Mãn nhãn Vườn Phật
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (8)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (7)
Th. nói Th. chưa bao giờ nghe qua địa danh này, nên lúc uống cà phê Th. có hỏi chú chủ quán thì chú bảo chỗ đó cách trung tâm Vientiane chừng 25 km. Mà trong sách Lonely Planet cũng ghi chừng đó (cụ thể là 27 km). Vậy là chúng tôi đi bộ ra bến xe buýt Talat Sao (sau này tôi mới biết thêm Talat trong tiếng Lào có nghĩa là Chợ). Th. hỏi một vài người thì cũng tìm được xe đến đó. Xe này chạy đến cửa khẩu Nong Khai, rồi đi tiếp đâu đó, có ngang qua Vườn Phật.
À, trong tiếng Lào, địa danh Vườn Phật (Buddha Park) gọi là Xiengkuane (trong sách Lonely Planet ghi là Xieng Khuan – Mới đọc qua dễ nhầm với tỉnh Xieng Khouang). Nếu bạn muốn đến địa danh này, cứ đến bến xe buýt và hỏi Xiengkuane thì sẽ được chỉ dẫn tuyến xe.
Phải đợi một lúc đông khách xe mới chạy. Từ cửa kính xe tôi nhìn thấy hàng quán bán trong bến xe có treo cả cờ Lào và cờ Đảng. Và qua Th. tôi mới biết là những nước có Đảng cộng sản thì cờ đều giống như thế (cờ đỏ búa liềm).
Lần đầu tiên tôi đi trên chiếc xe tồi tàn như thế này. Nó còn tồi tàn hơn những chiếc xe mà thuở nhỏ tôi từng đi từ quê mình (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vào nhà ngoại ở Quy Nhơn.
Khi xe chạy ra cổng, tôi nhìn thấy rất nhiều nơi bán bánh mì đặc trưng của Lào: rất to và dài, thậm chí còn to và dài hơn những chiếc bánh mì bán đầy đường quốc lộ khu vực miền Tây. Và cũng từ lúc đó, qua cửa kính của những chuyến xe sau này tôi luôn bắt gặp những hàng quán bán bánh mì to và dài như thế trên khắp các nẻo đường Lào. Tiếc là tôi chưa kịp chụp ảnh lại những hình ảnh này.
Cửa khẩu Nong Khai Lào – Thái Lan
Xe chạy tiếp dọc theo sông Mekong, bên này là Lào, bên kia là Thái Lan
Bắt đầu từ đoạn đường này xe chạy trên con đường đất đỏ lầy lội do cơn mưa từ tối qua, và đầy ổ voi ổ gà. Với chiếc xe vốn đã tệ như thế, chúng tôi có cảm giác mình đang được đi… ngựa… Dồng thiếu điều cơ thể nhảy tưng lên muốn đụng cả trần xe (xem clip bạn sẽ thấy xe lắc như thế nào).
Giá xe buýt đi Vườn Phật là 5.000 kíp/ lượt. Xe buýt ở Lào nhỏ, chỉ có mỗi bác tài, khi xe dừng, khách đi xuống thì tự giác đưa tiền cho bác tài.
Cổng vào và biển chỉ dẫn địa danh Vườn Phật
Nơi bán vé (thật lạ là ở đây phải trả phí cho cả máy ảnh, máy quay phim)
Bảng ghi vài nét thông tin về địa danh.
Tôi có thói quen không hay đó là chẳng bao giờ chịu đọc kỹ thông tin về văn hóa, lịch sử hình thành, địa lý… của các địa danh chuẩn bị tham quan (vì biết là có đọc cũng không nhớ nổi). Tôi thích kiểu học hỏi bằng việc tới xem tận mắt như thế nào trước đã, sau đó có thắc mắc gì sẽ ghi chú vào sổ, khi nào về nhà, có thời gian sẽ tìm cách tra khảo thông tin sau. Nhiều khi tôi viết bài có thêm vào một vài diễn giải thông tin để bạn đọc dễ nắm, nhưng đa số đều do tôi sao chép trên Internet, chứ viết ra xong, ít khi nào tôi đọc lại bài mình viết, và vì thế nên thông tin đó cũng ít được tôi ghi nhớ.
Ngay cổng là gặp công trình này (có đường vào trong và lên trên cao)…, “thể hiện đường từ địa ngục lên thiên đàng”.
Bên trong chứa các tượng bằng xi măng. Tranh sáng tranh tối nhìn có vẻ giống các tượng trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Trung Quốc mà tôi được xem trên ti vi.
