DU KÝ · Du Ký Malaysia

Malaysia độc hành (1)


Mình mua vé máy bay đi Malaysia vào một ngày giữa tháng 5, sau chuyến Myanmar, khi thấy AirAsia có khuyến mãi giảm 50% (không phải là khuyến mãi tốt nhất, vì tốt nhất phải là vé 0 đồng kia!), nhưng chẳng sao, mình muốn thì mình mua thôi.

Vì mới vừa đi một chuyến đi dài tới 9 ngày, nên cũng hơi ngại và ngán nếu như tiếp tục xin nghỉ dài ngày nữa. Do đó, chuyến đi này mình chỉ thực hiện trong 4 ngày. Vả lại, trong các quốc gia Đông Nam Á, mình được biết có Brunei, Singapore và Malaysia là những quốc gia phát triển vượt bậc. Mà mình thì không thích những địa danh hiện đại, tấp nập, ồn ào. Bản thân mình cũng khá “lúa”, nên có lẽ sẽ không thích hợp với việc du lịch sang những nơi này.

Do đó, mình đi 4 ngày thôi, nếu thích, thì lần sau sẽ đi tiếp vậy (sau đó thì đúng là thích thiệt!).

Vé chiều đi Sài Gòn – Kuala Lumpur khoảng 1.000.000 đ

Vé chiều về Penang – Sài Gòn khoảng 1.400.000 đ

Về phần chuẩn bị, mình dạo trên mạng đọc các bài viết liên quan đến du lịch Malaysia, từ các trang của công ty du lịch cho tới các diễn đàn, blog, tiếng Việt và Anh đủ cả. Sau đó thì đặt phòng khách sạn (đặt hờ qua các trang Agoda, Booking.com, lựa loại phòng giá không khuyến mãi, để khi hủy không bị tính phí, chờ người ta gửi xác nhận đặt phòng qua email thì hủy liền), lên lịch trình chuyến đi (bằng tiếng Anh). Riêng lịch trình chuyến đi thì mình làm hai bảng, một bảng chi tiết, xác thực cho bản thân, và một bảng gồm những thông tin cơ bản thôi, dành cho hải quan. Sở dĩ phải rắc rối như vậy vì nghe nói việc nhập cảnh vào Malaysia khá khó khăn đối với người đi một mình, đặc biệt lại là nữ giới (!!!). Từ lịch trình thì tính luôn chi phí sơ là bao nhiêu mà chuẩn bị tiền mang theo.

Lịch trình chuyến đi (thực tế):

– Đêm 1: Bay Sài Gòn – Kuala Lumpur, qua đêm tại sân bay Kuala Lumpur (Kuala Lumpur International Airport Terminal 2 – KLIA2)
– Ngày 2: KLIA2 – Melaka (dạo bộ quanh phố cổ) – Kuala Lumpur, qua đêm tại bến xe Terminal Bersepadu Selatan (TBS)
– Ngày 3: Dạo quanh Kuala Lumpur (khu phố Hoa, tháp đôi Petronas) – Đi xe buýt tới đảo Penang, qua đêm trên xe
– Ngày 4: Dạo quanh khu George Town, qua đêm tại đây.
– Ngày 5: Bay Penang – Sài Gòn

Tiếp theo thì in các thứ giấy tờ bao gồm: hộ chiếu, vé máy bay hai chiều, xác nhận đặt phòng, lịch trình dành cho hải quan, để khi nhập cảnh Malaysia, hải quan mà có hỏi là lấy ra đưa liền. Khâu này chuẩn bị càng tốt thì càng ít có khả năng bị từ chối nhập cảnh. Không biết thực hư ra sao, nhưng cứ chuẩn bị trước thì sẽ tốt hơn. Ai mà muốn giữa đêm hôm khuya khoắc, vừa đáp xuống sân bay đã bị “tống” vào phòng thẩm vấn, rồi bắt mua vé về nước ngay chứ?

Ngoài ra, mình cũng tải về hoặc nén thành định dạng ảnh, lưu vào email, điện thoại, dành cho phương án dự phòng.

Công đoạn tiếp theo là mua thiết bị chuyển đổi sạc điện loại có 3 chấu vuông dùng cho các quốc gia Malaysia, Singapore, Indonesia… Mình mua loại Travel Universal Adapter của Điện Quang, để dành sau này có cần thì dùng luôn.

