Để mình kể cho các bạn nghe cái phà đi từ đảo chính Singapore sang đảo Batam của Indonesia nó như thế nào…
>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (16)
>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (15)
Hôm đó là thứ ba, nên khách đi phà khá vắng. Thường thì du khách sang đảo Batam từ Singapore chủ yếu là người dân địa phương Singapore. Họ sang đó như một chuyến nghỉ dưỡng, mua sắm, nghỉ ngơi và tiêu tiền vậy đó. Thứ nhất là vì chỉ mất 1 giờ đồng hồ cho việc ngồi phà là tới nơi rồi. Thứ hai thì, Batam thuộc Indonesia, lại không phải là một địa danh du lịch nổi tiếng, mà nơi này chủ yếu làm kinh tế qua các cảng biển, phát triển ngành xuất nhập khẩu, luân chuyển hàng hóa (logistics) bằng đường biển. Ở đây tâp trung nhiều khu công nghiệp vận tải biển. Với tính chất như vậy, thì vật giá ở Batam so với Singapore quả là một trời một vực. Nhưng nếu tính theo tỉ giá đồng tiền của Việt Nam, thì vật giá ở Batam có nhỉnh hơn tí xíu đó nha.
Nhìn lại cảng HabourFront Singapore khi đã yên vị trên phà nè
Ở Batam có các dịch vụ mà người Singapore rất thích, như hải sản tươi và rẻ (so với vật giá bên Singapore), các dịch vụ mát-xa (massage) cũng rất nhiều (mà mình đoán là có cả dịch vụ từ A đến Á luôn đó, mặc dù đây là quốc gia Hồi giáo; còn dịch vụ đó như thế nào thì chắc mấy anh hiểu rõ), các khách sạn 4-5 sao ở đây cũng có giá từ rẻ cho tới trung bình. Ngoài ra, ở Batam cũng có bán các sản phẩm quần áo, giày dép, mắt kính thời trang hàng hiệu hoặc cao cấp, nhưng có giá khá ổn. Mình thấy có nhiều sản phẩm quần áo chuyên dành cho dân du lịch thể thao, mạo hiểm có nguồn gốc từ Indonesia xài bền lắm luôn.
Tính ra, người Singapore khá có lợi thế khi được kiếm tiền ở một quốc gia có chất lượng cuộc sống thuộc hàng đầu châu Á, nhưng cuối tuần lại có thể tiêu tiền ở hai quốc gia láng giềng có vật giá thấp hơn hẳn (Batam – Indonesia, và Johor Bahru – Malaysia), do đó, Batam là một địa danh luôn đông đúc khách du lịch từ Singapore sang vào cuối tuần. Ngoài người bản địa Singapore, những du khách nước ngoài khác đang làm việc tại Singapore cũng ghé nơi đây khá nhiều.
Nên mình nghĩ, có thể nói Batam là một nơi đáng sống vì có sự hòa hợp giữa truyền thống bản xứ và du nhập văn hóa ngoại lai. Cư dân Batam, nhất là những bạn trẻ vừa được thấm nhuần những phong tục tập quán của quốc gia Hồi giáo, vừa có cơ hội mở mang tầm mắt và học hỏi từ du khách, từ khoa học công nghệ hiện đại du nhập ở Singapore sang. Tuy nhiên, một điều mà mình đáng tiếc là cư dân ở đây không giỏi tiếng Anh. Chỉ có những ai làm trong ngành dịch vụ, thường xuyên tiếp xúc với du khách, hoặc những bạn trẻ được học tiếng Anh từ nhỏ, hoặc yêu thích du lịch và có bạn bè là người nước ngoài, thì mới giao tiếp được tiếng Anh thôi.
Trở lại với chuyến phà đi Batam của mình. Có nhiều loại phà, tùy theo sức chứa với trang thiết bị mới hơn, hiện đại hơn mà vé phà sẽ có sự xê xích khác biệt. Phà mình đi (Batam Fast Ferry) chỉ là loại bình thường thôi. Phà có hai tầng, ghế ngồi đơn sơ, có Wifi, có máy lạnh nhưng du khách có thể mở cửa đón gió biển. Đặc biệt là vé phà không có đề số ghế, mà tùy bạn chọn.
