Những khoảnh khắc Vientiane
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (5)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (4)
Sau khi viết một loạt phần mở đầu tôi đã bị tình trạng mất cảm xúc. Mà đối với việc viết, cảm xúc đóng vai trò quan trọng, nhất là viết theo kiểu nhật ký tự do như thế này. Nhiều khi cảm xúc làm ảnh hưởng phần lớn đến việc phản ánh vấn đề theo cách như thế nào. Vui thì phản ánh vui, mà buồn lại tạo ra câu chữ buồn. Do đó, tôi phải đợi đến khi cảm xúc hào hứng quay lại mới viết tiếp được, vì tôi không muốn câu chuyện của mình đi theo cách nào đó nhạt nhẽo…
Cái sự mất cảm xúc, tôi nghĩ một phần quan trọng là vì những sự kiện trong hai ngày ở Vientiane đã không đi đúng theo kế hoạch của tôi, vì tự dưng có một người lạ giúp đỡ, lo lắng cho mình, khiến nó không giống như chuyến du lịch bụi. Hơn nữa, những gì tôi thấy và biết đầu tiên về Lào, về người Lào, về người Việt tại Lào đã khiến tôi thất vọng. Và giờ đây, những gì đã trải qua trong hai ngày đó khiến tôi chần chừ không biết phải viết như thế nào, viết một phần sự thật hay toàn bộ sự thật. Nhưng rồi tôi quyết định mình sẽ tôn trọng sự thật…
Tôi đi theo bạn nam vào trong dãy ghế chờ. Tờ mờ sáng nhưng trong bến cũng khá rôm rả, với nhiều hành khách đang chờ xe. Vào bên trong thì tôi thấy chú Cường (sau này mới biết tên, người mà tôi nhờ ăn miếng gà lúc tối) đã đứng đó chờ sẵn. Thấy Th. (tên bạn nam, bằng tuổi tôi, không cho tôi tiết lộ danh tính lẫn hình ảnh) và chú có vẻ thân thiết và lo lắng cho nhau, tôi cứ tưởng hai người có họ hàng gì với nhau, nhưng sau này mới biết là chú cũng như tôi, đều gặp Th. trên xe, đều được Th., quan tâm và nhiệt tình giúp đỡ (người Quảng Nam hiếu khách, hay do Th. tốt bụng, tận tâm nhỉ?).
Có lẽ Th. gọi điện nhờ người quen đến đón, nhưng chưa gọi được, nên bạn ấy bắt tuk tuk (ở Lào cũng có tuk tuk như Campuchia và Thái Lan, cũng được người dân gọi là tuk tuk, và còn có một cái tên khác mà mình quên mất), đi chung với ba người khách khác. Th. bảo về chỗ bạn ấy trước, chờ trời sáng.
Th. đó, không cho mình chụp ảnh thì đành chụp lén vậy. Không cho mình công bố, thì công bố ảnh chụp từ đằng sau vậy!
Đến đây có lẽ các bạn lo lắng thắc mắc tại sao tôi lại có thể đồng ý đi chung với hai người nam xa lạ mới quen dễ dàng như thế. Biết đâu chiếc tuk tuk có năm người khách kia (toàn nam: hai Việt Nam, một Tây, và có lẽ là hai Lào, thêm bác tài nữa là ba Lào, có mỗi mình tôi là nữ) không đưa tôi đến nơi cần đến, mà đi đâu đó thì sao? Ai biết được… Nhưng như tôi đã nói rồi đó, khi đang chưa biết dự tính như thế nào mà gặp được cái gì có thể định hướng cho mình thì cứ theo đó mà làm. Trong nhiều trường hợp ta nên tin vào trực giác của chính ta. Hơn nữa tôi cũng tin vào khả năng đối phó tình thế của mình. Tôi muốn được trải nghiệm, được tìm hiểu, được học hỏi, được thử thách. Và rõ ràng là không có bài học nào tốt hơn kinh nghiệm thực tế của chính bản thân mình cả!
