DU KÝ · Du Ký Tạp Bút

“Đi cho biết đó biết đây”


Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn

(Ca dao)

Tôi không thể nào nhận ra rằng mình thích đi du lịch, đi chơi, thăm thú, để thấy, để ngắm, để biết, để hiểu, từ lúc nào.

Chỉ nhớ mại mại rằng, hồi còn nhỏ xíu, chừng bốn, năm tuổi, ký ức còn sót lại của tôi cho thấy rằng tôi luôn thích và mong đợi vào mỗi buổi chiều mát, ba tôi chở tôi và em gái trên chiếc xe đạp cọc cạch đi dạo khắp thị trấn nhỏ, ra ngoại ô, qua những lũy tre, những hàng chuối, những vườn rau, cánh đồng… Rồi kết thúc luôn là quán kem và mỗi cha con một cây kem đá màu sặc sỡ tan chảy, vui cười cùng thưởng thức.

Có lẽ ba chính là người truyền sở thích được đi chơi cho tôi, à không, cho ba người con gái của ông, nhưng ở tôi, là người thừa hưởng nhiều nhất. Ba tôi chưa được đi nhiều, chưa ra tới miền Bắc, chưa ra khỏi nước Việt Nam, nhưng ba lại biết nhiều địa danh của đất nước, tỉ như nhắc đến một địa danh nào đó, ba biết nó thuộc tỉnh nào, nhờ vào việc thường xuyên xem ti vi mấy chương trình du lịch, lịch sử, văn hóa.

Lớn hơn một chút, trong những câu chuyện kể của má, về những nơi má được đi qua, khi má có tham gia tổ chức Hồng Thập Tự, tôi nhận ra, má tôi cũng là người thích được đi. Và nhờ đi, cái gì má cũng biết một chút, để có chuyện kể với các con, có thứ để mà học, có việc để mà làm.

Những điều ấy, ngấm vào người tôi lúc nào không hay, để thấy rằng, việc tôi thích được đi không phải là không có cơ sở, vì gia đình tôi, không ai làm nghề liên quan đến du lịch, cũng chẳng có ai là nghệ sỹ để cái “máu” tài tử phóng khoáng ngấm vào người đứa con, đứa cháu này. Để khi nhắc đến việc đi, tôi cũng có vài “chiến tích” nhỏ, như cấp I từng rủ mấy đứa trong xóm đi bộ xuống nhà ngoại một đứa cách đó chừng ba cây số để chơi, cấp II đầu trò chuyến đi dã ngoại bằng xe đạp với thức ăn, nước uống mang theo cách đó mười mấy cây, rồi rủ vài đứa thân thân đi xe lửa vào nhà ngoại tôi cách đó hơn tám mươi cây số.

Ba má tôi là giáo viên, nên lúc nhỏ tôi cũng ké được vài chuyến tham quan vào dịp hè với gia đình, được đi Đà Lạt, Nha Trang (Khánh Hòa).

Chuyến đi xa nhà nhất của tôi là năm tôi mười tám tuổi, phải từ Bình Định vào Sài Gòn để thi cao đẳng, trung cấp. Đó cũng là chuyến đi một mình đầu tiên của tôi, có thể chẳng là gì so với người khác, nhưng đối với một đứa con gái mới rời trường cấp ba, chưa bao giờ đi xa thế, lại đi một mình, thì đó cũng là một điều đáng nhắc tới. Tôi được đưa lên tàu lửa, và chị tôi, ở Sài Gòn, canh giờ tàu tới để ra đón. Ngờ đâu, tàu tới sớm hơn vài tiếng, làm tôi xuống tàu với chiếc va li to, ngây thơ đưa một người lạ trông giúp (may mà người đó là người tốt), để đi tìm quầy điện thoại công cộng gọi cho chị. Tôi đã độc lập hơn, mạnh mẽ hơn, từ lúc đó…

Và không hiểu sao, trong nhiều chuyến tàu xe sau này, tôi rất hiếm khi được đi cùng người quen, hay ít ra, là gặp người quen, thậm chí là trên những tuyến xe quen từ Sài Gòn về quê. Có lẽ số đã định như vậy rồi.

