DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Từ thác Bà ra tới biển Cam Bình Bình Thuận: chuyện bây giờ mới chịu kể!


Chuyến đi này thật là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời đi bụi của mình (nói hơi to tát tí). Tuy cũng là một chuyến đi ngắn, nhưng lại gặp rắc rối với vấn đề an toàn và hành chính, khiến cho mình tuột tâm trạng ghê gớm. Nhưng không thể nói là không vui, và nhờ vậy mà có thêm kinh nghiệm cho những chuyến đi sau (nếu có) được tốt đẹp hơn.

Như những chuyến đi ngắn khác, vì mình phải làm buổi sáng thứ bảy, nên có đi chơi thì chỉ đi được từ đầu giờ chiều thứ bảy cho tới hết ngày chủ nhật. Hôm đó, mình cùng gia đình T1 – T2 – bé T3 (mới chỉ gần 2 tuổi, nhưng có tiểu sử đi chơi bụi bặm ngay từ trong bụng mẹ) khởi hành từ ngã tư Thủ Đức, Sài Gòn, theo quốc lộ 1A -> ngã ba Vũng Tàu -> đường Võ Nguyên Giáp (Đồng Nai) -> quốc lộ 1A -> thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân, Bình Thuận).

Nắng nóng chan chát cả hai ngày đi chơi, nhưng cuối chiều ngày đầu tiên thì có vài cơn mưa nhỏ.

Tới đường Lê Duẩn của thị trấn Tân Minh (cũng là quốc lộ 55) thì quẹo trái.

Sau khi dừng nghỉ ngơi uống nước, trú mưa, lại chạy thẳng theo quốc lộ 55, rồi rẽ phải vào quốc lộ 55B để tới khu du lịch (KDL) Thác Bà. Nếu tính từ chỗ rẽ vào ở quốc lộ 1A cho tới thác, thì cũng đi hơn 50 km chứ không ít.

KDL Thác Bà nằm ở xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, trong khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông, cách Sài Gòn khoảng 200 km. Thác Bà có 9 tầng, muốn đi lên các tầng cao phải leo núi rất mệt. Thường dân tình tới đây vui chơi chỉ ở thác 1 và thác 2 bên dưới.

Cổng KDL, giá vé là 35.000đ ha, nhưng lúc đó tụi mình tới khoảng 17g30, nên không còn ai hỏi thu phí nữa.

Rừng núi bao quanh nhìn thiệt hào hùng. Trên đường đi vào đây còn đi qua mấy cánh đồng thanh long. Dưới nắng hoàng hôn (sau cơn mưa), cảnh thiên nhiên hiện lên thiệt thích mắt: lớp thanh long, lớp nắng vàng rót mật, lớp núi biếc tím mờ xa xa… Tiếc là T1 chạy trước dẫn đường, chạy nhanh quá, mình lo “đu” theo nên không thể nào tự ý dừng lại chụp ảnh được.

Tới nơi nên tranh thủ “tự sướng” phát. Lúc này đang “sung” ha, ai mà biết được tối đó cảm hứng du lịch tụt xuống bằng 0.

Cả nhóm vô hỏi một chú (có lẽ chỉ là người bán hàng trong khu du lịch), được chỉ chỗ để xe, rồi… không ai hỏi gì nữa. Vậy là nhóm tự nhiên đi vô, đùm túm nào ba lô, nào lều trại, nào xoong, nào gạo, nào dưa leo…, leo khoảng nửa tiếng tới được ngọn thác thứ 2, dừng chân cắm trại.

Dòng suối trắng len lỏi qua những tảng đá lớn, nhìn cảnh có thể thấy khu này còn khá hoang sơ (ảnh chụp bằng điện thoại nên chất lượng kém quá, mong độc giả thông cảm).

Tìm đường để leo lên cũng mệt lắm nha, vì nhiều gai, rồi nào đá, nào dốc cao, nên mình không tiện chụp nhiều ảnh. Với lại, lúc này cũng đã nhập nhoạng tối, trong rừng, thì trời càng tối nhanh.

