Sài Gòn – Bảo Lộc: 180 km
Trải nghiệm đường lên Bảo Lộc
Chuyến đi chợt nảy ra từ đâu ba, bốn ngày trước đó, trong một buổi tối trước khi đi ngủ, mình nằm tự hỏi, cuối tuần này nên đi đâu?
>> Độc hành tháng ba: lên núi xuống biển (1)
“Tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương…” (“Tháng ba Tây Nguyên” – Thơ: Thân Như Thơ – Nhạc: Trần Chung)
Nhớ năm ngoái, cũng vào tháng ba, mình cũng từng có chuyến độc hành Sài Gòn – Vũng Tàu – La Gi (Bình Thuận) – Bảo Lộc – Trảng Bom (Đồng Nai) – Sài Gòn ba ngày. Tháng ba, Tây Nguyên đẹp lắm. Vậy thì, đi Tây Nguyên đi.
Nhưng đi đâu của Tây Nguyên? Mình chợt nghĩ tới đèo Long Lanh, con đèo dài nhất Việt Nam nối Đà Lạt và Nha Trang (nói nối Đà Lạt và Nha Trang nhưng thực chất là nối huyện Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng với huyện Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa). Đây là một địa điểm mà mình muốn đi từ lâu lắm rồi, và cũng từng nghĩ trong đầu nhất định là một địa điểm phải đi. Vậy thì, quyết định vậy đi.
Xin nghỉ thêm ngày thứ hai, có được một ngày rưỡi cuối tuần nữa, mình cố gắng tranh thủ thời gian để thử sức mình một hành trình dài hơi bằng xe máy, đi một mình cùng với thời gian ngắn ngày như vậy: Sài Gòn – Bảo Lộc – Đà Lạt – Lạc Dương (Lâm Đồng) – Diên Khánh (Khánh Hòa) – Ninh Thuận – Bình Thuận – Sài Gòn. Một hành trình rất dài với tổng chặng đường khoảng 900 km, chỉ đi trong vòng chưa tới 2 ngày rưỡi như vậy cũng là dịp để mình thử sức mình trở lại, sau khoảng thời gian nửa năm ăn chay, xem sức khỏe có bị giảm sút gì hay không.
Hành lý chuẩn bị hơi bị nhiều, bởi mình đã dự liệu trước rằng chuyến đi sẽ trải qua hai loại địa hình cả núi lẫn biển, cùng loại thời tiết nóng và lạnh hoàn toàn trái ngược nhau. Chủ yếu thời gian ngồi trên xe, ít di chuyển đi bộ hay leo trèo, không phải tha cái ba lô to trên lưng, lại đi một mình nên thôi, mình cứ đem hành lý đầy đủ cho đỡ lo.
Khoảng 13g ngày thứ bảy thì mình bắt đầu di chuyển từ quận 10, theo đường Điện Biên Phủ đi thẳng ra Xa Lộ Hà Nội, rồi qua cầu Sài Gòn, qua cầu Đồng Nai, qua ngã ba Vũng Tàu, cứ theo quốc lộ 1A thẳng tới ngã ba Dầu Giây thì rẽ trái vô quốc lộ 20. Điểm cuối của ngày hôm nay sẽ là thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng. Nhưng mình cũng dự tính, nếu tới sớm, và còn sức, thì cứ chạy thẳng theo đường lên Đà Lạt, khi nào mệt thì sẽ tìm nhà nghỉ qua đêm, để đỡ được cây số nào hay cây số đó, giảm thiểu chặng đường dài cho hành trình về. Mình hoàn toàn hiểu là đi đường xa thì càng về ngày cuối, cơ thể sẽ càng mỏi mệt, sẽ chạy càng đuối.
Quốc lộ 20, đoạn vừa rẽ vào từ ngã ba Dầu Giây, địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Cột cây số chỉ Đà Lạt cách 208 km.
Mình có anh bạn đồng nghiệp nhà ở Bảo Lộc. Anh nói nếu chạy xe máy về nhà thì mất khoảng 4 tiếng cho chặng đường 180 km. Mình bảo anh, sao anh chạy nhanh vậy, bởi đường đi Bảo Lộc đa số là đèo dốc quanh co, chưa kể, đoạn đường sẽ đi qua tỉnh Đồng Nai, mà công an Đồng Nai nghe danh đã lâu, vừa chơi “núp lùm”, vừa liên tục thay đổi “lùm”, lại vừa khó khăn trong việc xin xỏ. Cho nên, mục tiêu của mình là cứ chạy miễn trên 4 tiếng tới nơi là ổn. Chưa kể, mình sẽ còn dừng chụp ảnh dọc đường, nên thôi, từ từ mà chạy, tranh thủ đoạn nào “phi” nhanh được thì mới “phi”.
