Chợ sớm ở Nyaung U, Bagan
Mình vác ba lô đi xuống xe. Ngoài trời lành lạnh. Bến xe Bagan cũng tương đối rộng, nhưng trời tối quá, xung quanh, các khách Tây ba lô ùn ùn xuống xe, túm tụm hoặc tản ra tìm xe về khách sạn, có vẻ như chỉ mỗi mình mình chơ vơ, nên mình cũng không có ý định lưu lại vài phút ở bến xe, hay chí ít ra cũng đi loanh quanh chụp ảnh và xem xét hoàn cảnh bến như thế nào…
>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (13)
>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (12)
Thành phố cổ Bagan (Pagan) thuộc miền Trung Myanmar, được chia ra làm ba khu vực, lần lượt từ bến xe Bagan đi vào trung tâm sẽ là: khu Nyaung U (thị trấn yên bình và ít du khách hơn, nhưng bù lại, bạn sẽ thấy sát sao với cuộc sống của người dân địa phương hơn), tiếp theo là Old Bagan (khu Bagan cũ – tập trung nhiều đền đài, các di tích tham quan chính), rồi tới khu New Bagan. Từ New Bagan qua Old Bagan sẽ gần hơn một tí là từ Nyaung U đi tới Old Bagan, do đó, đa số du khách bây giờ thích ở khu New Bagan hơn.
Mình thì lại nghĩ, dù sao cũng phải thuê xe đi chơi, thôi cứ ở xa xa cũng được, nên mới đặt phòng trước nhà nghỉ Shwe Na Di nằm ở thị trấn Nyaung U (thông tin tìm qua mạng). Mình có tới hai đêm ở đây, nên không cần thiết phải ở khu New Bagan cho đắt đỏ. Trong quá trình đi du lịch bụi, mình nghiệm ra rằng, nếu chỉ có ít ỏi thời gian, thì nên ở khu tập trung nhiều du khách. Những khu này sẽ vừa gần trung tâm, tiện đường tới các điểm tham quan, mà cũng tập trung nhiều dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, mua sắm dành cho du khách.
Nhưng nếu có dư thời gian, thì nên ở nơi xa xa một tí. Theo đó, trong quá trình di chuyển từ nơi xa xa tới các điểm tham quan, ta sẽ có cơ hội nhìn ngắm và hiểu hơn về đời sống của người dân địa phương. Trừ khi, khu trung tâm tập trung nhiều du khách có điều gì đó mà bạn mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn, gần gũi với phong tục tập quán đời sống người dân hơn.
Ở bến xe Bagan, các anh lái taxi, đánh xe ngựa, xe máy, với xe đạp thồ tranh nhau bu lại kiếm khách. Theo những thông tin tổng hợp mà mình đọc được trên mạng, trong ở các điểm phải đi (“must-see”) trên đất nước Myanmar này, thì mấy anh đánh xe ở Bagan là “ghê gớm” nhất, nói thách nhất, làm trò với du khách nhiều nhất.
Mình hỏi một con bé Tây đi chung chuyến xe, là trong tụi mày có ai đi về Nyaung U không, cho tao đi chung xe với, thì biết là hổng có. Sau đó, con bé thấy mình bị mấy anh vận chuyển kia bu lại dữ quá, nhỏ chạy qua khều mình: mày thấy cái bảng kia không? Mình nhìn theo tay nó chỉ, thấy cái bảng đề giá xe, nhớ mang máng là cỡ 6.000 Kyat xe ngựa hay taxi gì đó để về Nyaung U. Chắc vì tình trạng chèo kéo và nói thách du khách mà chính quyền Bagan đã cho thẳng cái giá xe đặng cảnh báo với du khách như vậy.
Thế là mình đem cái giá đó đi hỏi mấy anh kia, mấy ảnh nói, giá đó là giá trên 1 người, và phải đi nhiều người. Còn mày có một mình, giờ tụi tao nói chắc giá nè, xe ngựa 8.000 Kyat, xe máy 7.000, còn xe đạp lôi 6.000.
Mình, phần thì bị mấy anh vây quanh dữ quá, cũng hơi ngán, phần vì các khách đi chung xe với mình cũng đều có tụ hẹn hò chung đi về khách sạn gần hết rồi, phần vì mình muốn về nhà nghỉ sớm gửi đồ rồi còn đi chơi, nên thôi, gật đầu đi đại. Mình chọn xe ngựa cho biết, chớ xe máy thì thường quá, còn xe đạp lôi thì lại không nỡ nhìn thấy cảnh người ta gò lưng đạp vì mình (dù đi với người ta thì cũng là cách giúp người ta kiếm tiền, nhưng mình vẫn cứ thấy sao sao…).
