DU KÝ · Du Ký Myanmar

Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (1)


Mingalarbar Yangon!

Mình quyết định mua vé máy bay đi Myanmar “trong vòng một nốt nhạc”, khi những ngày tết âm lịch 2017 đang diễn ra. Do tình cờ thấy Vietjet Air có khuyến mãi. Đất nước này có kha khá cơ duyên với mình, nhưng mãi tới lúc này, mình mới lựa chọn có duyên lại với bạn ấy.

>> Myanmar không dành cho du khách thuần túy!
>> Tự lên lịch trình cho chuyến du lịch bụi Myanmar

Vé khứ hồi đã bao gồm thuế phí, hành lý xách tay 7kg. Bên đó thời gian đi sau (chậm hơn) Việt Nam mình nửa tiếng. Ví dụ Việt Nam mình 10g40′, thì bên họ mới có 10g10′.

Mình chọn đầu tháng 5 để thực hiện chuyến độc hành này, vì 2 lẽ:

1. Khi đó mình dễ xin nghỉ phép để đi chơi, vì lúc đó mật độ công việc ít hơn bình thường.

2. Mùa du lịch Myanmar rơi vào mùa thu từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Từ tháng 7 đến tháng 9 sẽ là mùa mưa ở đất nước này. Còn lại, từ tháng 3 đến tháng 6 thì tiết trời nắng nóng. Đi du lịch vào mùa thấp điểm là một lựa chọn thích hợp cho dân du lịch bụi, và cho mình. Khi đó, vật giá sẽ giảm đi, vắng du khách hơn, và ta có thời gian lẫn không gian tận hưởng hơn.

Trước khi đi Myanmar mình cũng chỉ biết những điểm đến chính mà dân du lịch truyền tai nhau là “bốn ông lớn” phải ghé thăm: chùa Đá Vàng Kyaikhtiyo, cố đô Bagan, thành phố Mandalay với chiếc cầu gỗ Teak dài và lâu đời nhất thế giới, và hồ Inle.

Nhưng trong lúc tìm kiếm thông tin, mình nhìn thấy bức ảnh của ngôi chùa Kyauk Ka Lat (đọc: Chót-Ca-Lát, gần giống như “chocolate” vậy), nơi có stupa vàng (tháp thờ) được xây dựng trên một hòn đá chênh vênh. Ngay lập tức, mình bỏ địa danh Hpa An vào danh sách những nơi mà mình phải ghé thăm đầu tiên, chấp nhận “hi sinh” Mandalay, nơi mà những bức ảnh về hoàng hôn trên cầu Ubein từng làm mình mê mẩn. Dù sau đó biết rằng, thời gian đến đó sẽ không tiện lợi, sẽ rất mất thời gian để di chuyển đến các điểm tiếp theo.

Và một lịch trình phù hợp với mong muốn của bản thân mình đã được biên soạn:

Đến ngày đi, mình xách ba lô ra đi với 5 bộ quần áo, 3 cái khăn choàng (nghe nói buổi tối và sáng sớm đi trên xe buýt rất lạnh, mặc dù họ có mền, nhưng vẫn mang theo phòng hờ, vừa quấn cho ấm, vừa che nắng khi cần thiết), 2 áo sơ mi làm áo khoác, và đôi dép lê luôn mang trên chân (vì nghe nói vô tất cả các ngôi chùa bên ấy đều phải bỏ giày dép, bỏ cả tất vớ ngay từ cổng, đi chân đất vào; mà Myanmar là xứ Phật giáo, chùa chiền còn nhiều hơn nhà ở, nên mình cứ mang dép lê thôi, không mang theo giày nặng ba lô), một chiếc máy ảnh, cùng một ít thức ăn khô dự trữ.

Đợi lên máy bay, máy bay bị hoãn gần cả tiếng đồng hồ…

Sân bay Tân Sơn Nhất

Tạm biệt Sài Gòn vài ngày nghen!

Lúc làm thủ tục sắp chỗ ngồi, mình xin được ngồi bên cửa sổ để thỏa lòng chụp ảnh

Trên máy bay, tiếp viên sẽ phát cho khách nước ngoài nhập cảnh Myanmar 2 tờ khai. Sau khi bạn điền vào, cả 2 tờ này sẽ được phía Myanmar giữ lại. Lúc rời Myanmar, chỗ quầy vé làm thủ tục lấy số ghế sẽ phát cho mỗi hành khách 1 tờ tương tự, lại điền vào, và bên đó cũng sẽ giữ lại tờ này.