Trên xe Th. hỏi tôi một số thông tin, về tên, quê quán, sang Lào mục đích gì, và có biết tiếng Lào hay không. Tôi thành thật trả lời tất cả, và thấy buồn cười với câu hỏi về tiếng Lào. Khi tôi đăng loạt ký sự này lên một số diễn đàn, có một số bạn cũng hỏi tôi câu đó. Tôi xin được phép trả lời, là ngoài từ Sabaidee (Xin chào) và Khop jai (Cảm ơn) thì tôi không hề biết từ Lào nào nữa hết. Tôi muốn hỏi lại những người đã hỏi tôi, là nếu sau này tôi có “mò” sang nơi nào xa xôi, như Ả Rập Xê Út, hay Lybia chẳng hạn, thì tôi phải biết tiếng của các nước đó hay sao? Tôi chỉ đi du lịch một thời gian ngắn, đâu phải đi qua đó học, làm việc, lập gia đình hay định cư mà phải biết tiếng của nước đó? Thiết nghĩ, chỉ với suy nghĩ đó cũng đã là một lý do ngăn cản việc đi của bạn rồi!
Th. đã rất ngạc nhiên với những thông tin về tôi: con gái, đi du lịch một mình sang Lào, mà không biết tiếng Lào.
Nơi đến là đường Naxay. Th. trả tiền tuk tuk, tôi không tiện hỏi là bao nhiêu. Th. bảo ở Vientiane có rất nhiều người Việt sinh sống, nhưng riêng con đường này tập trung đông đúc người Việt hơn cả, và đại sứ quán Việt Nam tại Lào cũng nằm trên con đường này. Đường Naxay không dài lắm, đường tốt, sạch sẽ (có lẽ do ở thủ đô), ít người và xe qua lại.
Quán cơm Việt Nam: Khánh Phương.
Quán ăn Sài Gòn tại Vientiane.
Thức ăn gì đó trông như lạp xưởng…
Công ty viễn thông Unitel cũng nằm trên con đường này.
Th. sống với một anh người Lào (tên L. – Nghe Th. gọi thế, không biết viết ra có đúng không – Có cha mẹ là Việt kiều Thái, nhưng đã chuyển sang Lào từ nhiều năm) cùng hợp tác làm ăn trong ngành xây dựng. Chỗ đó như một căn nhà nguyên căn nhỏ xíu, xây trong sân sau của một gia đình người Lào (đa số những hàng quán Việt trên con đường này đều thuê hoặc mua lại từ người Lào, nên kiến trúc toàn kiểu Lào), gồm một phòng khách phía trước, một phòng nhỏ (nơi nghỉ ngơi của vợ chồng anh L. và hai đứa con trai sinh đôi) và bếp, nhà vệ sinh ở phía sau. Th. vào gọi cửa, thì ra anh L. ngủ say nên không nghe điện thoại để đến đón Th. được.
Chúng tôi để nhờ hành lý và đi ăn sáng với món bánh cuốn Việt Nam cũng khá ngon, sau đó vào một quán ăn khác uống cà phê. Tất cả đều nằm trên đường Naxay. Sau đó tôi nhờ nhà vệ sinh chỗ Th. để thay quần áo, rồi bắt đầu việc đi chơi. Thật ra tôi muốn Th. chỉ chỗ thuê nhà nghỉ cho tôi sắp xếp hành lý lại gọn gàng rồi mới an tâm khám phá Vientiane được, nhưng Th. bảo cứ để hành lý ở chỗ Th. rồi tối về thuê phòng ở gần đấy, sẽ rẻ hơn là thuê từ lúc sáng.
Chuyện này có lẽ Th. đã nhầm, vì tôi làm trong ngành khách sạn, tôi biết thông thường quy định nhận phòng là từ 14g, nhưng nhiều nơi, mùa vắng khách, hoặc khách sạn nhỏ, đều du di cho nhận phòng từ sau 7-8g sáng cho tới 12g của ngày hôm sau mà vẫn chỉ tính tiền một đêm (khách sạn tính đêm, hoặc giờ, chứ không tính ngày). Nhưng tôi cũng làm theo ý Th. Dù sao cũng nên tôn trọng sự chỉ dẫn của người đang giúp mình.
