DU KÝ · Du Ký Myanmar

Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (4)


Anh xe ôm tốt bụng ở Hpa An

Trên xe, mình ngồi bên cạnh một em trai, sau hỏi chuyện ra mới biết đang là sinh viên khoa tiếng Hàn ở Yangon, và đang đi Hpa An chơi. Lúc vừa nhìn thấy mình vào chỗ ngồi, em nói chuyện với mình bằng tiếng Anh, mình hơi bất ngờ vì đây là lần đầu tiên khi ra nước ngoài mà mình được nhận dạng không phải người địa phương.

>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (3)
>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (2)

Sau này mình mới dần hiểu ra, thứ nhất, đa phần phụ nữ Myanmar có ngoại hình hoặc cao lớn, hoặc thấp đậm, cùng làn da ngăm đen điển hình, lại thường hay bôi bột Thanaka lên mặt, bất kể ngày đêm. Thứ hai, họ thường mặc đồ truyền thống Longyi, hoặc nếu đồ hiện đại là Jean, thun gì đó, thì cũng là loại nhìn khá màu mè với những hình ảnh, chi tiết nổi bật, chứ không chìm nghỉm và giấu mình như cách mà mình hay ăn vận khi đi du lịch một mình. Mình vì mệt mỏi nên chỉ hỏi chuyện em bên cạnh vài câu, rồi lôi khăn choàng ra trùm kín ngủ thẳng.

Chuyến xe đêm chạy trên những con đường nhỏ nhấp nhô, đưa mình rời Yangon. Qua vài lúc chợt thức chợt tỉnh, giấc ngủ chập chờn vì không biết cái nơi mình sắp đến là như thế nào, bến xe có gần trung tâm hay không, giờ đến sẽ rơi vào lúc đêm khuya tờ mờ sáng, nên mình có chút không yên mà ngủ không ngon. Để rồi, khi xe đi vào bến, mọi người lao xao xuống xe, mình hỏi em trai bên cạnh thì biết là đã đến Hpa An.

Hpa An là thị trấn (thị xã) – thủ phủ của bang Karen (Kayin) thuộc miền Nam Myanmar. Địa hình ở đây khá hấp dẫn với những hang động núi đá vôi, dòng sông bình yên và tập trung nhiều chủng loại dân tộc ở Myanmar.

Mình đeo ba lô đi xuống xe, nhanh chóng từ biệt em trai kia rồi hòa mình vào đám đông các anh xe ôm, tuk tuk đang vây quanh như săn một con mồi. Mình hỏi một chú xe ôm, rằng chú có biết gần đây có nhà nghỉ nào không. Chú kia không giỏi tiếng Anh, ậm à ậm ừ, thì một anh thanh niên bên cạnh nãy giờ vẫn dỏng tai lắng nghe câu chuyện, bèn cất tiếng nói: tao biết, rồi anh nói tên nhà nghỉ (tên gì mình quên mất tiêu rồi, nhưng tóm lại là một cái tên quen, do mình đã tìm hiểu và lên danh sách những nhà nghỉ gần trung tâm ở Hpa An trước chuyến đi), nói cả khoảng cách từ bến xe đến nhà nghỉ đó (đâu chừng 4 km). Mình bèn hỏi bao nhiêu tiền, ảnh bảo: 1.000 Kyat.

Ôi trời, nghĩa là chưa tới 1 USD cho quãng đường cả 4 km, trong bối cảnh đêm khuya – tờ mờ sáng, khí hậu có chút lạnh se như thế này. Mình, tất nhiên là đồng ý luôn, không một chút do dự cho số tiền không tưởng như vậy. Mình muốn rời bến xe càng sớm càng tốt, muốn mau chóng được về tới nhà nghỉ, muốn được tắm, muốn được ngủ.

Thật sự là, những khi đi du lịch bụi một mình thì mình luôn hạn chế đi đêm. Nhưng ở chặng này, do thời gian hạn chế, mà chuyến xe đến Hpa An quả là chỉ có vài chuyến với vài khung giờ cố định, nên mình không thể không chọn giờ đó. Có thể nói, đêm hôm đó mình đã liều giao thân cho một người lạ (hành nghề xe ôm) trong đêm khuya thanh vắng. Nhưng thật hên là mình đã gặp người tốt.