Sau đó thì đổi tiền ở tiệm vàng Hà Tâm (02 Nguyễn An Ninh, P. Bến Thành, Q.1, ngay Cửa Tây chợ Bến Thành. Điện thoại: 028 3823 7243). Tỉ giá là 1 Ringgit = 5.300 VND.

Tiền Malaysia đọc là rín-gịt nha,viết tắt MYR. Mình đổi thành một mớ tiền lẻ 5 MYR, 10 MYR, 20 MYR, vì nghe nói khi đi xe buýt, khách tự bỏ tiền vô thùng, người ta không có thối lại đâu. Đưa tiền mệnh giá lớn thì chịu.

Ngoài tiền giấy (gồm tờ 1 MYR, 5 MYR, 10 MYR, 20 MYR, 50 MYR, 100 MYR), Malaysia cũng xài tiền xu nữa (gồm đồng 5 sen, 10 sen, 20 sen, 50 sen), dùng khi đi xe buýt rất tiện (Việt Nam mình thì hình như hết dùng tiền xu rồi hĩ?). 1 MYR = 100 cent (nhưng ở đây người ta ghi “sen”, chắc do thói quen phát âm tiếng Anh của người bản địa, họ viết tiếng Anh theo cách đọc của họ; ví dụ: central -> sentral, express -> ekspres, restaurant -> restoran, counter -> kounter, july -> julai, product -> produk, lift -> lif, notice -> notis, bus -> bas,…).

Tiền xu của Malaysia

Xong, tới ngày thì “xách ba lô lên và đi” thôi. À, về hành lý, vì đọc qua thông tin rằng thời tiết ở Malaysia tương đối giống Sài Gòn, kiểu nóng ẩm, thường có mưa, nên mình cũng chỉ mang mấy bộ đồ gọn nhẹ, đa số là đồ dài (lý do: “nhập gia tùy tục” vô quốc gia có khoảng 60% là người Hồi giáo).

Đối với chuyến bay quốc tế, mình thường ra sân bay trước ít nhất 2 tiếng đồng hồ. Mình khá là “gà” đường, cho nên từ khi chính quyền thành phố cho xây cây cầu vượt chữ Y chia hai nhánh cho xe ô tô chạy thẳng vô sân bay – hai ga quốc nội và quốc tế, thì mình không biết là đường nào đi thẳng vô ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất dành cho xe máy, mà thường người chở mình phải chạy xe vô ga quốc nội, rồi mình phải xuống đi bộ một quãng dài từ ga đến (Arrival) của ga quốc nội đi qua ga quốc tế.

Cửa đến ga quốc nội…

Cứ đi dọc hành lang này là đến được ga quốc tế, khá là xa đó nghen

Một cây cầu vượt trước ga quốc nội

Từ ga quốc tế, mình đi thang máy lên tầng 2 để tới ga đi (Departure) đặng làm các thủ tục lên máy bay. Lúc lấy số ghế với nhân viên AirAsia, bạn nhân viên hỏi mình có vé về chưa. Đó, bạn thấy không, điển hình của sự khó khăn cho người Việt khi nhập cảnh vào Malaysia đó. Đến đoạn làm thủ tục xuất cảnh với hải quan Việt Nam thì không có vấn đề gì, chẳng ai hỏi mình gì cả.

Chờ lên máy bay, hãng máy bay giá rẻ nên không tránh khỏi việc hoãn giờ bay 40 phút.

Chuyến bay đêm hôm đó rất vắng khách, chủ yếu là người Malaysia sang Việt Nam du lịch hay công tác gì đó trở về nước, và nhiều người Việt sang Malaysia du lịch như mình. Đặc biệt, du khách không cần phải điền tờ khai nhập cảnh gì hết. Mình ngủ gà gật no nê trên máy bay, cho đến lúc hạ cánh.

Lúc nhập cảnh, anh hải quan Malaysia chỉ nhìn mình hỏi đi du lịch à, rồi đóng dấu cho qua. Dễ dàng hơn mình nghĩ nhiều.