Th. nhờ anh L. chở chú Cường ra bến xe, sẵn chở tôi và Th. ra bờ sông Mekong, bắt đầu ngày khám phá Vientiane. Th. bảo hôm nay là ngày Văn xỉn (Th. đọc thế, tôi viết lại như thế), giống như ngày rằm hay mồng một ở Việt Nam vậy. Nhưng ở Lào mỗi tháng có một lần Văn xỉn, mọi người không đi làm, mà nghỉ ở nhà hai ngày liền – trừ những người làm cho các văn phòng nhà nước (làm người Lào thích nhỉ?). Do đó, Th. tình nguyện làm hướng dẫn viên cho tôi.
Nói về chú Cường một chút. Chú này muốn tới tỉnh Udon Thani (Thái Lan) để đến nhà người quen dự đám cưới cháu. Quê chú ở ngoài Bắc, nhưng đã chuyển vào sống ở TP. Hồ Chí Minh từ một năm nay. Chú làm trong quân đội, đã nghỉ hưu, rảnh rỗi nên muốn đi đây đi đó chơi. Lần này chú muốn sang Thái bằng đường bộ, nên từ TP. Hồ Chí Minh chú bắt xe ra Đà Nẵng, rồi từ Đà Nẵng sang Vientiane. Từ Vientiane có xe buýt tới cửa khẩu Vientiane – Nong Khai (cách trung tâm Vientiane chừng 20 km), qua cây cầu Hữu Nghị Thái – Lào (Friendship Bridge, chiếc cầu đầu tiên vượt sông Mekong nối hai bờ Nong Khai – Thái Lan và Tha Na Laeng – Lào, có chiều dài 1,2 km.) để từ đó đi tiếp sang Udon Thani.
Anh L. chở chúng tôi vào bến xe Talat Sao. Mặc dù chú Cường rủ tôi và Th. cùng sang đó một vài hôm cho vui, nhưng cả hai chúng tôi đều từ chối, vì lý do riêng. Th. thì không muốn nhận sự trả ơn của chú, còn tôi thì không có dự tính sẽ sang Thái Lan, dù đây là cung đường mà nhiều bạn phượt bằng đường bộ từ Lào chọn để sang Thái (từ Lào có rất nhiều cửa khẩu sang Thái, cũng giống như từ Việt Nam có nhiều cửa khẩu sang Lào vậy).
Phòng bán vé xe buýt đi Nong Khai, 15.000 kíp/ lượt với các giờ khởi hành như trên.
Chúng tôi chia tay chú Cường, chú hẹn vài hôm nữa sẽ về lại Vientiane. Khi đó, chắc chắn tôi đã rời Vientiane rồi. Anh L. tiếp tục chở tôi và Th. ra bờ sông. Đường phố toàn xe hơi chạy, vì thuế nhập khẩu xe hơi vào Lào (cũng như ở Campuchia) thấp nên giá xe hơi ở đây rẻ, gần như nhà nào cũng có xe hơi. Xe máy ở Lào cũng thông dụng, nhưng không nhiều bằng xe hơi.
Tại các ngã tư, đèn xanh là đèn một hướng và không cho phép hướng đối diện chạy…
Nghe Th. nói những ai đi xe máy rất lo gặp công an giao thông, vì hay bị chặn lại hỏi giấy tờ đủ thứ, rồi kiểu gì cũng phạt tiền (giống Việt Nam ghê). Mà dân Lào nhiều người đi xe máy không có bằng lái xe, hơn nữa cũng có kha khá người không đội mũ bảo hiểm mặc dù có quy định. Dân Việt Nam đi xe máy càng sợ công an hơn, vì dễ bị nhận ra không phải người Lào. Mà đã là người Việt đi xe máy thì chỉ là những người sang làm thuê, làm gì có bằng lái xe tại Lào. Giàu có, định cư luôn ở đây thì người ta đã mua xe hơi chạy!
Đặc biệt tôi để ý thấy dân Lào phóng xe khá nhanh, cả xe máy lẫn ô tô. Mà họ lại ít dùng còi xe. Ở những đường phố lớn xe qua lại nhiều nhưng vẫn rất im ắng. Th. nói chỉ có người Việt ở Lào mới bóp còi thôi (Đó cũng là một cách nhận biết người Việt ở Lào). Vì vậy khi bạn đi bộ trên các đường phố Lào nhớ đi trên vỉa hè, và khi sang đường nhớ nhìn đường thật cẩn thận thì mới bảo đảm an toàn.