Quang cảnh Vườn Phật nhìn từ trên cao.
“Nằm bên bờ sông Mekong, vườn được xây dựng năm 1957 bằng xi măng với hàng trăm bức tượng Phật và và các vị thần đủ hình dáng, tư thế, gương mặt…“
Hễ ai đến Vườn Phật cũng đều chụp bức tượng Phật nằm khổng lồ này (dài hơn 50m), được xem là biểu tượng văn hóa nổi tiếng của Lào. Hình ảnh này tôi cũng thấy nhiều trong quảng cáo các tour du lịch Lào…
Vườn Phật, còn gọi là Vườn Tượng Phật hay Vườn Chư Phật…
Phía dưới những bức tượng này có ghi tên những người làm công tác thiện nguyện, đóng góp vật chất cho việc trùng tu và gìn giữ địa danh này, trong đó có tên của cả người Việt.
“Lưu giữ hàng trăm bức tượng đúc theo đạo Phật và đạo Hindu”
Bức tượng này phản ánh việc dâng cúng hay tạ lễ?
“Công trình được xây dựng dưới sự chỉ đạo của pháp sư Bounluea Suliat trong suốt mười mấy năm. Ông còn xây dựng một vườn tượng Phật nữa ở Nongkhai (Thái Lan).”
Tôi đoán những bức tượng này nói lên sự huyền diệu của Phật Pháp khiến thú cũng chăm chú lắng nghe kinh Phật…
Tôi đã hí hửng cố gắng chụp lại những bức tượng điển hình mà tôi cho là kỳ thú hoặc độc đáo, lạ mắt đối với mình và không theo trình tự một vòng…
Trước khi sang đây, khi xem những hình ảnh về địa danh này trên Internet tôi đã rất muốn được đến đây. Trong đầu tôi lúc đó tưởng tượng khu này chắc rộng lắm, heo hút lắm, hoang tàn lắm. Nhưng đến đây thì thấy không hẳn vậy, nơi này nhỏ, mọi thứ còn khang trang, và vẫn đang được xây dựng và trùng tu thêm.
Khu bán hàng lưu niệm, những bức tranh quen thuộc mà tôi đã nhìn thấy rất nhiều trong khu Angkor, Campuchia…
Mãn nguyện, chúng tôi đón xe về. Trên xe tôi gặp anh chàng (hỏi ra mới biết là người Nhật), người mà lúc nãy tôi có thấy đang lúi húi chụp ảnh trong Vườn Phật, nhưng chưa tiện nói chuyện. Thấy anh ta ngồi phía trước, có vẻ cô đơn, lúc xe dừng ở Nongkhai đón thêm khách, tôi mới hỏi chuyện. Anh ta cho biết là đi du lịch một mình, và chiều nay sẽ ra sân bay bay đi Luang Prabang. Anh ta hỏi tôi là người nước nào, và đây là lần thứ mấy sang Lào. Vì tiếng Anh anh ta không được tốt nên tôi không hỏi nhiều nữa. Đây là lần đầu tiên từ lúc đặt chân tới Lào đến giờ tôi mới sử dụng tiếng Anh, vì toàn nói tiếng Việt với Th., còn khi cần hỏi dịch vụ gì đó Th. toàn hỏi bằng tiếng Lào thay tôi.
Qua anh chàng người Nhật, dù tiếng Anh của tôi cũng không được tốt, nhưng tôi thấy tự tin hơn đôi chút so với đa số người Nhật, Hàn hay Trung, vì họ không biết hoặc chỉ biết chút ít tiếng Anh. Làm trong ngành du lịch khách sạn, gặp khá nhiều người từ ba quốc gia này, tôi nhận thấy chung như thế. Tuy nhiên, tôi cũng học hỏi từ họ sự mạnh dạn ở việc đi, vì tôi cũng từng gặp nhiều người từ các quốc gia đó, là phụ nữ, tiếng Anh bập bẹ, nhưng cũng đi du lịch một mình. Vì vậy tôi khuyên các bạn nếu thích đi, muốn đi và muốn được mở rộng tầm mắt (người ta nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà!), nếu có cơ hội thì bạn cứ đi, đừng ngại là mình không biết tiếng, mình e sợ… gì gì đó. Ai cũng có nỗi sợ hết, nhưng qua việc đi, bạn sẽ học được điều tuyệt vời nhất là hiểu được chính bản thân mình. Bạn sẽ phát huy được thế mạnh và khắc phục được những điểm yếu của bản thân mình. Tin tôi đi!