Khung cảnh sân bay KLIA2

Thủ đô Kuala Lumpur có hai sân bay, một là KLIA, hai là KLIA2 (thay cho cái LCCT – Low Cost Carrier Terminal). Sân bay KLIA2 dành cho một số hãng hàng không giá rẻ như AirAsia, Lion Air, Cebu Pacific,… Hai sân bay này cách nhau rất gần, có xe buýt trung chuyển đi chừng 10 phút, và 1 tiếng để về đến trung tâm thủ đô (bằng xe buýt hoặc tàu điện).

Chỉ dẫn các tầng của sân bay KLIA2. Ga đến của các chuyến bay nằm ở tầng 2; xuống dưới tầng 1 (trệt) là nơi đỗ xe buýt; lên tầng trên 2M sẽ là nhà hàng, cà phê, quầy hàng lưu niệm, thực phẩm; còn ở lầu 3 là ga đi. Nếu mình nhớ không nhầm thì tàu điện (train) cũng nằm ở tầng 2.

Mình vác ba lô đi dạo lên tầng trên, thử ngó nghiêng hai thứ: thứ nhất là chỗ cắm đồ sạc pin điện thoại, vì mình ỷ y sẽ tìm được, nên đã không sạc trước điện thoại cho đầy lúc còn ở nhà, lại còn không mang theo cục sạc dự phòng (mua trúng hàng dỏm to như cục gạch, nặng quá nên bỏ ở nhà cho đỡ vật vã); còn việc thứ hai là ngó nghiêng tìm chỗ ngủ qua đêm.

Ổ điện cắm sạc thì ở sân bay KLIA2 không thiếu, lại dễ dàng tìm thấy ở hầu hết các tầng, nhưng xui một cái, hầu như không chỗ nào cắm sạt vô hết, mà chỗ cắm vô điện thì có người đã ngồi chầu chực sẵn rồi. Có một em thanh niên Malaysia rất nhiệt tình, khi thấy mình lần lượt cắm ổ này sang ổ khác mà không được, em đã chỉ mình chỗ khác, nhưng mình đành thất vọng vác ba lô đi chỗ khác. Nói tóm lại, tuy không sạc pin được, nhưng bù lại là mình nhận ra người Malaysia hiếu khách và thân thiện hết sức.

Cả một cây ổ cắm chuyên dành sạc pin cũng không hoạt động

Tiếp theo thì vấn đề chỗ ngủ. Sở dĩ mình ngủ lại ở sân bay là có ba lý do: thứ nhất là đêm đã khuya lắc khuya lơ – nói chính xác hơn đang là tờ mờ sáng (gần 1g sáng chứ ít gì, chuyến bay mất 2 tiếng đồng hồ, mà giờ Malaysia đi trước Việt Nam 1 tiếng, giờ này ở Việt Nam chỉ gần 12g), thứ hai là cho tiết kiệm, mình đi du lịch bụi tự túc mà, và thứ ba, để coi ngủ ở sân bay Malaysia nó thế nào.

Sau khi đi dạo một vòng lên lầu trên, mình có thấy dân tình ngủ ở sân bay không hề ít. Từ du khách nước ngoài cho đến dân địa phương (do thấy trùm đồ kiểu Hồi giáo là hiểu), họ tìm những góc khuất, hoặc chỗ vắng người, rồi gác đầu gác chân lên ba lô, lót giấy báo, thùng cạc-tông, hay trùm mền, áo khoác, khăn choàng, và chọn cho mình một tư thế ngủ thoải mái nhất. Mình không tìm được chỗ tốt, đành tới chỗ có mấy chiếc máy mát-xa, kề bên là chỗ dịch vụ đóng thùng, dán băng keo gì đó, lấy giấy hành trình chuyến đi in sẵn lót dưới nền (cho đỡ lạnh mông), rồi tựa vào tường, ôm ba lô cố chợp mắt.

Ghế mát-xa, có khe bỏ xu vô sẽ được mát-xa bao nhiêu thời gian đó. Không có ai quản lý hết, nên có vài khách tự nhiên leo lên nằm ngủ.

Giấc ngủ chập chờn bị cắt ngang bởi tiếng người qua lại, tiếng máy đóng thùng bên cạnh, lại lạnh kinh khủng, khiến mình đã có một đêm đầu óc hơi “tưng tưng”. Mình vốn dễ ngủ, nhưng mà phải được nằm thẳng người và ở nơi nào đó cho cảm giác an toàn một chút kia.

Khoảng hơn 6g thì mình tỉnh giấc, lò dò hỏi đường xuống bãi xe buýt.