Xe ngựa đi chậm dã man. Mình ngồi xe mà cứ sốt hết cả ruột. Ngẫm nghĩ với tốc độ này thì chắc khỏi có bình minh gì nữa rồi. Mà thôi kệ đi, mình còn hai buổi sáng mai và mốt ở Bagan lận. Trong khi đó, chú đánh xe ngựa thì liên tục gạ gẫm mình chi thêm tiền bằng cách nói với mình rằng, con biết là vô Bagan phải đóng phí tham quan 25.000 Kyat chứ? – Dạ, con biết. – Giờ chú sẽ đưa con đi đường vòng, không qua trạm thu phí, rồi thẳng tới ngôi đền mà con có thể ngắm bình minh, sau đó sẽ đưa con đi tham quan lòng vòng, con sẽ chỉ phải trả thêm bao nhiêu đó (hình như 13.000 Kyat).
Nghe hấp dẫn ha! Nhưng mình kiên quyết từ chối (thanh niên cứng mà!). Bởi vì sao, thứ nhất, mình không muốn đi tham quan bằng xe ngựa. Nếu như đi với nhóm, có thể mình sẽ muốn đi lòng vòng Bagan bằng xe ngựa. Nhưng đây chỉ có mỗi mình mình, mình không thích cái kiểu đã đi theo tour mà lại còn có mỗi mình mình là khách, làm gì cũng bị chăm sóc tận răng, bị quan tâm, kèm theo bị dò hỏi, bị soi mói…, rất mất tự do. Thứ hai, mình không thích cái kiểu trốn vé như thế này. Dù biết là tiền vé chưa chắc đã được thực hiện cho các công tác xã hội cho người dân, như xây bệnh viện – trường học…
Vậy là chú thôi.
Ngồi trên xe, mình ngắm con đường đầy các hàng cây cổ thụ từ bến xe đi sâu vào Bagan. Dãy đèn đường đỏ quạch nhờ nhờ gợi nên những ký ức xưa cũ. Không khí trong lành của buổi sớm tinh mơ, khi bầu trời dần chuyển từ màu đen sang màu xanh thẫm, rồi xanh nhạt, rồi xám và mỗi lúc một sáng dần, như đánh thức mọi giác quan của người lữ hành cô đọc. Mùi phân ngựa thoang thoảng theo mỗi bước chân lắc lư và tiếng chân ngựa gõ trên đường nhựa cứ lọc cọc, lọc cọc… Tất cả mang lại những cảm giác vừa gần gũi, lại vừa mơ hồ, vừa lý thú, lại vừa xưa cũ…
Xe đi qua một văn phòng nhỏ, có người ra thu 25.000 Kyat và đưa mình chiếc vé để vào Bagan. Vé này có giá trị trong vòng 5 ngày. Nhờ mình kiên quyết đóng tiền vé, sau này mới thấy quyết định đó là đúng.
Nhà nghỉ Shwe Nadi, nơi cư trú cho 2 đêm ở Bagan của mình
Mọi người có thể đặt phòng qua email trên ha.
Nhà nghỉ Shwe Na Di nằm trên một con đường lớn, nhưng vắng người qua lại, đúng kiểu đường thị trấn tỉnh lẻ. Từ đây đi bộ ra chợ Bagan chừng 5 phút. Phòng tập thể (dorm) ở đây rất lạ, gồm những chiếc giường đặt liền kề, chứ không phải loại giường tầng. Mà khi mình tới Pyin Oo Lwin cũng thấy vậy đó. Phòng rộng, có máy lạnh, gồm ăn sáng (chuẩn Mỹ) miễn phí. Nhà vệ sinh thì ở bên ngoài. Phía trước Shwe Na Di còn có mảnh sân nho nhỏ, vài chiếc ghế đá, ngồi đó ngắm người qua lại cũng thú vị lắm.
Sảnh tiếp tân
Sân trước nhà nghỉ Shwe Na Di
Khi mình đưa hộ chiếu vào nhận phòng, cậu trai lễ tân có mái đầu nhiều tóc và bù xù (giống với một người bạn Myanmar quen trên Facebook của mình) bảo, còn sớm nên mày chưa nhận phòng được đâu, nhưng mà mày ngồi chờ tí, để tao kiểm tra lại xem. Một lát sau cậu ta bảo, ê mày có phòng rồi nè, đi theo tao. Cậu ta dẫn mình lên cầu thang (rất rộng rãi), rồi mở cửa đi vào một phòng tập thể gồm 5 giường, nam nữ ở chung. Lúc đó, trong phòng đã có hai khách rồi, nhưng họ, có lẽ đã đi ngắm bình minh sớm. Cậu tiếp tân cũng chỉ chỗ nhà vệ sinh, rồi nói bây giờ mày cũng có thể ăn sáng (lý ra là phải từ ngày mai).
