That Luang, bia Lào và trai Việt
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (6)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (5)
Thật sự là tôi không muốn quá gắn bó với ai đó, nhất là đang đi du lịch một mình. Tôi muốn được tự mình làm lấy mọi chuyện. Tôi không muốn làm phiền đến ai, càng không muốn mang ơn ai cái gì. Nhưng có vẻ như tôi đang ở tình trạng “lỡ” rồi, đã “đâm lao thì phải theo lao”.
Về nhà, thấy vợ anh L. (bằng tuổi tôi và Th.) đang chơi với hai đứa bé sinh đôi. Có lẽ từ khi sinh xong chị phải ở nhà giữ con suốt như thế. Hai đứa bé trai gần hai tuổi, khá nghịch, nhưng cũng biết nghe lời, nói chung là dễ thương. Chúng tôi chờ một lúc thì anh L. cùng một người bạn (chắc làm chung) mang đồ ăn về. Ngày thường Th. và anh L. đi làm trưa về sẽ đi chợ, nấu cơm. Có lẽ hôm nay Th. đi chơi với tôi nên anh L. phải mua đồ ăn ở ngoài. Thật là ngại khi làm phiền đến người khác như thế.
Đằng sau nhà có một bàn thờ, chắc của gia đình chủ nhà người Lào, tôi đoán là thờ Thổ Công, với lối trang trí giống hệt bàn thờ mà tôi nhìn thấy ở Campuchia.
Ăn cơm xong tôi bảo Th. đưa tôi tìm nhà nghỉ. Vậy là chúng tôi đi bộ một quãng khá xa để đến được nhà nghỉ nơi Th. từng thuê cho nhóm bạn ở TP. Hồ Chí Minh sang. Khách sạn có tên La Ong Dao I, cô chủ người Việt, nằm trên đường gì tôi không rõ (vì chữ Lào như giun dế bò thế kia!). Có số điện thoại đó, bạn nào muốn ở đây thì khi sang đó có thể gọi điện hỏi phòng. Giá 100.000 kíp/ đêm/ phòng đôi/ đơn.
Đó là một khách sạn khá lớn, bên cạnh có nhà hàng, đằng sau là khu massage. Trên tủ quần áo trong phòng cũng dán tờ giấy ghi số điện thoại massage. Tôi còn thấy những cô gái hành nghề massage (Th. nói họ là người Việt) ở trong khách sạn luôn, chắc chủ khách sạn bao ăn ở.
Phòng bao gồm hai chai nước miễn phí, chỉ có xà phòng tắm, khăn tắm mà không có kem đánh răng, bàn chải hay dầu gội. Do đó khi có ý định “đi bụi” sang Lào bạn nhớ chuẩn bị những thứ nhỏ nhặt nhưng quan trọng này.
Nói chung tôi không có ấn tượng tốt đẹp với khách sạn này, vì thấy kiểu cách theo kiểu Trung Hoa của nó y chang mấy khách sạn nhỏ bên khu chợ Bến Thành ở Sài Gòn, cứ nhàn nhạt, tôi tối thế nào, lại còn thêm vụ massage nữa! Vì Th. nói ở Vientiane không có khách sạn rẻ, càng không có loại phòng nhiều giường (dorm) nên tôi để cho bạn ấy tìm phòng cho mình. Nhưng tôi nghĩ, sách Lonely Planet có giới thiệu một số nhà nghỉ giá từ 60.000 kíp, và có cả dorm nữa, thì hẳn là không sai đâu. Nếu không gặp Th., thể nào tôi cũng theo giới thiệu đó mà tìm đến. Đấy, đấy là một ví dụ điển hình cho việc tôi thích đi một mình, muốn làm gì làm, muốn quyết sao quyết, chả ảnh hưởng tới ai, cũng chả ai ảnh hưởng tới mình.
Tôi chỉ hài lòng ở khách sạn này mỗi cái quang cảnh nhìn xuống từ ban công.
Buổi chiều, chúng tôi bắt tuk tuk đến chùa vàng Phra Thatluang (tôi thấy một biển hiệu Lào ghi như thế, nhưng trên Internet và cả Lonely Planet ghi là Pha That Luang, thiết nghĩ chỉ là phiên âm từ chữ Lào cho mọi người dễ đọc thôi, nên không cần quan tâm đến việc viết sao cho đúng, ở đây tôi dùng cả hai cách). Nói thêm về tuk tuk ở Lào, nó không giống tuk tuk ở Campuchia (xin lỗi các bạn là mình chỉ mới đi được hai nước, lại có sở thích quan sát và bình luận, nên hay có phép so sánh với nhau). Tuk tuk ở Campuchia như chiếc xe máy có gắn thêm thùng xe chở khách phía sau. Còn tuk tuk tại Lào lớn hơn, trông như chiếc xe lam ở Việt Nam, khác chăng là được sơn phết tô vẽ lên đó đủ màu sắc (mình thắc mắc tí là Việt Nam gần bên Lào, Thái Lan và Campuchia như thế nhưng văn hóa rõ là khác, ít nhất ở chỗ không màu mè như ba quốc gia kia).
