Sau một đêm nghỉ ngơi thì sức khỏe cũng hồi phục phần nào, đỡ ê mông mỏi tay vì chặng đường dài chạy xe mỏi miết (đi hai người nên mình ít dừng dọc đường để chụp ảnh nhăng cuội, vì vậy cũng mỏi hơn so với những khi đi một mình). Hơn 6g thì nhóm bắt đầu chạy xe ra đường, theo hướng đường đi thác Đamb’ri, nhưng không ghé thác.
>> B’Lao cuối tuần, “đánh nhanh rút gọn” (1)
Trên đường đi thì ghé mua bánh mì ngọt mặn các loại mang theo để ăn sáng. Đang tháng 2, trời không mưa, trưa có nắng thì nóng, nhưng đêm khuya và sáng sớm thì vẫn lạnh 20-23 độ C.
Con đường thác Đamb’ri là một con đường đẹp mà mình nghĩ nếu như có thời gian, có xe máy, thì các bạn ghé Bảo Lộc nên một lần chạy vô cho biết. Đường nhỏ, ngoằn ngoèo vượt đèo dốc, nhưng khá tốt nên có thể chạy nhanh. Hai bên đường thì toàn cảnh đồi trà, đồi cà phê, đất đỏ, cỏ cây hoang dại. Những bông hoa xuyến chi trắng muốt còn ngậm sương sớm, vài hoa dã quỳ cuối mùa đang cố tỏa hết sức sống rực rỡ còn sót lại…
Chạy một lúc thì thấy mặt trời như quả bóng đỏ chót hiện ra từ phía sau. Đường tốt quá nên Bão chạy xe khí thế, mình phải gọi giật lại để dừng chụp ảnh.
Đồi dâu tằm nha
Ảnh: La Ngọc Trúc
Giọt sương và chiếc lá
Những bụi xuyến chi đơn sơ nhưng thật có sức hút
Một khóm hoa cải bên vệ đường
Thêm thông tin liên quan tới bức ảnh trên một chút. Cứ mỗi khi nhìn thấy hoa cải là mình lại mặc định trong tai loáng thoáng cất lên câu ca dao:
“Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”
Ánh nắng ban mai dần xua tan màn đêm
Vài nơi vẫn còn bị màn sương nhờ nhờ bao phủ
Ảnh: Lê Duy Bão
Cái màu nắng sớm trong “giờ vàng” này không dễ gì tạo ra được từ các phần mềm chỉnh sửa ảnh
Trên cung đường này, đi một quãng nữa là bạn sẽ gặp được tòa nhà màu trắng luôn đóng cửa im ỉm mà dân tình hay dừng lại chụp ảnh “sống ảo”, gọi ưu ái là lâu đài Trắng.
Ảnh: Lê Duy Bão
Ảnh: Lê Duy Bão
Khóm hoa giấy e ấp
Dã quỳ cuối mùa
Con đường khiến người lữ khách “chết mê chết mệt”
Mai anh đào nở rộ
Mặt trời hay là mặt trăng đây?
Ảnh: La Ngọc Trúc
Điểm tiếp theo mà tụi mình ghé, cũng nằm trên cung đường này, bên tay trái, chính là tu viện Bát Nhã, một nơi có cảnh sắc làm say lòng người với đồi trà, rừng thông, cây cỏ hoa lá, cùng không gian thanh tịnh an yên.
Cổng tu viện cổ kính
Đồi trà phía trước tu viện, xa xa là tượng Địa Tạng của nghĩa trang
“Địa Tạng Vương bồ tát là một trong 6 vị bồ tát quan trọng của Phật giáo đại thừa, cùng với Quan Thế Âm bồ tát, Đại Thế Chí bồ tát, Văn Thù Sư Lợi bồ tát, Phổ Hiền bồ tát, và Di Lặc bồ tát. Địa Tạng bồ tát được biết đến bởi lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời kỳ sau khi Phật Thích-ca Mâu-ni nhập Niết-bàn cho đến khi Bồ-tát Di Lặc hạ sanh, và nguyện không chứng Phật quả nếu địa ngục chưa trống rỗng. Do đó, Địa Tạng thường được xem như là vị bồ tát của chúng sanh dưới địa ngục hay là giáo chủ của cõi U Minh“.
Có lẽ vì vậy mà tượng Địa Tạng thường được đặt ở các nghĩa trang.
Con đường hoa dâm bụt lãng mạn, một cổng phụ đi vào tu viện
Mọi lời giải thích cho bức ảnh này đều là thừa thãi, khuấy động sự tĩnh lặng của chốn Phật môn
Nắng mỗi lúc một nhạt dần
Cỏ cây chụp trong tu viện
(Còn tiếp)
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.
uh uh