DU KÝ · Du Ký Myanmar

Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (21)


Trưa ngắm sông Ayeyarwady

Sau khi “lượn” qua một vòng khu vực New Bagan, thấy cũng chẳng có gì để ngắm nghía nữa, mình mới vòng trở lại.

>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (20)
>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (19)

Nói thật lòng, nếu như mình không có sự kỳ vọng về Bagan, thì hẳn mình cũng “yêu” mảnh đất này dữ lắm. Không yêu sao được những con đường rợp bóng cây xanh mát, loại cây gì nhiều vô kể mà chẳng biết tên, đặc trưng bởi dáng thấp, nhiều cành uốn éo, lá nhỏ, thân thì có lớp vỏ hay bị bong tróc… Không yêu sao được những ngôi đền cổ kính xưa cũ có thể nhìn thấy khắp mọi nơi, nói không ngoa còn nhiều hơn nhà dân nữa, đủ để thấy sự thành kính đối với Phật giáo của một vùng đất cố đô trải qua bao thăng trầm lịch sử này. Không yêu sao được văn hóa sống chậm và thật thà in đậm trên khuôn mặt đôn hậu chất phác của người dân địa phương. Không yêu sao được cách người Myanmar giữ gìn truyền thống, thể hiện qua bộ váy longyi được thấy rất nhiều ở đây…

Mình có thích, có yêu Bagan đó, nhưng chỉ là, Bagan đối với mình không phải là nơi thích nhất, yêu nhất ở Myanmar thôi. Cô giáo dạy môn tâm lý học thời đại học của mình từng phân tích, tình cảm là có giới hạn, có phân chia, có so sánh. Nghĩa là, với ai, với cái gì, thì đều có sự hơn thua, ít nhiều ở việc mà mình đặt tình cảm vào đó. Cho nên chúng ta mới yêu người này, mà không yêu người khác. Trong một gia đình, cha mẹ có thể thích đứa con này, quan tâm, thương yêu đứa con này hơn đứa con khác…

Trên đường trở về nhà nghỉ, vòng vèo một hồi, mình vô tình gặp chùa Bupaya (chùa Trái Bí) trong khu Old Bagan. Lúc đầu mình hổng tính vô trong, nhưng do biết là dòng sông Ayeyarwady đâu đó nằm cùng phía với chùa, mà mình muốn thấy sông, nên đi vô chùa coi thử.

Trước cổng

Thông tin về chùa Bupaya

Nói một chút về vương triều Pagan. Vương triều Pagan tồn tại 250 năm (849 – 1287), đóng đô ở Pagan (Bagan ngày nay). Vương triều Pagan có thời kỳ hoàng kim từ năm 1057 với cuộc thôn tính vương quốc Thaton của vua Anawrahta và chấm dứt vào năm 1287 khi Kublai Khan và đoàn quân tràn qua vùng này. Anawrahta đã mang về Bagan nhiều thánh tích và kinh văn Phật giáo từ Thaton cùng với nhiều nghệ sĩ, kiến trúc sư. Ông và những vị vua kế vị đã cho xây dựng nhiều đền chùa, bảo tháp… kéo dài gần 200 năm. Những cung điện và kiến trúc hoàng gia khác cũng được xây dựng, tuy nhiên, do làm bằng gỗ nên chúng đã bị hủy hoại cùng thời gian.

Vương triều Pagan đã sụp đổ vào năm 1287 do cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông. Chùa Bupaya là một trong những đền thờ đáng chú ý được xây dựng bởi vị vua thứ ba của vương triều Pagan – vua Pyusawhti (trị vì từ năm 168 đến 243 sau công nguyên. Ngôi chùa ban đầu đã bị phá hủy hoàn toàn trong trận động đất năm 1975. Tuy nhiên, nó đã được xây dựng lại hoàn toàn bằng cách sử dụng các vật liệu hiện đại, với kiến trúc ít tuân thủ theo thiết kế ban đầu.

Tên “Bupaya” được tạo thành từ hai từ: “bu” có nghĩa là “trái bí ngô” hay “trái bầu”, và “paya” có nghĩa là “chùa” trong tiếng Myanmar, vì ngôi chùa ban đầu có hình dáng như trái bí ngô hay bầu. Còn hình dáng của ngôi chùa hiện đại ngày nay là theo hình đa giác, bên trên là sân thượng hình bán nguyệt nhìn ra sông. Chùa có tòa bảo tháp lớn được mạ vàng khá là đẹp.