Các anh lái xe tuk tuk tại Vientiane đúng là điển hình cho kiểu “sống chậm” của dân Lào. Thấy khách đi bộ mà không hỏi han, lôi kéo, dụ dỗ… Toàn chờ mình đứng lại hỏi đi bao nhiêu, trả được giá thì các anh đồng ý, không thì thôi, chẳng có kèo nài, chẳng có chạy theo năn nỉ. Như vậy, xét về mặt kinh tế thì du lịch Lào chưa phát triển, nhưng nếu xét về mặt xã hội thì ta có thể cảm thông đó đã là phong cách, là suy nghĩ đi sâu vào cuộc sống, trở thành văn hóa của người dân rồi. Họ thấy như vậy là bình thường, họ muốn sống như thế, và thấy ổn khi sống như thế. Nói Lào là nước chậm phát triển, nghèo nàn, lạc hậu, nhưng nhìn mặt những anh lái tuk tuk, những người bán trái cây, bán hàng ngoài chợ, thấy vẻ bình thản của họ, sự “bất cần” khách của họ, tôi đã nghĩ, đó cũng là một cách phản ứng với cuộc sống cần được học hỏi. Cuộc sống có như thế nào, có nghèo khổ, hay giàu sang, thì cũng chẳng làm ảnh hưởng tới ta, miễn ta sống bình yên, thoải mái là được.
Phra Thatluang sau cơn mưa nhỏ đầu giờ chiều, cảnh vật vắng lặng, dù là trong ngày Văn xỉn.
Tôi thắc mắc là tại sao ở đây cũng trồng được cả thốt nốt, nhưng sau này mới biết là cây thốt nốt được trồng rộng rãi ở các quốc gia nhiệt đới…
Người phụ nữ bán chim phóng sanh, giống như ở Việt Nam.
Hoa cúng ở đây được gói gọn bằng lá dừa, có hình dạng giống mái nhọn của chùa, tháp, trên có gắn hoa vạn thọ.
Toàn bộ khu Phra Thatluang rất rộng, gồm tháp thờ và nhiều khu chùa với kích thước lớn nhỏ khác nhau.
Kiến trúc thật đẹp!
Một khu chùa…
Chúng tôi vào tham quan bên trong để nhìn thấy ngọn tháp thờ rõ hơn. Giá vé tham quan là 3.000 kíp/ người.
“That Luang có nghĩa là thạt lớn trong tiếng Lào…”
That cũng đồng nghĩa với stupa trong tiếng Anh, có nghĩa là tháp thờ…
“Theo truyền thuyết, trong tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu”. Tháp được mạ vàng bên ngoài, nhưng đó là ngày xưa. Bây giờ có lẽ chỉ còn vài chỗ còn giữ được lớp mạ vàng…
Hành lang xung quanh tháp thờ dài hun hút, nơi chứa những tượng Phật…
Nhiều tượng không có đầu, có lẽ chúng đã bị thất lạc hay đánh cắp…
Tháp vàng hiện lên thật đẹp trên nền cỏ xanh. Nơi này rất khang trang, sạch sẽ…
Khi đang đi lòng vòng quanh ngọn tháp thờ này, thấy ở một khu có khói đen bốc lên, Th. bảo người ta đang đốt xác. Tôi đùa là sao không ngửi thấy mùi thịt nướng (tội lỗi, tội lỗi!!!)!
Những trang trí màu mè như thế này là điểm khác biệt so với văn hóa Việt Nam.
Tôi không hiểu người ta rắc hoa và cơm vào miệng tượng những con lân sư, rồng thế này để làm gì nữa…
Một tượng Phật nằm rất lớn, còn đang xây dang dở…
Giờ mới nhìn thấy voi, nhưng là phù điêu voi…
Bảng cấm hút thuốc trong đền…
Phía trước khu Phra Thatluang này khá rộng. Kế bên là một tòa nhà gì đó, đối diện lại là một tòa nhà trắng hoành tráng khác. Th. bảo tuy làm ở Vientiane đã 3 năm, nhưng có nhiều điều Th. cũng chưa biết, chưa gặp, và cũng chưa hiểu.
Điều này cũng không khó đoán, vì sau giờ làm Th. chỉ ra trước nhà trọ hút thuốc, tám chuyện, rồi đi ngủ sớm. Th. bảo đã đi làm xa thì phải chú tâm làm để đạt được mục đích. Mà thật sự phải như thế, trong cuộc sống có ai muốn tất cả đều đạt được đâu, chuyện gì cũng có hai mặt, được cái này thì mất cái kia. Huống hồ phải đi làm việc ở quốc gia khác thì đã là một điều vất vả rồi!
Lúc đó đã xế chiều, tôi bảo không muốn đi nữa, rồi tôi và Th. ngồi bên vỉa hè của khu đất rộng trước That Luang, nhìn người qua lại. Có rất nhiều người ra đó tập thể dục, già có, trẻ có. Nhiều người đi bộ, nhiều thanh niên thì đá bóng, trẻ con thì đi xe đạp… Tự nhiên tôi nghĩ người Lào cũng chăm chỉ luyện tập thể thao đấy chứ, nhưng sao kết quả thi đấu thể thao của họ không được tốt. Do chưa được nhà nước đầu tư chăng?
