Nếu như người Bắc ăn bánh chưng khi Tết đến thì người Bình Định miền Trung quê tôi xem bánh tét như món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết.
Bài viết đã đăng trên báo giadinh.net.vn
Như thường lệ, cứ đến ngày cuối cùng của năm, ba má tôi lại dậy sớm để gói và nấu bánh. Năm nào cũng vậy, việc nấu bánh đã trở thành thông lệ không thể thiếu của gia đình, dù bây giờ cả nhà chỉ còn vài người, có mấy người ăn đâu, nhất là những lúc tôi không về quê sum họp, nhưng nhà tôi vẫn giữ thông lệ tốt đẹp đó.
Nhờ thế, không khí Tết tràn ngập từ những ngày trước đó trong lúc chuẩn bị Tết, và đặc biệt thể hiện rõ nhất sự nôn nao chờ đón năm mới trong ngày cuối cùng của năm, khi ngồi bên bếp lửa đỏ hồng canh nồi bánh sùng sục.
Xin giới thiệu đến các bạn chùm ảnh Gói bánh tét được ghi lại vào 29 âm lịch Tết 2011 tại nhà tôi – thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn).
Từ chiều hôm trước má tôi đã chuẩn bị sẵn những nguyên vật liệu để gói bánh. Má tỉ mẩn lau và cắt tỉa lá chuối được mua từ hôm trước, để qua ngày cho lá hơi héo vì theo má, như vậy lá sẽ dẻo, sẽ dễ gói hơn
Đậu xanh được má luộc chín, viên thành những khúc dài để làm nhân bánh. Vì nhà tôi ít ai ăn thịt mỡ nên nhân bánh chỉ có đậu xanh
Dây cột bánh được ba tước từ bẹ lá dừa tươi. Sáng sớm, trời miền Trung còn tối om và rất lạnh. Má và ba trở dậy, bắt tay vào công việc
Nếp được ngâm từ tối hôm trước, giờ lấy ra dùng
Nhân đậu xanh đã được viên sẵn
Má đặt lên ba sợi dây bẹ chuối theo hàng ngang, rồi đặt lên đó một lớp lá, rải nếp lên
Tiếp tục cho khúc nhân đậu xanh lên trên, cuốn lá chuối lại, cẩn thận cột dây lại. Trong ảnh đứa cháu gái 4 tuổi cũng dậy sớm xem bà ngoại gói bánh
Xong một cây bánh tét
Những cây bánh xanh mướt, gọn gàng đã được má gói xong
Trong khi đó, ba tôi kê gạch bắt nồi nước lên
Châm lửa…
Canh nồi bánh…
Cảm giác ngồi bên bếp lửa, nghe nồi bánh sôi sùng sục thật thích.
Khoảng 12 – 14 tiếng sau thì vớt bánh.
Và thành phẩm