DU KÝ · Du Ký Indonesia · Du Ký Malaysia · Du Ký Singapore

Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (1)


Chuyến độc hành Singapore – Batam (Indonesia) – Johor Bahru (Malaysia) 4 ngày 5 đêm này được mình quyết định tích tắc trong vòng một nốt nhạc. Vé máy bay thì mua trước có một tháng rưỡi, ngày phép trong năm thì chỉ còn đếm được vài ngón tay trên một bàn tay, nên mọi thứ có phần hơi ít ỏi và gấp gáp.

Vì Singapore đã để lại “tiếng thơm” ở khâu nhập cảnh, nhất là đối với du khách Việt Nam, trong khi mình đi có một mình, đúng nghĩa “thân gái dặm trường”, nên mình phải có sự chuẩn bị cho thật chu toàn. Từ khâu lên lịch trình thiệt chi tiết, vé máy bay thì phải mua khứ hồi rồi, nhà nghỉ thì phải đặt trước, là đặt thiệt chớ hổng phải đặt cho có xong gần đi thì hủy, tới đâu thuê chỗ ở tới đó,…, cho đến khâu in tất cả giấy tờ cần thiết ra giấy, làm cho một xấp mang theo nặng hành lý chơi, hay chuẩn bị sẵn những câu hỏi và trả lời mà hải quan có thể hỏi, rồi ăn mặc ra sao, hành xử thế nào…

Nói về việc nhiều du khách Việt mình từng bị giữ lại vào phòng thẩm vấn riêng, hoặc sau khi phỏng vấn thì không cho nhập cảnh luôn, mà bị bắt mua vé về lại Việt Nam ngay, thì có rất nhiều nguyên nhân, mà không nguyên nhân nào giống nguyên nhân nào, lại không được bên hải quan Singapore giải thích rõ ràng và cụ thể. Nhưng mình đọc thông tin của những người đi trước, thì có thể tóm gọn và tiên liệu những nguyên nhân sau:

1. Với nữ giới thì ăn mặc trang điểm lòe loẹt hở hang khêu gợi (xin lỗi) giống người hành nghề mại dâm.

2. Chỗ ở bên Singapore trong “khu đèn đỏ”, hoặc thuê trúng nơi cho thuê chui, chưa hoặc không đăng ký với chính quyền; hoặc bạn không rõ địa chỉ mà mình sẽ ở (đối với những trường hợp ở nhờ nhà người quen, bạn bè, hay qua trang Couchsurfing).

3. Thời gian xin lưu trú ở Singapore quá dài. Singapore có diện tích xấp xỉ 700 km, chỉ bằng 1/3 Sài Gòn mình, nên người đi du lịch bình thường thì chỉ ở đó chừng 3-7 ngày là hết đát. Mặc dù thị thực Singapore dành cho người Việt được miễn trong thời hạn tạm trú không quá 30 ngày, nhưng mà với quốc gia nhỏ như vậy, chỉ có vài địa danh du lịch, tham quan, giải trí, thì bạn làm gì mà ở quá 1 tuần? Vậy nên, nếu du khách nào sang đó quá 1 tuần mà không có sự giải thích hợp lý (ví dụ như công tác hội họp, học hành, thăm con cháu,…), thì sẽ dễ bị nghi ngờ là bạn qua đó làm lao động chui ngay!

4. Ở quầy nhập cảnh, khi hải quan hỏi chuyện, nếu bạn không rành tiếng Anh, hoặc giải trình thông tin về chuyến đi của mình một cách lơ tơ mơ, bất nhất, cũng sẽ tạo sự nghi ngờ.

Những giấy tờ mình in ra mang theo thì bao gồm:

– Vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn (thanh toán trước), email xin nghỉ phép với công ty, lịch trình chuyến đi (thiệt chi tiết nha, ngày nào ở đâu làm gì), vé phà (Singapore – Batam cũng đặt và thanh toán trước trên mạng).

– Mình còn cẩn thận in thêm vài tờ hộ chiếu, giấy chứng minh nhân dân phòng thân nữa (trong trường hợp hành lý thất lạc, mất cắp… thì còn có thứ phòng hộ).