Quốc lộ 20, lên một con dốc.
Qua cầu La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai.
Ở chỗ này, vì thấy cảnh người ta đang tung lưới đánh bắt cá đẹp quá, thế là mình tranh thủ dừng chụp vài tấm ảnh.
Lại tiếp tục đi. Ngang qua đoạn rừng cây khô (vẫn chưa biết tên cây là gì, mà chắc là không phải cao su, vì những đoạn có rừng cao su vừa đi qua mình đều thấy ra lá xanh hết rồi), nơi mà trong chuyến độc hành năm ngoái mình từng trầm trồ khi đi qua. Giờ gặp lại, vẫn trầm trồ và sướng rơn vì cảnh vẫn đẹp quá chừng!
Rồi cũng đi hết địa phận Đồng Nai (trải dài theo quốc lộ 20 thì sẽ lần lượt đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú của tỉnh Đồng Nai), tới được địa phận Lâm Đồng.
Một ngọn núi trọc và đoạn đường quanh co nhiều hơn.
Chuẩn bị qua đèo Chuối, vừa hết đèo này sẽ gặp KDL Madagui.
Cảnh nên thơ chưa kìa?
Sông Đại Quay chụp từ cầu Đại Quay, thuộc huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng.
Chuẩn bị qua đèo Bảo Lộc
Đèo Bảo Lộc dài khoảng 10 km. Với mình thì con đèo này không có gì là nguy hiểm hết. Phong cách đi xe máy qua đèo của mình là cứ từ từ mà chạy, nép sát lề, qua khúc cua trái hay phải gì đó thì đều có bật đèn xi-nhan rõ ràng. Nếu muốn vượt lên xe tải thì chầm chậm quan sát xem có xe đi ngược chiều hay không, rồi bật xi-nhan và thấy an toàn thì vượt lên thật nhanh.
Cảnh về chiều trên đèo cũng khá là đẹp, tiếc là trời nhiều mây, nên nắng hoàng hôn không được rực rỡ cho lắm. Xe đi qua nhiều đoạn mà nhìn xa xa thấy núi non xanh thẫm, cây cối lúc giao mùa, chuẩn bị vào mùa khô, đang trên đường đổi màu sắc, mình cảm thấy tâm hồn dạt dào cảm xúc. Trước thiên nhiên, con người chợt trở nên yếu mềm và không ngừng được những đợt sóng rung động trào dâng trong lòng…
Cảnh đẹp trên đèo Bảo Lộc
Vì đường đèo quanh co, và cũng hơi hẹp cho nên mình không thể dừng chụp ảnh nhiều lần, đành để cho đôi mắt hoạt động, thu hết cảnh quan vào trong lòng. Có một bạn nam cũng đi xe máy một mình, một tay cầm lái, một tay cầm máy quay phim mini quay lại cảnh trên đèo. Tuy bạn ấy đi chậm, nhưng mình nghĩ đi như vậy cũng thật nguy hiểm.
Đi gần hết đèo, mình gặp hai người phụ nữ, một lớn tuổi, một gần lớn tuổi vẫy xe xin đi nhờ. Lúc đầu nhìn từ xa thấy chị gần lớn tuổi vẫy xe, mình cứ tưởng là chị vẫy một trong những chiếc xe du lịch đang chạy tới. Nhưng rồi mình nghĩ ngay, đang ở trên đèo mà xe nào có thể dừng đón khách chứ? Vậy là chị này vẫy xe máy đi nhờ, nhưng lúc đó mình đã vụt qua chị mất rồi. Vừa vụt qua chị thì thấy cô lớn tuổi vẫy tiếp, mình liếc nhanh kính chiếu hậu rồi thắng gấp, tấp ngay vào chỗ cô lớn tuổi. Vừa lúc đó, mình cũng thấy bạn nam vừa chạy xe vừa quay video kia cũng tấp vào chỗ chị kia.
