Sáng hôm sau, sau khi nhấm nháp xong điểm tâm trên sân thượng của nhà nghỉ Chiến, mình xuống quầy tiếp tân đề nghị thuê một chiếc xe máy số.
>> Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (5)
>> Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (4)
Nhà nghỉ chỉ làm công tác trung gian, hẳn giá thuê xe sẽ đắt hơn bên ngoài. Biết vậy mà thôi, mình lười đi loanh quanh tìm chỗ thuê xe. Muốn tranh thủ đi chơi sớm. Giá thuê xe số 1 ngày là 6 USD (cho người Việt mà theo đô la Mỹ mới ghê!), tính ra là 138.000 đ, không bao gồm xăng. Mình nhận xe xong, hỏi chỗ đổ xăng rồi theo chỉ dẫn và bản đồ offline trong điện thoại, tìm tới cây xăng, đổ 50.000 đ.
Ngoại thành Hà Nội và một số tỉnh thành vệ tinh quanh thủ đô có rất nhiều điểm tham quan hợp ý với mình (kiểu cổ kính, thiên nhiên), mà hoàn toàn có thể đi về trong ngày, chẳng hạn như: chùa Trầm ở huyện Chương Mỹ (cách trung tâm Hà nội khoảng 25 km), chùa Tây Phương thuộc huyện Thạch Thất (30 km), làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây (50 km), chùa Dâu của tỉnh Bắc Ninh (40 km),… Lúc thuê xong xe máy, mình có quá nhiều dự tính về nơi muốn tham quan. Nhưng rồi, chạy xe một hồi thì cảm nhận là giao thông Hà Nội hỗn loạn quá, lại lạ đường lạ xá, lạ xe, mà lỡ đi lạc là lạc tới tận đẩu tận đâu (mặc dù là có bản đồ, nhưng mà mình tự nhận mình là người phát triển bán cầu não phải hơn là bán cầu não trái, cho nên, cứ ra đường là hay bị lạc và mất phương hướng lắm), cho nên, mình quyết định đi làng gốm Bát Tràng. Tính là nếu còn thời gian thì tìm nơi khác mà đi.
Đây có lẽ là hàng cây xà cừ lâu năm trên đường Hoàng Diệu
Thấy một hàng cây hoa ban đang nở rộ rất đẹp, tính tấp vô chụp ảnh, nhưng mà phải gửi xe rắc rối mất thời gian quá, nên chụp đại tấm ảnh rồi đi luôn.
Khu vực này còn lưu giữ nhiều công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc với các phong cách kiến trúc tân cổ điển, kiến trúc Đông Dương…
Hà Nội mỗi mùa mỗi vẻ. Độ tháng ba là quãng cuối xuân, là mùa của cây cối đang thay lá mới, là mùa của hoa bưởi, hoa sưa, hoa ban…
Một góc phố cổ sầm uất
Thật may vì thủ đô vẫn còn giữ lại được những con đường nhỏ, những ngôi nhà cổ để hình thành nên một phố cổ Hà Nội – một trời thương nhớ như thế này…
Ô Quan Chưởng, một trong năm cửa ô nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa (cùng với ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Đống Mác, ô Chợ Dừa), nay chỉ còn lại duy nhất. Ô Quan Chưởng (hay Ô Đông Hà), được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1749), nằm ở phía Đông của kinh thành Thăng Long, cách bến sông Hồng xưa chỉ khoảng 80 mét nên thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán từ các vùng khác với kinh thành. Tên gọi Ô Quan Chưởng là để tưởng nhớ công lao và sự hi sinh cao cả của một viên quan Chưởng Cơ đã cùng 100 binh lính nhà Nguyễn quyết tâm chiến đấu chống quân Pháp đến cùng khi chúng tấn công Hà Nội ngày 20/11/1873 qua cửa ô.
Một đoạn “con đường gốm sứ ven sông Hồng” được tổ chức Guinness thế giới công nhận là “bức tranh gốm dài nhất thế giới”
Đây là công trình nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (khởi công năm 2007 và hoàn thành vào tháng 10/2010)
“Con đường gốm sứ” dài gần 4 km, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Công trình là bức tranh gốm đa dạng mang dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng.
Cầu Chương Dương (khánh thành năm 1985) bắc qua sông Hồng, trên quốc lộ 1A, nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên.
Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam mà không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài.
Sông Hồng
“Hà Nội” có nghĩa “nằm trong sông”, vì Hà Nội được bao bọc bởi 2 con sông là sông Hồng và sông Đáy. Tên gọi “Hà Nội” bắt đầu được dùng làm địa danh ở Việt Nam từ năm Minh Mạng thứ 12 (Tây lịch năm 1831) khi có một tỉnh có tên là tỉnh Hà Nội được thành lập ở Bắc Thành.
Chạy lên đường đê quanh sông Hồng
Cái xe máy mà mình thuê đây này
Dừng chụp hoa dại ven đường
Ngang qua đình làng Nha (Đình Nha, Nha Thôn) – một di tích lịch sử thuộc quận Long Biên
Du lịch miền Bắc là bạn sẽ “no mắt”, “bội thực” với các thể loại đình, đền, miếu ha
Lại ngang qua di tích lịch sử chùa Cự Linh, quận Long Biên
Tới di tích lịch sử chùa Thổ Khối (Sùng Phúc Tự), vẫn là quận Long Biên
Chùa này rộng rãi, vắng vẻ nên tấp vô chơi nè
Tên chữ của chùa là Sùng Phúc Tự, có nghĩa là tôn sùng điều phúc, hay mong muốn phúc quả cho chúng sinh
Phía trước chùa là một chiếc ao (giếng) mát
Theo phong thủy, vị trí của chùa Thổ Khối rất đặc biệt và được xem là có thế đất thiêng: nằm trên một thế đất cao, quay mặt hướng Tây (miền cực lạc). Hướng Tây cũng là hướng hợp âm dương. Bởi lẽ hướng Tây mang yếu tố âm, mặt Thánh là dương, lưng Thánh là âm, hướng về Đông (dương), hướng Bắc là âm, ứng với tay phải Thánh là dương, hướng Nam là dương, ứng với tay trái Thánh là âm. Tất cả các hướng đều thể hiện cho âm dương đối đãi để sinh sôi, phát triển. Khu đất chùa còn tượng trưng cho đầu một con rồng, dải đất xóm Tự Do dưới thân rồng, để đối với ngôi chùa, tạo thành biểu tượng lưỡng long chầu nguyệt, mà mặt trăng là chính là giếng chùa.
Không có tài liệu nào đề rõ thời gian hình thành chùa Thổ Khối. Có tài liệu cho rằng ban đầu, chùa chỉ thờ Quan Âm Nam Hải. Hiện tại, ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ Chầu bà, Tứ phủ Quan hoàng, Cô, Cậu, Động Sơn Trang và Đức Thánh Trần. Vậy nên mới có tên gọi chung: đình và chùa Thổ Khối.
Ngoài hệ thống chuông, khánh và bia đá cổ, chùa còn lưu giữ rất nhiều hiện vật cổ như hệ thống hoành phi, câu đối miêu tả cảnh sắc nơi đây.
Sân chùa vắng lặng
Ảnh tự chụp, he he…
Lại tiếp tục lên xe, chỉ còn 6 km nữa là tới làng gốm Bát Tràng (vốn cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km)
Vẫn là đi trên con đường đê ven sông Hồng
Bảng quảng cáo ổi găng Cự Khối – “đặc sản” của quận Long Biên
Cảnh bình yên của ngoại ô Bắc bộ
(Còn tiếp)
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.