DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Bảo tàng Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn


Việc tham quan bảo tàng Tôn Đức Thắng tại số 05 đường Tôn Đức Thắng, quận 1, Sài Gòn gần đây làm mình nhớ lại một bộ phim mà mình có xem lướt qua vài tập của hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh television studios – TFS). Mình nhớ tên phim là “Trên bến Ô Môi”, một bộ phim khá hay và chân thực, nói về cuộc đời cách mạng của Tôn Đức Thắng (Bác Tôn), nhưng tìm hoài thông tin trên Internet mà không ra bộ phim đó.

Mở ngoặc, ô môi là tên của một loại cây gần giống với me Tây, được trồng nhiều ở vài tỉnh miền Tây Nam bộ. Trái ô môi được dùng để ăn chơi hoặc ngâm rượu uống và có công dụng trị bệnh. Bến Ô Môi như tên bộ phim là một bến đò nối từ Tp. Long Xuyên qua cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang – quê hương của Bác Tôn.

Nói về thể loại phim cách mạng, không phải cứ có đạn bom, khói lửa, có chiến tranh, thì sẽ là những bộ phim chán ngán. Thực tế là phim cách mạng Việt Nam có nhiều bộ phim hay và xúc động mà trong ký ức tuổi trẻ của mình từng ấn tượng sâu đậm, như phim “Cánh đồng hoang” (biên kịch: nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đạo diễn: Nguyễn Hồng Sến, diễn viên chính: Lâm Tới và Thúy An). Phim kể về cuộc sống của vợ chồng Ba Đô và đứa con nhỏ sống trong một căn chòi nhỏ giữa vùng sông nước Đồng Tháp Mười trong những ngày diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ. Họ được phía cách mạng Việt Nam giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội. Hay như phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (kịch bản: nhà văn Sơn Tùng, đạo diễn Long Vân, diễn viên chính: Tiến Hợi) với nội dung chân thực về thời tuổi trẻ của chủ tịch Hồ Chí Minh. Phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (đạo diễn: Nguyễn Khắc Lợi, Viên Thế Kỷ, diễn viên chính: Trần Lực) cũng là một bộ phim hấp dẫn. Phim xoay quanh vụ án Hồng Kông khi thực dân Anh cố tình khép tội Nguyễn Ái Quốc, nhưng với ý chí và tài năng phi thường, đặc biệt có sự giúp đỡ của vợ chồng luật sư Loseby, cùng các chiến sĩ cộng sản Trung Quốc, Người đã thoát khỏi nhà tù Victoria. Người đã rời khỏi Hồng Kông trở về Việt Nam tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng non trẻ lúc bấy giờ.

Kể dông dài như vậy để nhắc lại rằng, phim cách mạng không phải lúc nào cũng nhàm chán và gây buồn ngủ. Những câu chuyện lịch sử không phải là khô khan và khó nuốt. Chúng ta không thể thay đổi hay phủ nhận giá trị của lịch sử, mà học lịch sử, tìm hiểu lịch sử cũng là một cách để chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá, biết ơn nguồn cội, tha thứ cho những lỗi lầm, tránh đi những tiếc nuối, và sống tốt cho hiện tại.

Vậy nên, với mình, đi bảo tàng ngoài việc để chụp ảnh, hiểu hơn về Sài Gòn, cách người ta làm du lịch, thì còn là dịp để biết thêm về lịch sử. Bởi nếu học lịch sử chỉ qua sách báo thì kiến thức thu được chỉ là những kiến thức chết và dễ dàng quên đi. Còn thông qua những hình ảnh, hiện vật trong bảo tàng, thì lịch sử mới hiện ra sống động và có sức thuyết phục, thu hút hơn.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng là một địa danh khá hay của Sài Gòn khi nó nằm trên con đường cũng mang tên Tôn Đức Thắng, và đối diện với hãng tàu Ba Son, nơi Bác Tôn từng làm việc thời trẻ và tổ chức những cuộc biểu tình của công nhân.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng được thành lập vào năm 1988 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (ngày 20 tháng 8 năm 1888). Ban đầu, bảo tàng có tên là “Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng”, được cải tạo và xây thêm từ tư dinh của Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng chính quyền Việt Nam Cộng hòa” (Biên tập theo Wikipedia).

Sân trước bảo tàng Tôn Đức Thắng

Bảo tàng Tôn Đức Thắng là nơi duy nhất trong cả nước giới thiệu khá đầy đủ và có hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng thông qua 5 chủ đề chính ở các phòng trưng bày thường trực và 1 phòng trưng bày chuyên đề ngắn hạn” (Theo baotangtonducthang).

Bên ngoài mé trái bảo tàng là hiện vật chiếc xe Bác Tôn thường dùng cho công tác

Cây bưởi Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trồng nhân kỷ niệm 105 ngày sinh Bác Tôn

Tôn Đức Thắng (1888-1980), thường được gọi là Hai Thắng, bí danh Thoại Sơn và được gọi là Bác Tôn, là Chủ tịch nước thứ 2 của Việt Nam (nhiệm kỳ từ 22 tháng 9 năm 1969 cho đến 2 tháng 7 năm 1976) và cuối cùng của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là Chủ tịch nước đầu tiên của chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”

Phòng trưng bày chuyên đề “Bác Tôn: Câu chuyện giáo dục trong gia đình qua những lá thư”

Lời nhắn xúc động của một người con quê An Giang

Bút tích trong thư của Bác Tôn

Mô hình phục dựng một góc nhà sàn Bác Tôn tại tỉnh Tuyên Quang

Bước lên lầu là 3 phòng trưng bày những hiện vật gắn liền với tiểu sử Bác Tôn.

Những vật dụng của Bác Tôn…

… không hiểu sao mình luôn có cảm giác thân quen mỗi khi nhìn thấy những vật này khi đi bảo tàng, có lẽ ở nhà mình ba má giữ đồ vật khá kỹ, ít khi vứt đi vật cũ, nên có những hiện vật mà mình cảm thấy quen thuộc vì trong nhà mình vẫn còn dùng

Mô hình ngôi nhà Bác Tôn đã từng làm việc và nghỉ ngơi ở số 35 Trần Phú, Hà Nội.

Chân dung Bác Tôn bằng chất liệu sơn dầu

Bác Hồ và Bác Tôn bằng chất liệu lụa nổi

Tranh bảo tàng Tôn Đức Thắng bằng chất liệu lá thốt nốt

Có một điều thú vị là ở các góc trưng bày được bài trí đèn cảm ứng, khi có người tới gần thì đèn mới được bật sáng.

Bảo tàng mở cửa miễn phí các ngày trong tuần (trừ thứ 2), sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s