DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (1)


Trả lời trước cho cái tựa đề. “Độc hành có thích không?”. Có nha, chắc chắn là có rồi. Nếu không thích, cớ sao mình, và rất nhiều người độc hành trên thế giới, vẫn cứ độc hành?

Còn thích như thế nào? Ngoài thích ra còn có cảm giác nào nữa không? Có những khó khăn, thử thách, mất mát nào…? Bạn hãy tự lên đường, và tự cảm nhận.

Còn bây giờ thì mời nghe mình kể chuyện, chuyện về chuyến độc hành Hà Nội – Mai Châu 4 ngày 4 đêm của mình. Chuyện bắt đầu từ rất xa xưa, mình luôn tự hỏi, tại sao mình vẫn chưa chịu độc hành ra phía Bắc, hay ít ra thì cũng coi có nhóm nào đó mà đi theo, từ sau chuyến xuyên Việt hồi tháng 3, tháng 4 năm 2007, lúc mình là sinh viên năm cuối ở trường đại học.

Vì miền Bắc quá xa xôi chăng?

Vì cách sống, cách nói chuyện, sự “bặm trợn”, và tình trạng “chặt chém” của người ngoài đó dành cho người có giọng nói khác khi đến chơi, mà mình e dè, sợ sệt chăng?

Hay vì mình muốn có một chuyến đi dài, thật dài ra đó cho thỏa nguyện?

Nhưng cuối cùng, câu chuyện lại thật sự bắt đầu bằng một phút ngẫu hứng nhìn thấy vé khuyến mãi của Jetstar, vé chiều đi cả thuế phí lẫn phí thanh toán qua thẻ chỉ có 316.100đ.

Để rồi sau đó chật vật một thời gian sau không kiếm được vé khuyến mãi chặng về, và cũng hoảng hốt khi suy tính số ngày nghỉ, chẳng là vừa có cả tuần xin về quê nghỉ tết xong, công việc (ngành dịch vụ) đang trong mùa cao điểm, nên không thể nghỉ nhiều hơn nữa.

Cuối cùng chốt lại chuyến đi chỉ có 4 ngày 4 đêm, bỏ qua Sa Pa (Lào Cai), nơi mình thật sự muốn quay trở lại, bỏ qua Mộc Châu (Sơn La), nơi sẽ có nhiều thứ để xem hơn. Chỉ còn lại Hà Nội và Mai Châu, trong đó, Hà Nội sẽ được ưu ái dành nhiều thời gian hơn cả. Vì mình thích thủ đô cổ kính. Thích thủ đô yên bình. Thích việc lang thang đi bộ trong phố cổ và ngắm đường xá, phố phường…

Lịch trình:

Đêm 1: Sài Gòn – Hà Nội
Ngày 1: Hà Nội: văn miếu Quốc Tử Giám, lăng Bác, hồ Tây, hồ Trúc Bạch
Ngày 2: Hà Nội: làng gốm Bát Tràng, phố cổ
Ngày 3: Hà Nội – Mai Châu (Hòa Bình)
Ngày 4: Mai Châu – Hà Nội – Sài Gòn

Rồi, khởi hành thôi!

Jetstar, hãng hàng không được dân tình “ưu ái” đưa vào đầu danh sách “delay airline” (vì tình trạng thường xuyên hoãn chuyến, hủy chuyến), đúng như biệt danh, đã hoãn chuyến bay của mình tới mấy lần. Từ thời gian 3g chiều trên vé gốc, thành 6g, rồi 6g30. Lên được máy bay, thì đã bay liền đâu, thêm mấy thủ tục râu ria, rồi lấy hành lý, thì khi mình đặt chân ra ngoài sân bay Nội Bài, đồng hồ đã chỉ quá 10g rưỡi.

Trước đó khoảng hai tuần, từ thông tin một người quen mà mình biết được, thì trời Hà Nội đang vào mùa nồm, nghĩa là mưa phùn và ẩm ướt, mọi thứ cứ nhơ nhớp không khô nổi. Một tuần trước đó, người quen bảo, Hà Nội đang trong những ngày đẹp trời: nắng nhẹ và mát chứ không lạnh.

Khi mình vác ba lô ra phía trước cổng sân bay, thời tiết Hà Nội se se lạnh, và có vài hạt mưa nhẹ lất phất rơi.

Hà Nội ơi, xin chào! 11 năm rồi mới gặp lại.

Lần đầu đến với Hà Nội, mình đi xe lớn theo tour, nên cũng chả biết mô tê sân bay như thế nào cả. Bây giờ đến rồi, mới có vài sự ngạc nhiên nho nhỏ thú vị. Chẳng hạn như, tiếng là sân bay thủ đô, và mới có hơn 22g30 chứ bao nhiêu, mà sân bay vắng tanh, kiểu như sân bay trong một ngày trong tuần của một tỉnh lẻ nào đó vậy.