Đứng trên sân thượng của chùa có thể nhìn thấy sông Ayeyarwady ở phía sau

Sông Ayeyarwady (tên cũ là Irrawaddy) là con sông dài nhất Myanmar (khoảng 2170 km), chảy uốn lượn theo hướng Bắc Nam. Sông Ayeyarwady đóng vai trò là thủy lộ quan trọng về mặt kinh tế và giao thông vào bậc nhất của Myanmar.

Các tên gọi Irrawaddy và Ayeyarwady có lẽ bắt nguồn từ tiếng Phạn “Iravati”, một con sông thần thoại linh thiêng, đồng thời cũng là một nữ thần trong Ấn Độ giáo. Một thuyết khác cho rằng sông lấy tên của Airavata – con trai bà Iravati (nhân vật trong thần thoại Ấn Độ). Airavati hóa kiếp làm voi để thần Indra cưỡi.

Sông Ayeyarwaddy chia đôi Myanma từ phía Bắc xuống phía Nam trước khi tỏa ra thành đồng bằng châu thổ Irrawaddy với chín nhánh đổ vào biển Andaman của Ấn Độ Dương. Trong thời kỳ thuộc địa, trước khi có đường sắt và xa lộ, con sông này được gọi là “con đường tới Mandalay” (một cố đô của Myanma). Trong thời gian khá dài mấy chục năm, cây cầu duy nhất bắc qua sông Ayeyarwady là cầu Inwa.

Điều đặc biệt, sông Ayeyarwaddy còn là môi trường sống của loài cá heo Irrawaddy (Orcaella brevirostris). Theo nhận định của các nhà sinh học, chúng sống ở lưu vực sông Ayeyarwaddy và cả ngoài biển, nên đây không hẳn là cá heo sông.

Bến thuyền du lịch trên sông Ayeyarwaddy

Hàng quán ven sông

Lúc này trưa nắng quá rồi

Đứng chụp ảnh tí rồi nhanh nhanh đi thôi, nóng quá chừng!

Mình nghĩ nên đến đây vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, thì sẽ ngắm được cảnh bình minh hay hoàng hôn cũng đẹp lắm đó.

Trước cổng chùa là khung cảnh hơi tạp nham của những người bán đồ ăn vặt như các loại bánh kẹo…

… hay thốt nốt

Cảnh trên đường trở về nhà nghỉ, vẫn những tàn tích đền gạch đó thôi

Ghé vào quán ăn (nhà hàng) Myo Myo trong khu Nyaung U để ăn trưa

Ảnh cắt từ màn hình Google Maps

Cơm truyền thống của người Myanmar nha (nhưng đây là đồ chay), chính là cách trình bày như kiểu ăn của người Hàn, Nhật vầy nè. Quá trời món ăn, và mỗi món được đặt trong những cái dĩa, chén nhỏ như thế này. Giá cả phần như vầy có 1.000 Kyat thôi, chắc do mình ăn chay (tỉ giá hôm 02/05/2017: 1 USD = 1.348 Kyat), nhưng mà rất rất ngon đó nha. Đây cũng là bữa ăn duy nhất mà mình thấy hài lòng trong thời gian ở Myanmar.

Ăn xong thì quay về thôi, ngang qua chùa Shwezigon (Shwe Zi Gon) trong khu Nyaung U nè.

Nghe nói chùa này cũng có tòa bảo tháp dát vàng to bự như chùa Shwedagon ở Yangon vậy đó, nhưng mình không vô.

Về tới nhà nghỉ thì thấy anh chàng này đang đứng quét sân, tự nhiên thấy thân thuộc dễ sợ. Bạn chú ý mái tóc anh chàng nha. Hình như là “mốt” của Myanmar thời gian đó (tháng 5/2017), vì sau này mình còn gặp nhiều anh chàng Myanmar để kiểu tóc như vậy trong suốt chuyến đi.

(Còn tiếp)

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

>> Myanmar, mảnh ghép thương và nhớ (22)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s