Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (3)


Nghỉ chân ở Shwedagon

Shwedagon với tuổi đời hơn 2.500 năm, còn gọi là chùa Vàng, được xem là biểu tượng của đất nước Myanmar. Chùa nằm trên ngọn đồi thiêng Singuttara, gồm 4 lối lên: Đông, Tây, Nam và Bắc, trong đó, cổng phía Nam sẽ dành cho du khách, và mỗi lối lên đều có một cặp sư tử thần canh gác.

>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (2)
>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (1)

Thấy bảo, thời điểm để nhìn ngắm Shwedagon tuyệt nhất là vào lúc hoàng hôn, để cảm nhận được rõ nét nhất vẻ đẹp của ngọn tháp vàng rực nổi bật trên nên trời xanh thẫm. Vậy nên mình đã chọn cả buổi chiều còn lại, trước khi trời tối bắt chuyến xe đi Hpa An để nghỉ dân, ngồi dầm dề tại ngôi chùa này.

Cặp sư tử thần khổng lồ ở cổng phía Nam

Cũng như những ngôi chùa khác trên đất Myanmar, quy định ở đây là không được mặc quần đùi, váy trên gối, không áo sát nách, áo dây, các thể loại jean rách te tua cũng miễn, tóm lại phải là phải phục trang nghiêm túc, chỉn chu, đàng hoàng. Nếu du khách nào lỡ mặc quần đùi thì có thể thuê Longyi để quấn vào. Thêm nữa là tất cả mọi người phải bỏ dép từ ngoài cổng, sau đó mới lần theo những bậc thang để lên chùa. Vậy nên theo kinh nghiệm của những bạn đi trước, khi vào chùa ở Myanmar, bạn nên mang theo khăn choàng để lỡ có mặc quần đùi thì lấy quấn vào, đỡ tốn tiền thuê Longyi. Lại nữa, nên mang theo bọc nylon để đựng giày dép, xách theo, phòng khi ngẫu hứng đi vào từ một cổng, mà đi ra từ cổng khác, và cũng để đỡ tiền gửi giày dép nữa.

Cả drone (loại máy quay, máy ảnh chuyên dùng quay, chụp cảnh vật từ trên cao xuống) cũng bị cấm ở chùa Shwedagon

Nghe nói từ cổng phía Nam sẽ có thang máy đưa du khách lên chùa, nhưng mình quên mất vụ này, nên cứ đi bộ tà từ bước lên. Trước tiên là cởi dép bỏ túi mang theo, sau đó là đi qua cửa kiểm soát an ninh và hành lý. Ghê thiệt!

Dọc hành lang cầu thang dẫn lên chùa là các hàng quán bán đồ cúng, dâng lễ, hay bán quần áo, hàng lưu niệm…

Khi lên gần đến đỉnh đồi, nơi có chùa án ngữ, thì du khách sẽ phải đi qua quầy vé, giá là 8.000 Kyat/ khách (hoặc 8USD, tất nhiên, mình trả tiền Kyat sẽ có lợi hơn). Sau đó, du khách sẽ được dán lên áo một mẩu giấy biểu tượng là đã mua vé.

Mẩu giấy đó như thế này đây…

Chùa Shwedagon được đánh giá là một trong những kỳ quan của thế giới tôn giáo. Theo truyền thuyết, chùa lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, đó là: cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.

Chùa Shwedagon gồm hàng trăm tòa nhà đặt tượng Phật và các tháp thờ (bảo tháp, stupa) lớn nhỏ nằm kề nhau. Sàn được lát gạch men, dưới cái nắng chói chang của xứ sở này mà đi nóng muốn phỏng chân. Mình thì vừa mệt, vừa chả ham hố đi xem hay tìm hiểu về các báu vật linh thiêng gì, nên trước tiên tìm một chỗ mát ngồi nghỉ chân. Myanmar theo Phật giáo Nam tông, nên trong chùa có nhiều khu nhà mà người dân có thể thoải mái vô đó ngồi, nằm, ăn uống, nghỉ ngơi.

Mình chỉ đem theo ống kính có tiêu cự cố định 50mm, nên không chụp được phong cảnh bao quát của chùa

Mình nhìn thấy có mấy bạn nam lấy nước từ chiếc bồn lớn, chia qua những chiếc bình nhỏ. Lúc đầu mình tưởng là nước uống. Sau đó mới biết, thì ra các bạn đi tưới cho cây bồ đề rất lớn của chùa.

Cá nhân mình, mình không thích Shwedagon. Sau này nói chuyện với hai người khác tình cờ gặp trong chuyến đi, họ cũng có chung ý kiến. Vì ngôi chùa này có quá nhiều cảnh vật, quá nhiều đền đài, bảo tháp, góc thờ cúng. Nên người ta có cảm giác bị ngộp. Nhưng nếu chụp riêng từng góc nhỏ, thì sẽ cho ra những bức ảnh đẹp. Mình nghĩ vậy.

