CUỘC SỐNG MUÔN MÀU

Bằng cấp – Chiếc vương miện vô nghĩa


Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân.

Nếu như có ai hỏi trong đời tôi, điều gì làm tôi cảm thấy hối tiếc nhất, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời ngay rằng, đó chính là việc học đại học cho chuyên ngành Quản trị Du lịch – Khách sạn. Một sự tốn thời gian, công sức, và rất nhiều tiền bạc mà công việc sau khi ra trường chẳng phát triển tới đâu.

Ngành Du lịch – Khách sạn, bản thân nó là một ngành mà phần lớn khối lượng kiến thức, mức thu nhập, sự chuyên nghiệp, khả năng phát triển, nói chung là sự thành công của một người làm trong ngành phụ thuộc vào kinh nghiệm làm việc, sự chăm chỉ, nhạy bén, sự tiếp thu và một phần tính cách của người đó. Còn những gì bạn học được trên giảng đường đại học, dù là được học đa số các môn bằng tiếng Anh nghe rất hoành tráng đi chăng nữa, thì chúng chỉ là mớ lý thuyết suông,  thậm chí là vô dụng hay hoàn toàn trái ngược với yêu cầu công việc trong thực tiễn. Sau vài năm ra trường đi làm trong ngành dịch vụ không khói này, tôi mới chua chát nhận ra một sự thật rằng, với chuyên ngành Du lịch – Khách sạn, với một công việc trong ngành Du lịch – Khách sạn, mà để làm cho tốt, thì bạn chỉ cần học trung cấp, học ở các trường dạy nghề, thậm chí chỉ từ 6 tháng đến 1 năm, thêm vào việc học ngoại ngữ chuyên ngành là bạn đã có thể làm được rồi. Mức lương giữa một người ở trình độ trung cấp và đại học mới ra trường, cho cùng một vị trí, không khác nhau bao nhiêu.

Thực tiễn việc học và hành trong ngành Du lịch – Khách sạn nói riêng là như thế, nhưng đó cũng là thực tiễn đại diện cho nhiều ngành nghề khác. Trong giáo dục Việt Nam, những kiến thức mà chúng ta học được trên ghế nhà trường, trên giảng đường chỉ là kiến thức thụ động. Sự tụt hậu về việc cập nhật giáo trình, thiếu hụt những buổi thực hành, thực tế… trầm trọng chính là điều khiến cho ngành giáo dục nước ta trở nên yếu thế và non kém. Sinh viên mới ra trường đi làm đều bỡ ngỡ và gần như phải học lại từ đầu để theo kịp nhu cầu của công việc, bởi công việc khác vài phần hoặc hoàn toàn với những gì đã được học. Tất nhiên là không thể phủ nhận khả năng học hỏi, tiếp thu, trình độ tự học, sự nhanh nhạy, sáng trí ở mỗi người, nhưng cái cơ bản, với cách giáo dục ở trường lẫn ở nhà của người Việt Nam chúng ta bao đời nay, thì tư tưởng đi học, có bằng cấp hẳn hoi, sẽ tốt hơn với những người không đi học mà đã đi làm, đã lăn xả vào đời, tự mình thu thập thêm kiến thức, kinh nghiệm bằng những công việc thiết thực.

Đó chính là lý do mà vấn đề bằng cấp từ lâu trở thành một chuẩn mực ngầm đánh giá khả năng, trình độ của một con người mà không nói ra ai cũng biết, rằng trình độ đại học thì tốt hơn cao đẳng, cao đẳng tốt hơn trung cấp, trung cấp tốt hơn không có bằng cấp gì. Người ta đổ xô nhau đi học đại học, bằng mọi giá, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học thì phải ráng học, ráng chạy, dù khả năng học của cá nhân, khả năng tài chính của cha mẹ không đủ để cho phép người đó với tới cổng trường đại học. Người tốt nghiệp trung cấp thì học tiếp để lên cao đẳng, rồi đại học. Người đã có một bằng đại học rồi, thì lại tiếp tục đi học để có bằng thạc sỹ, hay văn bằng hai, văn bằng ba…, rồi học thêm chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ chuyên môn về nhân sự, quản lý… mà không biết khi học xong, liệu có hỗ trợ được gì cho công việc của anh sau này, liệu khả năng làm việc của anh có tăng thêm, hiệu quả công việc có tốt hơn, mức lương có được nâng cao, hay mớ bằng cấp đó sau khi lấy được rồi thì được treo trang trọng trên tường phòng khách, để ai đến cũng thấy được, để anh có thể vênh mặt lên với những người không có nhiều bằng cấp bằng anh?