Mình cũng mang theo giấy chứng minh nhân dân bản gốc, thẻ visa ghi nợ, 400 USD tiền mặt. Mặc dù đọc nhiều thông tin trên mạng thì thấy cần 500 USD hoặc 700 SGD (đô la Singapore) tiền mặt lận, nhưng mà mình nghĩ, nếu hải quan có hỏi thì mình sẽ giải thích là mình chỉ đi ngắn ngày, với lại ngoài tiền USD thì mình còn chuẩn bị một ít tiền SGD, IDR (Rupiah Indonesia), và MYR (Ringgit Malaysia).

– Ngoài ra, theo kinh nghiệm của người bạn Indonesia (mà mình sẽ thăm trong chuyến đi này), anh kể rằng anh nhập cảnh Singapore xấp xỉ chục lần, nhưng từng một lần bị giữ lại vào phòng thẩm vấn riêng vì khi ấy anh để râu, nhân viên nhập cảnh “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” nghĩ anh là thành phần khủng bố. Khi đó, anh đã cho họ xem ảnh những chuyến du lịch của anh trong điện thoại, chứng minh rằng anh là một du khách thực thụ. Vậy nên, anh khuyên mình chuẩn bị nhiều ảnh du lịch trong điện thoại, phòng khi gặp trường hợp giống anh.

Nói chung là quá trình chuẩn bị cho chuyến đi trong đó chỉ có 3 đêm 2 ngày tại Singapore khiến mình tốn rất nhiều thời gian và công sức. Cứ ban ngày đi làm, tranh thủ lúc rảnh, hoặc tối về là mình lên mạng tìm kiếm thông tin, đọc kinh nghiệm của người đi trước từ các blogger, diễn đàn du lịch, rồi mở Youtube xem sân bay Changi như thế nào, kinh nghiệm nhập cảnh Singapore ra làm sao, kinh nghiệm đi tàu điện ngầm (do chưa bao giờ mình đi, dù từng du lịch qua Thái Lan, Malaysia – những quốc gia có tàu điện ngầm MRT, trước đó)… Nghe nói Singapore hiện đại quá, sạch sẽ quá, cứng rắn quá, làm một đứa quê mùa lúa không lòi được hột gạo như mình vô cùng lo lắng.

Mình nghĩ, cứ chuẩn bị cho thiệt kỹ mọi thứ hết đi, còn việc nhập cảnh Singapore, được hay không, đành phó mặc cho mệnh trời vậy.

Đây là lịch trình thực tế chuyến đi của mình, còn lịch trình in ra phòng khi hải quan có hỏi thì chi tiết hơn nhiều.

Về lịch trình chuyến đi, dù là có ít ngày ngắn ngủi, nhưng mình vẫn thêm địa danh Batam vốn là một hòn đảo và cũng thành phố thuộc tỉnh Riau của Indonesia vào. Trước đây, trong một lần lang thang đọc bài du lịch, mình biết là từ Singapore có thể ghé thăm Indonesia dễ dàng bằng phà. Nhưng lúc đó mình không để ý cho lắm. Sau này, khi quen với O., người bạn Indonesia nhắc ở trên, tình cờ anh cũng đang sống và làm việc ở thành phố này. Ờ, vậy thì mình tranh thủ ghé qua thăm anh, sẵn tiện cũng có thể coi là ghé thêm được một quốc gia khác.

