CỘNG TÁC BÁO CHÍ · DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Lên Đà Lạt mùa hoa dã quỳ


Đến hẹn lại lên, hàng năm vào dịp dã quỳ nở, các bạn trẻ yêu thích du lịch “bụi” (còn gọi là “phượt”) thường rủ nhau lên các tỉnh Tây Nguyên để ngắm hoa, chụp ảnh. Đặc biệt, thành phố Đà Lạt mộng mơ, một điểm đến quen thuộc của nhiều du khách bỗng có sức thu hút đặc biệt hơn vào mỗi mùa dã quỳ về…

Bài viết đã được đăng trên trang ione.net. Đây là bài gốc.

Dã quỳ hay còn gọi là cúc quỳ, sơn quỳ,… là một loài hoa dại thuộc họ cúc, được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng để làm phân xanh cho các vườn cà phê, cao su. Nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ trồng bằng cách giâm cành nên loài cây này dần dà đã chiếm lĩnh các nơi hoang dại ở khắp Tây nguyên. Hàng năm, bắt đầu từ tháng 10 dương lịch, hoa dã quỳ lác đác nở và nở rộ vào cuối năm. Sự xuất hiện của dã quỳ cũng là dấu hiệu nhận biết mùa khô cao nguyên bắt đầu.

 

Tháng 10 dương lịch sang, dã quỳ đã lác đác nở.

Đến Đà Lạt vào những tháng cuối năm, ta sẽ dễ dàng bắt gặp dã quỳ mọc ở các con đường cửa ngõ vào thành phố, đường vào Thung Lũng Vàng hay đoạn đường ở ga xe lửa. Những bông hoa vàng rực như những ông mặt trời thu nhỏ giản dị và đầy sức sống mãnh liệt này đã hấp dẫn nhiều bạn trẻ yêu thích xê dịch. Nhiều bạn lên Đà Lạt dịp cuối năm chỉ với mục đích ngắm và chụp ảnh cùng dã quỳ. Ngoài ra, cũng có nhiều cặp đôi tổ chức chụp ảnh cưới cùng dã quỳ với mong muốn có được những bức ảnh đẹp.

Một vạt dã quỳ trên con đường lên thành phố Đà Lạt

Dẫu rằng dã quỳ là loài hoa được người Pháp có công đưa vào trồng tại Việt Nam, nhưng với sự tưởng tượng phong phú, người xưa đã truyền lại câu chuyện sự tích về loài hoa dã quỳ như sau:

Ngày xửa ngày xưa, nơi buôn nọ có chàng K’lang và nàng H’limh yêu nhau tha thiết. Ngày ngày chàng K’lang vào rừng săn bắt thú rừng, còn nàng H’limh khéo léo dệt tấm chăn kiệu chồng (vì theo tục lệ của bộ tộc nàng, con gái trước khi lấy chồng phải dệt một tấm chăn thật đẹp để mang về nhà chồng). Tối tối hai người họ lại cùng nhau quây quần đốt lửa và múa hát cùng dân làng trong buôn. Cuộc sống vui vẻ hạnh phúc của họ cứ trôi đi.

Đến một ngày kia, H’limh chờ hoài đến tối mà vẫn không thấy K’lang đi săn về. Nàng lo lắng bèn đi tìm K’lang. Nàng cứ đi, đi mãi, đi hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn núi rồi mà không thấy người yêu của mình đâu cả. Mệt quá nàng ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ nàng thấy K’lang gọi nàng và bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa thì sẽ gặp chàng ở đó.

Giật mình tỉnh dậy, H’limh đi tiếp. Đến cuối nguồn nàng nhìn thấy K’lang đang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt. Nàng chạy lại ôm lấy chàng mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt. Mặc cho bao nhiêu đau đớn nàng vẫn quyết bảo vệ cho người yêu cho tới khi nàng bị trúng mũi tên độc cuối cùng của La Rihn – con trai tộc trưởng Lasiêng. Vì quá ghen tuông với tình yêu của H’limh dành cho K’lang, La Rihn đã bắn mũi tên hận tình. Chàng cũng không ngờ người lãnh trọn mũi tên nghiệt ngã ấy lại là H’limh – người con gái mà chàng ngày đêm thương thầm trộm nhớ mà không được đáp lại tình cảm.

Từ đó, cứ mỗi độ tháng 10 sang, nơi nàng H’limh chết lại nở ra một loài hoa có màu vàng rực. Người ta thường gọi là hoa dã quỳ. Cây hoa dã quỳ rất dễ mọc và mọc rất nhanh. Những cánh hoa màu vàng tràn đầy sức sống mãnh liệt như tình yêu chung thủy của nàng H’limh.

Những cánh hoa màu vàng tràn đầy sức sống mãnh liệt như tình yêu chung thủy của nàng H’limh.

Hàng năm, khi dã quỳ nở rộ thì thành phố Đà Lạt cũng vào mùa lễ hội hoa (Festival hoa Đà Lạt). Từ nhiều năm nay, hình ảnh hoa dã quỳ đã được chọn làm biểu tượng cho lễ hội hoa như một cách quảng bá du lịch gần gũi và đặc trưng đến với du khách gần xa. Du khách đến với Đà Lạt vào dịp  này chẳng những được thỏa thích ngắm “bữa tiệc hoa” với hàng trăm loại hoa rực rỡ khoe sắc mà còn say mê với sắc vàng rực của những bông hoa dại dã quỳ.

Cùng ngắm thêm một số ảnh về hoa dã quỳ (không có trong bài gốc):

Bình An

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s