Bước ra khỏi nhà nghỉ New Society Backpackers, mình đi bộ hướng về phía trung tâm khu Tiểu Ấn (Little India), vừa đi vừa ngó nghiêng. Trước tiên là tìm chỗ làm đầy chiếc bụng đói cái đã. Trễ quá rồi!
>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (6)
>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (5)
Trên đường đi, mình dừng lại nhiều lần để ghi lại thật nhiều hình ảnh về các ngôi nhà cổ kính đầy màu sắc mang thiết kế đặc trưng của người Trung Quốc: nhà này nối nhà kia bằng hành lang hẹp và dài, có nhiều hàng cột, những ô cửa ban công hơi cong ở phía trên… Tuy nhiên, ngoài khối đơn sắc được sơn phết ở bên ngoài, có nhiều nhà được vẽ hay trang trí bằng những hình thù sặc sỡ đa dạng, kiểu như nghệ thuật Graffiti ấy, đúng chất Ấn Độ sặc sỡ…
Một điều rất tiếc là, những thiết kế nhà cổ kiểu này lại bị xen lẫn bởi những tòa cao ốc, khu chung cư cao to và hiện đại ở xung quanh. Nên thỉnh thoảng, mình cảm giác những ngôi nhà cổ giống như các chú chim nhỏ bé lọt thỏm trong chiếc lồng lớn là các khu cao tầng hiện đại.
Theo thông tin trên mạng, khu Little India gồm có các điểm tham quan như: con đường Serangoon (được ví như trái tim của Little India bởi sự nhộn nhịp và rực rỡ của nó), đền Ấn Độ Sri Veeramakaliamman, đền Ấn Độ Sri Srinivasa Perumal, chùa Sakya Muni Buddha Gaya, chợ Tekka, khu mua sắm Arcade Little India, trung tâm mua sắm Mustafa Centre. Nhưng giờ mình mới đi dạo chụp ảnh đường phố loanh quanh thôi, còn lại từ từ tính. Đi chơi một mình, quan trọng là cảm giác của mình. Mình thích đi đâu, làm gì thì mình đi. Chớ cũng chẳng quan trọng phải tới chỗ này, phải thăm chỗ nọ.
Ghé vô quán chay này ăn cái đã: Murugan Idli shop, số 76 đường Syed Alwi
Khu Tiểu Ấn rất thích hợp cho người ăn chay như mình, vì người Ấn ăn chay nhiều lắm. Mình từng nghe chị Nguyễn Đức Quỳnh Dung (chủ nhân blog thichdibui) – người từng có quãng thời gian “trường kỳ kháng chiến” dọc ngang Ấn Độ một mình – kể lại, người Ấn tuy ăn chay nhiều, nhưng họ vẫn cao to khỏe mạnh, là nhờ ăn các loại gia vị, và nhất là các loại đậu. Theo thông tin trên mạng, người Ấn sử dụng đậu lăng nhiều, đây vốn là loại đậu có chung nguồn gốc với các loại đậu thông thường khác như đậu xanh, đậu đen, đậu Hà Lan,…, nhưng khi nấu chín, đậu lăng có thể dễ dàng hấp thụ nhiều loại hương vị tuyệt vời từ các loại gia vị và thực phẩm khác mà vẫn giữ nguyên được các chất dinh dưỡng, khoáng chất, nên đây được xem như một “siêu thực phẩm”.
Quán Murugan Idli này đông khách lắm, chủ yếu là dân địa phương. Mình được đưa tờ thực đơn và cây bút chì, ăn cái gì, số lượng bao nhiêu thì đánh số vô ô trống bên cạnh. Lưu ý giá trong thực đơn là chưa bao gồm thuế dịch vụ 10%, rồi còn GST 7% nữa (goods and services tax, chẳng biết dịch sao, thuế hàng hóa và dịch vụ hả, hổng lẽ tính thuế dịch vụ tới 2 lần?), mà cái GST này là tính trên tổng tiền cùng thuế dịch vụ á. Nói chung là các hàng quán ở Singapore thì giá trên thực đơn đều chưa bao gồm tổng thuế 11,77% này nha.
Hôm đó mình vô nhà hàng lúc đông khách, nên ngồi ghép với một cô lớn tuổi dân địa phương (đoán là người gốc Hoa). Mình nhìn hình ảnh món ăn treo trên tường của nhà hàng, và đọc cái thực đơn mà chẳng biết món nào với món nào. Vậy là mình hỏi cô ngồi chung là cô đang ăn món gì, rồi gọi giống như vậy. Món mà mình gọi là bánh gạo Idli. Mình đánh vô 1 đơn vị, nhưng người phục vụ nói sợ không đủ, đề nghị mình ăn 2 cái đi. Mình ừ luôn.
Đây, bánh gạo Idli, nghe nói đây là bữa sáng “phải có” của người Ấn Độ trong suốt nhiều thập kỷ… Ngoài được làm từ gạo, người Ấn còn trộn thêm đậu lăng để bánh gạo có thêm hương vị mới mẻ. Ăn kèm là các loại cà ri, sốt ớt xanh, sốt nước cốt dừa hay sốt gì gì đó khác nữa…
Đặc trưng văn hóa ẩm thực của Ấn Độ đó chính là gia vị, đến nỗi quốc gia này được thế giới ca tụng là thiên đường của các loại gia vị. Một số loại gia vị phổ biến có thể kể đến như: ớt, mù tạc, thì là, lá quế, đinh hương, lá nguyệt quế, lá bạc hà, hạt nhục đậu khấu, nghệ, lá cà ri, gừng, rau mùi,… Điều đặc biệt của việc sử dụng gia vị trong mỗi món ăn Ấn Độ có lẽ chính là không sử dụng những gia vị độc lập mà kết hợp chúng với nhau thành một dạng hỗn hợp đặc biệt. Những gia vị này khiến cho món ăn của Ấn Độ có mùi và màu sắc đặc trưng, nhất là nó còn có tác dụng để chữa bệnh và tăng cường sức khỏe.