Từ Singapore qua Batam chỉ mất 1 giờ đồng hồ ngồi phà (gọi phà nhưng thực tế nó như cái tàu cao tốc hạng trung vậy). Ở cảng tại Singapore và cảng tại Batam đều có quầy xuất nhập cảnh như trong sân bay vậy đó, cũng có hải quan, kiểm tra hành lý, hỏi han đủ kiểu. Dù Batam gần Singapore đến vậy, nhưng Batam lại thuộc Indonesia, chính quyền khác nhau, cơ chế khác nhau, nên vật giá cũng khác nhau. Mình từng nghe đâu đó rằng, Singapore được ví von là “châu Âu của Đông Nam Á”, nên vật giá vô cùng đắt đỏ. Nếu bạn du lịch sang đó mà mua gì cũng nhẩm tính sang tiền Việt thì bạn khỏi mua, ăn uống gì luôn. Nói đơn giản hơn, một phần ăn thấp nhất ở Singapore đã đắt gấp 2 lần so với Sài Gòn mình, còn giá trung bình, đắt gấp 4-5 lần là bình thường. Nhưng sang tới Batam, thì vật giá lại chỉ nhỉnh hơn xíu so với Sài Gòn mình, do đó, cứ cuối tuần thì bà con Singapore lũ lượt kéo nhau qua Batam để mua sắm, ăn hải sản, đi mát-xa… cho thỏa thích. Thứ nhất là vì rẻ (so với mức sống của người Singapore), thứ hai, các dịch vụ – sản phẩm nhắc vừa rồi ở Batam rất phổ biến: mua sắm thì hàng hiệu ở Batam không hề thiếu, có vài trung tâm mua sắm lớn ở đây, hải sản thì đảo mà, nên hải sản sẽ tươi ngon, còn mát-xa cũng khá phát triển nữa (mà dịch vụ “từ A tới Z”, mặc dù đây là một quốc gia Hồi giáo, thì không phải là không có).

Lúc đầu mình tính ghé Batam vào cuối tuần (để anh bạn mình rảnh đi chơi với mình), nhưng do chuyến bay sang Singapore đã là tối thứ bảy rồi, chẳng lẽ mình vừa tới Singapore thì qua hôm sau đã đi Batam, rồi nhập cảnh lại Singapore để bay về, thì thứ nhất, sẽ vướng vụ vào Batam cuối tuần khi mà nhiều người Singapore cũng qua đảo vui chơi giải trí, trong khi mình thì không thích sự đông đúc xô bồ, còn thứ hai, là nhập cảnh Singapore đã khó, mình không dại gì mà nhập vô chỉ một buổi tối, rồi xuất cảnh, rồi nhập vô lại, tạo sự nghi ngờ cho hải quan, tăng lên sự nguy hiểm cho bản thân mình.

Vé máy bay Jetstar Sài Gòn – Singapore

Thiệt may, từ Batam có thể đi phà (mất 2 tiếng) sang Johor Bahru (Malaysia), phà sẽ đi ngang Singapore. Mình từng du lịch sang Malaysia rồi, nhưng chỉ mới qua 3 địa danh là Kuala Lumpur, Melaka, và Penang. Vậy nên mình đã chọn một lịch trình khá khép kín Singapore – Batam – Johor Bahru, xem như là biết thêm một thành phố khác của Malaysia. Cũng có hơi tham thiệt!

Từ Johor Bahru có chuyến bay thẳng về Sài Gòn. Hên sao bữa đó kiếm được vé rẻ của AirAsia.

Vé máy bay Johor Bahru (Malaysia) – Sài Gòn

Về vé máy bay, bạn có thể tham khảo đặt qua các trang Traveloka, Klook hay Skyscanner cho phép bạn tìm kiếm thông tin chuyến bay (gồm ngày giờ, hãng bay) một cách dễ dàng và nhanh chóng, đồng thời có thể so sánh giá giữa các hãng bay với nhau.

Nói thêm là, nếu từ Singapore mà muốn sang Johor Bahru, bạn không cần nhọc nhằn đi phà làm gì cho mệt, vì đã có xe buýt chạy hàng ngày, hàng giờ, rất tiện lợi và dễ dàng. Nếu chưa đi Malaysia lần nào, thì từ Johor Bahru, bạn có thể mua vé xe buýt đi thêm khoảng 3 tiếng nữa thì tới Melaka, và từ Melaka thì đi xe buýt 2 tiếng nữa thì tới thủ đô Kuala Lumpur. Rồi từ Kuala Lumpur bạn có thể bay thẳng về Việt Nam.

Vì nhập cảnh vào Singapore lúc nào cũng khó khăn, nhất là bằng đường bộ, mình khuyên bạn nếu muốn làm một chuyến kết hợp Sing – Mã thì hãy bay từ Việt Nam sang Singapore trước, rồi đi xe buýt qua Malaysia, chứ đừng làm ngược lại.