Tôi lại để ý Vientiane tuy là thủ đô nhưng rất ít sử dụng tiếng Anh. Biển ghi tên đường đa số bằng tiếng Lào. Mà chữ Lào ngoằn nghoèo như giun dế bò, khách nước ngoài có đi du lịch bụi một mình, muốn tìm con đường nào đó chắc khóc không ra tiếng. Trên danh thiếp khách sạn, tên đường cũng toàn ghi bằng tiếng Lào như thế thì đúng là bó tay thật. Người Lào lại không nói được tiếng Anh, mặc dù (sau này đến Luang Prabang tôi mới biết) ở trường học sinh, sinh viên vẫn được học tiếng Anh với các giáo viên người Lào, nhưng cũng giống Việt Nam, các bạn có tâm lý ngại nói, còn làm việc thì chưa tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, nên những người nói được tiếng Anh ở Lào rất ít. Đó có thể là những người làm việc với người nước ngoài, hoặc có thể làm trong ngành dịch vụ du lịch khách sạn. Nhưng đa số đều không giỏi, chỉ nói theo kiểu tiếng Anh bồi.
So với Campuchia, Lào thua xa về khoản ngoại ngữ. Vì chữ Campuchia cũng giống giun dế bò, nhưng trên đường phố tràn ngập bảng hiệu bằng song ngữ Campuchia – Anh, tên đường bằng chữ Latinh, và đa số dân Campuchia đều có thể nói tiếng Anh, nói hay là đằng khác. Còn ở Việt Nam, lợi thế chữ viết bắt nguồn từ chữ Latinh nên cũng đơn giản cho khách nước ngoài khám phá, chỉ có điều nhiều người Việt cũng không nói được tiếng Anh, dù đã được học, cũng chỉ vì tâm lý ngại nói, sợ sai và xấu hổ.
Một tấm biển quảng cáo du lịch, nhưng lại ghi toàn chữ Lào?!?
Tới bờ sông, anh L. về, không quên chúc chúng tôi chơi vui. Con sông Mekong, bờ bên này là Lào, bờ bên kia là Thái Lan không hiểu có phải vì hôm đó trời râm mát mà nước sông đục ngàu, đỏ quạch thế không? Một khuôn viên rộng lớn như thế nhưng rất vắng người qua lại, mặc dù hôm đó là ngày nghỉ. Sau này tôi mới biết thêm rằng người Lào ít có thói quen đi ra đường chơi. Ngày nghỉ họ chỉ ở nhà ăn nhậu, nhảy múa, tiệc tùng (người Lào uống rất nhiều, bất kể phụ nữ), nhiều khi thâu đêm suốt sáng. Thật lạ, một đất nước đã ít dân số (gần 6 triệu rưỡi người theo số liệu năm 2009) với tổng diện tích 236.800 km2 mà không chịu đi ra đường nên đường phố luôn vắng hoe.
Th. bảo không hiểu sao hôm nay trời lại đẹp như thế, không mưa, cũng không nắng gắt, chứ mọi hôm, trời nắng nóng lắm. Trời không phụ lòng người khách phương xa là tôi chăng?
Tượng đài vua Chao Anouvong (hay Xaiya Setthathirath V) bên bờ sông Mê Kông
Từ bờ sông chúng tôi đi bộ lòng vòng xung quanh. Đối diện bờ sông rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng dành cho khách du lịch, giống như khu phố Tây ở TP. Hồ Chí Minh vậy. Trước khi đi tôi cũng dự định khi tới sẽ tìm nhà nghỉ tại đây, hoặc tìm phòng ở khu nhà nghỉ của người Việt.
Một khách sạn xây theo kiến trúc Lào rất đẹp…
Th. nói ở Lào gỗ rẻ, nên rất nhiều thứ được làm bằng gỗ. Nhà xây bằng gỗ, bàn ghế gỗ, hàng rào gỗ… Mà nhiều thứ gỗ, chỉ cần qua đến Việt Nam là trở thành hàng quý hiếm. Thế mới có chuyện người Việt qua đây săn lùng, buôn lậu gỗ rất nhiều.