Nói vậy để thấy lúc leo tới chỗ cắm trại thì tụi mình đã vật vã như thế nào, trong khi còn có em bé nhỏ luôn phải bồng bế theo, đồ đạc lại nhiều.

Đây là lần thứ hai gia đình nhỏ kia tới nơi này. Năm ngoái, lúc T3 còn nhỏ hơn, gia đình ấy cũng đã từng đến đây cắm trại như vậy, nhưng lần đó không mang theo lều mà ngủ võng, còn bụi bặm hơn lần này nữa.

Tới nơi, tranh thủ dựng lều, rồi tìm chỗ gom lá cây khô, nhen một đống lửa. Có lửa là có ấm áp, có thức ăn chín, có nước uống, xua tan màn đêm, thú dữ (giờ mà có thể thấy thú dữ nào xuất hiện ở đây chắc cũng coi là truyện cổ tích) và cả đuổi muỗi.

Xong đâu đó, T1 tìm chỗ ngồi câu cá. T2 nấu cơm, còn mình xuống suối rửa mặt mũi tay chân rồi thay đồ. Cơm đã chín, lửa đã mấy lần sắp lụi, T2 ru T3 ngủ. Mình ngồi ngẩng đầu ngắm cả một bầu trời sao trong màn đêm tịch mịch, nghe tiếng suối rì rầm bên tai, thì đột nhiên, từ trong mấy bụi rậm trên cao, xuất hiện mấy ngọn đèn pin chiếu thẳng vô mặt tụi mình đến chói lòa, cùng tiếng quát tháo.

– Xuống ngay.

T2 sửng sốt:

– Ai vậy trời, không lẽ lên đuổi tụi mình xuống?

Hai anh nhân viên KDL, nét mặt hầm hầm và căng thẳng, tay cầm đèn pin, tay cầm dao hay rựa gì đó, nhảy qua mấy tảng đá, tới thẳng chỗ tụi mình.

– Mấy anh chị có biết ở đây không được phép cắm trại hay không? Có biết chỗ này từng có người chết hay không? Cắm ở đây rồi lỡ nửa đêm mưa xuống, nước dâng lên kéo cả đám đi, chúng tôi làm sao chịu trách nhiệm? Nếu có chuyện gì có biết chúng tôi phải chi bao nhiêu (để dẹp yên) không?

Hai anh một hai đòi tụi mình lập tức đi xuống, nếu không sẽ gọi công an (sau đó nhấc máy gọi công an thật). Lúc này, mình mới biết là không được cắm trại ở đây, sau đó biết thêm là có thể cắm ở dưới mặt đất, gần đoạn thác thấp nhất. Có lẽ T1 và T2 đã không lường được sự việc đi đến mức này, do lần 1 nhóm lên thác từ sớm, nên không bị ai phát hiện. Còn lần này, tụi mình đến trễ nhất, cái chú gặp tụi mình lúc chiều cứ tưởng nhóm vô chơi tí rồi ra, ngờ đâu mãi không thấy ra, nên mới nhắn mọi người đi tìm.

T1 trần tình và điều đình hồi lâu, bảo là tụi mình cũng lỡ cắm trại lên rồi, đồ đạc nhiều, trời thì tối thui, giờ mà phải đi ra thì nguy cơ té thác, trượt đá còn cao hơn là vụ lũ cuốn. Nhưng cuối cùng, cũng buộc phải đi xuống, với sự trợ giúp mang đồ của hai ảnh.

Ra được bên ngoài, cả nhóm lại tiếp tục bị “tra tấn lỗ tai” bởi vài nhân viên còn lại một hồi, sau đó phải nộp phạt mỗi đứa 100.000đ cho chi phí “tìm kiếm cứu nạn” (!!!). Mấy ảnh nói, giờ nếu muốn cắm trại thì cắm ở dưới này, nộp thêm mỗi người 50.000đ, nhưng 7g sáng mai phải dỡ trại, rồi nếu muốn ở lại chơi tiếp thì đóng thêm 35.000đ phí cổng (!!!).