Gần một ngày trời ở Vientiane, tôi thích nhất hai điều. Một là khi tham quan Phra Thatluang, được nhìn thấy ngọn tháp thờ màu vàng hoành tráng đó, tự nhiên cảm thấy mãn nguyện. Hai là lúc này đây, giữa khu đất thật rộng, giữa những người Lào… Cái không khí khiến tôi cảm thấy thoải mái, và muốn được yên lặng suy nghĩ những điều đã qua…
Và một điều thứ ba nữa, là bữa ăn tối hôm đó ngoài chợ đêm gần Phra Thatluang.
Th. muốn tôi xem chợ đêm, muốn tôi được thưởng thức thức ăn Lào, vì lúc trưa tôi nói muốn được ăn thử thức ăn Lào, nhưng lúc trưa ăn cơm ở nhà Th., với những món ăn Việt Nam (hoặc đã bị lai Việt Nam).
Khu ăn uống này chỉ có một đoạn ngắn. Cách dàn trải cũng như chợ ăn đêm Bến Thành, Kỳ Hòa (trước đây) ở TP. Hồ Chí Minh, hay chợ ăn đêm Biên Hòa (Đồng Nai) mà tôi đã từng đến.
Có lẽ là ngày Văn xỉn, nhiều nhà không nấu ăn nên có rất nhiều người Lào đến đây mua thức ăn. Tôi cũng thấy nhiều khách nước ngoài đến thưởng thức ẩm thực Lào.
Bán cả trứng vịt lộn…
Th. mua một bịch cơm nếp. Người Lào toàn ăn cơm nếp…
Món này giống gỏi cuốn Việt Nam. Chén nước chấm có màu đỏ tươi của ớt, nhưng không hề cay.
Th. bảo tôi thử món “tằm” (sau này tra trên Internet thấy có một bài blog về nó, gọi là “tầm sụm”). Món này gồm đu đủ xanh bào sợi, cà chua, chanh, ớt và mắm (loại mắm giống mắm còn nguyên con ở Việt Nam mà Bình Định hay gọi là mắm cái, còn ở miền Tây có loại mắm cá linh, cá sặc). Tất cả bỏ vào cối giã, rồi người bán múc một ít đưa cho khách thử, khách gật đầu đồng ý rồi người bán múc ra đĩa, rắc đậu phộng nguyên hạt lên. Món được dọn kèm với bắp cải. Khi ăn thì lấy một lá bắp cải cuốn với hỗn hợp kia rồi ăn thôi. Lạ miệng và khá ngon. Cũng rất là cay. Về cái sự cay này, Th. kể có lần bạn ấy gọi món này, người bán hỏi bao nhiêu tuổi, bạn ấy bảo 27. Vậy là người bán cho 27 trái ớt vào. Nghe mà không biết có nên tin là thật hay không. Nhưng nói chung người Lào ăn rất cay.
Tôi bảo phải thử bia Lào mới được. Đến một nơi nào đó, ngoài việc tham quan những địa danh đặc trưng, việc thưởng thức những món ăn và thức uống tại nơi đó cũng là việc không thể bỏ qua. Bia Lào khá ngon, nhưng hơi nặng (tại khả năng uống kém của tôi chăng?), cảm nhận có mùi vị gần giống với bia 333 của Việt Nam, nên tôi chỉ uống một ly thôi. Tôi luôn biết tự lượng sức mình, và chưa bao giờ để mình uống say, hơn nữa, đang ở nơi đất khách quê người, một thân một mình, thì càng phải cẩn trọng hơn.
Nhấp một ngụm bia Lào, nhìn cảnh sinh hoạt mua bán của người dân, tự nhiên thấy đời thật đẹp và bình dị!
Đang ăn thì nhìn ra đối diện thấy bé này. Chắc là người Lào đã hoặc đang du học tại Việt Nam.
Th. gọi điện cho hai đồng nghiệp người Việt cùng đến. Lúc đó tôi cũng đã no rồi, nên ngồi nghe ba người con trai Việt tám chuyện giữa chợ Lào, một lát thì Th. đưa tôi về. Th. bảo sẽ chờ anh L., nếu sau 30 phút nữa anh ấy không đến đón, thì Th. sẽ thuê một phòng, vì bạn ấy khá là mệt. Th. cho biết là chưa bao giờ phải đi bộ mà đi bộ nhiều như vậy trong suốt thời gian ở Lào vừa qua.
Tối đó, tôi đã có một đêm thật ngon giấc. Không hiểu sao tôi luôn ngủ ngon khi ở một quốc gia khác không phải là Tổ quốc mình như thế, vì cả ngày chơi mệt rồi chăng?
Chụp tiền Lào chơi, mệnh giá lớn nhất là 50.000 kíp, rồi tới 20.000, 10.000, 5.000, 2.000 và 1.000.
(Còn tiếp)