Chúng tôi ghé chợ kế bên bến xe buýt Talat Sao để ăn trưa. Chợ rất lớn, chia thành từng khu bán hàng (quần áo riêng, thức ăn riêng…) với các loại hàng hóa đa dạng. Th. nói ở đây cũng có nhiều người Việt buôn bán. Rồi bạn ấy bảo có lẽ họ tưởng tôi là người Lào nên không ai chào mời. Chuyện này tôi không lạ, khi ở Việt Nam, nhiều người nước ngoài bảo tôi giống người Trung Quốc, khi sang Campuchia thì dân địa phương nghĩ tôi là người Campuchia, còn khi sang Lào thì người ta nghĩ tôi là người Lào. Thôi mặc kệ, bản thân tôi thấy mình vẫn là người Việt Nam là được…
Th. bảo ăn thử phở, đây mới chính là phở đúng vị Lào. Các bạn chú ý, cũng như bánh mì to và dài kia, một phần ăn đúng chất Lào luôn to đùng và nhiều như thế này. Nhìn tô phở thôi là hết muốn ăn vì nhiều quá, gần bằng gấp đôi tô phở đặc biệt ở Việt Nam.
Phở (11.000 kíp/ tô) được dùng kèm dưa chua (cà rốt, đu đủ chua); thịt bò và bò viên ăn kèm với tương đậu phộng; rau sống thì có cả đậu đũa sống. Đặc biệt giá đỗ được ngâm vào tô nước lã luôn đặt sẵn trên bàn ăn!
Ăn trưa xong tôi nói Th. về phòng tôi mà nghỉ, còn tôi tìm chỗ lên Internet. Ở Lào Internet có giá từ 7.000 – 9.000 kíp/ giờ, tùy chỗ, và tốc độ cũng tùy chỗ. Ở quán Internet tại Vientiane này tốc độ khá nhanh, nhưng cái giá tiền thì không hợp lý tí nào. Th. nói sang đây đừng có quy tiền kíp ra tiền Việt mà so sánh, nếu không thì không dám tiêu pha gì cả. Th. bảo so với mức lương của người Lào thì mức sống ở Lào rẻ hơn ở Việt Nam. Cứ coi như tiền Lào và tiền Việt ngang nhau thì như bạn thấy đó, tô phở Lào to đùng như thế chỉ có giá từ 10.000 – 12.000, nhưng ở Việt Nam phở bình dân rẻ nhất cũng đã 15.000. Cái tôi thấy bất hợp lý là giá Internet. Từ 7.000 – 9.000/ giờ ở Lào là quá đắt so với giá thức ăn. Ở Việt Nam, theo tôi biết từ khi Internet phổ biến cho đến nay đã chục năm rồi, mà giá vẫn không thay đổi: 3.000/ giờ. Có lẽ ở Lào có ít nhà phân phối Internet chăng? À, nhưng được cái hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn đều có Wifi miễn phí. Nếu bạn có laptop thì mang theo, tha hồ lướt Net.
Có lẽ tôi mắc chứng nghiện Internet rồi hay sao ấy, vắng nó chừng hai, ba ngày là cảm thấy nhớ, muốn lên đọc email, tin tức… Tôi lên Facebook viết vài dòng thông báo là đã ở Vientiane, và dùng chế độ nhắn tin SMS qua yahoo messenger báo cho chị và em gái luôn. Từ lúc ở cửa khẩu Savanakhet tới giờ tôi mới liên lạc cho gia đình, dù Th. nhiều lần đưa điện thoại bảo tôi gọi điện về nhà thông báo đi, nhưng tôi không chịu. Chả lẽ đi chơi như thế này, cứ tới một tỉnh nào đó tôi lại thông báo về nhà sao?
Tôi tranh thủ đọc xem cơn bão số 4 vừa qua có gây ra hậu quả gì không, và cũng yên tâm phần nào vì chưa có gì nghiêm trọng cả (các quán Internet tại Lào mà tôi từng sử dụng qua đều có thể đọc được tiếng Việt trên các website Việt Nam). Một lúc thì trời mưa, mỗi lúc một to khiến tôi ngồi lỳ trên Internet mấy tiếng đồng hồ, cho đến khi mưa tạnh thì tôi đi bộ về khách sạn. Thật ra trước đó Th. bảo buổi chiều sẽ dẫn tôi đến một ngôi chùa linh thiêng để xin sợi dây may mắn (theo tập tục người Lào thường đến chùa cầu nguyện và được nhà sư đeo sợi dây mảnh cầu những điều tốt lành vào cổ tay), nhưng khi thấy mưa to, tôi dẹp luôn ý định đó.