Cô lớn tuổi ngồi sau xe mình, kể là nhà họ ở dưới đèo, cách nhau không xa. Hàng ngày, từ sáng sớm chị kia sẽ đi bộ tới nhà cô rồi rủ cô đi cùng, cả hai vừa đi bộ theo hướng lên đèo, vừa tìm nhặt những chai nhựa, đồ đồng nát người ta bỏ đi, gom về bán lại. Cô cũng nói nhà có ba người con nhưng họ đều đi làm xa, lâu lâu mới về thăm cô. Cô còn nói với mình, kệ dù kiếm được ít nhưng cũng gọi là có thêm thu nhập, với lại cũng coi như tập thể dục hàng ngày. Nghe giọng của cô, mình đoán quê gốc của cô ở vùng Hà Tĩnh – Nghệ An gì đó. Mình nghĩ là cuộc sống vật chất của cô tuy khó khăn, nhưng qua giọng kể bình thường và chân chất của cô, mình cảm nhận là cô sống khá thanh thản và hài lòng.
Mình thường tự hỏi, không biết mục đích sống cuối cùng của một con người sẽ là gì? Tiền bạc thường là mối quan tâm lớn nhất, cuộc sống mà không có tiền thì hẳn nhiên là khổ rồi. Nhưng tiền có phải là mục đích sống cuối cùng không, khi mà chết đi, tất cả giàu cũng như nghèo, đều ra đi với bàn tay trắng, không mang được thứ gì theo để rồi hóa kiếp thành một cuộc sống khác. Có nhiều người giàu nhưng lại không hề sướng. Nhưng cũng có người khổ vật chất nhưng lại không khổ về tinh thần. Với mình, không khổ về tinh thần thì mới là sướng.
Mình đổi chủ đề, hỏi cô rằng có phải khuya với sáng sớm thì Bảo Lộc mới lạnh hay không? Cô cho biết, mấy ngày nay Bảo Lộc không hề lạnh, tối đi ngủ không cần phải đắp chăn.
Qua hết đèo, đi thêm một đoạn thì đến nhà cô, nằm ngay trên quốc lộ 20 luôn. Lúc tới nhà, thấy cửa mở, cô nói chắc con gái cô đi dạy ở gần đây ghé vô, rồi cô mời mình vô nhà uống nước, nhưng mình từ chối vì còn đi cho kịp giờ. Từ đây đi vô trung tâm phải đi thêm vài cây số nữa.
Trời ơi Bảo Lộc nóng như ở Sài Gòn.
À, sau này đi về, mình nghe anh bạn đồng nghiệp quê Bảo Lộc kể lại một câu chuyện có thật rằng có người đàn ông khi qua đèo Bảo Lộc đã cho một cô gái đi nhờ xe, còn cởi áo khoác cho cô ấy mượn và hẹn hôm sau sẽ ghé nhà lấy lại. Đúng hẹn, anh chàng ghé nhà thì được người mẹ dẫn ra ngôi mộ của cô, trên đó đúng là có áo khoác của anh, còn nghe người mẹ nói cô ấy đã chết mấy năm rồi, do đi học về bị xe đụng trên đèo.
Hờ hờ, mình từng nghe nhiều câu chuyện tâm linh về việc vô tình cho người âm quá giang, thấy cũng ớn lạnh thiệt, nhưng mà mình thường đi một mình, tiện thì cho người khác quá giang. Với lại lúc đi qua đèo, mình không nghĩ gì cả, tâm trí mình hoàn toàn tỉnh táo và trong sáng, nên không có nỗi sợ chen ngang. Vả lại, mình cũng nghĩ rằng, mình không làm gì người ta cả, thì dù có là người dương hay âm gì cũng chẳng ngại. Có câu “tâm chính trấn áp bách tà” là vậy!
Đi vô gần tới trung tâm, mình nhìn thấy con đường rẽ trái chỉ vô thác Đămbri. Đây cũng là đường đi vô tu viện Bát Nhã, một nơi nghe nói là rộng rãi, thoáng mát, có cây cối xanh tươi bao quanh, đáng để người yêu thích thiên nhiên như mình đến thăm thú. Xem đồng hồ, mình thấy lúc ấy đã là 17g30, vậy là mình đi cũng khá nhanh, 4 tiếng rưỡi cho chặng đường 180 km và có dừng lại chụp ảnh dọc đường. Thấy cũng đã trễ, trời lại không có hoàng hôn rực rỡ, nên mình quyết định thôi cứ chạy xe vào con đường đi Đămbri kia để xem có cảnh gì đẹp không thì chụp. Mình tự nghĩ, mình vẫn chưa thấy mệt, mình còn đi được.
