DU KÝ · Du Ký Tạp Bút

Hướng dẫn cơ bản khi đi máy bay lần đầu


Máy bay đã trở thành phương tiện vận chuyển phổ biến quá rồi, tuy nhiên, sẽ có nhiều bạn chưa được đi máy bay bao giờ. Và sẽ là cảm giác bỡ ngỡ, chút lo lắng, hồi hộp khi sử dụng dịch vụ của phương tiện này lần đầu tiên.

Cũng như mình thôi, lần đầu tiên đi máy bay mình cũng hồi hộp và lo lắng đủ thứ. Lên mạng tìm hiểu về những đồ vật bị cấm trong hành lý xách tay, về quy chuẩn hành lý… Rồi lại nghĩ không biết có bị say máy bay hay không… Nên mình viết bài viết này, hi vọng vài hướng dẫn cơ bản sẽ giúp ích cho những bạn đi máy bay lần đầu bớt bỡ ngỡ và lo lắng, như mình đã từng.

Sắp xếp hành lý

Tùy theo nhu cầu, sở thích, thói quen cá nhân, điểm đến và số ký bạn được phép mang theo trong hành lý… mà bạn có sự sắp xếp và chuẩn bị những vật dụng mang theo khi vận chuyển bằng máy bay cho phù hợp.

– Phí vận chuyển hành lý xách tay đã được tính tiền trong giá vé máy bay khi mua, mặc định thông thường mỗi hãng là 7 kg. Có một số hãng khi mua vé thì giá vé bao gồm 7 kg hành lý xách tay và 15 hoặc 20 kg hành lý ký gửi.

– Hành lý xách tay được quy định chung là bạn mang theo bên mình, mang lên máy bay, thường được phép mang một kiện hàng chính (va li hoặc ba lô) với quy chuẩn chiều cao – ngang – rộng lần lượt là 56 cm – 36 cm – 23 cm (có trường hợp đặc biệt theo quy chuẩn khác, tùy chặng bay, hãng bay, ở đây mình chỉ nói chung chung là vậy, nếu bạn có thêm thắc mắc thì cứ tìm kiếm Google cụ thể cho hành trình và hãng hàng không mà mình sử dụng); và một kiện hàng phụ (thường là túi xách tay nhỏ gọn, bịch nylon đựng đồ…). Tất cả hành lý xách tay phải đảm bảo bỏ được vào khoang để hành lý ở trên đầu ghế, hoặc dưới ghế ngồi phía trước chân bạn.

– Nếu có nhiều hành lý thì bạn phải mua thêm hành lý ký gửi với tối thiểu là 15 kg, và tối đa thì tùy hành trình, hãng hàng không. Hành lý ký gửi là hành lý mà khi ra sân bay làm thủ tục lấy chỗ ngồi lên máy bay, hành lý sẽ được đem cân ký và đưa vào băng chuyền để chuyển vào khoang hành lý ký gửi trên máy bay (kiểu như bỏ dưới hầm xe khách vậy).

– Nếu mang dư số ký mà bạn đã mua, thì bạn buộc phải mua thêm, hoặc là phải bỏ lại sân bay.

– Những thứ không được phép cho vào hành lý xách tay, mà phải cho vào hành lý ký gửi để mang lên máy bay, bao gồm: dao (dao gấp cũng không được), kéo, tua-vít, bật lửa, dù (ô); các loại thực phẩm có chứa nước và nặng mùi như dừa, sầu riêng, nước mắm, rượu… Tuy nhiên, nếu bạn có cách đóng hộp, dán kín những loại thực phẩm nặng mùi này thì có thể đem lên được, nhưng cũng… hên xui!

Các loại súng ống, đạn dược… thì hẳn là, sẽ bị cấm tiệt cho dù là đựng trong hành lý xách tay hay ký gửi. Riêng có những loại thực phẩm bị cấm mang vô một số quốc gia, chẳng hạn như không được mang kẹo cao su khi đến Singapore.

Hóa mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, nước hoa, sữa rửa mặt, kem đánh răng nếu muốn cho vào hành lý xách tay thì mỗi loại phải có thể tích từ 100 ml trở xuống, tất cả phải không quá 1l và phải được bao bọc kín, cho vào túi nylon kín.

Riêng những đồ vật như chìa khóa, dây nịt, bấm móng tay, đồ sạc pin, máy ảnh, điện thoại, máy nghe nhạc… thì được phép cho vào hành lý xách tay mang lên máy bay.