Anh xe ôm có gương mặt góc cạnh đẹp trai như người mẫu phóng xe vèo vèo trên con đường lớn (mà người ta gọi là đường cao tốc ấy, thật ra giống như đường quốc lộ nơi có nhiều xe lớn qua lại). Phố xá lúc này tối om và vắng tanh, tất cả đều chìm vào giấc ngủ. Ngồi sau xe ảnh mà mình run lên từng chặp vì gió thổi lạnh ngắt. Đi hết con đường lớn, chiếc xe của anh ấy quẹo phải (ngay một ngã ba hay ngã tư gì đó nơi có chiếc tháp đồng hồ – biểu tượng trung tâm của Hpa An mà mình đã nhiều lần nhìn thấy trong lúc tìm kiếm thông tin trên Internet về thị trấn này). Anh ấy chạy đến cuối đường thì lại quẹo trái rồi dừng ở trước một nhà nghỉ. Cửa đóng im ỉm, ảnh vô gõ cửa, hỏi thuê phòng giùm mình. Nhưng chủ nhà lắc đầu, bảo hết phòng. Ảnh lại nhẫn nại gõ cửa ở nhà nghỉ thứ hai, cách đó không xa. Xung quanh lúc này, ngay cả tiếng chó sủa cũng không có. Trong con hẻm vắng, chỉ có ánh đèn đường vàng vọt chiếu sáng.

Nhà nghỉ thứ hai không mở cửa, ảnh lôi điện thoại ra gọi vô số điện thoại nhà nghỉ, lấy từ biển hiệu trước cửa nhà. Lại hết phòng. Mình áy náy quá, nói thôi anh đi đi, để em ngồi ngoài đợi trời sáng rồi tự đi tìm phòng, rồi đưa ảnh 2.000 Kyat. Ảnh nói, 1.000 thôi. Mình mới bảo, được rồi mà, cảm ơn anh.

Vậy là ảnh nhận tiền, kêu mình lên xe, rồi chạy đi tìm tiếp nhà nghỉ khác. Tìm đến cái nhà nghỉ thứ tư thì có phòng… Đó là nhà nghỉ Soe Brothers mà đa số dân du lịch bụi khi tới Hpa An đều ở đây. Không phải vì nhà nghỉ sạch sẽ đẹp đẽ dễ thương gì đâu. Mà chỉ vì, đây là nhà nghỉ có từ lâu đời, có lẽ nó là cái nhà nghỉ kinh doanh theo loại hình phòng tập thể (dormitory) với giá cả cực rẻ đầu tiên ngay tại trung tâm Hpa An cũng nên!

Thật ra, trước chuyến đi mình cũng dự tính ở đây. Cũng đã gửi mail cho họ và cho một vài nhà nghỉ khác ở Hpa An để hỏi giá phòng. Nhưng đáp lại đều là bặt vô âm tín, cho tới lúc này (họ có cái email hay Facebook để chơi thôi hả ta?). Mình cũng thử gọi điện trực tiếp cho họ, nhưng người nghe điện thoại lại không hiểu mình đang nói gì. Vậy là mình nghĩ, thôi, mình chỉ ở có một đêm, lại không phải cuối tuần, mà còn không phải mùa cao điểm, để sang tận nơi rồi tìm phòng cũng được. Lý do mà mình đặt trước là vì sợ tới lúc đêm hôm, ngại đi loanh quanh tìm phòng thôi. Chứ bình thường, mình cũng ít khi đặt phòng trước khi đi du lịch bụi một mình, tới đâu rồi ở tới đó thôi.

Tính ra cũng thiệt có duyên với Soe Brothers.