Lúc đó quầy tiếp tân chỉ có cô chủ, không có chìa khóa phòng ở đây có nghĩa là Th. vẫn còn ở trên phòng (chắc ngủ quên, gần hai ngày “chịu khổ” cùng tôi, điều mà Th. chả bao giờ làm từ khi qua đây nên chắc bạn ấy mệt lắm!), tôi tranh thủ trình bày vụ rắc rối thanh toán nhầm tiền phòng lúc sáng. Vì ở đây không hỏi danh tính khách thuê phòng (sau này ở vài nhà nghỉ khác tôi thấy là chả có nhà nghỉ nào hỏi danh tính khách, cũng chả đòi hỏi giấy tờ tùy thân gì cả, cứ giao chìa khóa, nhận tiền phòng rồi để khách tự do), nên cô chủ nói là cô chỉ biết phòng kế bên phòng tôi có người ở, và tôi đã trả tiền cho phòng đó, rồi thôi. Nghe vậy tôi hơi bực, nhưng thấy là không thể cãi được vì cách làm việc ở đây như thế rồi, tôi cho qua luôn. Tôi cũng chẳng muốn rước thêm bực mình, nếu càng “cố đấm ăn xôi” chỉ để lấy lại 100.000 kíp (con số không lớn, nhưng cũng không phải là nhỏ đối với người đi du lịch bụi). Tôi coi như đó là kinh nghiệm cho mình, sau này sẽ chú ý hơn. Rồi tôi hỏi cô chủ có bán vé xe đi Luang Prabang tối nay hay không, cô bảo có, nhưng gọi điện hỏi thì đã hết vé do tôi hỏi trễ quá. Nói thêm là giá xe VIP giường nằm (không bao gồm bữa ăn) Vientiane – Luang Prabang (mất khoảng 8 tiếng) được bán tại khách sạn là 170.000 kíp, khởi hành lúc 20g hàng ngày, gồm cả xe đưa rước từ khách sạn tới bến xe phía Nam (cách trung tâm cỡ 10km). Nếu muốn mua bạn có thể lên kế hoạch ra bến xe sớm để mua vé (sẽ rẻ hơn mua tại khách sạn).
Một lát Th. xuống (tôi đã không cho Th. biết vụ thanh toán nhầm kia), tôi bảo Th. chờ tôi sắp xếp hành lý ra bến xe luôn, nhưng Th. bảo về nhà thay quần áo rồi sẽ quay lại. Tôi nghĩ cũng còn sớm nên đồng ý, vì trong Lonely Planet có ghi ngoài xe VIP này thì còn có xe buýt bình thường khởi hành nhiều chuyến trong ngày, chuyến cuối khởi hành lúc 19g.
17g tôi xuống trả phòng rồi ngồi ở sảnh đợi Th., đợi thật lâu sau thì Th. mới đạp xe tới (xe đạp thuê từ nhà hàng xóm, quái lạ, Th. bảo người Lào chỉ biết có tiền, đến chiếc xe đạp mà cũng phải đi mướn), bảo tôi ở lại một đêm nữa đi, sáng hôm sau đi. Tôi thấy thời gian ở Vientiane như vậy là đủ rồi, đã tham quan những nơi cần tham quan, nên nhất định phải đi. Vậy là Th. bảo tôi chờ đó, Th. quay về nhà nhờ anh L. chở tôi ra bến xe. Tôi hỏi sao không gọi điện cho nhanh thì Th. bảo phải về gặp mới lôi ảnh đi được. Tôi bảo vậy Th. nói giùm tuk tuk đưa tôi ra bến xe cũng được thì bạn ấy bảo bến xe này mới, Th. chưa tới bao giờ nên cũng chưa biết đi như thế nào, phải nhờ anh L. (anh ấy có quốc tịch Lào nên rành hơn) chứ không yên tâm để tôi đi như thế.
Không còn cách nào khác, tôi đồng ý. Lúc này tôi nghĩ là đã trễ, nhưng vẫn muốn rời Vientiane. Tôi nghĩ chỉ cần đưa tôi ra bến xe, hi vọng chuyến xe VIP kia có ai đó hủy vẻ, hoặc nếu còn chuyến xe nào tôi sẽ đi chuyến đó, đến một tỉnh nào khác cũng được, không nhất thiết phải đi Luang Prabang.
