Đi xuống thì nhanh hơn leo lên, nhưng lại có kiểu mệt khác. Đó là đôi chân phải ghìm chặt xuống những bậc thang dốc, kẻo lơ là một chút là cả người lăn lông lốc xuống như trái bóng…
>> Về với thiên nhiên: biển Long Hải – núi Thị Vải (3)
>> Về với thiên nhiên: biển Long Hải – núi Thị Vải (2)
Trung có cách đi xuống đỡ mỏi là đi xà lui, nhưng như vậy cũng khá là nguy hiểm, gây mỏi cổ và phải tập trung để mà bước. Mình thì cứ đi từ từ tà tà xuống, vậy mà cũng đi được nhanh. Có lẽ, sau đợt leo núi Chứa Chan, rồi tới núi này, thì dù trước khi đi đã nghĩ là sẽ rất mệt, rất đuối, nhưng không hẳn vậy. Leo núi thường xuyên, cũng như tập thể dục, lúc đầu mệt, nhưng dần dần rồi quen. Dự là, nếu mỗi tháng cứ leo núi một lần, kết hợp những ngày rảnh rỗi khác đi chơi, ra đường thường xuyên, thì sức khỏe sẽ được cải thiện đáng kể thôi.
Đi một lúc nữa thì đã đến được chùa Hạ (chùa Liên Trì) ở chân núi. Đoán chừng thời gian xuống núi khoảng 1 giờ đồng hồ.
Trong ba ngôi chùa núi Thị Vải, nếu như chùa Thượng đang xây thêm, trùng tu lại, chưa biết được đẹp xấu thế nào (nhưng đoán rằng khi làm xong sẽ là ngôi chùa đẹp nhất, rộng rãi nhất), còn chùa Trung nhỏ xíu, thì chùa Hạ chính là ngôi chùa đẹp nhất, hoành tráng nhất ở thời điểm hiện tại.
Dù sao thì đây cũng là “bộ mặt” đầu tiên mà khách thập phương tiếp xúc khi đến với núi Thị Vải mà lại!
Cả nhóm ra lại chỗ gửi xe, ngồi uống nước, nghỉ ngơi một lúc thì đi về. Trên đường về, nhóm ghé vô chùa Bánh Xèo (tức ni viện Thiện Hòa) để ăn trưa.
Chùa Bánh Xèo nằm ở phía sau chùa Đại Tòng Lâm. Bạn đi vào cổng chính của chùa Đại Tòng Lâm, rẽ phải ngay qua cái cổng nhỏ, quẹo trái, đi thẳng vô con đường lắt léo ngoằn ngoèo đến cuối đường thì sẽ thấy chùa Bánh Xèo nằm bên tay phải.
Chùa rất dễ tìm, vì ngay cổng chùa bạn đã có thể thấy luôn luôn tấp nập người vô ra, có cả những chiếc xe 45 chỗ chở khách du lịch vào tham quan và thưởng thức đồ chay.
Một số bà, cô đang hứng hoa sala rụng ở cổng chùa như một điều may mắn, tốt lành đem về nhà
Bước vô cổng chùa, bên tay trái là Thanh Lạc Trai, nơi phục vụ các món ăn miễn phí cho thực khách
Cái tên chùa Bánh Xèo xuất phát từ việc ban đầu chùa có phục vụ món bánh xèo cho khách tham quan
Quầy lấy cơm canh
Ngoài cơm, chùa còn có bún riêu
Và quầy đổ bánh xèo
Luôn có sẵn trên bàn là cơm, canh cùng các món ăn chay. Ai muốn ăn gì thì tới các quầy để lấy thêm.
Thực khách ăn xong thì dọn dẹp cho gọn và bưng dĩa chén dơ ra chỗ tập kết phía sau, sẽ có những người làm công quả dọn dẹp. Ở đây tùy tâm, bạn có thể đặt ít tiền vào những thùng công đức sau khi ăn xong.
Cả nhóm khởi hành về lại Sài Gòn, sau khi tấp vào một quán võng ven đường để uống nước, nhắm mắt nghỉ ngơi một chút.
Chuyến đi, theo lời Việt thì, đã “thành công tốt đẹp”!