Nhà nghỉ Soe Brothers nơi mình ở là cái đầu tiên (nằm trên đường Thit Sar, rất gần với tháp đồng hồ Hpa-An; Điện thoại: +95 9 497 71823), còn một cái Soe Brothers 2 cùng chủ mới mở sau này nữa. Nhà nghỉ Soe Brothers 1 nằm trong một khu nhà kiểu chung cư cũ kỹ, nơi mà bên dưới được cho thuê (hoặc cũng có thể là của chủ nhà) bán đồ tạp hóa, hàng lưu niệm, lên một cầu thang cũ kỹ nhỏ hẹp sẽ là bàn tiếp tân, nơi chỉ có một cái bàn, một cái kệ để giày dép (tất cả các khách đều phải gửi ở đó, hoặc cởi giày dép cầm tay đem lên phòng (phong cách của người Myanmar đây mà), còn xung quanh đó, trên tường cơ man nào là các giấy tờ quảng cáo tour tuyến tham quan thị trấn,…

Mặt tiền nhà nghỉ Soe Brothers (ảnh chụp sáng hôm sau)

Anh chủ nhà nghỉ Soe Brothers hỏi mình ở loại phòng nào, rồi dẫn mình lên một cầu thang nữa. Mình chọn ở loại phòng quạt có giá 6USD/ đêm. Căn phòng nằm ở vị trí ngay đầu ban công, cực kỳ nhỏ, có cửa sổ lớn nhìn ra đường, khá là lý tưởng, nhưng đó là vào ban đêm và sáng sớm thôi. Còn ban ngày thì cái nắng như thiêu như đốt hắt vào, lại không có máy lạnh, sẽ cực kỳ nóng. Nhưng may quá, dù sao ban ngày mình cũng đi chơi suốt mà!

Cửa sổ mở ra đường từ phòng mình thuê ở nhà nghỉ Soe Brothers (ảnh chụp vào sáng hôm sau)

Dù đã quá nửa đêm nhưng vô phòng thì vẫn thấy ngột ngạt, nên mình quyết định để cửa sổ mở toang luôn. Hơn 2g sáng, có con nhỏ còn lục đục soạn đồ đi tắm (dãy phòng tắm ở cuối hành lang, nhìn kiểu thiết kế phòng tắm có cái hồ bự chứa nước là mình hiểu tuổi đời của khu nhà này chắc cũng trên 30 năm chứ không ít), rồi tranh thủ giặt giũ (phơi đồ kế cửa sổ, có cái cửa sổ lý tưởng quá mà), sau đó mới chịu đi ngủ.

Tưởng rằng sẽ được ngủ ngon vì mệt, nhưng không, cứ thỉnh thoảng mình lại nghe một tiếng chuông vang lên (do đối diện Soe Brothers là một ngôi chùa). Tất nhiên, có tiếng chuông chùa thì cảm giác bình yên tràn ngập, nhưng cứ vang lên khoảng một tiếng hay nửa tiếng một lần trong đêm khuya thanh tĩnh như vậy thì quả là hơi khó chịu.

Hơn 6g, mình cũng tỉnh giấc. Nắng sớm đang chiếu nhè nhẹ qua tấm màn cửa. Có tiếng xe cộ chạy qua lại trên đường. Tiếng chó sủa í ới vang vọng. Ngày mới đã bắt đầu…

Ngôi chùa hay gì đó đại loại thuộc về tâm linh ở đối diện nhà nghỉ Soe Brothers

Mấy anh mấy chú mặc Longyi và phóng xe máy vèo vèo, không mũ bảo hiểm. Nếu bỏ qua chiếc Longyi thì cứ ngỡ mình đang ở một vùng quê yên bình nào đó của Việt Nam

Ở đây cũng có cả xe lôi

Khi ra ngoài làm vệ sinh cá nhân, mình để ý thấy nhà nghỉ có sẵn máy nước nóng lạnh và trà, cà phê miễn phí cho du khách. Thường các nhà nghỉ, khách sạn ở Myanmar đa số đều có phục vụ ăn sáng miễn phí. Ở đây có lẽ do giá rẻ, lại đất chật phòng nhiều, nên không có căn-tin hay nhà ăn, nên chỉ có trà – cà phê sẵn sàng phục vụ thôi. Vậy cũng quá tốt rồi.