Tòa bảo tháp lớn nhất của chùa Shwedagon

Tòa tháp chính khởi đầu có chiều cao khiêm tốn là 8,2m, sau đó qua thời gian đã được xây dựng thêm và đạt chiều cao gần 100m như hiện nay. Tòa tháp khổng lồ này gồm 3 phần chính: đáy tháp, thân tháp, đỉnh tháp và được bao phủ bởi rất nhiều tấm vàng lá dát mỏng (vàng thiệt nghen), được người dân và cả du khách, tín đồ Phật giáo mua và dâng vào nhà chùa để dát lên tháp. Trên cùng của tháp được nạm bởi hàng ngàn viên kim cương, saphia, hồng ngọc và lớn nhất trong số đó là viên kim cương nặng 72 carat.

Nếu đọc những thông tin này thì hẳn bạn sẽ thấy rất bất ngờ với đất nước được xem là đang phát triển này. Bạn cũng sẽ tự hỏi, tại sao trong khi cuộc sống của người dân thì cực khổ như vậy, nhưng họ thường dành tiền để cúng dường cho chùa (là đất nước Phật giáo, nên chùa chiền ở Myanmar nhiều vô số kể, nhưng vào mỗi ngôi chùa, luôn thấy có thùng từ thiện, và cũng được cúng nhiều tiền ở trong đó), cúng dường cho các sư khất thực, rồi lại mua các lá vàng để dát lên các bảo tháp, những nơi được phép dát vàng trong các chùa…

Không có câu trả lời nào chính xác cho vấn đề này, chỉ có một cách lý giải: họ có niềm tin tuyệt đối vào Phật giáo, vào cuộc sống tiếp nối ở những kiếp sau. Những vấn đề tâm linh luôn không thể có sự giải thích rõ ràng. Và trên đời này, ai cũng có tâm linh cả. Tin vào bản thân mình, cũng là một sự tâm linh. Đó cũng là phong tục tập quán của đất nước họ, đã in sâu vào bao đời nay, và họ cứ theo đó mà làm, làm một cách vui vẻ và chân thành.

Các tháp nhỏ bên canh tháp lớn

Mình ngồi nghỉ chân, rồi đi dạo, chụp được vài bức ảnh, mà trời nóng quá, thế là lại tìm chỗ ngồi nghỉ tiếp, tính ôm ba lô, dựa cột, làm một giấc nồng, nhưng không được. Xung quanh mình, nào người dân, nào du khách, mỗi lúc lên chùa một nhiều. Bên cạnh mình, một chị ngồi đọc kinh, tiếng vang vang, có vẻ như chú tâm lắm. Một ông chú mặc Longyi, áo sơ mi trắng nhìn khá tri thức tới nói chuyện với mình, hỏi mày có sao không. Mình bảo, mình ổn. Và thấy mình có vẻ như không mặn mà trò chuyện, ông chú tiếp, mày ngồi đó nghỉ đi, lát nữa tao sẽ quay lại.

Mình từng đọc qua các vụ lừa đảo ở ngôi chùa này, nên có sự cảnh giác nhất định với cái kiểu người của ông chú: tự tin, chủ động nói chuyện. Nếu mình đoán không nhầm, thì hẳn ông chú này là một cá nhân lừa đảo như vậy. Người lừa đảo sẽ tự nhiên tỏ ra thân thiện, giúp đỡ du khách. Đưa du khách đi khắp chùa, giới thiệu này kia. Xong rồi, họ sẽ xin tiền, sẽ vòi tiền.

Quả thật, một lát sau, ông chú quay lại. Lại tỏ vẻ thân thiện, hỏi chuyện mình. Nhưng mình cứ ngồi ỳ đó, lờ lớ lơ đi. Vậy là ông chú bỏ đi.

Sư nữ ở Myanmar có trang phục áo màu hồng, quần cam, trên vai là chiếc khăn vàng nâu

Mình ngồi một hồi thì thấy người dân làm công quả xách chổi ra quét chùa

Họ làm việc ấy bình thường như đã làm hàng trăm ngàn lần, như ở nhà mình

Hoàng hôn vẫn chưa xuống, mặt trời vẫn chưa vơi đi sức nóng. Nhưng mình ngồi đủ rồi, mình bắt đầu cầm máy đi dạo loanh quanh.

