Theo bảng chỉ dẫn, mình theo lối cầu thang cuốn đi xuống để tìm đến trạm tàu điện ngầm. Đây là lần đầu tiên mình đi tàu điện ngầm, nên ngoài việc đọc thông tin trước, tải bản đồ tàu điện của Singapore về điện thoại, xem sơ qua cho hiểu, thì mình còn xem các đoạn phim chỉ dẫn cách mua thẻ, cách đi tàu, hay đọc kinh nghiệm của người đi trước từ các blog nữa.
>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (4)
>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (3)
Và trong lúc đi cầu thang cuốn thì mình phát hiện ra chỗ này có rất nhiều du khách chọn ngủ. Có lẽ đây là một chỗ lý tưởng vì vào ban đêm, khi tàu điện ngầm dừng hoạt động (tàu chỉ hoạt động từ 5g30 đến khoảng 24g), chỗ này sẽ vắng, yên tĩnh, lại ít lạnh.
Ghi nhớ lại lần sau có đi thì tới đây mà ngủ ha. Chứ thiệt, như mình vừa qua một đêm vật vờ như bóng ma, không hề có phút giây nào chợp mắt được yên thân, vì cái ghế không thể nằm mà ngồi cũng chẳng thoải mái, thì lúc này, mình hơi tưng tưng, đuối và mệt.
Xuống dưới trạm tàu điện rồi đây
Với du khách như mình, sẽ dùng các phương tiện công cộng trong suốt hai ngày ở Singapore, thì mình cần mua thẻ để đi. Mình không chắc là mua thẻ hay mua thẻ thường (bằng giấy, đi chặng nào thì tới máy tự động mà mua vé chặng đó) thì sẽ rẻ hơn, tuy nhiên, do mình có thời gian ít ỏi ở Singapore, nên chọn mua thẻ một lần thôi cho tiện, khỏi tốn thời gian đi đâu mới mua nấy.
Theo thông tin trên mạng, hiện ở Singapore có 3 loại thẻ có thể dùng cho tàu điện ngầm (Singapore Mass Rapid Transit – SMRT, hay MRT), LRT (Light Rapid Transit, cũng tàu điện nhưng chỉ có 1 toa, đi chậm hơn MRT), lẫn xe buýt:
1. Thẻ EZ-link: có giá 12 SGD, trong đó bao gồm tiền thẻ (card cost) là 5 SGD không hoàn lại, nghĩa là bạn không cần phải trả thẻ sau khi dùng. Dùng hết 7 SGD tiền có trong thẻ (stored value) thì bạn có thể nạp thêm (top up, mỗi lần ít nhất là 10 SGD, tối đa 500 SGD) thông qua các máy nạp tiền đặt tại các ga tàu, hoặc tại quầy bán thẻ, hay tại các cửa hàng 7-Eleven, các cửa hàng tiện ích Buzz Pods, các cây rút tiền ATM của ngân hàng DBS/ POSB, OCBC… Nếu bạn mua thẻ EZ-Link ở các cửa hàng tiện ích 7-Eleven, bạn chỉ cần thanh toán 10 SGD, trong đó bao gồm tiền thẻ là 5 SGD. Thẻ EZ-link còn có thể dùng để thanh toán tiền taxi của SMRT và TransCab, các cửa hàng ăn uống, mua sắm và bán lẻ, dịch vụ chính phủ, câu lạc bộ cộng đồng…
Thẻ có kỳ hạn tới 5 năm kể từ lần sử dụng đầu tiên, và có thể sử dụng nhiều lần. Khi hết chuyến đi mà không dùng hết tiền trong thẻ, bạn có thể lấy lại tiền (refund) tại các quầy SingPost tại ga (phía ngoài khu soát vé), tại phòng vé TransitLink (TransitLink Ticket Offices), phòng đổi vé giảm giá (Consession Card Replacement Offices) ở các trạm tàu điện, các trạm trung chuyển xe bus (Bus Interchanges),…
2. Thẻ Singapore Tourist Pass/ Singapore Tourist Pass Plus: là thẻ EZ-Link đặc biệt dùng cho du khách, có các mức giá tương ứng với số ngày sử dụng. Hai thẻ này đều không giới hạn số lần bạn đi xe buýt hay MRT trong ngày. Khi mua thẻ Singapore Tourist Pass thì bạn phải cọc thêm 10 SGD tiền thẻ. Thẻ Plus thì không cần, do giá cao hơn, và có thêm ưu đãi được miễn phí vé vào cửa bảo tàng Alive.
Ảnh: Internet
Cách tính thời gian trong 1 ngày bắt đầu từ lúc bạn sử dụng lần đầu tiên (bất kể giờ nào) cho tới 23g59 trong cùng ngày đó. Khi trả thẻ, trong vòng 5 ngày kể từ ngày mua, bạn sẽ cầm hóa đơn và thẻ ra phòng vé ở các ga tàu để được hoàn lại 10 SGD tiền cọc.