Sau khi gà gật, rung lắc gần 2 tiếng đồng hồ thì mình cũng tới nơi.

Máy bay sắp hạ cánh xuống thành phố Yangon (đọc: Yan-Gon)

Mingalarbar Yangon (Chào Yangon!)

Sân bay quốc tế Yangon khá đìu hiu. Thủ tục nhập cảnh vô Myanmar tương đối đơn giản và nhanh chóng. Làm xong thủ tục nhập cảnh, việc đầu tiên là đổi tiền. Mình có tham khảo là nên đổi tiền Kyat (đọc: chạt) ở đâu: đổi tại Việt Nam, tại sân bay Yangon, hay tại các quầy đổi tiền bên ngoài (trên đường, ở chợ…). Sau đó, mình chọn đổi ở sân bay, vì nếu đổi ở Việt Nam, sẽ bị thiệt về tỉ giá. Đổi bên ngoài thì sợ bị lừa đảo.

Có chừng 4, 5 quầy đổi tiền co cụm ở một chỗ, gần chỗ làm thủ tục xuất nhập cảnh. Kinh nghiệm là cứ dạo một vòng, coi quầy có tỉ giá nào cao nhất thì đổi. Mà cũng chẳng cần đi dạo như vậy, cứ thấy quầy nào đông người đổi nhất thì ở đó có tỉ giá cao nhất. Nhưng quầy có tỉ giá cao nhất chỉ cho mỗi khách đổi nhiều nhất 100 USD, khi đổi phải trình hộ chiếu ra.

Các quầy đổi tiền trong sân bay Yangon

Lưu ý là tờ tiền USD bạn đổi phải thẳng thớm, còn mới, và không bị tì vết gì. Tùy quầy mà họ sẽ xem xét kỹ tờ tiền hay không. Có một chị Việt Nam đi chung máy bay với mình bị từ chối tờ 100 USD mới keng chỉ vì có dấu mực đỏ ở trên đó, mà mình nghĩ, đó là dấu mộc (cực nhỏ) ký hiệu chỗ bán USD tại Việt Nam, kiểu như dấu bảo đảm đó là tiền thật, có vấn đề gì thì cứ mang lại chỗ đã mua USD để đổi.

Tỉ giá hôm mình đi (02/05/2017) là: 1 USD = 1.348 Kyat, hoặc 1.350 Kyat.

Tiền Kyat Myanmar

Đổi tiền xong, mình định đi ra tìm coi có ai về trung tâm thì chia tiền taxi về. Hoặc nếu tìm được tuyến xe buýt của dân địa phương (nghe nói số 51, nhưng ghi bằng chữ số của Myanmar) thì mình sẽ đi cho đỡ tốn.

Vừa từ bên trong (nơi có máy lạnh) bước ra ngoài cửa sân bay, một làn hơi nóng hầm hập tấp vào mặt, khiến mình suýt choáng váng mặt mày. Má ơi, xứ sở này nóng kinh đi được!

Chẳng thấy còn ai để chia tiền taxi cả (mấy bạn Tây thì đi đâu hết, mấy khách Việt chung máy bay thì đều có xe đưa rước theo đoàn của người ta), nên mình đi bộ một chút xíu từ cửa đến (arrival) sang cửa đi (departure), để bắt được taxi rẻ hơn so với từ cửa đến (theo kinh nghiệm của những bạn đi trước, vì ở cửa này, bác tài vừa chở khách tới sân bay, bác sẽ đi xe về không, nếu có khách đi, thì giá tất nhiên sẽ rẻ hơn rồi). Mình cũng thử ngó xem có xe buýt nào không, mà chẳng thấy. Vậy là mình hỏi đại một bác tài trung niên, là từ đây về chùa Sule bao nhiêu tiền.

Có vẻ như bác không rành tiếng Anh cho lắm, mình bèn mở điện thoại ra, cho bác xem hình cái chợ Bogyoke Aung San (đọc: Bô-chô Ung San, hoặc chỉ đơn giản là Bô-chô), khá gần chùa Sule, đi bộ được, mà mình đã lưu lại từ trước. Bác nhìn nhìn rồi bảo, 8.000 Kyat. Thật ra đó là số tiền tương đối đúng giá rồi, nhưng mình thử kỳ kèo và trả được xuống còn 6.000 Kyat. Mãi bác mới đồng ý.

(Còn tiếp)

>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (2)

Advertisement

3 bình luận về “Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (1)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s