Được rời khỏi gia đình, tôi như con chim khao khát bay nhảy ngày càng tung cánh bay xa, bay nhiều. Vào đại học, do tính chất ngành học du lịch – khách sạn, rảnh là tôi đạp xe vào trung tâm (quận 1) để nhìn ngắm, biết thêm đường xá, và để xem các khách sạn lớn của Sài Gòn trông như thế nào. Rồi tôi được đi cắm trại ở Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu), du lịch với khoa ở Mũi Né – Phan Thiết (Bình Thuận), về quê bạn ở Tân An (Long An), Tây Ninh…

Trước khi ra trường lại làm chuyến thực tập xuyên Việt: lên Tây Nguyên, xuống miền Trung, ra Bắc rồi lại xuôi về Nam. Sau khi ra trường, đi làm rồi, lại cố gắng để được đi ngay khi có thể: Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang…

Trong lúc đi làm, tôi có thêm thời gian đọc những bài viết về du lịch có ích cho chuyên ngành của mình, và mong muốn được đi, được khám phá càng lúc càng được “khơi dậy”. Nhiều lúc chỉ cần nhìn thấy một bức ảnh về một cảnh đẹp nào đó, một bài viết về một nơi thi vị nào đó, là trong lòng tôi lại có điều gì thúc đẩy tôi phải đi.

Chuyến du lịch một mình đúng nghĩa của tôi là sang Campuchia, sau đó là Lào vẫn chưa khiến tôi thấy đủ cho việc đi.

Trên chuyến xe đi Phnom Penh, Campuchia

Trên những chuyến tàu xe một mình, giữa những người lạ mặt, tôi cảm thấy lo lắng, cô đơn lắm chứ. Nhưng chỉ cần nghĩ đến việc mình sẽ được đến nơi mình muốn đến, thấy những điều muốn thấy, và tìm hiểu, học hỏi thêm những điều chưa nghĩ tới, là tôi lại thấy hứng khởi ngay.

Đi giúp tôi ngày càng chín chắn hơn, can đảm hơn. Đi giúp tôi nhìn thấy nhiều thứ thú vị, học hỏi được những điều mới lạ, và nhờ đi, tôi mới nhận ra mình chỉ như chú ếch ngồi đáy giếng, biết một mà không biết hai. Tôi biết rằng thế giới ngoài kia còn rất nhiều điều cho tôi học hỏi và khám phá.

Đi còn giúp tôi khỏe khoắn hơn, dẻo dai hơn. Sức khỏe tốt hơn, bền bỉ hơn, ít ốm vặt… là những điều tuyệt vời có thể nhận ra được từ việc đi.

Hơn nữa, nhờ đi mà tôi mới có kiến thức phong phú hơn cho các bài viết của mình, lại có cơ hội để chụp ảnh ngày càng tốt hơn.

Vậy mặt trái của việc đi chơi nhiều là gì? Là tôi không mập lên nổi, vẫn gầy rạc người, mặt luôn nổi mụn, xấu xí. Là xa gia đình, là để lại lo lắng cho người thân. Là một khoản nợ gia đình kha khá mà chưa biết bao giờ tôi mới trả được.

Nhưng, tôi vẫn sẽ còn đi, đến khi nào không còn sức lực.

Dù bây giờ, có nhiều người thân lo lắng cho tôi, không biết khi nào tôi mới chịu dừng lại, mới chịu có một cuộc sống ổn định với công việc lâu dài và lập gia đình cùng ai đó, nhưng tôi tin rằng, rồi họ sẽ hiểu cho tôi. Và, biết đâu đấy, tôi đang thực hiện ước mơ của ba má tôi, điều họ chưa bao giờ nói:

Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa
Sẽ có cây có cửa có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Những nơi đó cha chưa hề đi đến”

Cha lại dắt con đi trên cát mịn
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé
Để con đi….”

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm?
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong ước mơ con

(“Cánh buồm” – Hoàng Trung Thông)

Có lẽ, đó cũng là lí do cho việc dù lo lắng cho những chuyến đi xa, vẫn cằn nhằn về việc đi hoài của tôi, hoặc buồn rầu mỗi khi lễ tết tôi không về, thì ba má vẫn cho phép tôi đi, và vẫn tạo điều kiện cho tôi đi.

Advertisement

1 bình luận về ““Đi cho biết đó biết đây”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s