Vật giá của thành phố biên giới Johor Bahru so với Batam thì nhỉnh hơn, nhưng so với Singapore thì quả là dễ chịu, cho nên cũng có tình trạng nhiều người dân Singapore cứ cuối tuần thì kéo nhau qua Johor Bahru mua sắm và vui chơi.

Trở lại với hành trình của mình, vì mình ghé Batam vào ngày thứ ba trong tuần, anh bạn mình ban ngày đi làm, nên mình nghĩ mình sẽ ở lại 1 đêm để buổi tối gặp ảnh. Vì anh ấy là một người đặc biệt, mình muốn gặp lại.

Nói thêm về anh O. này, mình quen ảnh cũng khoảng 5 năm gì đó, từ Couchsurfing. Nhưng cả mình và ảnh đều không nhớ làm sao mà hai đứa có thể liên lạc được với nhau, vì khoảng thời gian đó mình chưa hề có ý định đi Indonesia để mà lên Couchsurfing hỏi han rồi quen với ảnh, trong khi ảnh cũng chưa có ý định sang Việt Nam du lịch. Sau đó, tụi mình giữ liên lạc qua Facebook, vì ở trang Couchsurfing mình lập tài khoản để chơi vậy thôi, tám ngàn năm mới đi gặp một bạn trong đó (hang-out), chín ngàn năm mới tham gia một buổi cà phê trò chuyện (meet-up), chứ tính mình chẳng thích việc hẹn trước rồi tới nhà một người lạ ở đâu. Trong lúc đi du lịch, mình vẫn thích ở nhà nghỉ, khách sạn hơn, để ra vào tự do, chẳng ai quản mình và cũng chẳng ai quan tâm mình là ai. Tự kỷ mà! Mà mình cũng không thích kiểu hẹn gặp một ai đó quen từ trước trong các chuyến du lịch đâu nghen, vì mình thích kiểu gặp gỡ tình cờ ngoài đời, rồi trong lúc trò chuyện, quan sát họ, thấy hợp thì mới giữ mối quan hệ lâu dài. Phải là người đặc biệt, hợp tính mình, hoặc mình nể nang lắm thì mình mới chịu hẹn gặp khi đi du lịch đó nghen.

Trong suốt 5 năm liên lạc qua Facebook, mình chỉ nhớ là mình và ảnh cũng có nhiều lần nhắn tin trò chuyện, nhưng tuyệt nhiên mình chẳng nhớ là tụi mình đã trò chuyện những gì, hay chỉ là ngoài những câu chào xã giao kiểu lâu rồi không nói chuyện, mày khỏe không. Vì mình có cái tật là lâu lâu sẽ thanh lọc bạn bè Facebook, rồi thanh lọc luôn tin nhắn, những tin nhắn cũ, lâu ngày, mình xóa hết. Cái messenger Facebook cũng kỳ ghê, người ta xóa cuộc trò chuyện cái là không tìm được lịch sử trò chuyện cũ luôn. Tóm lại, với anh O. này, mình chỉ biết mặt ảnh (có hình Facebook mà), tên ảnh, quốc tịch ảnh, là hết rồi đó.

Một ngày đẹp trời, ảnh nhắn tin cho mình, nói tao sắp qua Việt Nam du lịch đó, chúng ta có thể gặp mặt. Ồ thiệt hả, ờ, gặp thì gặp. Mình gặp được ảnh hai lần, vào ngày đầu tiên ảnh đến Sài Gòn, và ngày cuối cùng rời Việt Nam. Chuyến đi của ảnh cũng ngắn như ngựa phi và nhanh như gió thoảng vậy đó, chỉ kịp ghé Sài Gòn và Mũi Né. Mình gặp ảnh rồi, thì mới chính thức coi là mối quan hệ bạn bè này bắt đầu, vì như đã nói, mình chẳng nhớ là mình từng chat chít cái quỷ gì với ảnh trên messenger Facebook.

Như mình đã nói ở trên, sở dĩ mình hẹn gặp lại anh O. này trong lúc đi du lịch, là vì ảnh đặc biệt. Lần đầu tiên gặp ảnh ở ngoài đời, thường là những khi đi gặp trai lạ, nhất là trai nước ngoài, một mình, thì mình thường bị run, bị khớp, bị hồi hộp. Nhưng mà với anh này, mọi thứ diễn ra gọn ơ, vô cùng tự nhiên luôn. Cứ như thể, mình gặp lại một người bạn đáng tin cậy mà mình quen đâu từ trăm năm trước vậy.