Những cột kèo lộng lẫy và rực rỡ

Một người phụ nữ đang thành tâm cúng bái

Trong văn hóa Myanmar, một tuần của có tới 8 ngày (do thứ tư chia ra buổi sáng hoặc buổi chiều). Mỗi ngày sẽ tượng trưng cho một con vật. Thứ hai là hổ, thứ ba là sư tử, thứ tư là voi (sinh vào buổi sáng là voi có ngà, buổi chiều là voi không ngà), thứ năm là chuột, thứ sáu là Pu (guinea pig, một con vật vừa giống chuột vừa giống thỏ), thứ bảy là rồng (có tài liệu nói thần rắn Naga), và chủ nhật là thần chim Garuda (linh vật đầu chim và mình người).

Vậy nên, trong Shwedagon sẽ có những khu vực nhỏ tượng trưng cho mỗi ngày trong tuần, ai có ngày sinh của thứ mấy thì sẽ đến khu đó, lấy nước tắm tượng và mong ước về những điều tốt lành.

Một du khách đang được hướng dẫn làm lễ ở khu thứ Năm

Các tượng Phật vô cùng có thần

Lại có cả dịch vụ đổi tiền

Nước uống miễn phí, trong 9 ngày ở Myanmar thì mình không tốn tiền mua nước (suối) uống, toàn là uống nước miễn phí từ chùa, từ các vò nước miễn phí trên đường.

Có cả những cây thốt nốt nữa nè, đường thốt nốt Myanmar cũng là một trong những đặc sản mà bạn có thể mua về làm quà

Nắng chiều dần buông

Một đoàn “nữ tú” đang làm lễ gì đó

Tại Myanmar, tập tục một người con trai ít nhất một lần trong đời sẽ vào chùa học tập như là một việc làm rất vinh quang, như bằng chứng cho sự trưởng thành và đáng giá để các cô gái lấy làm vợ. Nhưng không phải ai cũng vào chùa được đâu, gia đình phải có tiềm lực tài chính mới có thể cho con trai vào chùa tu, tùy, có thể từ một tuần cho đến vài tháng, hay vài năm.

Khi vào chùa, những người này sẽ sống và sinh hoạt như một nhà sư thực thụ, như đi khất thực và ăn trước 12g, đọc và học kinh Phật… Nếu gặp sư ở ngoài đường, chúng ta sẽ không phân biệt được ai là sư thật sự (tu lâu dài, tu hết đời), hay chỉ là sư đang học tập một vài tuần…

Các tiểu nhà sư

Mình chờ mãi vẫn chưa thấy mặt trời xuống thấp, cũng chẳng thấy cảnh đẹp như mô tả vào lúc hoàng hôn dành cho tòa tháp lớn của Shwedagon, nên mình quyết định xuống núi (à quên, xuống đồi).

Ra đến cổng cũ thì nhìn thấy khung cảnh thiệt bình yên và đẹp mắt. Mặt trời đang chiếu những tia sáng óng ả cuối ngày xuyên qua cành cây. Đâu đó những tiếng quạ kêu, chim hót vang lên. Thế giới này, nếu tâm an thì sẽ thấy nơi nào cũng an yên cả!

Đối diện chùa là một cái hồ nhỏ, mình qua đường đến đó xem thử.

Yangon có hai hồ nước lớn, là hồ Inya (trên đường từ sân bay hoặc bến xe vào trung tâm thành phố bạn sẽ gặp, ngay bên phải), và hồ Kandawgyi (ngay trung tâm, là nơi hò hẹn của các đôi lứa trẻ tuổi, là nơi người ta chụp ảnh, quay phim, “sống ảo”).

Hồ nước này chỉ là một hồ nhỏ, một công viên nhỏ, mình nghĩ vậy

Trong đó có bán đồ ăn mà du khách có thể mua để cho cá ăn. Có rất nhiều cá chép bự ở đây.

Và cũng có rất nhiều phân chim trên nền gạch. Mình sợ bị chim ị trúng, nên nhanh chóng rời đi.

Lúc đó khoảng chừng 6g chiều. Trời vẫn còn sáng lắm. Mình có chuyến xe đi Hpa An (một thị trấn nhỏ miền Nam Myanmar) vào lúc 8g. Mà từ trung tâm ra bến xe, đang giờ cao điểm, sẽ mất cả tiếng đồng hồ. Nên mình vội vã bắt một chiếc taxi.

Đường phố Yangon khi nắng còn chưa tắt

Bắt taxi giờ này cũng hơi khó nha. Có nhiều khách đi chùa xong xuống, cũng đứng chờ taxi. Mình hỏi được một anh vừa chở khách tới, rằng ra bến xe Aung Mingalar là bao nhiêu tiền. Ảnh nói chắc ăn: 13.000 Kyat. Má ơi, sao mắc thế. Mình chưa kịp trả giá gì hết, bỗng thấy ảnh, đang đứng bên xe, liền mở cửa, bay vô ngồi, nổ máy, định rời đi. Hình như sợ công an tới hốt hay sao đó.