Nội thất bên trong phà đi Batam của hãng Batam Fast Ferry
Đúng giờ (xê xích chút xíu) thì phà cũng rời cảng
Nhìn lại cảnh quan Singapore nè
Ít khách cho nên mình có thể rời ghế mà đi loanh quanh tới bên cửa sổ chụp ảnh. Phà chạy bằng dầu nên cũng nặng mùi, nếu bạn bị say sóng thì nên uống thuốc trước khi đi nha.
Rảnh đứng quay một đoạn phim bên cửa sổ
Mình và bạn nữ Hồi giáo Indonesia chọn chỗ ngồi gần bên. Trong lúc đi phà thì hai đứa mình cũng tranh thủ hỏi nhau vài câu, và mình không quên hỏi thăm bạn ấy cách thức để đi từ bến tàu về nhà nghỉ của mình khi đến Batam. Do mình không xài sim card 3G hay 4G khi đi du lịch, nên không thể dùng ứng dụng di động (app) Gojek để bắt xe được. Ứng dụng này cũng giống như Grab vậy đó. Mà hình như hãng GoViet của Việt Nam cũng được xây dựng từ ứng dụng Gojek của Indonesia này. Mà bạn nữ kia cũng không dùng ứng dụng này luôn, vậy nên mình nhờ bạn khi nào tới nơi thì giúp mình gọi taxi.
Phà đi khá là nhanh, cũng êm nữa, khoảng 1 tiếng thì tới Batam thật. Giờ ở Batam bằng giờ Việt Nam, nghĩa là đi sau Singapore 1 giờ. Chuyến phà của mình khởi hành lúc 9:30 theo giờ Singapore, đi mất 1 tiếng, thì sang tới Batam vẫn là 9:30 theo giờ địa phương Batam.
Cảng Batam Centre
Chào mừng tới Batam. Á hí hí, có chút hồi hộp khi được thăm một quốc gia khác nữa, mà chỉ 1 tiếng trước đó, mình vẫn còn ở Singapore.
Trước chuyến đi thì mình lo lắng, hồi hộp về việc nhập cảnh Singapore, rằng không biết có được vô quốc gia này hay không, mà lý do chính là vì mình là nữ và đi một mình. Nhưng ở quầy nhập cảnh Singapore, người ta chẳng hỏi han vặn vẹo gì mà đóng dấu bụp bụp cho đi, nhanh hết sức à. Còn lúc làm thủ tục nhập cảnh vào Batam, anh nhân viên ở quầy xuất nhập cảnh làm như mình là gì á, hỏi tùm lum luôn, cái gì mà mày vô Batam làm gì, mày không phải qua đây làm việc đó chứ. Ủa? Cái gì vậy trời?
Anh bạn O. của mình cho biết, có rất ít du khách Việt Nam sang đây. Tuy nhiên, ở Batam lại có một địa danh riêng biệt của người Việt, mà mình sẽ nhắc đến ở bài sau nha.
Được đóng mộc nhập cảnh rồi nè. Hải quan hỏi thì hỏi, cứ bình tĩnh trả lời theo sự thật thôi.
Xong xuôi thì mình tái hợp với cô bạn Indonesia đi cùng chuyến phà, nói bạn đợi mình mua vé tàu đi Johor Bahru cho ngày mai. Mình có xem qua thông tin trước, rằng ở Johor Bahru thì có các cảng (biển) quốc tế như: Pelabuhan Pasir Gudang, Puteri Harbor International Ferry Terminal, Stulang Laut ferry terminal (Berjaya Waterfront, The Zon ferry terminal)… Vì mình chỉ có nửa ngày để đi loanh quanh Johor Bahru, nên mình chọn mua vé cập cảng Stulang Laut vì nhìn trên bản đồ thì cảng này gần trung tâm Johor Bahru, sẽ tiết kiệm được tiền di chuyển từ bến cảng đến trung tâm.
Vậy là mình mua vé phà của hãng Citra Indomas, chuyến 11:00 (vì muốn có thêm thời gian ở Batam), giá vé là 280.000 IDR. Giá vé đắt như vậy là vì đi tới 2 tiếng đồng hồ, gấp đôi thời gian từ Singapore sang Batam. Vì qua hôm sau đi rồi, nên lúc mua cô gái bán vé yêu cầu đưa luôn hộ chiếu để cổ làm thủ tục lên phà (boarding) luôn.
Vé phà Batam – Johor Bahru
Một số tờ tiền Rupiah (IDR) của Indonesia. Ngoài tiền giấy thì Indonesia cũng lưu hành tiền xu (có các loại xu mệnh giá 25, 50, 100, 200, 500, 1.000). Nhắc lại xíu là trước khi đi mình đổi tiền Indonesia ở tiệm vàng Hà Tâm với tỉ giá: 01 IDR = 1,95 VND (khoảng tháng 6/2019).