Dẫn theo hệ lụy đó, trường học mọc lên như nấm với đủ các quy mô và tên gọi. Nào là trường quốc tế, nào là trung tâm giáo dục, nào là trường nghề… Nào là đại học tại chức, nào là giáo dục từ xa… Nhưng thực tế chất lượng giảng dạy như thế nào? Nhiều giảng viên tranh thủ đi dạy để kiếm thêm thu nhập, đi dạy mà như chạy show, giảng dạy qua loa, sinh viên ở dưới nghe hay không thì cũng mặc kệ. Ghê gớm hơn, đến kỳ thi cử thì nhiều giảng viên còn gợi ý thẳng về việc đưa phong bì để sinh viên đạt kết quả tốt. Tình trạng học hộ, thi hộ, ngồi nhầm lớp, cho nhầm điểm, rồi chứng chỉ giả, bằng giả… như chúng ta đã biết hiện đã và đang là những điểm đen khó xóa bỏ trong ngành giáo dục.

Trong cuộc sống có biết bao nhiêu tấm gương người thật việc thật về sự thành công trong công việc mà không hề được học hành đầy đủ, không có một tấm bằng nào lận lưng. Một số cái tên nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến như Bill Gates – người sáng lập tập đoàn Microsoft, Steve Jobs – đồng sáng lập viên, chủ tịch, và cố tổng giám đốc điều hành của hãng Apple. Tại Việt Nam thì có Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – chủ tịch công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Lê Phước Vũ – Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen… Không phủ nhận trong số họ có nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn mà phải mưu sinh sớm, phải tự mình đi làm, kiếm sống với mong muốn nuôi sống bản thân, với hi vọng thoát nghèo. Nhưng có ai chắc, những người đó, nếu có điều kiện kinh tế tốt, được học hành đầy đủ, thì họ sẽ thành công? Có ai dám khẳng định rằng, đi học đại học thì sẽ trưởng thành hơn, nên người hơn, giỏi giang hơn, hiểu biết hơn, hoặc kiếm được nhiều tiền hơn so với người chỉ học trung cấp, hay thậm chí, so với những người phải buôn thúng bán bưng ở ngoài đường? Một anh thạc sỹ, thậm chí tiến sỹ đi chăng nữa, cũng chỉ giỏi ở lĩnh vực chuyên môn của anh, chứ có hơn gì anh nông dân chân lấm tay bùn, trình độ chưa tới lớp 9, mà hiểu biết về rau củ, thời tiết, sâu bọ hơn cả những người mày mò nghiên cứu mấy mươi năm?

 Ảnh minh họa

Nếu không thích học, hay không có khả năng tiếp thu bài vở, việc học trở nên nặng nề và quá sức của bạn, thì sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, bạn có thể đi học nghề nào đó mà bạn thích, có thể xin đi làm ở lĩnh vực mà bạn muốn làm, ở những nơi chấp nhận bạn, trước là để kiếm tiền tự nuôi sống bản thân, sau là để trau dồi kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn. Làm việc tay chân thì có gì là sai, nếu bạn thích việc làm đẹp, có thể theo nghề uốn tóc, trang điểm, nếu bạn thích máy móc, cơ khí, có thể học nghề sửa xe máy, ô tô…

Bằng cấp sẽ chỉ là chiếc vương miện tô vẽ cho cuộc đời bạn thêm hồng, nếu bạn đi học chỉ để có chiếc bằng, chỉ để chứng minh rằng bạn đã học lên tới trình độ đó, mà không phải đi học để có kiến thức, để thật sự chú tâm vào việc tìm tòi và nâng cao trình độ, nâng cao chuyên môn, tay nghề và khả năng của mình. Hãy học thật sự vì kiến thức, vì sự lĩnh hội của bạn, vì sự hiểu biết, giá trị đích thực của bản thân. Nếu không có điều kiện học ở trường lớp, qua sách báo, Internet…, thì hãy để cuộc đời dạy bạn, hãy lăn xả vào đời, hãy đi tìm kiếm công việc, dù là việc tay chân hay trí óc, dù là việc ở lề đường hay ở văn phòng, bởi kiến thức ở trường lớp, chung quy lại, cũng chỉ nhằm mục đích hỗ trợ cho công việc của bạn sau này, hỗ trợ cho cuộc sống của bạn sau khi tốt nghiệp.

Hãy học vì chính bản thân bạn. Hãy làm chủ kiến thức, chứ đừng để bằng cấp làm chủ bạn.

Và nếu bạn thật sự giỏi giang và hiểu biết, vì lý do gì lại cần chiếc vương miện vô nghĩa kia gắn lên đầu, chỉ để chứng minh với những người xung quanh rằng, bạn là người có tri thức?

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s