Tới đây thì, còn cảm hứng gì nữa mà suối với thác, với cắm trại kia chứ. Lục tục kéo nhau ra ngoài, gần đó tuy có nhà nghỉ, nhưng cả nhóm cứ chạy xe, nói chuyện và thưởng thức bầu không khí đêm cực kỳ trong lành (do vừa thoát khỏi không khí căng thẳng, chán chường đến hết cảm giác đói bụng và buồn ngủ luôn).

Vườn thanh long trong đêm

Trên xe trong khi T3 ngủ ngon lành thấy thiệt là thương. Nhóm chạy ra tới tận thị trấn Tân Minh ngoài quốc lộ 1A, ăn hủ tiếu khuya khi đồng hồ đã điểm 12g rồi tấp vô một nhà nghỉ gần đó, ngủ thẳng. Mình bảo, nhờ vậy mà tự nhiên có duyên cho việc đi biển ngày mai. Chẳng là trước đó mình ngẫm nghĩ, bao lâu rồi mình không được ra biển. Giờ có cơ hội rồi đó!

5g30 sáng hôm sau, kế hoạch là dậy theo quốc lộ 1A rẽ phải về thị xã La Gi, rồi chạy dọc theo đường biển, thấy chỗ nào đẹp thì tấp vô nghỉ ngơi. Sau đó sẽ đi xuyên rừng Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu) chạy về thị xã Long Khánh (Đồng Nai), ghé nhà T1 ăn cơm, rồi mới về lại Sài Gòn.

Dừng ăn sáng dọc đường khi mặt trời đã lên

T1 vừa chạy xe (chở vợ con và một núi đồ) vừa bấm điện thoại chụp mình nè, vậy nên mới bị một cú nhớ đời sau đó, là quăng mẹ con T2 và T3 xuống đường, làm ai cũng sợ xanh mặt. May mà T2 chỉ bị trầy xước, T3 không sao.

Bến tàu ở thị xã La Gi, cuối cùng T1 cũng chịu dừng lại để chụp ảnh đẹp dọc đường

Chạy ra cung đường dọc biển

Tìm được một chỗ mát mẻ để trải bạt ngắm cảnh, chợp mắt tí xíu

Có nhiều gia đình ra đây cắm trại từ tối qua

Có nắng, có gió, có cát, có biển, còn gì tuyệt vời hơn?

T3 nè

T2 và biển

Đoạn biển này nằm giữa bãi Cam Bình và Hồ Cốc

Lại “tự sướng” trước khi trở về

Xuyên rừng Xuyên Mộc, con đường này vô cùng mát mẻ

Con đường từ đây về tới Long Khánh cũng đẹp lắm, nào vườn rau, rừng cao su, hồ nước, tóm lại là cảnh thôn quê thanh bình. Tới Long Khánh nhà T1, sau khi ăn cơm trưa, T3 ở lại, mình và T2 về lại Sài Gòn, không quên ghé qua một ngôi chùa tình cờ thấy – chùa Diệu Pháp tham quan tí.

Chùa Diệu Pháp thuộc xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, gần thiền viện Phước Sơn.

Chùa khá rộng và bình yên

Lúc vào tụi mình thấy có nhiều xe hơi ra vào, sau này mới biết ở đây đang nuôi dưỡng và chăm sóc gần mấy trăm đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Đọc thông tin chi tiết tại đây.

Sau chuyến đi, mình rút ra kinh nghiệm là cần tìm hiểu thông tin rõ ràng, không được ỷ y vào bất kỳ ai, nhất là không nên dính vào những vấn đề pháp lý – hành chính – an toàn. Bởi vì đi để còn trở về mà đi tiếp.

Ngoài ra, lựa chọn bạn đồng hành kỹ càng cũng là một vấn đề cần đặt lên hàng đầu. Đi với người có tư tưởng và phong cách sống không hợp với mình, thì khó mà có được chuyến đi vui vẻ trọn vẹn.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s