DU KÝ · Du Ký Myanmar

Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (2)


Buổi chiều ở Yangon

Khi chiếc taxi của bác tài xế chầm chậm chạy ra từ sân bay, hướng về trung tâm Yangon, mình ngồi sau, nhìn ngắm cảnh vật, và thầm thốt lên trong lòng: trời ơi, thành phố này dễ thương quá chừng!

>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (1)
>> Tự lên lịch trình cho chuyến du lịch bụi Myanmar

Ấy là lúc bác tài mở radio, cất lên là giọng nói nhẹ nhàng, dù không hiểu gì nhưng mình lại thấy có cảm tình, thương chết đi được. Chữ viết của Myanmar tuy cũng ngoằn ngoèo như chữ Campuchia, Lào, Thái, do có nguồn gốc từ tiếng Brahmi (một ngôn ngữ cổ dùng để viết kinh Phật), nhưng khi đọc lên thì lại dễ nghe như vậy. Mình tự so sánh, và bật nên ý nghĩ, rằng tiếng Myanmar nghe như sự pha trộn của tiếng Nhật và tiếng Campuchia vậy.

Cũng từ radio, những bài hát Myanmar theo tiết tấu sinh động, vui nhộn lần lượt được trình bày. Qua mấy ngày ở đất nước này, mình gom được chút thông tin về nền âm nhạc Myanmar. Chúng được chia ra hai dạng: truyền thống và hiện đại. Nhạc truyền thống thì rất kén người nghe, nếu không muốn nói là nghe rất chán và buồn ngủ (theo cá nhân mình). Còn nhạc hiện đại ảnh hưởng của thể loại Pop – Ballad thì nhìn chung là dễ hấp thụ.

Ấy là khi bác tài lái xe trên một con đường đầy bóng cây, và nắng thì lưng chừng chiếu xuyên qua, cảnh vật lấp lánh đầy sinh khí. Sau này mình để ý, Yangon là thành phố có rất nhiều cây xanh, tuy không phải cổ thụ, nhưng nhiều tán cây nhỏ hợp lại, tạo nên màu xanh mát, làm vơi đi bao nhiêu cái nóng hầm hập oi bức của thành phố này.

Mình ngồi sau lưng bác tài, lục ba lô lấy ra gói bánh AFC, đưa bác một gói, mình một gói. Đói quá mà, từ trưa giờ mình đã ăn gì đâu?

Ở Yangon, hầu hết các thể loại xe buýt, xe hơi, xe tải… đều có tay lái bên phải, dù luật đi đường vẫn là bên phải. Lý do là vì các xe này đều mua cũ từ Nhật (nói cũ chứ nhìn còn rất mới, do bên Nhật có nhiều xe mới và tốt mà đã bị thải ra, nguồn xe khổng lồ này được đem xuất khẩu sang các nước đang phát triển). Những xe có tay lái bên trái là xe mới hoàn toàn, nhưng những xe này có giá thành rất đắt, thường chỉ thấy ở những hãng xe buýt đường dài.

Yangon (hay Rangoon), là kết hợp của hai từ: yan (kẻ thù) và koun (chạy thoát), đây từng là thủ đô của Myanmar, cho đến tháng 3/2006 thì thủ đô đã được chuyển về thành phố Naypyidaw thuộc tỉnh Mandalay. Đơn vị hành chính của Yangon được chia nhỏ ra thành 32 thị trấn thuộc các quận Đông, Tây, Nam và Bắc. Trong đó, quận phía Tây chính là trung tâm Yangon.

Myanmar từng là thuộc địa của Anh, cùng với sự phát triển chậm chạp của đất nước từng bị Mỹ cấm vận này, mà cho đến ngày nay, tại Yangon vẫn còn nhiều công trình mang kiến trúc cổ điển đẹp mắt, như: tòa án tối cao Myanma, tòa thị chính, nhà thờ lớn Saint Mary, Basic Education High School (BEHS) No. 6 Botataung,…

Chiếc taxi chạy rất lâu, một phần do đường đông (một trong những đặc sản của Yangon chính là nạn kẹt xe, có lẽ do hệ thống đường xá ở đây tương đối nhỏ, và quy định trong nội thành Yangon, xe máy không được phép lưu thông, nên chỉ có xe buýt, xe hơi…), một phần nữa cũng do xa, thì mới tới được trung tâm Yangon. Mình nhìn thấy xe chạy ngang chùa Sule, rồi mãi một lúc sau mới đi đến được cổng chợ Bogyoke. Bác tài thả mình từ đầu cổng.

Chợ Bogyoke, gồm nhiều khu bán hàng, cắt ngang những khu đó là những con đường ngang dọc cho xe chạy.