Nước uống trước đây bị cấm mang theo hành lý xách tay, tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 01/05/2016, các chuyến bay nội địa cho phép “mỗi hành khách, thành viên tổ bay chỉ được mang không quá 1 lít chất lỏng theo người và hành lý xách tay”. Nhớ là chỉ các chuyến bay nội địa thôi. Ngoài ra, tuy nói là nước được phép mang lên máy bay, nhưng là sau khi đã qua máy soi kiểm soát an ninh. Nghĩa là, nước bạn mang theo từ nhà sẽ không được phép mang lên máy bay. Mà sau khi đi qua máy soi, vào khu chờ lên máy bay, thì nếu bạn muốn uống nước hoặc mang nước theo lên máy bay, bạn phải mua ở các cửa hàng bên trong (tất nhiên giá sẽ đắt), hoặc hên xui, tùy sân bay mà sẽ có những cây nước uống miễn phí mà bạn có thể đến đó lấy (với đồ đựng sẵn mà bạn đã chuẩn bị trong hành lý xách tay).

Đối với hành lý ký gửi, những thứ có nước và nặng mùi thì phải được bọc kín theo đúng yêu cầu của hãng hàng không.

Thủ tục đi máy bay

Đối với các chuyến bay nội địa, bạn nên đến sân bay trước từ 45 phút đến 1 tiếng rưỡi trước giờ khởi hành để làm thủ tục. Còn với các chuyến bay quốc tế thì từ 1 tiếng rưỡi cho tới 3 tiếng trước giờ khởi hành.

Khi đi vào sân bay, bạn tìm đến nhà ga quốc nội hoặc quốc tế tùy hành trình mà bạn muốn đi. Rồi tìm đến ga đi (departure).

Nhìn các bảng hướng dẫn và đi theo, không biết thì hỏi nhân viên sân bay.

Bạn tìm tới quầy của hãng hàng không mà bạn đã mua vé, liên hệ nhân viên quầy để làm thủ tục lấy số ghế và kiểm tra hành lý (check-in). Bạn cần trình ra mã số đặt chỗ (reservation code, có thể lưu trong tin nhắn điện thoại, hoặc chụp ảnh vé máy bay, nếu là mua vé trực tuyến, hoặc nếu bạn có vé in ra thì đưa cả cái vé cho nhân viên), kèm theo chứng minh nhân dân (CMND, nếu đi nội địa), hoặc hộ chiếu (passport, nếu đi nước ngoài). Nhân viên sẽ cân hành lý của bạn và đưa cho bạn thẻ lên máy bay (boarding card) với thông tin tương tự như trên vé máy bay, nhưng có thêm số cửa lên máy bay (gate), thời gian lên máy bay (boarding time) và số ghế (seat).

Nếu có yêu cầu gì về chỗ ngồi, ví dụ như ngồi cạnh cửa sổ, cạnh lối đi, phía cuối máy bay… thì bạn nên đến quầy check-in sớm và yêu cầu với nhân viên làm thủ tục check-in, nếu yêu cầu về chỗ ngồi của bạn còn trống thì người ta sẽ đáp ứng.

Các quầy check-in của hãng hàng không với những màn hình đề chuyến bay sắp tới. Bạn cần xem lại trên vé của mình số hiệu chuyến bay (flight), tương tự như số xe, số tài để kiểm tra lại giờ giấc bay cho đúng. Nhớ xếp hàng cho đúng phép tắt nghen.

Để tiết kiệm thời gian chờ đợi, bạn có thể làm thủ tục check-in trực tuyến tại nhà (tùy hãng) hoặc tại các cây check-in tự động như thế này (cũng tùy hãng)

Thẻ lên máy bay (boarding card)

Công việc tiếp theo là đi qua cửa kiểm soát an ninh. Tại đây, nếu là chuyến bay nội địa thì các nhân viên an ninh sẽ kiểm tra lại vé và CMND của bạn. Nếu là chuyến bay quốc tế thì ngoài kiểm tra vé và hộ chiếu, nhân viên xuất cảnh sẽ đóng dấu xuất cảnh vào hộ chiếu của bạn.

Cửa kiểm soát an ninh, chỗ này không được phép chụp hình, nhưng ảnh này là mình chụp từ rất xa, rồi cắt bớt lại.