3. Standard Ticket: là thẻ dạng giấy và chỉ dùng được cho MRT và LRT, mua ở các máy tự động tại ga. Khi dùng Standard Ticket đến lần thứ 6 thì bạn được giảm 10 cent. Khi mua vé thì cũng bị trừ 10 cent đặt cọc, tuy nhiên tiền này sẽ được trả lại vào lần đi thứ 3. Thẻ giấy này có hạn sử dụng trong 1 tháng. Khi bạn dùng xong thì tới các máy tự động để trả vé. Mỗi vé sẽ được trả lại 1 SGD.
Trước khi sang đây, mình cân nhắc kỹ lưỡng giữa hai loại vé EZ-link và Singapore Tourist Pass. Mình suy tính, mình sẽ phải dùng thẻ trong khoảng thời gian nguyên ngày chủ nhật, thứ hai, và sáng thứ ba thì chỉ đi một chặng từ nhà nghỉ ra bến tàu HabourFront để đi phà sang đảo Batam, vậy thì mua loại thẻ nào là hợp lý và tiết kiệm nhất. Nếu như mua thẻ Singapore Tourist Pass thì sẽ phải mua loại dùng trong 3 ngày, có giá 20 SGD, được đi không giới hạn số lần tàu, xe buýt trong 3 ngày. Còn nếu mua thẻ EZ-link mất 12 SGD, thì mình chỉ có 7 SGD, đi hết thì nạp thêm.
Bảng giá tàu điện. Xem ảnh lớn hơn tại đây.
Mà mình sẽ đi những đâu, đi nhiều không, trong khi mỗi lần đi một chặng như vậy tốn từ 0,93 cho tới 2,5 SGD. Sau khi suy tính, thôi mình chọn mua thẻ EZ-link, để còn có cái thẻ giữ làm kỷ niệm, hoặc nếu còn quay lại thì còn có cái mà dùng. Thẻ EZ-link có kỳ hạn tới 5 năm lận mà.
Đây, mình mua thẻ ở quầy dịch vụ khách hàng, kế bên cổng soát vé (tự động) ha. Lúc mình mua thì nhân viên đang bàn giao ca, nên phải đợi một lúc.
Cổng soát vé đây. Lúc này đang giao ca nên chỗ này chưa hoạt động, đèn đỏ với dấu x hiện lên. Còn nếu hoạt động bình thường, thì sẽ là đèn xanh. Mình ghi chi tiết để những bạn nào đi lần đầu một mình như mình đỡ cảm thấy lạ lẫm. Khi đèn xanh bật lên, bạn muốn vào thì dùng thẻ đặt lên ô xám xám (đăt mặt thẻ nào cũng được hết). Thẻ từ nên sẽ tự động cảm ứng, làm thanh chắn khép vô, cho bạn đi qua. Trên cái ô trăng trắng trong ảnh cũng sẽ hiện lên số tiền còn trong thẻ của bạn cho bạn biết mà nạp thêm khi gần hết tiền (mình đang nói thẻ EZ-link nha, nếu dùng Singapore Tourist Pass thì không cần quan tâm, do đi không giới hạn mà).
Có các bảng quy định nội quy khi đi tàu điện ha: không ăn không uống (kể cả ở trong ga hay trên tàu), nếu vi phạm thì bị phạt tới 500 SGD; không hút thuốc, vi phạm phạt 1.000 SGD; không mang chất lỏng hay khí ga dễ cháy, vi phạm phạt 5.000 SGD. Đừng hỏi tại sao Singapore lại hùng mạnh về kinh tế như vậy. Một quốc gia phát triển thường có luật pháp rất nghiêm minh. Bạn để ý mà xem!
Em bé cao trên 90cm thì cần mua vé nha
Quy định về hành lý khi đi tàu nữa nè
Trên tường chỗ chờ tàu sẽ có cái nút này, chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm cần dừng tàu. Đừng dại mà thử bấm vô, bị phạt tới 5.000 SGD đó nghen!
Đây, thẻ EZ-link mình mua và tờ bản đồ giấy xin cầm coi cho dễ. Mà sau đó mình dùng tờ bản đồ này suốt luôn á, vì cứ sợ đi lộn chuyến hoặc bị nhỡ điểm cần xuống.
Hệ thống tàu điện ngầm ở Singapore có 5 làn chính:
1. East West (EW) – màu xanh lá
2. North South (NS) – màu đỏ
3. North East (NE) – màu tím
4. Circle (CC) – màu cam
5. Downtown line (DT) – xanh da trời
Ngoài ra còn có các làn LRT màu xám (ít dùng).
Ảnh: Internet
Lúc này thì mình đang ở điểm xuất phát số 3 bên góc phải bản đồ trên ha – Changi Airport. Giờ mình muốn về nhà nghỉ khu Tiểu Ấn (Little India), đường Jalan Besar (màu xanh dương). Theo bản đồ thì có trạm Jalan Besar, nhưng lúc đó mình không hề thấy, mình chọn điểm đến là trạm Farrer Park (màu tím), do trước đó có coi Google Maps thì thấy trạm này gần nhà nghỉ của mình. Mà chọn cái đúng phóc luôn, vì nếu chọn trạm Jalan Besar mình sẽ phải đi bộ về nhà nghỉ xa hơn là từ trạm Farrer Park.
