Thăm vườn dâu Đà Lạt
Cả đám về lại Đà Lạt, trả phòng khách sạn, gởi hành lý ở chỗ tiếp tân rồi đi ăn cơm. Chiều hôm nay, lịch trình chính là đi thăm một vườn dâu nào đó.
>> Đà Lạt không nên đi một mình (3)
>> Đà Lạt không nên đi một mình (2)
Ba bạn kia ngẫu hứng muốn ăn món chay (“mọi người vì một người” chăng?), nên theo lời anh chàng tiếp tân thì bốn đứa mò ra đường Phan Đình Phùng, nơi có nhiều quán chay, ghé đại vô quán Chay Việt gần ngã ba đường 3/2 và Phan Đình Phùng. Cơm ở đây ăn được lắm, 20.000đ/ dĩa tự chọn món, còn thêm chén canh là thêm 2.000đ nữa.
Ăn xong, bốn đứa ghé qua hồ Xuân Hương ngắm cảnh, nghỉ trưa một chút.
Đối với cá nhân mình, không hiểu sao khi lên Đà Lạt thì hồ Xuân Hương cho mình một cảm giác rất thân thuộc. Cứ đi đâu lạc thì nhắm hướng hồ Xuân Hương để từ đó đi đến nơi cần đến. Nhớ lần thứ hai lên Đà Lạt (tháng 10/2010), buổi sáng lạnh teo mình vẫn dậy sớm “mò” ra hồ ngắm sương lãng đãng buông. Còn lần thứ ba (tháng 10/2013) thì mình có hẹn với một em trai trên Couchsurfing ra hồ dạo bộ và chụp ảnh (cả hai đều thích chụp ảnh). Cũng trong lần thứ ba đó, mình có cả buổi trưa ngồi một mình bên hồ thả hồn lững lờ trôi, chẳng làm gì cả, mặc cho những cơn gió thổi qua mấy lớp áo mỏng như cắt da cắt thịt (lần đó liều, đi Đà Lạt mà không mang theo áo ấm)…
Bạn đã thấy phần không bình thường trong con người mình chưa?
Một bạn đồng nghiệp hiện tại, người từng có thời gian hơn 4 năm học tập trên Đà Lạt bảo mình, lên đây có rảnh thì ra hồ Xuân Hương đạp vịt., sẽ vui lắm! Trời đất ơi, nghĩ sao, xứ này lạnh ngắt mà ra giữa hồ đạp vịt? Mà trò đó cũng không phù hợp với độ tuổi 30 của mình chút nào!
Công trình quảng trường Lâm Viên với nụ hoa cao 15m và đóa dã quỳ cao 18m. Thông tin này mình chỉ biết khi về lại Sài Gòn, tra Google. Chứ còn hỏi người dân trên đó, người thì không biết, người thì bảo đó là hoa sen (!?!), do xây chưa xong nên nhìn không ra. Mà thực ra, nó đã xây xong rồi (!!!). À, bên trong nụ hoa kia là quán cà phê đó nghen!
Ảnh: Thảo
Mình thích mê những con đường thông xanh như thế này
Cả nhóm tiếp tục đi vườn dâu do Trung chỉ hướng, đâu trên đường vào hồ Tuyền Lâm, nghĩa là phải quay lại hướng đèo Prenn. Nghe vậy cả ba gái còn lại giãy nảy lên bảo sao lúc sáng không nói sớm để tranh thủ đi luôn cho tiện đường.
Theo đường vào hồ Tuyền Lâm thì bốn đứa tấp đại vô tấm bảng hiệu vườn dâu đầu tiên bên tay trái. Thật ra vườn dâu ở Đà Lạt thì nhiều lắm, mình có nghe một bạn làm bên du lịch chỉ chỗ vườn dâu uy tín là Biofresh, đây là một vườn dâu lớn, trồng dâu theo công nghệ hiện đại (trong chậu, đặt lên cao), nhưng mà mất công dò hỏi đường nữa, cũng chỉ là đi thăm một lần, xem cho biết vườn dâu nó như thế nào (mình và Vân chưa đi bao giờ, Thảo thì lần đầu tiên lên Đà Lạt), nên không quan trọng là bắt buộc phải đi vườn dâu nào. Hơn nữa, thời gian lại có hạn, nên cứ đi đại thôi.
Bạn nữ tiếp tân ở khách sạn Ngọc Mai Phú cứ thắc mắc là sao ai lên đây cũng đòi đi vườn dâu. Bạn bảo, em dân ở đây mà cũng chưa đi vườn dâu bao giờ (!!!).