Tiếp theo là đi qua máy soi. Bạn sẽ cho tất cả hành lý xách tay qua máy soi theo yêu cầu, cho cả điện thoại di động và dây nịt (nếu có) vô hành lý hoặc khay nhựa để đi qua máy soi. Mình ghét vụ cởi dây nịt, cho nên rút kinh nghiệm, khi đi máy bay mình sẽ mặc đồ không cần dây nịt, còn điện thoại thì trước khi qua máy soi lấy bỏ vào hành lý, để khỏi mất công tốn thời gian và phiền người đi sau. Ở giai đoạn này, nếu bạn có đang uống dở nước gì thì cũng phải đổ bỏ hết nha.

Ngoài ra, theo cập nhật mới nhất, thì những ai mang giày cũng phải cởi ra cho vào khay nhựa qua máy soi. Vụ này hơi phiền phức tí!

Xong bạn đi qua cửa soi, cửa này cũng soi bạn như chụp X-quang vậy đó, coi có mang theo vũ khí, ma túy… gây hại gì không. Vậy cho nên, khi đi máy bay, đừng dại dột xách giùm đồ cho người lạ mặt, hoặc cho người lạ mặt gửi nhờ hành lý, kể cả xách giùm đồ cho người già, trẻ em…, kẻo đồ họ nhờ bạn mang giùm là vật cấm thì toi đời.

Qua máy soi hành lý thì bạn sẽ tìm đến cửa (gate) số mấy đó (có ghi trên thẻ lên máy bay) để lên máy bay. Nếu thẻ lên máy bay không ghi thì bạn nhìn và tìm kiếm qua các màn hình điện tử, hoặc hỏi nhân viên sân bay.

Qua máy soi là các thiên đường ăn uống…

… hay mua sắm sẽ hiện ra

Cây nước tự động (tùy sân bay), cây này là dạng có ly để khách rót uống

Cây này là dạng uống trực tiếp, nghĩa là khách leo lên bục, cuối người, chổng mông, kê miệng vào chỗ vòi nước và mở lên uống (uống kiểu này thấy mất hình tượng quá!)

Nhìn các biển chỉ dẫn để tìm ra cửa lên máy bay cho đúng

Cửa lên máy bay, chưa tới giờ lên nên tạm đóng

Nếu chưa tới giờ lên máy bay thì bạn ngồi chờ

Sẽ có hai kiểu đi lên máy bay, đó là đi đường ống (có cái ống di dộng gắn từ cửa sân bay cho tới cửa máy bay), hoặc sẽ có xe buýt chở khách từ cửa cho tới chỗ máy bay đậu. Tới giờ lên máy bay, cửa sẽ mở ra, nhân viên làm thủ tục sẽ kiểm tra thẻ lên máy bay và CMND/ hộ chiếu của bạn và cho bạn ra máy bay.

Lên máy bay bằng đường ống

Lên máy bay bằng xe buýt

Đi tới cửa máy bay, bạn sẽ đưa thẻ lên máy bay cho các tiếp viên hàng không kiểm tra một lần nữa, rồi bạn tìm đến số ghế của mình, cho hành lý xách tay vào khoang đựng hành lý, và ngồi xuống. Chỗ ngồi trên máy bay được chia làm 2 dãy, mỗi hàng của một dãy sẽ có tổng cộng 6 ghế ngồi, chia ra làm hai bên, đặt tên là 1A 1B 1C, và 1D 1E 1F, 2A 2B 2C, 2D 2E 2F,… cứ thế. Chỗ ngồi A và D là kế cửa sổ. Mình thích các chỗ này, vì có thể ngắm cảnh, và chụp ảnh từ trên cao.

Khi đã yên vị chỗ ngồi của mình, bạn sẽ được các tiếp viên hướng dẫn cách cài dây an toàn, sử dụng mặt nạ oxy, chỉ cửa thoát hiểm… Xong xuôi các thủ tục ấy, máy bay sẽ cất cánh.

Các thủ tục từ lúc lên máy bay và hướng dẫn an toàn này mất kha khá thời gian, nên tổng giờ bay được ghi trên vé là không đúng, mà tổng giờ bay thực tế phải ít hơn.

Trong quá trình đi máy bay, bạn không được hút thuốc, phải cài chế độ sử dụng điện thoại hay các thiết bị thu phát sóng trên máy bay (airplane mode), không được tự ý mở cửa thoát hiểm và làm theo lời của các tiếp viên khi được yêu cầu.