Theo bản đồ, như vậy mình sẽ có nhiều cách đi:
1. Changi Airport – Expo (màu xanh lá cây), xuống tàu, đổi sang màu xanh dương tới Upper Changi – Tampines East – Tampines West – Bedok Reservoir – Bedok North – Kaki Bukit – Ubi – Mattar – Geylang Bahru – Bendemeer – Jalan Besar, tới đây xuống cũng được, nhưng đi bộ xa.
2. Changi Airport – Expo (màu xanh lá cây) – Tanah Merah, tới đây thì ai cũng phải xuống để đổi tàu hết, tùy hướng đi mà đổi sang màu nào. Nếu đi vào trung tâm như mình thì sẽ đổi tàu (nhưng vẫn màu xanh lá cây) đến trạm Bedok – Kembangan – Eunos – Paya Lebar – Aljunied – Kallang – Lavender – Bugis, lại xuống tàu, đổi sang màu xanh dương đến Rochor – Little India, xuống tàu đổi sang màu tím đến trạm Farrer Park.
Còn nhiều cách khác nữa, nhưng hôm đó, lần đầu tiên mình đi tàu điện ngầm, thì mình đã chọn cách đi thứ 2 như trên.
Bảng hướng dẫn ở trạm Tanah Merah
Lưu ý là những màu khác nhau có thể sẽ không ở cùng một tầng, mà bạn cứ theo chỉ dẫn, hoặc không biết thì hỏi nhân viên ở nhà ga, hay hành khách (người Singapore thấy đi nhanh ào ào vậy chớ cứ níu lại và hỏi, họ thường thân thiện trả lời và ưa giúp đỡ lắm), là sẽ được hướng dẫn đi thang cuốn lên hay xuống để tới được chỗ đón đường tàu màu nào mà mình cần. Thường trên cửa chờ tàu cũng có để hướng đi của tàu, và trạm chính mà tàu sẽ đi ngang qua. Lúc đầu hơi bỡ ngỡ thì không gấp, bạn cứ dành nhiều thời gian từ từ tìm hiểu, chầm chậm nghiên cứu, sẽ một mình tự làm được hết.
Nhớ là luôn cầm chắc và sẵn thẻ bên mình, để đi tàu xong rồi, lúc đi ra cũng cần thẻ chỗ cổng soát vé tự động thì mới đi ra ngoài được. Cổng soát vé này cũng là nơi tính tiền rồi tự trừ tiền trong thẻ của bạn.
Lúc chờ tàu thì đứng nép hai bên cửa, chỗ mũi tên màu cam ha. Còn ở giữa là dành cho hành khách đi xuống. Cửa mở ra thì đợi khách xuống hết đã, hãy đi lên.
Cửa tàu đóng – mở khoảng 2 phút, với lại mỗi chuyến như vậy thường cách nhau chừng 5 phút nên không lo việc hết tàu, trễ tàu đâu.
Mỗi trạm tàu đi chừng 1-2 phút là tới, nhanh ghê lắm. Bước lên tàu cái, nghe gió hú ù ù bên tai (mặc dù cửa kín bít bùng hết), ngồi chưa nóng chỗ là đã tới một trạm, đủ để thấy tốc độ tàu chạy nhanh như thế nào. À, trên tàu hay xe buýt thì tránh các ghế ngay cửa, có đề ghế ưu tiên (priority) nha, mấy chỗ đó dành cho người già, bầu, em bé à. Với lại, chúng ta thanh niên trẻ khỏe, lại là du khách thì đi tàu vào giờ cao điểm, hãy có hành động lịch sự ga lăng mà nhường ghế cho những người cần ngồi. Tàu đi nhanh lắm, chúng ta đứng chút có sao đâu!
Khi cần ra khỏi trạm tàu điện thì đều có bảng chỉ dẫn hết, cứ theo mũi tên “Exit” mà ra.
Trong một ga tàu
Wifi miễn phí nhưng chỉ dành cho những ai xài sim của Singapore thôi
Dùng máy này để nạp thêm tiền vô thẻ được nè
Đó, muốn đổi dòng màu nào thì đều có bảng chỉ dẫn hết, để ý cái là làm được.
Gọi tàu điện ngầm vì toàn chạy dưới lòng đất, có vài chặng sẽ thấy được ánh mặt trời tí chút, nhưng vút cái thì tàu lại chui xuống lòng đất.
Cũng có màn hình đề thông tin tàu sẽ tới trong bao lâu nữa
Một đoạn phim nho nhỏ về việc đi tàu điện ngầm ở Singapore ha
Người lữ khách ở ga điện ngầm
Tới trạm Farrer Park rồi đây
“Lú” lên được mặt đất rồi nè
Chào buổi sáng Singapore!
(Còn tiếp)