Chỗ bọn mình ghé vào chỉ là một cửa hàng bán đặc sản
Ở đây có bán các loại mứt dâu, cam thảo, trà túi lọc Atiso, nước dâu…
Cửa hàng cũng có bán rau củ sấy khô mà theo lời chị bán hàng rằng ở đây bán loại rau củ sấy chứ không như ở chợ bán loại rau củ được chiên bằng mỡ gà. Sấy thì sẽ ngon hơn, ăn không bị gắt dầu mỡ. Hai loại này rất dễ nhận biết, nhìn thấy có váng mỡ dính trên miếng rau củ, bao bì là phân biệt được ngay. Mình cũng ăn thử, thấy rau củ ở chỗ chị không có vị dầu mỡ thật. Hèn gì giá bán ở đây đắt hơn hẳn (hộp rau củ sấy nhỏ có giá 45.000đ). Đặc biệt, hôm bọn mình tới là chủ nhật, chị bán hàng giới thiệu chủ nhật nào cửa hàng cũng có chương trình khuyến mãi, là mua năm món đồ bất kỳ sẽ được tặng thêm một món. Tụi mình mua một bịch trà túi lọc, hai hộp rau củ sấy, hai hộp mứt thì được tặng thêm một hộp rau củ sấy. Cũng được quá ha!
Đây địa chỉ, vườn dâu Duy Dung, 02 đường Trúc Lâm Yên Tử, P.3, TP. Đà Lạt. Điện thoại: 0986 618 218 – 0978 102 920
Cũng qua lời của chị bán hàng, tụi mình mới biết thêm thông tin về loại hồng giòn (loại vàng, cứng) và hồng trứng (loại chín mềm, đỏ) đều có nguồn gốc từ một loại hồng. Hồng già sau khi hái ở cây, nếu để ở ngoài thì sẽ chín đỏ, còn nếu bỏ bao bì cột chặt, ủ một thời gian thì sẽ thành hồng giòn, ăn giòn và không bị chát. Và chỉ khi đem ủ hồng tại Đà Lạt, với khí hậu Đà Lạt thì hồng bình thường mới trở thành hồng giòn. Nếu đem về xuôi mà ủ thì sẽ không thành công.
Riêng loại hồng ở Sài Gòn hay bán, trái bự, nhiều múi, là hồng Trung Quốc. Vì hồng Đà Lạt trái nhỏ và thường có hình tròn, không ra hình dáng nhiều múi.
Sau khi gợi ý các du khách mua vài món đồ, chị bán hàng nhờ một anh nhân viên dẫn đường cho tụi mình đi thăm vườn dâu. Chị nói vườn dâu ở ngay sau cửa hàng này, nếu đi bộ thì phải leo đồi rất cực. Vậy là tụi mình chọn cách đi xe, vì ai cũng tự lượng được sức khỏe già cả, yếu mệt lắm rồi.
Men theo con đường thẳng, rồi quẹo phải ngang qua hồ Tuyền Lâm. Hồ Tuyền Lâm là hồ nước ngọt lớn nhất ở Đà Lạt, với nhiều cảnh quan nên thơ và gần đó có ngôi Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt nổi tiếng.
Anh nhân viên ở vườn dâu dẫn đường
Rồi xe dừng ở một cơ sở vườn dâu khác, chỗ này cũng nhỏ thôi.
Ngay đằng sau là vườn dâu
Dâu chín còn rất ít, do bị các khách khác hái hết rồi
Được biết, mùa này đang mùa mưa nên trái dâu xấu, và ít năng suất
Nếu ăn tại Đà Lạt thì không sao, chứ còn mang về xuôi thì sẽ bị úng, hư hết ngay
Hoa dâu giông giống hoa trứng cá, nhưng cánh dày hơn, lớn hơn
Những trái dâu chưa chín như thế này ăn thử cũng ngọt và giòn lắm
Dâu có giá 150.000đ/ kg hái tại vườn.
Khác với loại dâu đá chỉ có giá 15.000-20.000đ/ kg mà ở Sài Gòn vẫn bày bán đầy trên đường Điện Biên Phủ với giá 10.000đ/ 3 lạng.
Chỉ có Vân và Thảo là hào hứng hái mua ăn. Còn mình đi loanh quanh chụp ảnh. Trung ra phía trước ngồi uống trà.
Ảnh: Vân
(Còn tiếp)
ôi, nhờ đọc blog chị An, em mới biết chuyện trái hồng 🙂