Trời Malaysia vẫn còn tối đen, do chênh lệch múi giờ cả thôi. Mình hỏi anh bảo vệ chỗ mua vé xe buýt đi Melaka, nằm ngay tầng trệt thôi, ở bên trong, còn đi ra hành lang ở ngoài là đã thấy xe buýt đậu rồi.

Quầy bán vé xe buýt đi từ KLIA2

Trước khi sang đây mình có hỏi một bạn Malaysia trên Couchsurfing, bạn ấy nói không có xe đi thẳng Melaka từ KLIA2 đâu, mà phải đi xe buýt một tiếng đồng hồ đến bến xe TBS (ở Kuala Lumpur có nhiều bến xe, và bến TBS là bến lớn nhất, tập trung nhiều chuyến xe đi khắp nơi nhất, nên hầu như muốn đi đâu bằng xe thì bạn cứ tới đây), chặng này mất 10 MYR, rồi từ đó mua vé đi Melaka, khoảng 14 MYR nữa. Hoặc cũng có thể đi tàu điện (train/ Express Rail/ Light Rail Transit – LRT) tới KL Sentral (tức trung tâm Kuala Lumpur, nơi có tháp đôi Petronas ấy), mất 39 phút, rồi từ đó bắt tiếp tàu điện hoặc xe buýt đi TBS, rồi mới mua vé đi Melaka. Cách thứ hai này vừa rắc rối, lại vừa đắt (tàu điện chạy nhanh gấp 2 lần xe buýt, nhưng đắt gấp 5-6 lần, giá tới 55 MYR kia mà).

Nhưng may quá, mình có đọc một số blog, thấy có vé xe buýt đi thẳng từ KLIA2 tới Melaka luôn, nên hỏi thử, và có thiệt. Giá vé là 24,3 MYR. Chuyến sớm nhất là 7g30 sáng.

Bạn có thể xem thêm thông tin về các phương tiện giao thông, cách di chuyển tới hoặc từ KLIA2 ở trang: www.klia2.info.

Vé xe KLIA2 đi Melaka mua ở tầng trệt

Tầng trệt cũng có nhà nghỉ con nhộng và dịch vụ cho thuê tủ gởi đồ

Bảng giá các dịch vụ

Mình nhận thấy tầng 1 khá vắng người qua lại (do ai ra vào cũng đều đi lên các tầng trên), và máy lạnh cũng loãng hơn, nên khá ấm áp, lại có nhiều dãy ghế cho khách ngồi chờ. Vậy nên bạn hãy rút kinh nghiệm của mình là hãy chịu khó đi dạo hết các tầng để tìm cho mình một chỗ ngủ tốt nhất nếu có ý định ngủ lại ở sân bay. Đi chơi, nhất là đi một mình thì quan trọng nhất là cái sức khỏe. Phải ngủ đủ giấc mới tỉnh táo mà đi chơi được.

Mua vé xong, mình vào nhà vệ sinh thay đồ cho gọn gàng, rửa mặt cho tỉnh táo rồi ra ngoài ngồi đợi.

Nhà vệ sinh sạch sẽ, nhưng có điều sao lại sử dụng kiểu ngồi xổm cổ điển hả ta? Nghe nói sân bay này mới xây lại từ năm 2014 mà?

Một cửa hàng tiện ích ở tầng trệt. Lúc gần tới giờ xe buýt chạy rồi mình mới phát hiện ra, tại sao không vô đó mua ly mì, ngồi ăn tại chỗ, và tranh thủ sạc pin kia chứ (do thấy có vài vị khách thảnh thơi làm như vậy).

Hành lang chờ xe buýt ở bên ngoài

Xe này đưa khách qua lại giữa hai sân bay nè, đi chừng 8-10 phút à.

Xe đi Melaka của mình

Xe ghế ngồi bọc nệm êm ái, sạch sẽ, gồm 3 ghế cho mỗi hàng. Đặc biệt, dưới chân ghế có ổ cắm sạc pin, nhưng xui quá, lại không hoạt động.

Trên xe, mình ngắm cảnh vật qua cửa xe cho no mắt, rồi tranh thủ ngủ thêm chút xíu nữa. Mệt vì thiếu ngủ quá mà!

(Còn tiếp)

>> Malaysia độc hành (2)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s