Ơ, có lẽ mình đã có sự so sánh với sân bay Tân Sơn Nhất năng động ồn ã, không lúc nào là không ngớt người tấp nập ra vô, dù là ngày hay đêm, dù là ngày thường hay cuối tuần!

Trước đó, mình có tìm hiểu qua mạng về cách thức di chuyển từ sân bay Nội Bài về trung tâm. Khác với Sài Gòn, trong khi từ sân bay Tân Sơn Nhất về khu trung tâm của thành phố chỉ chừng 10 km, đi độ 30 đến 45 phút, thì ở Hà Nội, sân bay cách tới 35 km, đi mất một tiếng đến một tiếng rưỡi, tùy thời điểm, tùy tình trạng kẹt xe hay không.

Do vậy, cách rẻ nhất từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội là đi bằng xe buýt (số 86), hoặc xe trung chuyển của các hãng hàng không. Giá chỉ 40.000đ/ lượt. Nhưng với cái giá đó, xe này chỉ chở bạn tới ngoài rìa thành phố, khu vực mấp mé trung tâm. Còn từ đó, đi vào trung tâm thành phố thực sự, nơi tập trung các dịch vụ dành cho du khách, thì bạn phải trả thêm ít nhất 60.000đ nữa cho bác tài (ra đây nên dùng ngôn ngữ Bắc đi ha). Vả lại, đi xe buýt chỉ được cái rẻ, chứ bạn còn phải tốn thời gian ở khâu phải chờ cho đủ khách (hay kha khá khách) thì xe mới chạy, rồi thì, xe sẽ liên tục dừng lại cho khách lên và xuống…

Các cách khác tiện hơn, tất nhiên, cũng đắt hơn, thì dịch vụ đón tiễn cần đặt trước (qua www.dichungtaxi.com chẳng hạn), hay đi bằng taxi, Grab, Uber (thời điểm mình đi thì Uber chưa bị “khai tử”), hoặc xe ôm. Ngoài ra, mình biết rằng, chặng đi từ nội thành Hà Nội – Nội Bài sẽ rẻ hơn chặng Nội Bài – nội thành Hà Nội, do Nội Bài – nội thành Hà Nội là chặng chính, thường có nhiều khách đi hơn.

Vì lúc mình tới sân bay Nội Bài thì đã trễ quá rồi, chỉ có một chuyến Jetstar nội địa hạ cánh vào giờ đó, nên việc đợi đủ số lượng người cho xe buýt chạy vào nội thành khá lâu. Một số khách đi chung chuyến bay đã đề nghị nhau cùng gọi taxi về. Mình may mắn ghép chung được với hai người nam và một bạn nữ. Một nam lớn tuổi hơn qua cách nói chuyện có lẽ không phải là người ở Hà Nội, một bạn nam trẻ tuổi có lẽ trở lại Hà Nội từ chuyến công tác Sài Gòn, bạn nữ còn lại thì cũng giống như mình, là du lịch một mình. Trên xe, bạn nữ rủ mình đi chơi chung, Ninh Bình chẳng hạn, nhưng thời gian của mình ít quá, trong khi bạn có cả tuần cho hành trình độc hành bằng xe máy lên các tỉnh Tây Bắc, nên cuối cùng, mình không đi chung với bạn được.

Từ trong xe nhìn ra sân bay Nội Bài

Xe di chuyển, mình thích thú khi được nhìn ngắm đường xá Hà Nội về đêm. Thành phố này bình yên thật, tự nhiên trong đầu mình có sự so sánh giữa hai thành phố, Hà Nội và Sài Gòn, mặc dù biết rằng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Bằng giờ này, nếu như ở Sài Gòn, xe còn chạy tấp nập ở trên đường, hàng quán còn sáng đèn, thì ở Hà Nội, đường đã vắng người đã thưa, hàng quán phần lớn đều đã đóng cửa phần nào.

Mình rất ấn tượng khi được nhìn thấy cầu Nhật Tân gồm năm nhịp chính lung linh sắc màu trong đêm. Đây là cây cầu dây văng vượt sông Hồng, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, rút ngắn khoảng cách từ nội thành đến sân bay quốc tế Nội Bài.

Mình là người khách cuối cùng rời taxi, với địa điểm là nhà nghỉ Chiến nằm trong khu phố cổ, ngay nhà thờ Lớn Hà Nội. Giá tiền mình phải trả cho chặng taxi ghép như vậy là 150.000đ. Giá cho cả chuyến taxi từ sân bay Nội Bài tới ngoài rìa Hà Nội là 350.000đ.

