Quay lại Yangon và món chè lạ miệng
Sáng hôm sau, mình trở dậy, làm vệ sinh cá nhân, ăn mì ly mang theo (Soe Brothers có sẵn nước nóng miễn phí), rồi xuống trả phòng. Lịch trình hôm nay là đi chuyến xe 8g về lại Yangon, sau đó đi chuyến xe tối đến Inle.
>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (7)
>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (6)
À, lúc trả phòng, mình chẳng được bớt đồng nào, dù đêm hôm trước nhận phòng lúc 2g sáng, nhưng vẫn bị tính đúng hai đêm tiền phòng. Mình đi bộ ra chỗ tháp đồng hồ, chìa vé điện tử đã in sẵn từ trước cho một anh địa phương gặp ven đường, và hỏi là đi xe này thì mình nên tới bến xe, hay là đợi ở đây. Ảnh mới bảo là sao cũng được, vì dù sao xe cũng đi ngang qua đây. Nhưng vấn đề là nếu mình không đi ra văn phòng, mình sẽ chẳng biết được đâu là cái xe mình phải lên, vì vé điện tử chỉ có số ghế và địa chỉ bến xe, không hề có biển số xe để mà biết. Trong khi đó, vé xe mua từ trang myanmarbusticket.com đa số đều là hãng xe tư nhân mà người địa phương thường đi, nên trên thân xe toàn ghi chữ Myanmar, mình đọc thì cũng chẳng hiểu được. Vậy là mình nhờ anh kia gọi giúp một chiếc xe ôm vẫn với giá 1.000 Kyat để đi ra bến xe cho chắc ăn.
Mình đi vô văn phòng, ngồi đợi một tí thì được hướng dẫn lên xe. Suốt quãng đường từ Hpa An trở lại Yangon, mình toàn gà gật ngủ ngon lành. Giữa trưa, xe dừng ở một trạm dừng chân cho mọi người xuống ăn cơm (tự túc, không bao gồm trong giá vé), mình mua một bịch mấy trái táo (bom) nhỏ, đoán là hàng “Tập Cận Bình” (Trung Quốc), nhưng kệ đi, mình không đến nỗi quá khắt khe trong việc ăn uống, vì hồi nhỏ cũng ăn bao nhiêu thứ nghi ngờ có hóa chất Trung Quốc đó thôi. Đi chơi thì mình rất ít khi ăn món chính, thường là ăn bánh trái và uống nước nhiều hơn. Nên đi xong sẽ ốm o thêm, nhưng lại thấy khỏe hơn.
Trạm dừng chân
Bên trong có bày bán bánh kẹo đủ thứ, trong đó có món măng chua mà sau này nghe người bạn Myanmar của mình nói, nếu như vào một gia đình truyền thống của người Shan, thì sẽ được mời uống trà và ăn thứ này, như một món ăn chơi
Các loại xí muội như bên mình thôi, nhưng nhìn là nước bọt ứa ra à
Khoảng 14g, xe về tới bến Aung Mingalar, mình đi bộ ra ngoài cổng, hướng về ngôi chùa gần đó để vào trú nắng, chờ đến chuyến xe tiếp theo lúc 17g đi Inle. Nhưng trước tiên là tấp vào một hàng bán đồ ngọt ngay trước cổng bến xe.
Gánh hàng rong, chú khách hàng kia cứ nhìn mình hoài…
Shwe yin aye, món chè truyền thống của Myanmar khá lạ khi được cho bánh mì sandwich vào ăn cùng. Các nguyên liệu khác thì cũng như món chè thập cẩm của mình khi có bột lọc, bột báng, nước cốt dừa. Nhưng mà mình đang đói, ăn hơi kỳ nhưng cũng ráng ăn cho hết, thêm chút đồ ngọt cho có năng lượng. Tô này có giá 500 Kyat ha.
Ăn xong thì mình tiếp tục đi bộ qua bên kia đường, nơi một ngôi chùa bự ở gần đó, rất gần bến xe. Nắng quá chừng nên phải bước nhanh chân.
Chùa khá rộng, như mọi khi, phải bỏ dép ngay từ cổng, mà sân xi măng thì nóng rực dưới nắng trưa.
Trái thốt nốt kìa
Ở Myanmar, chùa giống như một nơi sinh hoạt cộng đồng dành cho tất cả mọi người. Mặc dù có những luật lệ đặt ra như phải cởi bỏ giày dép tất ngay từ ngoài cổng chùa, không quần áo hở hang, nhưng bù lại, người dân được tự do ra vào bất kể giờ giấc, có thể tự do ngồi nằm la liệt, trò chuyện, ăn uống, trẻ con được phép tung tăng chạy chơi khắp nơi…
Mình thích chùa Nam tông cũng vì sự phóng khoáng, tự do, không gò bó, o ép lễ nghĩa như vậy, và cũng nhờ vậy mà những người đi du lịch bụi hạn hẹp tài chính như mình sẽ có thêm chỗ “dung thân” trong những lúc không biết đi đâu, lúc muốn nghỉ ngơi, lúc muốn trốn nắng…
Dù cách bài trí và do gần bến xe nên người ra kẻ vào hơi lộn xộn, nhưng mình quan sát thấy trong ngôi chùa này có nhiều chi tiết trang trí rất đẹp, không hề kém cạnh với chùa Shwedagon chút nào. Mà còn được miễn phí nữa.
Mình tìm một chỗ kín ở sâu bên trong, nơi xung quanh có rất nhiều người dân đang nằm, ngồi la liệt mà nghỉ chân. Bên cạnh có mấy người phụ nữ cũng ngồi nghỉ chân. Một chị tuy không biết tiếng Anh, chỉ bập bẹ vài chữ, nhưng cũng tìm cách nói chuyện với mình, và làm mình hiểu được. Thì ra chị hỏi mình là người Hàn à, mình bảo không, Việt Nam. Chị lại hỏi, đi một mình à, rồi làm vẻ mặt và tay chân co lại, run rẩy, kiểu: nếu là chị thì sẽ rất sợ. He he, giao tiếp giữa hai con người, không cần phải biết tiếng của nhau thì mới hiểu được đâu nghen.
Khoảng 16g, mình quyết định đi trở lại vô bến xe. Cũng may cái tính lo xa của mình lúc này chợt bộc phát, nên mới tìm đến được đúng chỗ văn phòng nơi mình đã đặt vé đi Inle trên mạng trước đó, sau khi hỏi đâu sáu người, đi bộ rạc cẳng, rẽ trái phải không biết bao nhiêu lần. Bạn nên nhớ, bến xe Aung Mingalar rất rộng, chia thành khu cũ và mới, rồi mỗi khu lại có nhiều con đường, mỗi con đường lại có nhiều văn phòng xe, cũng rộng rãi đủ cho xe tới đậu rước khách đi, nên nếu bạn có đi xe như mình từ bến xe này, thì phải tranh thủ đi sớm, một là tính trường hợp kẹt xe thường xuyên ở Yangon, hai là còn phải đi tìm tới nhà xe – văn phòng xe nữa.
(Còn tiếp)