DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (2)


Đó là một buổi sáng tháng ba Hà Nội chớm lạnh, lất phất mưa phùn. Mình xuống lầu, lững thững bách bộ ngắm phố phường.

>> Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (1)

Nhà nghỉ Chiến nằm ngay trung tâm thủ đô, ngay phố cổ, thuộc quận Hoàn Kiếm. Từ đây đi bộ ra các điểm tham quan du lịch phổ biến và nổi tiếng rất gần. Có thể kể ra các điểm như: tháp Rùa, hồ Gươm (hay hồ Hoàn Kiếm, người Hà Nội hay gọi là Bờ Hồ), Văn Miếu, và cả đoạn đường ray xe lửa mà các bạn Tây hay bu đen bu đỏ để chụp ảnh kiểu đường phố mà bạn thường thấy trên mạng ấy, cũng rất gần nơi này.

Chiến hostel quả là một địa điểm lưu trú tuyệt vời mà! Với những chuyến du lịch ngắn ngày, không có sẵn phương tiện di chuyển, mà lại là nơi mình chưa hoặc từng có ít trải nghiệm, thì mình sẽ chịu đắt tí mà ở khu vực ngay trung tâm, để dễ dàng đi lại, tham quan…

Ở đây, không gọi đường mà gọi phố…

… không gọi hẻm mà gọi ngõ, ngách…

Mình xem bản đồ trên điện thoại rồi nhằm hướng hồ Gươm mà tiến. Ra Hà Nội cốt để ngắm lại cái hồ này mà, không có em ấy thì chắc Hà Nội mất đi một điều gì đó thiêng liêng và thân thuộc lắm lắm.

Trên đường đi thì mình thấy một chị bán bánh mì nóng bên vỉa hè, vậy là tấp vô mua mấy cái vừa đi vừa gặm. Chỉ là bánh mì không thôi, nhưng do nóng, và trời lạnh nữa, nên ăn thấy ngon gì đâu! Mình nói giọng Nam nhưng chị bán bánh mì không “chặt chém” gì đâu nghen. À, kề nhà nghỉ Chiến có một con hẻm nhỏ, bên trong có một cô bán món nước bún hủ tiếu gì đó, nhưng là đồ mặn, nên mình không ăn được.

Cảnh đường phố Hà Nội

Lúc này, tiết trời đang mùa xuân, độ giữa tháng giêng âm lịch. Phố phường thủ đô vẫn còn dư âm ngày tết với những lá cờ đỏ treo trước nhà, những chậu hoa, khung cảnh vắng người (có lẽ về quê ăn tết chưa lên). Mùa này, cây cối đang ở giai đoạn thay lá. Xung quanh chỉ thấy những cành cây khẳng khiu nhú vài chồi non. Lại có những cây lộc vừng lá chuyển sang màu cam. Không gian được bao phủ một tấm màn sương mỏng vô hình lờn vờn… Mình chỉnh lại áo khoác gió, kéo phéc-mơ-tuya lên đến tận cổ, với tay ra sau kéo cổ áo trùm kín đầu. Lẩm nhẩm trong miệng một cách thích thú: Hà Nội ơi, chào mày, nhớ tao không… Đó là cảm giác rất thích, rất sảng khoái.

Không biết những người du lịch một mình khác cảm nhận như thế nào, nhưng với mình, chỉ cần có khung cảnh bình yên như vầy, mình đã cảm thấy mãn nguyện và vui trong lòng.

Hồ Gươm đây rồi, càng tới gần hồ thì lớp sương càng dày, trong khi nắng chưa lên, nên ảnh chụp cứ mờ mờ ảo ảo. Hồ Gươm, trong tâm khảm của người dân thủ đô, ấy là một nơi vừa linh thiêng vừa thân thuộc.

Trong phần mở đầu của bài hát “Em ơi, Hà Nội phố” (phổ nhạc: Phú Quang, lời: phỏng thơ Phan Vũ) có đoạn:

Ngày đó Hà Nội vẫn còn tàu điện leng keng, nghỉ hè là ngày nào tôi cũng đi bộ từ nhà ra Cửa Nam để đi tàu điện lên Bờ Hồ (tức là Hồ Gươm) rồi lại đi ngược về chỉ vì thích đi tàu điện.

Hẳn cho chúng ta thấy rằng, tuổi thơ của những người Hà Nội đều gắn liền với Bờ Hồ thương yêu ấy.