Có hai nơi ở Bảo Lộc mà mình muốn ghé là thác Đămbri và tu viện Bát Nhã, nhưng không quan trọng lắm, ghé được thì ghé, không thì tùy duyên, đợi duyên sau vậy. Quan niệm của mình, một hành trình thành công là mặc kệ những địa danh, những điểm đến đã định liệu, miễn là trong suốt chuyến đi mình hoàn toàn hòa nhập được với cảnh quan, được ngắm cảnh đẹp, được nhìn thấy những thứ lạ lẫm, nghe những điều mới mẻ, thì những việc mà mình nghĩ là “kim chỉ nam” cho chuyến đi đã dự liệu trước kia, không còn có ý nghĩa gì nữa.
Đường đi Đămbri này là con đường đầu tiên mà mình nhìn thấy tấm bảng chỉ dẫn đi vào Đămbri, vì nếu đi từ quốc lộ 20 vô trung tâm Bảo Lộc, trên đường bạn sẽ còn gặp nhiều con đường rẽ trái cùng bảng chỉ dẫn đi vào thác Đămbri. Vừa rẽ vào chừng 200 m thì mình nhìn bên tay trái thấy có vườn trà, vậy là mình dừng xe, rẽ vô con đường nhỏ kề vườn trà để tiện tung tăng chụp ảnh. Trên con đường này, mình vừa có thể chụp ảnh vườn trà, vừa có thể chụp ảnh hoa dã quỳ đang trên đường héo tàn, do đã sắp vào mùa mưa Tây Nguyên, gần giống với khí hậu miền Nam.
Hai bên đều là vườn trà
Dã quỳ cuối mùa
Dừng chụp ảnh ở đây khá lâu, trời cứ tối dần, nên mình quyết định ra lại quốc lộ 20, tìm quán cơm ăn rồi mới tính tiếp. Chỗ mình ăn cơm chay nằm trên quốc lộ 20 (tức đường Trần Phú, Tp. Bảo Lộc), đối diện với văn phòng xe Phương Trang.
Giải quyết xong vấn đề của cái dạ dày, mình mới quấn khăn che đầu, che tai thật kín, vì lúc chạy đi loanh quanh chụp ảnh thì thấy nóng, nhưng lên xe chạy đi thì mới bắt đầu bị gió thổi vào lạnh từng cơn, rồi theo quốc lộ 20 đi tiếp về hướng Đà Lạt. Nhưng mới chạy được một đoạn, mình thấy trời tối quá, đèn hai bên đường quá yếu, mà đoạn đường đi từ đây về hướng Đà Lạt mình chưa nhìn thấy vào ban ngày, không biết sẽ ra sao, sẽ có cảnh quan gì, đồi dốc thế nào, đèo quanh co ra sao (hồi giờ đi Đà Lạt toàn đi xe đêm, hoặc gần lên tới nơi là ban đêm, nên đâu thấy đường xá gì đâu), nên lại nhanh chóng đổi ý, là tìm đại một nhà nghỉ nào đó, đi ngủ rồi sáng mai đi sớm.
Nghĩ tới đó, cũng vừa hay nhìn bên kia đường thấy có nhà nghỉ Ngọc Vy, từ bên ngoài nhìn thấy sáng sủa, kiến trúc nhỏ nhắn theo phong cách biệt thự vườn mini, vậy là mình tấp vô luôn.
Mình hỏi anh tiếp tân phòng bao nhiêu. Anh nói “một trăm mốt”. Mình cười, bảo: “Sao lại có mốt mốt ở đây?”. Anh nói tiếp, thì hai người là một trăm ba, một người là một trăm mốt, anh thấy có một người nên báo luôn, mất công em lại hỏi sao lại có ba ba ở đây.
Thấy giá lẻ lẻ mà thôi, vậy cũng rẻ rồi, nên mình không trả treo và nhanh chóng đưa giấy tờ và dắt xe vào phòng theo lời anh.
Xe máy để luôn trong phòng cho an toàn, anh tiếp tân kêu vậy.
(Còn tiếp)