Chợ Bogyoke, tên đầy đủ là Bogyoke Aung San (bạn chỉ cần đọc: Bô-chô thì người địa phương sẽ hiểu), là khu chợ nổi tiếng nhất Yangon bởi sự đa dạng hóa của mặt hàng đá quý, đá phong thủy. Thường du khách tới đây ai cũng mua cho mình không nhiều thì ít các vật phẩm vòng tay, đồ trang trí được chế tác từ đá. Những người buôn đá cũng đến đây để lấy hàng. Nghe nói giá cả cực kỳ mềm so với các vật phẩm cùng loại được bán ở Việt Nam, nhưng về chất lượng thật giả thì không ai dám đảm bảo. Nếu bạn muốn mua thứ đồ gì có giá trị cao, tốt nhất là tìm đến những cửa hàng lớn, khi mua nhớ lấy hóa đơn, kẻo lúc xuất cảnh Myanmar và nhập cảnh vào lại Việt Nam, bạn có thể gặp rắc rối với phía hải quan.

Chợ Bogyoke cách chùa Sule khoảng 1km, xung quanh đó sẽ là các khu phố người Ấn và người Hoa. Từ đây đi khoảng 4km nữa thì sẽ tới chùa Shwedagon lớn và nổi tiếng nhất Yangon.

Mình không có nhu cầu mua đá hay quà tặng, vật trang trí gì, nên chỉ xách máy ảnh rảo bước tới đâu hay tới đó. Ngoài ra, khí hậu oi bức kinh khủng khiếp của đất nước này (còn ghê gớm hơn mùa hè miền Trung quê mình), khiến mình có chút không quen. Lại thêm ba lô gần 7kg trên lưng, trong khi cơn đói hành hạ, nên mình chỉ muốn dưỡng sức, đi dạo cầm chừng. Dẫu sao thì hôm nay cũng chỉ mới là ngày đầu tiên của hành trình!

Một người bán bánh trong chợ.

Đã sang đến đây rồi thì hãy làm quen với những khuôn mặt bôi đầy bột gỗ Thanakha, thứ mỹ phẩm thiên nhiên của người Myanmar mài từ cây Thanakha (nghe nói trên 35 năm mới tốt, hoặc có thể từ các loại cây khác) dùng để chống nắng, làm mát da, mịn da. Người Myanmar dùng Thanakha không phân biệt lứa tuổi (từ em bé vài tháng tuổi cho đến cụ già gần trăm tuổi), giới tính (cả nam lẫn nữ, gay hay les!!!), địa vị, tước vị xã hội (cả thầy tu cũng dùng), và không phân biệt ngày hay đêm (người bạn Myanmar của mình cho biết, họ có thể bôi cả ngày, cả trong lúc ngủ, sáng dậy đánh răng rửa mặt, tắm rửa rồi bôi tiếp).

Mình nhìn những món bánh cô bán hàng trên bán, dù đói lắm nhưng vẫn không dám mua ăn. Vì chẳng biết chúng có phải là thực phẩm chay hoàn toàn hay không, vì thấy nguyên đám ruồi đen bay vù vù bên trên, và cũng vì nắng nóng quá, mình không nuốt nổi các loại bánh này.

Các loại xí muội hay mứt gì đó…

Bức tranh rất đẹp từ một phòng trưng bày trong chợ

Du khách đang mua vàng bạc đá quý…

Mình ghé vô một nhà hàng Hoa trong chợ, gọi món mì chay, chọn món nước cho dễ ăn. Cô bé phục vụ cứ nhìn mình tò mò khi mình loay hoay chụp lại ảnh tô mì, rồi khi mình nhìn lại, thì cô bé nhoẻn miệng cười.

Tô mì 2.100 Kyat (giá trong thực đơn là 2.000, có lẽ chưa tính thêm 5% phí phục vụ)

Ăn xong thì mình men theo những con đường dọc ngang của chợ Bogyoke, lại lững thững bước đi chụp những bức ảnh đời sống, cảnh vật. Có thể mình đã đi vô khu phố Hoa lúc nào mà không biết, vì chợt nhìn xung quanh, toàn thấy chữ Trung Quốc xuất hiện trên các bảng hiệu.

Longyi, chiếc váy truyền thống của người Myanmar

Nói sơ về chiếc váy Longyi (đọc: lon-chi). Myanmar là đất nước khá hay ho khi vẫn giữ nhiều phong tục truyền thống từ xa xưa cho đến ngày nay, đan xen với sự phát triển của xã hội hiện đại. Mặc váy Longyi như một phục trang hàng ngày là một trong số đó. Có thể là, tiết trời hầu như nóng bức quanh năm, cho nên chiếc váy Longyi vẫn có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân Myanmar mãi cho đến ngày nay chăng?