Sảnh khách sạn La Ong Dao II
Lại một lúc nữa thì Th. tới. Th. nói anh L. cho biết đường ra bến xe đó heo hút khó đi lắm, ảnh không dám đi. Giờ nếu tôi vẫn khăng khăng đòi đi thì tự tôi đón tuk tuk đi, Th. không dám giữ. Không thì về nhà Th. ăn cơm, ở lại một đêm, sáng mai đi, anh L. cũng đã nấu cơm chờ ở nhà rồi.
Lại một lần nữa tôi có cảm giác mình “đã đâm lao thì phải theo lao”. Nếu tôi đi sẽ làm hai người giận, là Th. và anh L. Gắn bó với nhau gần hai ngày trời, người ta đã hết lòng giúp đỡ và nhiệt tình với tôi như thế, sao tôi nỡ làm theo ý mình. Vậy là tôi đồng ý về chỗ Th.
Tối đó anh L. đãi tôi món canh Lào do anh nấu gồm có gà đen (có phải gọi là gà ác không nhỉ?) cùng với vài loại lá, trong đó có loại lá gì ở Lào mới có và có mùi giống lá chanh. Canh khá ngon, chỉ có điều ăn canh mà tôi có cảm giác đang uống nước… xông hơi. À, như để khẳng định thêm việc ra bến xe giờ này là nguy hiểm, anh L. và vợ anh có kể về vụ án gần đây có cô bé sinh viên bị 21 tên hiếp dâm buổi tối, đến tên thứ 21 thì bị phát giác. Vợ anh L. còn giải thích thêm là Lào đất rộng, người đông, toàn đồi núi, nhiều nơi hoang vắng, mà buổi tối họ lại ở nhà tụ tập, tiệc tùng chứ không có thói quen “lượn” như người Việt, nên có chuyện gì cũng chả có ai mà kêu cứu.
Những vụ như thế này tôi nghĩ là hên xui thôi. Tất nhiên đi du lịch một mình tôi cũng lường trước những tình huống như thế, nhưng chả sợ vì nghĩ không hẳn tất cả người Lào đều xấu, và không phải tất cả những phụ nữ đi một mình ban đêm trên đường đều gặp phải chuyện nguy hiểm đó.
Ăn xong Th. đưa tôi ra Patuxay chơi (bằng xe đạp). Anh L. bảo chở một trong hai đứa con sinh đôi đi theo, nhưng bế một đứa thì đứa kia khóc đòi theo, nên đành để cả hai ở nhà.
Tôi bảo Th. là tôi không nghĩ là mình còn có cơ hội nhìn thấy Patuxay về đêm như thế này. Đứng trước một tình huống không theo ý muốn nào đó tôi hay có lối suy nghĩ theo chiều hướng tích cực khác, theo kiểu không được cái này thì được cái kia. Đó cũng là một cách để bình ổn cảm xúc cho mình, giữ được cảm xúc vui vẻ xuyên suốt.
Trước Patuxay là vòi nước, khi tiếng nhạc vang lên thì vòi sẽ phun nước.
Tòa nhà gì đó đối diện Patuxay…
Patuxay buổi tối chả có mấy khách, phần vì không phải mùa du lịch của Lào (tôi toàn chọn mùa thấp điểm du lịch để đi, vì không thích ồn ào, đông đúc), phần vì thói quen không ra đường của người Lào. Với một nơi rộng rãi, sạch sẽ, đẹp đẽ như thế này, nếu là ở Sài Gòn, hẳn lúc nào cũng chật cứng người rồi.
Th. cho biết vài chuyện về người Việt tại Lào. Th. nói người Lào không thích người Việt, vì người Việt sang đây toàn làm điều xấu. Nam thì sang làm việc, rồi rượu chè, đánh nhau. Nữ thì làm gái. Người Việt mở cửa hàng thì lấn chiếm lòng lề đường… Những thói hư tật xấu của người Việt cứ thế dần ngấm vào người Lào. Tôi chưa ở đây đủ lâu để tìm hiểu về người Việt tại Lào, chỉ nghe nói thì biết vậy, nhưng biết đâu sau này tôi sẽ quay lại để tìm hiểu việc này? Riêng tôi, hai ngày qua nhìn thấy những người Lào ở Vientiane, tôi thấy họ có vẻ lạnh lùng. Có thể tại tôi đi chung với một người Việt biết tiếng Lào, nên chúng tôi bị nhầm tưởng là người Lào, nên chưa biết được người Lào sẽ đối xử với một người Việt lần đầu tiên sang Lào như thế nào thì sao?