Mình ngạc nhiên quá. Không đi nữa. Quay qua đón một chú khác cũng vừa trả khách xuống. Mình đưa vé xe điện tử đã in ra trước đó cho chú, chú nhìn, xong hỏi bao nhiêu con đi được. Mình bảo, con đâu có biết. Mặc dù biết, nhưng không nói ra thôi. Thế là chú ngập ngừng một tí, rồi bảo, 8.000 Kyat. Mình nhắc lại: 8.000 Kyat? Xong, đồng ý luôn. Giờ này kẹt xe dữ dội, đi giá đó là được rồi.

Xe đi rất lâu, rất lâu, cùng hướng ra sân bay. Nhưng lúc đầu, chú đi vòng vèo qua những con đường nhỏ, chắc là đường tắt, làm mình cũng hơi lo lo. Có mỗi mình mình trên xe, đang giờ gần tối, cũng chả biết đường xá gì (chưa kịp tìm ra bản đồ Myanmar offline lưu vào điện thoại), giờ mà chú chở mình đi bán chắc cũng chả biết kêu ai. Nhưng được một lúc thì xe đi ra đường lớn, ôi, đâu cũng thấy kẹt xe. Bên ngoài thì trời vẫn nóng hầm hập. Cái hơi nóng như muốn lấy đi sức lực của con người ta. Chú chở mình đi một lúc thì kêu mình đóng cửa, để chú mở máy lạnh. Ơ, sao nãy giờ chú không nói là có máy lạnh? Làm mình ngồi sau muốn ói vì say xe, vì nóng nực quá chừng chừng!

Chiếc xe đẩy bán đồ ăn, của một đôi vợ chồng trẻ chăng?

Góc nhỏ dễ thương

À, xe chú đi ngang qua một khách sạn, khu trung tâm mua sắm lớn, mà mình nhìn thấy chữ HAGL group. Ôi, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai kìa. Sau này, nghe người bạn Myanmar của mình cho biết thêm, là có rất nhiều công ty của Việt Nam đầu tư vào Myanmar, bên cạnh các công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Người bạn đó nói, 6 năm trước khi tao còn làm ở Việt Nam, tao chẳng thấy người Myanmar nào ở Việt Nam cả, cũng chẳng thấy người Việt Nam nào ở Yangon. Mà bây giờ, lại gặp rất nhiều.

Xe đi vào bến xe thì trời đã tối mịt. Muốn vào cổng thì taxi phải trả thêm 200 Kyat, tiền này do khách đi xe trả. Bến xe Aung Mingalar vô cùng rộng, chia thành nhiều con đường, nhiều khu cả mới lẫn cũ. Trên mỗi con đường sẽ là văn phòng của các hãng xe, và xe của hãng nào thì sẽ đậu trước cửa văn phòng hãng đó. Bác tài xem hãng xe mình đi, rồi thò đầu ra cửa hỏi thăm, cuối cùng cũng đưa được mình đến đúng chỗ.

Xe mình đi thuộc hãng Shwe Sin Setkyar (đọc: Sưi Sin Sét-chả)

Trong chuyến đi này, do có thêm địa danh mà mình không muốn bỏ qua là Hpa An, nên mình mới phải mua vé trước từ trang web myanmarbusticket.com. Mua vé ở đây thì bạn sẽ mất phí (hoa hồng) 20% trên giá vé, thanh toán qua thẻ ghi nợ/ tín dụng. Trước ngày đi khoảng 1 tuần, họ sẽ gửi vé điện tử có số ghế qua email cho bạn.

Mình mua trên trang này tổng cộng ba vé: Yangon – Hpa An, Hpa An – Yangon, Yangon – Inle, thì thấy các xe đều ổn, đều là xe 45 chỗ đời mới, máy lạnh đàng hoàng, phục vụ dễ thương. Có điều, đa số là các hãng xe chuyên phục vụ người địa phương, nên không giỏi tiếng Anh, và ít có cơ hội gặp gỡ những du khách khác.

Tấm bảng của văn phòng hãng xe Shwe Sin Setkyar

Mình cầm vé vào hỏi em gái bán vé trong văn phòng, em kiểm tra lại rồi ghi số xe lên vé, bảo mình đợi một lát. Khoảng nửa tiếng sau thì xe cũng tới. Kết thúc ngày đầu tiên đầy mệt mỏi, không tắm gội, và đuối sức vì hơi nóng, vì mùi xe, mùi người ở bến.

(Còn tiếp)

>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (4)

Advertisement

2 bình luận về “Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (3)

    • An thấy dễ, có điều nếu gái đi mùa cao điểm thì sợ không còn vé thôi. Chứ mua vé online thường mắc hơn và còn tốn phí thanh toán qua thẻ nữa, chưa kể mua ở mấy trang này cũng hồi hộp, ai biết có bị kẻ xấu lợi dụng hack thẻ không.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s