Giữa những cơn ngái ngủ đến chảy cả nước mắt, ban đầu mình còn cố mở mắt để chụp ảnh dọc đường, từ KLIA2 qua KLIA1 (xe buýt đi mất cỡ 8-10 phút), cho đến đường xá khi xe đã ra khỏi sân bay, đi về phía Melaka.
>> Malaysia độc hành (1)
>> Cần chuẩn bị gì cho chuyến du lịch bụi Malaysia?
Malaysia đây rồi. Cuối cùng mình cũng tới. Và khi xe đã ra khỏi sân bay, mình mới dần cảm nhận được không khí của quốc gia có hồ sơ kinh tế tốt nhất tại châu Á này.
Ảnh chụp qua cửa sổ xe
Những cây cọ dầu
Chụp một chiếc xe buýt miễn phí chạy qua lại giữa hai sân bay KLIA và KLIA 2. Xe buýt ở Malaysia được phân thành các màu sắc nổi bật cho dễ phân biệt, những bài viết sau bạn sẽ được rõ hơn.
Đường sá rất tốt, phân làn rõ ràng nên xe ở đây chạy rất nhanh, cả xe hơi lẫn xe máy.
Sau vài cơn mộng mị và lắc lư trên xe, khoảng hơn 9g30 thì xe cũng vào bến Melaka.
Bến xe Melaka không rộng lắm, nhưng được chia khu, chia làn rất rõ ràng.
Phía trước là bãi đậu xe, mỗi xe đi đâu đều được chia thành khu vực (ví dụ Platform A, Platform B) và từng hàng riêng (phân theo số thứ tự).
Bên trong bến xe là trung tâm mua sắm, bán cả ngày lẫn đêm với các mặt hàng từ quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách… cho đến các loại bánh kẹo, bánh mứt, quầy hàng ăn uống…
Hàng hóa ở đây đều có giá bình dân, và mình không chắc nguồn gốc có phải từ xứ sở Tập Cận Bình hay không
Kiểu trang trí trần nhà lạ mắt với dù, tuy phổ biến ở nhiều nơi, nhưng giờ mình mới tận mắt thấy
Ở đây cũng có bán vé đi thẳng đến đảo Penang
Theo thông tin trên mạng, mình tìm đến chỗ đậu xe buýt số 17 để đi về trung tâm Melaka, nơi có Quảng trường Đỏ (Quảng trường Hà Lan, Dutch Square). Cứ lấy địa danh này làm chuẩn để xuống hay bắt xe buýt mới.
Xe buýt số 17 sẽ đậu ở đây nha, hàng 17 luôn. Xe này cứ 20 phút là có 1 chuyến, hoạt động từ 6g sáng tới 9g tối. Giá vé là 1,5 MYR.
Lưu ý khi đi xe buýt, là bạn nhớ chuẩn bị tiền lẻ, vì hên xui, có nhiều nơi trên đất Malaysia người lái xe buýt sẽ chỉ có cái thùng đựng tiền được khóa lại, và một máy in vé tự động ở bên cạnh. Trên xe chỉ có tài xế thôi, không có phụ xe đâu. Bạn đi đâu thì nói tài xế, bác ấy sẽ bấm nút cho vé chạy ra, báo giá tiền, và bạn tự động bỏ tiền vô thùng, chứ tài xế không cầm tận tay, kiểm tra và thối lại đâu. Nếu xui xui lỡ bỏ tờ tiền lớn thì coi như làm từ thiện đó nha. Nhất là ở đảo Penang đó.
Trở lại với chuyến đi, để chắc ăn về cái xe buýt mình đang chờ có đúng không, mình hỏi thăm hai bạn – một nam một nữ cũng đang ngồi chờ xe, mà mình nghĩ là người Malaysia (mặc dù da vàng mũi tẹt giống mình, vì người Hoa ở Malaysia cũng khá nhiều). Nói chuyện vài câu mới biết là hai bạn ấy người Trung Quốc. Họ hỏi lại mình là đi chơi một mình à.
Ngồi đợi cũng hơi lâu lâu mà chưa có xe, bạn gái mới khều mình: Tụi tao định gọi xe đi, mày có muốn đi chung không? – Vậy à? Ừ, đi thì đi.
Hóa ra hai bạn ấy kêu xe qua dịch vụ Grab hay Uber gì đó. Trước giờ mình chưa xài mấy dịch vụ này, vì điện thoại mình dùng là của Nokia, dùng hệ điều hành Windows, không chắc sẽ tải được các ứng dụng trên.
Ba đứa đi bộ ra ngoài bến xe để tiện đón xe. Đón tụi mình là chiếc 7 chỗ. Anh tài xế da ngăm đen, trông chắc khỏe, lái xe cẩn thận và thân thiện với du khách. Mình ngồi phía trước, bên cạnh ảnh. Ngồi chưa nóng chỗ, ảnh quay qua nhắc: Ê mày cài dây an toàn giùm tao. – Ồ tao quên mất, xin lỗi nha.
Mình ít khi đi xe hơi, taxi thì càng ít hơn, mà nếu có đi, thì ở Việt Nam cũng ít khi bị đề nghị phải cài dây an toàn. Có lẽ cũng tại người Việt mình đi xe máy nhiều quá chừng, nên chưa hình thành thói quen phải cài dây an toàn khi đi xe hơi thôi.