Vừa xuống taxi là “tự sướng” phát!

Nhà thờ Lớn Hà Nội còn gọi là nhà thờ chính tòa Thánh Giuse (hay Saint Joseph). Ảnh chụp sáng hôm sau.

Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ XII và thời Phục Hưng ở châu Âu, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi (Theo Wikipedia). Ảnh chụp sáng hôm sau.

Nơi này đẹp nên thường tập trung rất nhiều bạn trẻ, các cặp cô dâu chú rể lẫn du khách đến tham quan chụp ảnh. Ảnh chụp sáng hôm sau.

Sân nhà thờ nhìn từ sân thượng của nhà nghỉ Chiến. Ảnh chụp sáng hôm sau.

Và đây, Chiến Hostel (12-14 Ấu Triệu, quận Hoàn Kiếm; điện thoại: 024 3932 9329).

Ảnh chụp sáng hôm sau

Ảnh chụp sáng hôm sau

Mình đặt giường tập thể (phòng 10 giường, nam nữ ở chung) qua trang Agoda. Nơi này ở được lắm. Nhân viên thân thiện, vị trí ngay trung tâm, từ đây có thể đi bộ tham quan mấy điểm du lịch phổ biến ở thủ đô. Giá cả lại rẻ (chưa tới 100.000đ/ đêm qua Agoda) mà còn bao gồm ăn sáng.

Phòng đặt qua Agoda, thanh toán bằng thẻ không bị tính phí nha mọi người.

Có chăng phàn nàn về nhà nghỉ này đó là, lúc đầu, mình liên hệ thẳng qua fanpage của nhà nghỉ để đặt phòng, được báo giá như sau:

– Phòng tập thể 20 người: 115.000đ/ người/ đêm
– Phòng tập thể 12 người: 138.000đ/ người/ đêm
– Phòng tập thể 8 người: 161.000đ/ người/ đêm

Đầu tiên mình chọn phòng loại một. Sau đó tình cờ lên Agoda coi, thấy giá rẻ hơn, mình mới bảo nhà nghỉ, là bớt cho mình đi, ít ra bằng giá Agoda. Bạn trả lời mình không đồng ý, bảo là giá đó (trên Agoda) chưa bao gồm thuế phí. Mình đi bụi mà, nên cứ lấy giá rẻ thôi, qua Agoda đặt vậy. Cuối cùng rẻ hơn được một mớ chớ bộ.

Thấy không, nếu bán trực tiếp cho mình, thì nhà nghỉ đã lời thêm một ít, vì không phải trả hoa hồng cho Agoda. Mà cũng chả sợ là bán phá giá.

Lúc vô nhà nghỉ chờ nhận giường, thấy có chị gái kia đang ngồi làm việc trên máy tính. Mình cứ nghĩ chị ấy là quản lý nhà nghỉ, nên khi tiếp tân ra, mình bảo cho mình nhận phòng, bị chị ấy lườm cho một cái muốn xước mặt. Ý là, chị đây tới trước, phải được phục vụ trước, nghe chưa. Sợ quá cơ!

Chìa khóa (từ) của phòng và phiếu ăn sáng. Ở ba đêm mà em tiếp tân đưa mình có một phiếu, hôm sau mình phải xuống lấy thêm.

Mình ở giường trên. Chăn ga nệm đều có màu xám. Mình thích cái màu này, vì trông đỡ dơ, và vẫn khá tinh tế. Dù với cái màu ấy thì sẽ khó nhận thấy được vết bẩn.

Bên cạnh giường sẽ có ổ cắm điện để khách sạc pin, và riêng một bóng điện nhỏ

Trời lành lạnh, và cũng đã khuya rồi. Mình lên Facebook “sống ảo” vài dòng rồi đi ngủ. Trên máy bay, tuy mình có chập chờn được vài phút ngắn ngủi, nhưng vậy thì chẳng thấm vào đâu.

(Còn tiếp)

>> Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (2)

Advertisement

2 bình luận về “Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (1)

  1. Sân bay Tân Sơn Nhất có lẽ bạn cảm thấy đông đúc tấp nập hơn vì du cả hai đều có hai nhà ga quốc tế nội địa riêng nhưng tổng diện tích ga của Tân Sơn Nhất lại nhỏ hơn Nội Bài (từ khi Nội Bài có nhà ga quốc tế T2 mới xây) trong khi công suất của TSN thường lớn hơn NB, số khách nhiều hơn nên ở NB thấy thoáng hơn là phải. Mình nghĩ vậy đó 😀

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s