Tuy nhiên, chính vì sử dụng nhiều loại gia vị mà các khu phố Ấn Độ, và kể cả cơ thể của người Ấn Độ cũng bị ám luôn mùi gia vị nặng nề.
Trở lại với bữa ăn, nói thiệt là, món bánh gạo Idli này mình không hảo cho lắm, vì mùi vị bánh hơi giống với bánh bò lên men ở Việt Nam mình, còn ăn với sốt thì nó ngán kinh khủng khiếp luôn. Mình chỉ ăn đúng một cái bánh là ngán dâng lên tới cổ.
Cũng trong thực đơn trên, có thể gọi món ăn sáng tương tự nhưng thay bánh gạo Idli bằng bánh Dosai (Dosa) – một dạng như bánh xèo miền Tây bự chảng nhưng không có nhân vậy.
Một điều đáng tiếc là tuy là một quán ăn tươm tất, nhưng ở đây lại phục vụ kèm chén, muỗng bằng nhựa dùng một lần. Ly nước uống cũng bằng nhựa một lần (mình để ý thấy quán ăn ở Singapore đều phục vụ nước lọc miễn phí). Có thể là chỉ dành cho du khách như mình, vì người Ấn Độ chính gốc toàn ăn bốc không à.
Theo thông tin trên mạng, người Ấn quan niệm rằng gạo là hạt ngọc của trời nên phải dùng tay trực tiếp cầm vào để thể hiện sự trân trọng. Ngoài ra người Ấn tin rằng năm ngón tay trên bàn tay tượng trưng cho những yếu tố thiên nhiên như trời, đất, không khí, lửa, nước. Nên khi ăn bằng tay sẽ kích thích các dây thần kinh ở tay, lúc ăn sẽ dễ tiêu hóa hơn, ngon miệng hơn.
Phần ăn sáng gồm 2 cái bánh gạo không hợp khẩu vị tương đương 70.000đ. Đó, nếu cái gì cũng tính ra tiền Việt thì qua đây khỏi dám tiêu xài gì luôn. Hic!
Ăn sáng xong thì mình đi bộ trở lại trạm tàu điện ngầm Farrer Park, tìm đường đi đảo Ubin.
Một số ảnh khu Little India chụp trong lúc đi bộ
Đi ngang một siêu thị, thấy có người (hổng biết có phải là người lang thang vô gia cư hay không) đang nằm ngủ
Đi ngang trung tâm mua sắm Mustafa nè
Ngang qua một cửa hàng lưu niệm đồng giá
Tấp vô ngó nghiêng qua thôi, chớ mình đi bụi ghét nhất là vụ mua sắm quà lưu niệm cho người ở nhà. Mình cảm thấy có chút ít áp lực khi phải suy nghĩ nên mua quà gì hợp với từng người, mà đã tặng người này trong khi người khác không có thì cũng kỳ. Và việc này cũng tốn thời gian trong quỹ thời gian đi chơi hạn hẹp, nên thôi, những chuyến sau này mình dẹp bỏ hết vụ quà cáp.
Ở đây thì có các đồ trang sức vòng vàng bông tai bạc (đồ giả thôi) lấp lánh đặc trưng của người Ấn. Rồi khăn choàng, áo thun, móc khóa… đủ hết á.
Ngó qua thôi, rồi lại đi…
Ghé vô một cửa hàng trái cây dọc đường mua ít táo, hình như là 2 SGD cho 5 trái. Trước khi sang đây mình nghĩ Singapore là quốc gia hiện đại và chú trọng việc bảo vệ môi trường (thì nghe nói là một trong những quốc gia xanh sạch nhất thế giới mà), nhưng khi sang rồi lại để ý thấy họ vẫn dùng nhiều và phổ biến các sản phẩm từ nhựa, ni-lông dùng một lần.
Ờ, khi đi chơi xa thì mình thích ăn táo (bom). Thứ nhất là giá trị dinh dưỡng của loại trái cây này (đến nỗi có câu: “An apple a day keeps the doctor away” – Mỗi ngày ăn một quả táo sẽ không phải đến gặp bác sĩ), thứ hai là vì việc ưu tiên cho các loại thực phẩm có chất chát, rất thích hợp với người đi du lịch, thường xuyên ăn thực phẩm lạ. Vì trong các loại thực phẩm có chất chát như táo, hồng xiêm, ổi, trà… thì chất chát chát có tác dụng làm săn ruột, cầm tiêu chảy (theo Đông y).
Tới trạm Farrer Park lúc sáng rồi nè. Trong ảnh là máy bán nước cam vắt tự động.
(Còn tiếp)
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.
Tiền Singapore trị giá cao quá ha An. Giá apple coi vậy mà rẻ, không biết có phải trái cây Trung quốc hay không.
Dạ, đô Sing con đổi hồi tháng 7/2019 là 01 SGD = 17.210 VND. Còn việc trái cây Trung Quốc, con hổng biết chắc, nhưng con nghĩ Singapore có quy định chặt chẽ về việc nhập khẩu thực phẩm, nên nếu có là trái cây Trung Quốc thì cũng phải đúng các chỉ số an toàn vệ sinh.