Trên xe, anh tài mở mấy bài nhạc với tiết tấu vui nhộn khiến mình rất thích thú. Ảnh hỏi tụi mình đến từ đâu, rồi bảo: Nhớ đánh giá tao 5 sao nha.
Tới nơi, bạn nam Trung Quốc đã trả tiền qua thẻ, và không chịu để mình chia sẻ bớt. Mình rối rít cảm ơn, nhưng cũng có chút ngại. Tụi mình chia tay ở Quảng trường Đỏ, rồi đường ai nấy đi, tự do khám phá Melaka.
Đập vào mắt mình là chiếc xe hoa, vâng, xe xích lô hoa đặc trưng trên đường phố trung tâm thành phố Melaka
Melaka (hay Malacca) là thành phố cổ được UNESCO công nhận là di tích lịch sử từ năm 2008, thuộc bang cùng tên, vốn là bang nhỏ nhất Malaysia. Bang Melaka từng là một trong các vương quốc Hồi Giáo cổ nhất Malay. Còn thành phố Melaka là thành phố lớn nhất, cũng là lâu đời nhất của bang Melaka.
Thành phố Melaka ngày nay phát triển thành một đô thị hiện đại với các tòa nhà, siêu thị, trung tâm mua sắm khắp nơi. Nhưng nơi tập trung du khách chính là trung tâm Melaka với các điểm tham quan, vui chơi giải trí san sát nhau: Quảng trường Đỏ (Quảng trường Hà Lan, hay Stadthuys, tên tiếng Anh là Dutch Square) được xây theo kiến trúc Hà Lan và mang một màu đỏ quạch hút mắt, nhà thờ Thánh Peter, tháp đồng hồ, vòi phun nước Victoria, nhà thờ Saint Paul, nhà thờ Christ, bảo tàng Sắc Đẹp, bảo tàng Hàng hải với mô hình con tàu Flors De La Mar của Bồ Đào Nha, bảo tàng Di sản Baba và Nyonya, nơi lưu trữ tư liệu về lịch sử của các nhóm dân tộc ở Malaysia, phố Jonker Walk với các ngôi nhà, chùa, đền theo kiến trúc Trung Hoa trầm lắng…
Một góc trung tâm thành phố cổ Melaka
Những chiếc xích lô chở khách đi dạo chẳng những được trang trí vô cùng bắt mắt, mà còn mở nhạc sôi động ầm ỹ nữa, nhưng nhờ đó, mỗi lần nhắc tới Melaka, người ta sẽ nghĩ ngay đến chúng đầu tiên.
Nhà thờ Christ nằm bến bên Quảng trường Đỏ
Vòi phun nước Victoria
Nghệ sỹ đường phố
Mô hình cối xay gió
Khu vực trung tâm này lúc nào cũng không ngớt du khách. Họ tập trung tham quan, chụp ảnh, đi dạo, ngắm nhìn du khách và các nghệ sỹ đường phố biểu diễn. Nếu bạn muốn trốn tránh cả thế giới, hãy đến đây và hòa nhập vào sự hỗn độn thú vị này.
Chụp xe để coi biển số xe bên này thôi à
Quảng trường Đỏ được xây từ 1641 đến 1660 trên những tàn tích của một pháo đài Bồ Đào Nha và được xem là toà nhà xây theo lối kiến trúc của Hà Lan cổ nhất ở châu Á. Nơi đây từng là văn phòng của Thống đốc Hà Lan và Phó Thống đốc và được sử dụng như trung tâm hành chính của chính phủ kế tiếp. Vào năm 1982 thì quảng trường được chuyển đổi thành bảo tàng lịch sử Melaka.
Cửa vô bảo tàng lịch sử
Bảng giá ha
Mình chỉ đi dạo bên ngoài thôi
Dấu ấn thời gian
Đằng sau Quảng trường Đỏ, nằm trên đỉnh đồi là tàn tích của nhà thờ Saint Paul được xây dựng từ năm 1521 bởi người Bồ Đào Nha. Nhà thờ đã bị cháy rụi hẳn phần mái, chỉ còn là một toà nhà trống và những bức tường vững chắc làm từ những khối đá vuông lớn.
“Selamat datang” tiếng Malay nghĩa là “Chào mừng đến…” (Welcome to)
Để đi vào phố Jonker Walk từ Quảng trường Đỏ thì phải đi qua một cây cầu nhỏ và cổ kính. Kề đó là cửa hàng của thương hiệu H&M (được xem là hãng thời trang bình dân của thế giới, nhưng về Việt Nam thì vẫn quá đắt đỏ).
Bên dưới là dòng sông Melaka nhỏ xinh với màu nước xanh lục, gợi nên hình ảnh kênh Thị Nghè ở Sài Gòn
Các hàng quán ven sông đều được trang trí đầy nghệ thuật
Hard Rock cafe, chuỗi nhà hàng – cà phê của Mỹ nổi tiếng thế giới
Sông Melaka đổ ra eo biển Melaka
Một chút thâm trầm, một chút lãng mạn
Những người thợ miệt mài với công việc trang trí xây dựng cho một khách sạn nào đó
Trung tâm thông tin du lịch
Các biển chỉ dẫn đường xá ha. Mình đoán “ke” nghĩa là “đường”.
(Còn tiếp)