Mua vé xong, bạn gái Hồi giáo kia dắt mình ra quầy taxi ở cảng để gọi cho mình một chiếc taxi đưa về nhà nghỉ. Giá taxi cho quãng đường khoảng 6 km là 60.000 IDR. Đưa luôn ở quầy. Sau này anh bạn O. của mình nói là giá đó là một cái giá rất tốt, vì thực tế thì ảnh cũng chưa bao giờ đi taxi từ bến tàu về.
Xong xuôi thì hai đứa mình chia tay nhau, mình không quên vẫy tay chào và rối rít cảm ơn cô bạn mới quen biết.
Yên vị trên xe taxi rồi đây
Giao thông Indonesia ngược lại với Việt Nam, và giống với Singapore, nghĩa là đi bên trái đường
Batam đây rồi!
Trên xe, chú tài xế taxi hỏi mình từ đâu qua: Thái Lan? Philippines? Khi biết mình là người Việt thì chú à một cái, có vẻ hơi ngạc nhiên.
Ghé đổ xăng nè
Đường xá Batam cũng kẹt xe ghê, như Sài Gòn mình vậy. Trong ảnh là một người tranh thủ bán hàng rong ở chốt đèn giao thông.
Chú taxi đưa mình đến tận cửa nhà nghỉ. Lúc mình xuống xe, đứng định thần lại chưa bước vô trong, mà lôi điện thoại ra tính chụp ảnh mặt tiền nhà nghỉ hòng phục vụ cho việc viết blog sau này, chú lái taxi thò đầu ra hỏi lại, có phải đúng chỗ không. Ôi, mặc dù làm công việc lái taxi cho bến cảng (vốn là nơi tập trung các anh đại chị đại) nhưng chú đã để lại cho mình ấn tượng đầu tiên về Batam hết sức tốt đẹp.
Đây, nhà nghỉ của mình: D’Kost Batam, 1 Jalan Laksamana, Sungai Panas, Nagoya, 29444, Indonesia. Điện thoại: 0062 852 7274 3300
Đây là một nhà nghỉ gồm nhiều block nhà với nhiều phòng. Mà phòng tiếp tân là một ngôi nhà riêng, còn nơi cho du khách ở thì cách đó mấy căn. Mình tình cờ tìm được chỗ này trong lúc dò tìm hên xui trên mạng thôi, chứ không muốn làm phiền anh O. kia.
Phòng tiếp tân nè. Thủ tục nhận phòng cũng nhanh. Anh tiếp tân có mái đầu bù xù, khuôn mặt lạnh lùng và hút thuốc lá như điên hỏi mượn hộ chiếu, phô-tô-cóp-bi xong là đưa chìa khóa phòng, nhờ chị nhân viên vệ sinh dẫn mình đi nhận phòng.
Phiếu đặt phòng qua Booking.com của mình
Chỗ này thì hơi xa trung tâm, nhưng mà, mình có bạn, với tính sẽ thuê xe máy đi lòng vòng, nên ngại gì xa chứ!
Tiền phòng là 50.000 Rp (gần 100.000 đ). Rẻ bất ngờ luôn.
Hành lang dẫn vào các phòng từ một block nhà.
Mọi thứ ở nhà nghỉ này có vẻ như không được sạch sẽ, sáng sủa cho lắm
Tới phòng mình rồi đây
Là phòng riêng, tuy nhỏ nhưng cũng có đầy đủ chăn nệm, máy lạnh, khăn tắm, phòng vệ sinh, ti vi, Wifi…
Thôi, ở đảo mà có căn phòng riêng chỉ đáng 100.000 đ như vầy cũng tốt rồi. Đi bụi chịu khổ quen rồi mà!
Chìa khóa phòng
Ổ cắm của Indonesia
Mình vô Wifi, nhắn cho anh O. rằng mình đã tới nơi, rồi bảo sẽ đi ngủ cho lại sức, chứ mình buồn ngủ quá. Ảnh nhắn lại là chiều gặp, vì trước đó ảnh có nói là ảnh xin về sớm nhưng sếp không cho, do là cuối tháng, việc rất nhiều.
Mình ăn qua quýt ít bánh mang theo, rồi lên giường ngủ một giấc thiệt là ngon.
(Còn tiếp)