Hình như kể lể về trai thì nó hơi dông dài…, thôi quay trở lại với chuyến đi.

Trong tờ lịch trình chi tiết của mình, sau khi xem, đọc, hiểu vô vàn thông tin từ mạng, thì ở mỗi địa danh, mình sẽ đánh ra những nơi mà mình muốn và thích đi, rồi tùy tình hình thực tế mà đi. Mình cũng tìm và đưa thông tin địa chỉ đại sứ quán ở cả 3 nước vô tờ lịch trình. Rồi cũng tìm một số câu giao tiếp cơ bản bằng tiếng Bahasa (ngôn ngữ chính của Indonesia, nói chung tiếng với người Malaysia, mà ở Malaysia sẽ gọi là tiếng Malay), phòng trường hợp cần dùng tới.

Tiếp theo là chuyện đặt chỗ ở. Theo tài liệu tổng hợp trên mạng, Singapore chia ra các khu vực mà bạn có thể thuê phòng như sau, thứ tự sắp xếp từ hạng cao xuống thấp:

– Marina Bay (khu vực trung tâm, có tượng sư tử biển phun nước nổi tiếng và là biểu tượng của Singapore): phòng ở cực kỳ đắt nha, toàn khách sạn lớn thôi à.
– Civic district (một quận của Singapore nơi có nhiều tòa nhà chính phủ, bảo tàng, công viên và khu tưởng niệm), cũng khá gần khu Marina Bay, nên phòng ở cũng toàn chát không thôi.
– Khu Orchard (được mệnh danh là thiên đường mua sắm lớn nhất Singapore): với dân đi bụi tụi mình thì bỏ qua đi ha.
– Khu Clarke Quay (nhiều quán bar, không gian vừa hiện đại vừa cổ xưa ngay cạnh dòng sông)
– Đảo Sentosa (khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng)
– Khu Bugis và Kampong Glam (khu mua sắm Ả Rập)
– Chinatown (khu người Hoa): khu này thì ăn uống khá bình dân
– Little India (khu Tiểu Ấn Độ, gọi tắt là Tiểu Ấn)
– Geylang

Một lưu ý rất lớn là khi đặt chỗ ở tại Singapore, theo bí kíp của các bạn đi trước, có lời khuyên hữu dụng và có lý rằng nhớ tránh khu Geylang ra, vì đây là “khu đèn đỏ” ở Singapore, có giá phòng rẻ nhất tại Singapore. Với những bạn nữ du lịch một mình như mình thì càng phải tránh ở khu này, phòng trường hợp bị hải quan nghi ngờ, dẫn vô phòng thẩm vấn riêng, hoặc tệ hơn là không cho nhập cảnh, bị bắt phải mua ngay vé về lại Việt Nam ngay lập tức.

Tóm lại là, đi du lịch thôi mà, ai mà muốn trong hồ sơ lý lịch của mình có một vết nhơ: từng bị cấm nhập cảnh vào đâu đó kia chứ!

Mình đi bụi, tiền bạc phải chi tiêu thiệt hợp lý, nên mình chọn ở Little India. Thật ra ở Chinatown thì cũng được, nhưng lúc lên Google Maps tìm phòng, (Google Maps khá là hay khi có phần chọn khách sạn gần đó, chọn khu vui chơi gần đó, chọn nhà hàng gần đó…), mình nhận thấy ở khu Little India rẻ hơn Chinatown, nên chọn Little India. Kinh nghiệm của mình là từ Google Maps tra ra được chỗ nào thấy rẻ rẻ, thì sẽ tra qua các trang như Agoda, Booking.com, tripadvisor xem dân tình đánh giá thế nào. Chỗ nào mà thấy đánh giá ổn, lại giá hợp lý, thì mình sẽ đặt. À, trước khi đặt còn phải xem vị trí chỗ ở đó có thuận tiện giao thông hay không nữa. Ở Singapore thì phương tiện công cộng tàu điện ngầm và xe buýt là tiện và rẻ nhất, cho nên với chỗ mình đặt trong khu Tiểu Ấn, mình chọn nhà nghỉ New Society Backpackers là vì gần hai trạm tàu điện ngầm là Farrer Park và Jalan Besar.