Ồ, tiếp đón tử tế nhỉ?
Mình nhận phòng, thay đồ, sắp xếp lại đồ đạc tí. Biết là lỡ bình minh rồi, nên thôi, xách máy ảnh đi dạo chợ vậy.
Đường xá vắng tanh, thích quá trời ơi…
Thích hơn cả là những cái cây thuộc dạng cổ thụ, nhưng tầm thấp như thế này, cành cây thì uốn éo duyên dáng, lá thì nhỏ và nhiều, lại xanh um, được nhìn thấy ở khắp mọi nơi của Bagan. Và mình nghĩ rằng, đây là một trong những “đặc sản”, những điều gây “nghiện”, gây thương nhớ ở thành phố cổ kính miền Trung Myanmar này.
Ở đây dân tình đi xe máy không cần đội mũ bảo hiểm ha
Có cả hoa bò cạp vàng (muồng hoàng yến) nữa nè
Một ông chú vận longyi quét sân dưới gốc phượng lốm đốm trổ hoa đỏ
Một nhà hàng. Con đường từ nhà nghỉ Shwe Na Di ra chợ không thiếu những nhà hàng, nhà nghỉ dành cho du khách. Nếu không muốn lựa chọn Shwe Na Di, bạn có thể tìm những nhà nghỉ gần đó dọc theo con đường này, hoặc những nhà nghỉ, khách sạn được mình chụp hình lại bảng hiệu như bên dưới.
Mặt trời lên rồi, rực hồng cả một góc trời
Hãy để ý biển số của chiếc xe Toyota ha. MDY có nghĩa là xe này đến từ Mandalay.
Một con hẻm mơ màng
Hẻm graffiti
Tiệm tạp hóa
Các sư nữ ngồi đợi xe bên dưới một gốc bồ đề
Chỗ này là ngã ba…
… từ đây đã có thể nhìn thấy chợ nhộn nhịp rồi
Và khung cảnh chợ sớm, khi người ta đang bày hàng, cảnh hàng quán xập xệ, đằng sau là ánh mặt trời rực rỡ chiếu những tia sáng vàng như mật nâu xuống, từng gian hàng dần bừng sáng, bừng sáng cả những khuôn mặt ngăm đen và lấp lánh những vệt Thanaka… chính là những bức ảnh mà mình yêu thích nhất trong chuyến đi này…
Bán trầu
Mình ngẩn ngơ và chầm chậm đưa vào khung ảnh từng góc chợ, từng gương mặt những con người xa lạ nhưng lại không hề có cảm giác xa lạ. Mình đi dọc theo con hẻm nhỏ, yên lặng và nhìn ngắm những hoạt động bán buôn quá đỗi bình thường. Mình không nhìn thấy sự dơ bẩn khi đi qua con đường chợ sình lầy, hay khi nhìn thấy từng đám ruồi nhặng bu trên những đống rác, rồi bay lại đậu trên mớ thịt, mớ lòng được bày bán lộ thiên. Mình chỉ nhìn thấy một cuộc sống bình yên thường nhật của những người địa phương đáng mến.
Những con rối trang trí. Theo truyền thuyết Myanmar thì kịch múa rối xuất hiện vào thời của vương triều Bagan khoảng kỷ XI.
Ảnh Phật trang trí cực kỳ có hồn
Siêu thị 24-Seven, chắc là “ăn theo” 7-Eleven
Cây chổi chà nhìn ngộ ha, không xòe ra như bên mình
Mặc dù đất nước này đã mở cửa và đang trên đà phát triển, nhưng họ vẫn giữ được rất nhiều phong tục truyền thống, chẳng hạn như thói quen ăn trầu, như thoa bột Thanaka, hay nam giới vẫn mặc longyi trong bất cứ hoàn cảnh nào…
Một nhà sư đi khất thực
Hai đứa bé giỡn nhau trên đường
Những chiếc vò nước uống miễn phí
Một ban công nhà xinh xinh
Nắng lên rồi, mình trở về nhà nghỉ và ngủ một giấc thật sâu.
(Còn tiếp)