Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Sài Gòn nằm ở số 01 Nguyễn Tất Thành, P.12, Q.4, trong tòa nhà trước kia được gọi là Bến Nhà Rồng. Từ hướng quận 1 chạy qua, bạn có thể đi thẳng theo đường Tôn Đức Thắng, qua cầu Khánh Hội, đi một đoạn rồi vòng ngược lại, cùng đường (giữa đường có rào chắn). Phải đi vòng ngược lại là vì bảo tàng nằm ngay dưới chân cầu Khánh Hội, từ hướng quận 1 đi qua thì nó nằm bên tay trái.
Hồi xưa học lịch sử nhớ nằm lòng sự kiện ngày 5 tháng 6 năm 1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng, lấy tên là Nguyễn Văn Ba, xin làm phụ bếp trên một con tàu.
Giờ vào bảo tàng, mới biết thêm, tên con tàu là Amiral Latouche Tréville.
Mô hình con tàu mà Bác đã xin làm phụ bếp để tìm đường cứu nước
Nói chung thì sau khi tham quan vài cái bảo tàng ở Sài Gòn, mình có vẻ như bị bội thực bởi cách sắp xếp trình bày, bởi thông tin hình ảnh và lượng kiến thức ghi trên đó. Thấy ở đâu cũng như nhau, cũng đúng là… bảo tàng, dành để trưng bày những thứ đã đi vào dĩ vãng. Mình chưa đi các bảo tàng ở nước ngoài, nhưng có đọc báo, thấy hoành tráng, sinh động và thú vị lắm. Không biết thực tế như thế nào.
Nhưng mình cũng thích việc đi đến chỗ này chỗ kia cho biết, dù có thể đã cũ, có thể gây chán. Chẳng hạn ở bảo tàng Hồ Chí Minh này, kiến trúc không có gì đặc biệt ngoài những ô cửa vòm khá đẹp mắt và màu sơn hồng đỏ hoài cổ, nội dung cũng không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là có những chi tiết hơi xa xa với Bác Hồ nhưng vẫn được đưa vào trưng bày, ví dụ như cái đài của người phụ nữ nào đó làm cách mạng dùng để nghe thông tin khi Bác mất đi, rồi ly uống nước của những người thợ đã xây đền tưởng niệm Bác ở một tỉnh miền Tây nào đó (mình không nhớ cụ thể, nhưng đại loại vậy).
Được cái, bảo tàng này có khuôn viên rất rộng, nằm ngay sông Sài Gòn, gió mát, cảnh quan được bài trí cây xanh, hoa cỏ xanh mát, rất đáng để vào đi dạo, ngắm cảnh và hưởng gió mát.
Vé tham quan cho người Việt là 2.000đ/ người (không rõ khách nước ngoài bao nhiêu). Bạn rảnh và có hứng thú thì đi thử nghen!
Có một điều mình hơi thắc mắc đó là sau khi đi vào vài căn phòng, chụp mấy bức ảnh bên trong, lúc đi ra, lên lầu để tham quan phòng khác, mình mới thấy tấm biển báo Không được phép chụp ảnh, quay phim. Mấy bảo tàng trước mình đã đi như bảo tàng mỹ thuật, bảo tàng TP. Hồ Chí Minh, bảo tàng Chứng tích chiến tranh… đều có cho phép chụp ảnh, nhưng không cho phép mở flash lên, vì sợ làm ảnh hưởng đến chất lượng hiện vật. Như vậy có sao đâu, sao lại cấm hẳn chụp ảnh quay phim chứ?
Bức ảnh bên phải là chân dung Bác được ghép từ vỏ cây, bức bên phải được ghép từ 10.000 tấm ảnh nhỏ về phong cảnh đất nước, con người Việt Nam.
Tuy vậy, trong khi mình chụp ảnh, có rất nhiều nhân viên bảo tàng đứng, ngồi bên ngoài, trông thấy, nhưng cũng không ngăn cản. Vậy để tấm biển đó làm gì?
Đầu năm đầu tháng, đi chơi là phải vui phơi phới! Ảnh: Thảo Võ