ đi, rồi đến đâu tự tìm nhà nghỉ đến đó thử xem sao.

Khi tôi lần tìm ba lô thì bạn nam gắp thức ăn cho tôi lúc tối cũng đang ở gần đó nói:

– Người nhỏ mà ba lô to thế?

Nghe giọng Quảng Nam, không hiểu sao tôi lại cười và phân trần:

– Đang chưa biết đi đâu về đâu nữa!

Rồi tôi xách ba lô đi xuống. Tôi định đến hàng ghế bên trong bến xe ngồi thì gặp một chú lái xe minivan (loại xe trung chuyển 12-16 chỗ) nói tiếng Việt rất rành (không biết có phải người Việt hay không) hỏi tôi đi đâu. Tôi cũng thành thật là đang định tìm nhà nghỉ. Chú bảo lên xe chú chở đi. Tôi hỏi lại chỗ đó là nhà nghỉ của người Việt à, chú gật đầu. Vì tôi thấy vài người khách đi cùng xe với tôi cũng đã ngồi trên xe của chú nên tôi cũng yên tâm, sẵn đang không biết đi đâu, tôi theo chú lên xe.

Chú bảo đợi chú một lúc, chú bắt thêm vài người khách nữa. Đang ngồi đợi thì bạn nam Quảng Nam lúc nãy tiến lại gần nói một tràng mà tôi nghe tiếng được tiếng mất. Đại loại bạn ấy bảo tôi đi cùng với bạn, đợi có người đến đón. Lúc đầu tôi từ chối, nói là đã lỡ đồng ý với chú này rồi. Nhưng không hiểu sao tôi lại đổi ý. Có lẽ vì tôi đoán là bạn này làm ở Lào lâu rồi nên sẽ biết rành, và dù gì cũng có sự tiếp xúc với tôi nãy giờ hơn là vài người khách xa lạ đang ngồi chờ minivan cùng tôi kia. Hơn nữa nhìn mặt bạn ấy không giống người xấu, và khi ở trong tình huống chưa biết làm thế nào mà có ai đó đề nghị giúp đỡ, ta cũng nên tin vào trực giác của mình.

Vậy là tôi xuống xe đi theo một người lạ, giữa trời Vientiane vẫn còn sẫm tối…

(Còn tiếp)

Tái bút:

5 phần đầu không có nhiều ảnh, vì xe khá chật chội nên ngồi dậy cũng đã đụng trần rồi, đừng nói chi tới chuyện chụp ảnh qua cửa kính xe. Mà sau vụ hải quan giữ máy ảnh tôi càng lười chụp nữa. Hẹn những phần sau sẽ cho bạn xem ảnh bù!

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (6)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s