Ngân hàng Việt Lào
Theo chân Th. vào “cưỡi ngựa xem hoa” ở chợ Sáng (Morning Market), một khu chợ nổi tiếng ở Vientiane. Nói là chợ nhưng lại được xây khá khang trang giống như trung tâm mua sắm ở Việt Nam. Hàng hóa ở đây theo lời Th. là “vàng thau lẫn lộn”. Ngoài những hàng vật trang trí bằng gỗ, tượng Phật, những chiếc váy như xà rông Lào thì tôi thấy hàng hóa còn lại giống như ở các chợ Việt Nam. Ắt hẳn hàng Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam đang bày bán lẫn lộn trong đó.
Lào là đất Phật, ai cũng sùng đạo, sư được tôn kính, trọng vọng. Vì thế không có gì khó hiểu khi chùa có mặt khắp mọi nơi. Tôi thích nhất lối kiến trúc mái cong theo kiểu như thế này.
Chúng tôi ghé thăm chùa Phật Tích. Đây là ngôi chùa được xây dựng từ khoản tiền đóng góp của bà con trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào và các tổ chức khác nhau. Chùa có hai khu đối diện nhau, một cho sư Việt, một cho sư Lào.
Cổng chùa Phật Tích bên khu sư Lào.
Bên trong rất đẹp… Không hiểu cỏ có được chăm sóc hay không mà tôi thấy rất nhiều nơi tại Lào cỏ luôn xanh và mượt như thế này!
Một tháp thờ (stupa), nơi chứa đựng hài cốt của sư.
Th. dẫn tôi vào một khu nhà gần chùa Phật Tích, không biết gọi tên là gì, chỉ biết đó là nơi làm việc của các ban ngành nhà nước Lào. Khu nhà vẫn còn đang xây, nhưng cũng đã được đưa vào sử dụng. Trước đây Th. có làm cho công trình này, nhưng giờ đã rút ra, vì một số lý do riêng. Có lẽ nhờ vậy mà tôi mới được vào đây loanh quanh chụp ảnh, chứ người thường dễ gì…
Mô hình dự án khu Nong Ping, quận Chanthabouly, Vientiane.
Từ trên cao nhìn xuống… Th. cho biết mấy ô cỏ xanh xanh kia “ngốn” chừng 1 tỉ kíp, nếu tôi nhớ không lầm!
Chụp với tượng bán thân thủ tướng Lào – Kaysone Phomvihan – lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ năm 1955 trên cương vị Tổng bí thư (nhờ Th. tôi mới biết, vì tôi không quan tâm đến vấn đề chính trị)
Chúng tôi tiếp tục tham quan Patuxay (Khải Hoàn Môn – cổng chiến thắng), một trong những nơi khách phương xa khi đến thủ đô Vientiane phải tham quan.
Ở Lào đất rộng người thưa, những điểm tham quan như thế này luôn có khuôn viên rộng rãi bao bọc…
Chúng tôi mua vé vào bên trong. Giá vé tham quan là 3.000 kíp/ người.
Trên trần có những họa tiết trang trí rất đẹp…
Patuxay nằm trên đường Lan Xang, đại lộ lớn nhất ở Vientiane. Trong ảnh các bạn có thể thấy khuôn viên phía trước thật rộng và sạch đẹp.
Tòa nhà trắng kia có phải là tòa thị chính?
Trưa Patuxay…
Chiếc cồng có dán cờ các quốc gia trên thế giới từ Seagame 25 năm 2009. Bạn có nhận ra cờ Việt Nam ở đâu không?
Trưa, Th. rủ tôi qua nhà một người Lào ở khu lán trại cho công nhân xây dựng trước đây, nhưng người bạn đó đi vắng. Vậy là chúng tôi đi về nhà ăn cơm trưa.
Trên đường gặp một con kênh, khung cảnh như ở Việt Nam…
(Còn tiếp)
Cô cũng dự tính đi Lào tự túc một chuyến nhưng còn sợ. Cháu giỏi thiệt, cô phục luôn.