Th. bảo tự nhiên nghĩ tới việc sắp xa tôi cứ thấy sao sao. Bạn ấy bảo nghĩ cũng hay, nếu như không mở lời ghẹo tôi thì đã không quen tôi, rồi làm những việc bạn ấy chưa bao giờ làm thế này (Th. bảo từ khi qua đây chưa bao giờ đi với một người con gái, mà từ hai ngày nay gặp bao nhiêu người quen – người Việt đã hoặc đang làm chung, ai cũng hỏi tôi là bạn gái Th. hay sao)… Tôi chỉ biết cười… Tôi chỉ nghĩ việc gặp gỡ ai đó xem như là có duyên, huống hồ đi như thế này, đến một nơi xa lạ nào đó, thì sao tránh khỏi việc gặp gỡ rồi quen biết nhau?
Th. bảo tự nhiên không an tâm về tôi, cứ muốn lo lắng cho tôi (như hỏi tôi không biết tiếng Lào thì làm sao gọi thức ăn Lào), mà tôi thì thấy có gì đáng lo đâu, có lẽ Th. chưa bao giờ gặp phụ nữ đi du lịch một mình như tôi. Th. tranh thủ dạy tôi vài câu tiếng Lào, nhưng tôi nghĩ không cần thiết. Những nơi tôi sắp đến toàn là địa danh du lịch, tìm đến một nhà nghỉ nào đó được Lonely Planet giới thiệu thì sẽ có người giao tiếp bằng tiếng Anh được, nên tôi cũng chẳng muốn học. Có mỗi câu đáng học là “Tôi không biết tiếng Lào” (để sử dụng khi tự dưng có người Lào tới xổ một tràng tiếng Lào với tôi đó mà) mà tôi cũng không nhớ nổi. Hình như là “hò hụ ba xả Lào”. Tôi chỉ nhớ chắc chắn thì từ “người Việt” trong tiếng Lào gọi là “xả Việt” thôi.
Một lát tôi chán, bảo về nhà chơi với hai bé sinh đôi vui hơn. Hai nhóc vẫn chưa ngủ, Th. bảo chúng quen ngủ giấc 12g đêm rồi. Thế là bế chúng ra ngoài, cho chúng chạy nhảy. Ở trong nhà suốt, vì thế mỗi lần được ra ngoài sân chúng rất vui. Tôi tranh thủ chụp ảnh hai nhóc làm kỷ niệm.
Anh em sinh đôi Lộc và Phát, đố bạn biết ai là anh, ai là em?
Một lát, tôi bảo Th. dẫn tôi đến chỗ nhà nghỉ mà hôm qua Th. bảo gần nhà. Nói gần nhà chứ đi bộ cũng mất cả 10 phút. Nhà nghỉ tên Viengsavanh, ông chủ người Lào nhưng biết nói chút ít tiếng Việt.
50.000 kíp/ đêm, phòng quạt, không ti vi. Ông chủ lấy tiền ngay, chả cần hỏi tên tuổi người ở.
Hơi ngộp với căn phòng, tôi ra ngoài hành lang đứng ngắm mây trời. Th. bảo tôi vào phòng nghỉ đi, nhưng tôi chưa muốn ngủ. Vậy là Th. nói chờ tôi vào phòng thì Th. mới về, tôi đành miễn cưỡng đi vào.
Có lẽ là thủ đô nên giá cả đắt đỏ. Căn phòng nhỏ xíu, nội thất xập xệ, nhà vệ sinh bẩn, nằm trên giường mà tôi phát khiếp với bức tường bằng gỗ trên được ghi đầy kỷ niệm cũng dấu tích chuyện nam nữ (rất nhiều câu bằng tiếng Việt)… Tôi đoán nhà nghỉ này dành cho khách “mua vui” là chính. Hèn gì Th. cứ khăng khăng giục tôi đi vào phòng và đóng cửa cẩn thận!
Chả hiểu sao tôi vẫn có thể ngủ ngon trong căn phòng phát khiếp này nữa!
Khuôn viên bên trong nhà nghỉ khá rộng!
Bảng hiệu của nhà nghỉ – Những hình ảnh này được tôi chụp vào sáng hôm sau.
(Còn tiếp)
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.