DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Đường dài không cô đơn


Bài này sẽ tóm tắt chặng đường dài từ Phú Quốc về tới quê nhà Bình Định của mình bằng hình ảnh.

Lịch trình như sau:

– Đi tàu cao tốc Phú Quốc – thị xã Hà Tiên (Kiên Giang).
– Chạy xe máy Hà Tiên – thị xã Châu Đốc (An Giang). Nghỉ 1 đêm tại Châu Đốc.
– Chạy xe máy Châu Đốc – TP. Hồ Chí Minh. Nghỉ 4 đêm tại TP. Hồ Chí Minh.
– Đi xe Phương Trang TP. Hồ Chí Minh – Nha Trang (Khánh Hòa). Nghỉ 1 đêm tại Nha Trang.
– Lại chạy xe máy Nha Trang – Huyện Hoài Nhơn (Bình Định).

Đoạn này vẫn thuộc tỉnh Kiên Giang, bên trái là con kênh Vĩnh Tế

Đối với những chặng đi bằng xe máy, đây là lần đầu tiên mình chạy xe máy một mình dài và xa đến như vậy. Khoảng 280 km cho chặng Châu Đốc – TP. Hồ Chí Minh (khởi hành từ 4g sáng, đến nơi 1g chiều, vì đoạn miền Tây mình không dám đi nhanh), và khoảng 320 km cho chặng Nha Trang – Huyện Hoài Nhơn, Bình Định (khởi hành từ 8g sáng, đến nơi 3g chiều).

Thành phố Long Xuyên, An Giang

Đầm Sen Đồng Tháp

Một góc thành phố Nha Trang

Một góc biển Nha Trang

Trên đèo Cù Mông, ranh giới Phú Yên và Bình Định. Bên núi, bên biển rất tuyệt.

Địa phận tỉnh Bình Định theo hướng từ Nam ra Bắc

Dù chạy xe máy một mình, nhưng vì mình biết cách sắp xếp thời gian, nghỉ ngơi hợp lý, lại cũng hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, nên không có cảm giác đuối sức. Mình cũng không thấy cô đơn, có lẽ đã quen với những lần đi chơi một mình trước đây, và cũng vì trên đường chỉ lo tập trung chạy xe, thấy cảnh đẹp thì đi chầm chậm lại và ngắm, nên càng chạy, mình càng thấy thích.

Cái lợi của việc di chuyển bằng xe máy đường dài:

Ngoài những khó khăn của việc di chuyển bằng xe máy đường dài một mình có thể thấy như nguy hiểm, mệt mỏi, đuối sức, nắng nôi hoặc chịu mưa dầm…, thì việc di chuyển bằng xe máy đường dài sẽ mang lại cho bạn những điều tuyệt vời dưới đây.

– Không bị say xe.

– Chủ động về thời gian, muốn dừng lúc nào thì dừng, muốn nghỉ lúc nào thì nghỉ.

– Ngắm được nhiều cảnh đẹp, những địa danh mà nhiều khi bạn chỉ nghe nói hoặc biết qua sách báo đài.

Khung cảnh miền Tây

Nhà thờ Năng Gù, thuộc huyện Châu Thành, An Giang. Được biết, “Châu Thành là tên gọi chung để chỉ lị sở hay thủ phủ của tỉnh. Về sau, biến thành tên riêng của một loạt “thủ phủ” của nhiều tỉnh ở Nam Kỳ (Nam Bộ Việt Nam). Các huyện Châu Thành hiện nay ở Nam Bộ là, hoặc từng là, vùng đất tiếp giáp các tỉnh lị”. Hèn gì, một số tỉnh thành như Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp đều có huyện Châu Thành, mà huyện này, là huyện tiếp giáp với tỉnh tiếp theo.

Cảnh trên đèo Cả, ranh giới giữa Khánh Hòa và Phú Yên.

Núi Đá Bia, thuộc huyện Đông Hòa, Phú Yên. Tương truyền, “tảng đá như tấm bia khổng lồ cao khoảng 80m trên đỉnh núi mà cách xa vẫn có thể nhìn thấy.Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chămpa, Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này. Vì thế, núi được gọi là núi Đá Bia”.

– Được thực hành môn địa lý, biết đường sá, tên đường, núi, dốc, đèo, biết tỉnh nào có thị trấn, huyện lỵ gì…

– Càng chạy nhiều, khả năng lái xe của bạn sẽ càng “lên tay”, độ mạnh mẽ, độc lập và “trơ” của bạn sẽ càng tăng, và bạn sẽ tự rút ra nhiều kinh nghiệm cho bản thân.

Kinh nghiệm chạy xe máy đường dài

Dành cho mấy bạn mới chạy xe máy đường dài (đường trường, đường xa), và nhất là chạy một mình, lại là nữ:

– Trước tiên, bạn phải có sức khỏe tốt, tâm lý vững vàng và không e ngại sợ hãi.