Nguồn: Youtube Phố Xưa

Mặc dù đây chỉ mới là lần thứ hai đến với Hà Nội, nhưng với mình thì Hà Nội rất thân quen, và là một địa danh yêu thích. Trong đó, vẻ cổ kính, thâm trầm đến từ lịch sử, cảnh quan… là một yếu tố. Nhưng nói một cách chính xác hơn, thì có lẽ, Hà Nội đã từng chút một đi vào tâm trí và trái tim mình, từ những ngày còn nhỏ, ở quê nhà (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Chẳng hạn như qua tiếng đài phát thanh: “Bây giờ là mười hai giờ. Đây là đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“. Chẳng hạn như kênh VTV1 – VTV2 – VTV3 là ba kênh chính mà nhà mình hay mở nhất (lúc trước chưa có ăng-ten chảo hay đầu thu kỹ thuật số…), mà ba kênh này thì ở Hà Nội rồi.

Rồi mình, tự lúc nào yêu mến Hà Nội qua những trang sách, truyện về Hà Nội: Hà Nội ba sáu phố phường; Hà Nội hơn mười hai loài hoa: tháng giêng hoa đào, tháng hai hoa ban tím, tháng ba trắng muốt hoa sưa, dạt dào hương hoa bưởi, tháng tư loa kèn chờ xuống phố, tháng năm tím biếc bằng lăng, rực trời phượng cháy, tháng sáu mùa sen, tháng bảy hoa sấu, hoa xà cừ, tháng tám hoa dâu da xoan, tháng chín hoa sữa, tháng mười cúc họa mi ngập tràn, tháng mười một mùa hoa lưu ly (forget me not), tháng mười hai mùa hoa cải ven sông; Hà Nội có những loại quả mà người miền Trung như mình chỉ mới nghe tên: nào sấu, nào nhót…

Tự lúc nào, mình đã thầm yêu thủ đô qua lời thơ, nhạc:

Hôm nay sáng mồng hai tháng chín
Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình…

(“Sáng mồng hai tháng chín” – Tố Hữu)

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội.
Những phố dài xao xác heo may…

(“Đất nước” – Nguyễn Đình Thi)

Hà Nội mùa này chiều không buông nắng. Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô, quán cóc liêu xiêu một câu thơ. Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ…

(“Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” – Trương Quý Hải)

Nơi tôi sinh Hà Nội. Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy. Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó…

(“Hà Nội và tôi” – Minh Quân)

Hoa đào ven bờ hồ

Làm sao quên được những câu văn đơn giản, dễ hiểu, nhưng đầy sự thi vị và lãng mạn như thế này:

Nhà tôi ở Hà Nội, cách Hồ Gươm không xa. Từ trên cao nhìn xuống, mặt hồ như một chiếc gương bầu dục khổng lồ, sáng long lanh.

Cầu Thê Húc màu son, cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền lấp ló bên gốc đa già, rễ lá xum xuê. Xa một chút là Tháp Rùa, tường rêu cổ kính. Tháp xây trên gò đất giữa hồ, cỏ mọc xanh um.

(“Hồ Gươm” – Tập đọc lớp 1)

Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Bút

Cầu Thê Húc

Tháp Bút

Đền Ngọc Sơn

Vòng quanh một vòng Bờ Hồ, sẽ thấy khung cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân. Họ đi dạo phố sớm. Họ đi tập thể dục. Các ông bà cụ quấn mình trong những chiếc áo len, áo dạ, khăn mỏ quạ… ngồi ghế đá hàn huyên, tâm sự…

Ôi, một Hà Nội thanh bình làm sao!

Đi ngang qua một con đường nơi người ta họp chợ trời, thấy bông bưởi được bày bán…

Người Hà Nội thường mua hoa bưởi về đặt trên bàn thờ, trong phòng khách để không gian thư thái. Hoa bưởi còn được những bàn tay khéo léo làm nên những món ăn tinh tế như: mía ướp hoa bưởi, sắn dây ướp hoa bưởi, hay ướp trà.

Một số tòa soạn báo quen thuộc cũng ở gần khu vực Hồ Gươm. Ảnh đời thường, chụp đường phố tứ lung tung nên sắp xếp hơi lộn xộn thứ tự thời gian, bạn đọc thông cảm nghen.

Trở về lại nhà thờ Lớn rồi đây. Hôm ấy sáng chủ nhật, có nhiều người ghé đây chụp ảnh, trong đó có cô dâu chú rể chụp ngoại cảnh nữa.

Hà Nội, nhìn đâu cũng thấy hoài cổ và tĩnh lặng hết

(Còn tiếp)

>> Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (3)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s