Váy Longyi ở Myanmar dành cho cả nam và nữ. Đó như một mảnh vải hình chiếc ống quần rất rộng, rất lớn, của nam thường là vải ka-tê ca-rô, được các anh tròng vào chân, kéo hai đầu trên chụm lại ở phía trước, quấn chặt hai đầu lại thành một vòng, rồi nhét vô váy. Mảnh vải này không hề có túi, mà các anh sẽ nhét ví, điện thoại ở phía sau lưng, lấp ló ra ngoài chiếc váy. Váy Longyi được các anh Myanmar phối chung với áo thun, sơ mi, thậm chí là… không áo. Họ mặc Longyi trong tất cả các dịp, từ cuộc sống hàng ngày cho đến đi học, đi làm, đi chơi. Tùy từng bối cảnh mà sẽ phối với chiếc áo cho phù hợp. Cá nhân mình thấy, một chiếc váy ca-rô sẫm màu khi phối với sơ mi trắng thì vẫn cho ra một bộ cánh chỉn chu, lịch sự, lại vẫn giữ được truyền thống phong tục của đất nước mình, đó là một điều rất hay.

Nếu bạn là người tò mò, bạn sẽ tự hỏi là, như vậy mấy anh có mặc quần bên trong hay không? Hê hê, mình cũng từng hỏi người bạn Myanmar của mình, bạn ấy nói, ngày xưa thì không, nhưng ngày nay thì có, nha, nha…

Riêng váy Longyi của nữ thì sẽ được gấp đôi lại và đính ở bên hông. Trang phục của nữ thì thường đi nguyên bộ, bằng vải thun, satanh gì đó, nguyên màu, được trang trí thêm hoa văn rất đẹp mắt. Người bạn Myanmar của mình cho biết thêm, váy Longyi chịu ảnh hưởng từ trang phục của Ấn Độ.

Người bán hàng rong trên đường

Bánh Mont Lin Ma Yar nhìn như bánh căn của Việt Nam

Côn trùng chiên chăng?

Các loại bánh dân dã, có kẹo đậu phộng nữa kìa!

Nhìn thấy đẹp nên chụp thôi…

Một góc xinh xinh trước nhà hàng hay quán cà phê gì đó

Một quầy bán trầu

Về phong tục ăn trầu, bạn có thể đọc thêm bài viết: Thói quen ăn trầu của người Myanmar.

Tại Yangon, bên cạnh người Myanmar, còn có người Chin, Rakhine, Môn, Kayin, người Myanma gốc Hoa, người Myanma gốc Ấn, và cả người lai Anh-Myanmar sinh sống.

Xung quanh khu vực chợ Bogyoke, có nhiều tòa nhà chung cư cũ tồn tại. Cùng với hình ảnh hàng dài xe hơi lưu thông trên đường, Yangon mang lại cảm giác gì đó vừa thân thuộc, vừa thú vị.

Trên một chung cư cũ

Ở thành phố này, và cả sau này, những địa danh khác mà mình ghé qua, đi đâu cũng thấy nhiều chim chóc, nào bồ câu, nào quạ bay đầy trời…

Khi lên lịch trình cho chuyến đi, mình dự định sẽ ghé chùa Sule trước, rồi từ đó đi bộ qua chợ Bogyoke, rồi mới lại đi bộ và dành buổi hoàng hôn cho chùa Shewdagon. Nhưng khi đến nơi, với tình cảnh nắng nóng làm mình đuối sức, mình đã không ghé chùa Sule. Từ một con đường nhỏ quanh khu chợ Bogyoke, mình đón taxi đến thẳng chùa Shewdagon, giá 2.000 Kyat.

Taxi ở Yangon nói riêng, và Myanmar nói chung không có đồng hồ tính cây số. Bạn phải áng chừng khoảng cách, cùng với thông tin của những người đi trước để lại, mà trả một cái giá tương thích. Chẳng hạn như một cuốc xe đi từ trung tâm Yangon tới sân bay hoặc bến xe Aung Mingalar, tùy giờ cao điểm hay không, sẽ có giá từ 6.000 – 8.000. Một giờ xe tham quan lòng vòng trung tâm cũng có giá tương tự.

Đón taxi ở Yangon cũng khá vất vả. Bạn phải xem chiếc xe nào có bảng “Taxi” trên trần xe, rồi ngoắc ngoắc. Nếu đón trúng giờ cao điểm hoặc đang kẹt xe, thì chờ xe cũng hơi lâu đó.

Trên xe, tài xế hỏi mình về quốc tịch, rồi à ra, tỏ vẻ biết Việt Nam. Xe đi lòng vòng một hồi lâu thì cũng thấy chùa Shwedagon hiện ra ở cuối đường. Còn cách một cái ngã ba, mình thấy tình hình kẹt xe dữ quá, nên bảo chú tài xế, là con sẽ xuống chỗ này, rồi đi bộ một chút cũng được. Thường thì tài xế sẽ đưa khách quốc tế đến cổng phía Nam để mua vé, còn người dân Myanmar vào chùa không mất phí từ ba cổng còn lại (Đông, Tây và Bắc).

Cổng chùa Shwedagon

Một ngôi chùa ở gần đó

Thùng thư, thấy “chất” nên chụp lại

Nếu mình không nhầm thì nó là ớt, được phơi ở ngay vệ đường

(Còn tiếp)

>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (3)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s