Đặt phòng nhà nghỉ New Society Backpackers qua Agoda. Bạn có thể thấy là mặc dù mình tới Singapore từ đêm thứ bảy, nhưng lại đặt phòng từ đêm chủ nhật. Mình nghĩ sẵn câu trả lời nếu có bị hải quan “vịn”, đó là nói thật: tao tới giờ này cũng trễ rồi, lại muốn tham quan Jewel, nên tao sẽ ngủ lại một đêm ở sân bay, hôm sau mới đi vào trung tâm thành phố.

Trong tiếng Malay (hay tiếng Bahasa của Indonesia), “jalan” có nghĩa là “đường”. Ở Singapore, bạn sẽ thấy họ sử dụng nhiều ngôn ngữ bên cạnh tiếng Anh là ngôn ngữ chính (mặc dù tiếng Anh của người Singapore không được gọi là English mà thường gọi là Singlish), như tiếng Hoa, tiếng Malay, rồi cả tiếng Tagalog (Philippines). Sở dĩ tự nhiên mình nhắc tới chữ “jalan” này là vì có chút kinh nghiệm hữu dụng sau này. Nhà nghỉ New Society Backpackers nơi mình sẽ ở tại Singapore, mặc dù là nằm trên đường Besar (Jalan Besar), có trạm tàu điện ngầm cùng tên Jalan Besar, nhưng từ trạm này đi bộ tới nhà nghỉ lại xa hơn là từ trạm Farrer Park. Sau này mình sẽ từ từ kể cho các bạn nghe.

Ngoài ra, một việc mà mình làm lần đầu tiên đó là mua bảo hiểm du lịch. Mình mua bảo hiểm Liberty qua Phuotvivu nha, cho cả chuyến 6 ngày chỉ mất cỡ 170.000đ thôi. Bạn có nhu cầu thì có thể liên hệ nhờ tư vấn, vì cũng có kha khá loại bảo hiểm du lịch với các mức giá và hạng mục đền bù, phí đền bù khác nhau. Trước giờ mình chỉ chọn mua bảo hiểm chuyến bay khi mua vé máy bay thôi, chứ bảo hiểm du lịch thì chưa bao giờ. Nhưng chuyến này thì khác, cứ lo không nhập cảnh Singapore được, vả lại còn kết hợp 2 nước khác, đi tàu đi phà tá lả, nên thôi, cứ mua đi, cũng đâu có đắt.

Trong công cuộc lên kế hoạch cho chuyến đi, mình cũng tự tìm thông tin rồi tính chi phí áng chừng, đặng đổi tiền mang theo. Vì đi ngắn ngày, không muốn tốn thời gian cho việc so đo tỉ giá rồi tìm chỗ đổi tiền ở nước sở tại, mà mình gom đổi hết một lần ở tiệm vàng Hà Tâm (02 Nguyễn An Ninh, phường Bến Thành, quận 1, ngay cửa Tây chợ Bến Thành), chỗ đổi tiền quen thuộc ở Sài Gòn của mình từ trước giờ.

Tỉ giá mình đổi trước khi đi là:

01 USD = 23.300 VND
01 SGD = 17.210 VND
01 IDR = 1,95 VND
01 MYR = 5.570 VNTrước khi đổi tiền bạn có thể kiểm tra sơ qua tỉ giá Vietcombank để biết chừng, hoặc muốn có sự so sánh.

Thường trước ngày đi 1-3 ngày, mình thật sự rảnh lúc nào thì sẽ xếp hành lý lúc đó. Mình thích sự chuẩn bị trước, vì lúc nào mình cũng chỉ “ra đi” với 7kg hành lý xách tay, luôn gói gọn trong một ba lô duy nhất, nên phải suy nghĩ xem mình cần mang theo gì, chỉ những thứ thật cần thiết thôi, sao cho gọn nhẹ nhất, tiện dụng nhất.