– Hành lý phải càng gọn nhẹ càng tốt. Vì chạy xe máy nên bạn chỉ chuẩn bị những thứ đồ dùng hữu ích. Một con dao nhỏ (dao bấm càng tốt) là thứ luôn luôn được mang bên cạnh bạn phòng trường hợp thật cần thiết thì mới lấy ra vì mục đích tự vệ (hi vọng không phải dùng vì mục đích này), còn lại, bạn có thể dùng nó để cắt cây cột đồ, gọt trái cây… Mắt kính và khẩu trang che bụi, che nắng, che những con côn trùng bất chợt đâm sầm vào bạn khi đang chạy xe, nhất là về chiều tối hay đang chạy tốc độ nhanh và một chiếc khăn quấn cổ vừa chống nắng cho cổ vừa giúp giữ ấm cổ họng, tránh viêm họng, gây cảm sốt cũng rất cần. Một chiếc áo mưa lúc nào cũng có sẵn trong cốp xe, hoặc máng phía trước xe để có thể lấy ra dùng ngay cũng là điều cần thiết. Nếu chỉ có ít hành lý, bạn nên để ở phía trước yên xe thật vững chắc, đừng nên đeo trên vai, ngay sau lưng, vì chạy xe đường dài sẽ rất mỏi. Cũng đừng cột sau yên, vì mỗi khi dừng đổ xăng, lại phải tháo ra rồi cột lại.

Xe và tư trang của tôi trên cầu Mỹ Thuận, ranh giới Vĩnh Long và Tiền Giang

Tôi đó!

– Nên có kiến thức về chặng đường mình sắp đi, như đường rộng hay hẹp, tốt hay xấu, đoạn nào hay có công an giao thông trực, tốc độ cho phép khoản bao nhiêu km/h, để từ đó bạn có thể tiên đoán được khoảng thời gian mà bạn sẽ đi, và tùy vào sức khỏe của bạn, thì bạn nên chạy bao nhiêu km trong ngày hôm đó. Thời gian còn lại trong ngày, bạn sẽ dừng chân ở nơi nào đó (ít nhất là thị trấn trở lên) để nghỉ ngơi, ăn uống, ngủ lấy lại sức.

– Nếu là chặng đường dài, cần đi nhanh cho kịp thời gian, bạn nên dậy sớm, khởi hành từ sớm nhất là 4g sáng. Đi vào thời gian này, bạn sẽ chủ động về thời gian, không lo trời tối, vì tin chắc càng đi trời sẽ càng sáng, sẽ càng gặp nhiều người, càng an toàn, và càng có thêm thông tin về đường xá nếu bạn không rành đường. Giả sử nếu khởi hành muộn, mà bạn bị lạc đường, càng chạy càng lạc, trong khi trời càng tối dần, càng ít gặp người để hỏi, thì nguy cơ không an toàn càng cao.

– Nên chuẩn bị ít đồ ăn vặt và nước uống. Chuẩn bị như thế phòng trường hợp không tìm được quán ăn ở nơi hẻo lánh thôi, vì ngày nay, hầu hết các tuyến đường đều có nhiều hàng quán từ sang trọng cho tới sập xệ, không lo bị đói, trừ khi tuyến đường bạn đi nằm ở nơi xa xôi heo hút. Kinh nghiệm cho việc ăn uống rẻ là hãy ghé những quán ăn địa phương nho nhỏ, xinh xinh, có nhiều người địa phương vào ăn thì càng tốt.

Ngoài ra, dù có chuẩn bị sẵn nước uống, hãy chịu khó uống nước khi nào thấy thật khát, vì chạy đường dài, lại một mình, bạn không dễ gì “giải quyết nỗi buồn” khi tuyến đường lỡ nằm ở nơi đồng không mông quạnh, chỉ có mình bạn, nguy hiểm không lường được, mà đồ đạc lại không biết gởi ai.

– Chạy xe đường trường sẽ rất mỏi, nhất là phần mông và cổ tay, do đó, ở những đoạn vắng người, an toàn, bạn nên uốn éo người, duỗi lần lượt từng chân, thả lỏng từng cánh tay để tự hồi phục cơ thể mình.

– Một điều quan trọng nữa là hãy hiểu rõ “người bạn đồng hành” của bạn, đó là chiếc xe máy yêu dấu. Bạn phải biết chiếc xe của bạn chạy bao lâu thì nên cho tạm nghỉ để máy nguội bớt. Bạn phải biết với 1l xăng, xe bạn chạy được bao xa. Bạn phải biết lần thay nhớt cuối cùng cho xe là khi nào. Tất cả những điều này sẽ hỗ trợ cho bạn một chuyến đi tới nơi, về tới chốn.

Advertisement

1 bình luận về “Đường dài không cô đơn

  1. Thích bài này :). Em cũng muốn được một lần chạy xe máy dọc miền trung. Đoạn từ Bình Thuận, Ninh Thuân, Nha Trang, Bình Định rồi ra đến Huế rất phê. Thích nhất là đoạn đường dọc đèo Cả, chạy xuống dưới cảng Vũng Rô thanh bình, đẹp không bút nào tả xiết. Mỗi lần đi xe khách về quê, chỉ trông chờ đoạn này để nhìn cho đã mắt.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s