Mình cũng gặp một vài bạn Tây ba lô khác. Chắc hẳn nơi này không có nhiều dân du lịch là châu Á, lại là người Việt như mình đâu (mấy ai đi Myanmar mà không thăm ngoài “bốn ông lớn”: Kyaikhtiyo, Bagan, Mandalay và Inle lake kia chứ?).

Mình bắt đầu xuống đường, đi bộ dọc theo con đường nhỏ nơi ngược hướng với tháp đồng hồ, xuyên qua ngôi chợ. Hpa An nhỏ mà, trung tâm thị trấn chỉ xoay quanh bán kính tháp đồng hồ 1-2 cây số. Trên đó là hàng quán, chợ, trường học hồi giáo, sông, và một số chùa chiền.

Mình đi xuống quầy tiếp tân, hỏi xin bản đồ Hpa An. Anh chủ đã gặp tối qua đưa tờ bản đồ cho mình, rồi chỉ một số nơi cơ bản trong thị trấn.

Bản đồ Hpa An lấy từ nhà nghỉ, loại được vẽ tay, thiệt đáng ngạc nhiên, xem ảnh lớn tại đây, và đây.

Khi mình xuống đường thì cũng đã hơi trễ rồi (muốn dậy sớm lắm nhưng không được, tại giấc ngủ đã không được vẹn tròn). Nắng đã lên cao, mọi hoạt động đã sôi nổi. Nhiều xe chạy qua lại. Người dân đi chợ. Sư đi khất thực. Cuộc sống thường nhật đang diễn ra ở đây, ngay Hpa An, của đất nước Myanmar, cũng giống như ở một nơi nào đó khác, trên một đất nước khác…

Hpa An cho mình cảm giác gần gũi đến lạ. Như khi đi vô một con hẻm vô cùng hẹp. Mùi hăng hăng của những bức tường cũ kỹ, của rác rưới xộc lên mũi không làm mình cảm thấy khó chịu, mà ngược lại, lại thấy an toàn. Những ánh mắt tò mò nhìn mình dò hỏi lại cho mình cảm giác thân thuộc. Mình cứ mặc kệ tất cả, nụ cười mỉm nhẹ nhàng trên môi, và chân cứ đi, mắt cứ nhìn ngắm, quan sát, và tay lại tí tách giơ máy ảnh lên chụp.

Cái thú của du lịch một mình đó chính là những lúc này đây, khi không có lịch trình nào cả, không bị bó buộc về thời gian, không phải dõi mắt trông theo và chìu theo ý định của người bạn đường…

Những ngôi nhà nhỏ và lụp xụp trong hẻm, cuộc sống của người dân địa phương quanh khu chợ, tuy xác xơ, nhưng mình nhìn tới nhìn lui cũng chỉ thấy yên bình.

Chợ Hpa An

Chợ Hpa An cũng như những ngôi chợ nhỏ khác ở miền quê, được bày bán đủ thứ hàng tạp hóa, từ hàng gia dụng cho tới các mặt hàng rau củ quả. Có cả những thứ đồ ăn lạ hoắc, nhìn hoài không ra món gì, mà cũng chẳng dám ăn thử, một phần vì mình ăn chay, không biết món đó có ăn chay được không, một phần vì tối qua ngủ không ngon, sáng mà ăn đồ lạ có khi xui xui trúng thực nữa! Đi một mình, tốt nhất là biết tự mình chăm sóc sức khỏe bản thân.

Một cậu bé ngồi sau xe (đoán là ông nội ngoại gì đó), khuôn mặt có vẻ như đang bực mình, vì chưa tỉnh ngủ chăng?

Trường học hồi giáo kế bên ngôi chùa đối diện nhà nghỉ Soe Brothers

Tháp đồng hồ đặc trưng của Hpa An đây, đi đâu cứ lấy cái này làm mốc thì sẽ không bị lạc

Mình lững thững vòng về nhà nghỉ. Bên cạnh nhà nghỉ là dịch vụ cho thuê xe máy. Mình bèn làm thủ tục thuê một chiếc để đi chùa Kyauk Ka Lat – nơi vốn là kim chỉ nam, là điểm nhấn (dự định vậy) của hành trình đến Hpa An này.

(Còn tiếp)

>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (5)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s