Do luật pháp Singapore quá nghiêm minh, mình cũng tra qua Google những thứ cấm nhập cảnh vào quốc gia này, ngoài những thứ thường thấy bị cấm như vật gây cháy nổ…, thì còn có yêu cầu: du khách “chỉ được mang dưới 1 bao thuốc lá, tuyệt đối không được mang rượu và kẹo cao su. Riêng ma túy thì, chỉ cần mang một lượng rất nhỏ thôi cũng đã chịu mức án tử hình“, nha! Đọc tới đó xong, mình nhủ thầm, vậy thì từ lúc lên máy bay đến lúc nhập cảnh Singapore thành công (hi vọng vậy), mình sẽ không nói chuyện, không kết thân với ai tình cờ gặp trên máy bay hết. Mình sẽ mang một bộ mặt lãnh đạm, sẽ đeo tai nghe nghe nhạc. Ha ha…

Mình tính làm vậy cũng là đề phòng lúc nhập cảnh khỏi rơi vào tình huống đi chung với ai đó, rồi lỡ mình hổng nhập cảnh vô được, tới phiên người ta gặp hải quan, bị mình vạ lây, hay ngược lại, thì sao?

Đây, hành trang 7,6 kg của mình.

Sơ qua từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, những thứ không thể thiếu: tiền, thẻ, máy ảnh, cục chuyển đổi quốc tế (ở Singapore dùng loại ổ điện 3 chấu vuông nha – như ảnh dưới), nguyên sấp tài liệu vé máy bay đặt phòng khách sạn lịch trình các thứ, hộ chiếu, áo mưa giấy, son dưỡng môi, khăn choàng (để đắp khi ngủ sân bay),… Bút bi thì để điền mẫu nhập cảnh lúc ở trên máy bay, tiết kiệm thời gian. Quần áo thì cứ chọn những loại đồ thoải mái và có thể kết hợp với nhau, vì khí hậu thời tiết 3 nước này cũng tương đương Sài Gòn mình thôi. Thêm cái áo khoác gió mặc ngoài nữa. À, mình cũng mang theo khẩu trang và bao tay vì tính qua Batam sẽ thuê xe máy đi chơi. Còn cái chai không mang theo tính qua Singapore sẽ lấy nước ở các cây nước công cộng, chớ giá nước suối bên đó cực kỳ đắt, đắt lè lưỡi luôn.

Ổ điện 3 chấu vuông ở Singapore

Một việc cuối cùng, tuy không quan trọng, nhưng khá là hữu dụng, đó là lưu bản đồ tàu điện ngầm của Singapore về điện thoại, rồi ngâm cứu trước cho hiểu. Lúc đầu thì mình thấy rối lắm, có lẽ vì những gì hiện đại quá không hợp với mình, nhưng sau đó thì mình làm quen rất nhanh. Thậm chí lúc đến Singapore, chỉ đi vài chặng tàu từ sân bay về nhà nghỉ mà sau đó mình thông thuộc luôn. Cái tính nhanh thích nghi với môi trường mới này của mình giúp mình rất nhiều trong các chuyến đi, có thể nói đó là một yếu tố cần thiết cho những ai muốn đi du lịch bụi một mình.

Bên cạnh đó, mình cũng tải ứng dụng SMRTConnect về điện thoại từ kho Apple. Đây là ứng dụng định vị trạm xe buýt hay trạm tàu điện gần nhất, tính toán khoảng cách và tìm trạm tàu điện nào gần nhất, tiện nhất cho mình, mà đặc biệt là có thể dùng offline khi không có mạng. Vì trong lúc du lịch mình không có nhu cầu liên lạc ai, nên mình ít khi mua sim điện thoại của nước ngoài. Do đó, bạn có thể thấy mình thường chuẩn bị trước khối lượng thông tin mình cần cho những chuyến du lịch nước ngoài.

Mặt khác, nếu bạn đang dự tính đi du lịch lần đầu tiên sang quốc đảo Singapore, bạn cũng có thể tham khảo và tải các ứng dụng du lịch hữu ích khi đi du lịch Singapore tại trang: visitsingapore.com.

(Còn tiếp)

>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (2)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s