Nếu là chuyến bay quốc tế mà bạn là người nước ngoài so với quốc gia mà bạn sẽ đến, thì bạn sẽ được tiếp viên phát cho tờ khai nhập cảnh (departure card, gồm 2 trang), nhiệm vụ của bạn là điền vào và giữ đó, khi xuống máy bay sẽ cần đến. Bạn nên mang theo bút để điền nha.

Cách điền thì bạn có thể tham khảo tại đây.

Thủ tục xuống máy bay

Khi máy bay hạ cánh, nếu là chuyến bay nội địa, thì bạn đi xuống máy bay, ra cửa sân bay bằng đường ống/ xe buýt, rồi theo các bảng chỉ dẫn lối ra (exit/ arival) để đi ra ngoài. Nếu có hành lý ký gửi thì bạn ghé chỗ lấy hành lý ký gửi mà lấy, là xong rồi đó.

Băng chuyền dẫn hành lý ký gửi ra

Nếu là chuyến bay quốc tế, bạn phải qua một vòng kiểm soát nhập cảnh. Bạn sẽ đứng trước quầy làm thủ tục nhập cảnh, đứng đúng vị trí theo hình vẽ bàn chân ở dưới đất, tháo bỏ mắt kính và mũ (nếu có), đưa hộ chiếu (cùng visa, nếu có), thẻ lên máy bay, và tờ khai nhập cảnh cho nhân viên làm thủ tục kiểm tra. Bạn sẽ bị hỏi một vài câu hỏi (nếu có, tùy mức độ khó dễ của nhân viên, và của quốc gia đó). Ổn thỏa hết rồi, nhân viên sẽ đóng dấu nhập cảnh cùng thời hạn được phép lưu trú ở quốc gia đó vào hộ chiếu của bạn và giữ lại một trang của tờ khai nhập cảnh. Xong, đi ra ngoài thôi.

Trang còn lại của tờ khai nhập cảnh bạn nhớ giữ cho kỹ, để khi quay trở lại Việt Nam, làm thủ tục xuất cảnh sẽ đưa lại cho nhân viên ở đó.

Về việc gửi xe máy qua đêm ở sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM)

Hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất đang xây lại nhà giữ xe, nên không nhận giữ xe máy qua đêm. Nếu bạn gửi xe ở các tòa nhà đối diện sân bay thì hên xui, có khi đầy quá người ta không nhận, mà giá cả lại đắt (30.000 đ/ chiếc/ ngày đêm).

Nhưng nhờ Google mà mình tìm ra một chỗ gửi, nhược điểm là đi bộ vào sân bay hơi xa (mất khoảng 15 phút), hơi khó kiếm; còn ưu điểm là chỉ 15.000 đ/ chiếc/ ngày đêm, mà không bị hư hao tổn hại gì tới chiếc xe yêu dấu của bạn hết.

Địa điểm là số 1 đường Bạch Đằng, quận Tân Bình, TPHCM (có tài liệu ghi là 1A Bạch Đằng). Đây là chỗ giữ xe của SASCO, trưng dụng tầng hầm của một công trình xây dựng đang bị đình trệ. Mặc dù có địa chỉ cụ thể, nhưng chỗ này lại hơi khó tìm, tạo điều kiện cho những chú xe ôm sân bay làm công việc cò mồi dắt đi tới chỗ giữ xe và chở bạn từ chỗ giữ xe tới sân bay.

Nhưng yên tâm, dưới đây là sơ đồ đường đi tới chỗ giữ xe này.

Nếu đi từ đường Hồng Hà thì tới tòa C.T này bạn rẽ phải

Đây, rẽ phải vào con đường nhỏ, đi qua bãi đậu xe taxi, lại quẹo phải một lần nữa, rồi nhìn bên tay trái sẽ thấy có bảng hiệu sáng đèn “Giữ xe 24/24”, bạn chạy vô hỏi, người ta sẽ chỉ cho đường đi tiếp chỗ giữ xe máy, ngay bên dưới tầng hầm chỗ bảng hiệu đó thôi!

Nếu đi từ đường Trường Sơn thì đi đến ngã ba Hồng Hà thì quẹo phải, sau đó quẹo trái liền vô Bạch Đằng.

Màu vàng là chỗ giữ xe

Chỗ giữ xe đối diện với sân tennis

Lối vào

Xuống dưới tầng hầm.

*** Về phòng vệ sinh trên máy bay, do mình chưa có nhu cầu đi lần nào nên không có ý kiến hay bình luận gì.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s