DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (13)


Mặc dù là cảnh sắc Mai Châu với những đồng ruộng bao quanh đối với mình rất là thân quen, do có sự tương đồng với cảnh quan Bình Định quê mình, nhưng mà mình vẫn rất thích ngắm nhìn, và tận hưởng không khí mát mẻ trong lành cũng như vẻ thanh bình nơi đây.

>> Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (12)
>> Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (11)

Không hẳn vì đây là lần đầu tiên mình đến với Mai Châu. Mà có lẽ vì, mình vốn yêu thích thiên nhiên, ruộng đồng, cây cối, núi non… Cho nên là, dù phải đi đoạn đường xa từ Sài Gòn, đến được đây chỉ để nhìn khung cảnh quen thuộc như vậy, mình vẫn không cảm thấy hối tiếc gì hết.

Ngược lại, mình còn tự hỏi, tại sao quê mình (huyện Hoài Nhơn) cũng đầy những cảnh đẹp và bình yên như vậy, lại không phát triển ngành du lịch? Nhưng có lẽ chính vì sự kém phát triển đó, lại có mặt tốt khác là cảnh quan vẫn được giữ vẻ hoang sơ và yên ả, không bị du lịch hóa mà trở nên đông đúc, xô bồ, môi trường thiên nhiên ít bị tàn phá, người dân chất phát thật thà,…

Tất nhiên, giá như có thể làm cách nào đó để phát triển du lịch một cách bền vững: vừa để thế giới biết đến vẻ đẹp của một quốc gia, địa phương nào đó, vừa vẫn có thể quan tâm đến vấn đề môi trường, gìn giữ lối sống tốt đẹp của văn hóa bản địa, thì tốt biết mấy!

Mình tung tăng đạp xe qua hàng chục cánh đồng, vừa để ý xem người ta có bán gì ăn dọc đường không. Nhưng lúc này đã quá giờ cơm trưa, còn cơm tối thì chưa tới. Chỗ tập trung đông du khách với các cửa hàng lưu niệm, nhà nghỉ, khách sạn thì vẫn chưa thấy dọn ra bán gì ăn được hết. Nên mình chỉ dừng lại mua ly nước mía uống cầm hơi. Phải chi có ai bán cơm lam vào giờ này. Món này ăn chay khỏe, lại no lâu!

Rồi mình đạp xe ra thị trấn Mai Châu, hi vọng có gì đó mua ăn chống đói.

Một cây hoa ban

Thị trấn Mai Châu đây rồi

Trước bệnh viện thị trấn Mai Châu

Người miền Bắc dùng từ “mía đá” thay cho “nước mía” của người Trung, Nam mình nè

Hổng thấy có gì ăn được nên tấp đại vô một cửa hàng tạp hóa hỏi mua mì gói tô, xong mình hỏi cô bán hàng có nước sôi không. Trời ơi, cổ dễ thương ghê khi vô nhà lấy tô đũa pha luôn giùm mình, rồi kêu mình vô phòng khách nhà cổ ngồi ăn tự nhiên. He he, chuyến này đi toàn gặp người tốt.

Biết vậy thì không cần mua mì tô, đỡ tốn cái tô nhựa. Hạn chế xả rác ra môi trường lúc nào thì cứ làm, tốt mà!

Ăn xong thì mình mua thêm 2 mì tô mang đi để tối và sáng mai xin nước ở nhà nghỉ mà ăn. Sau đó mình chạy thêm một đoạn cũng trong thị trấn Mai Châu ngó nghiêng. Hên trên đường đi gặp được chị bán bắp nấu, vậy là mua vài cái dành lát ăn tiếp.

Biển quảng cáo hang Mỏ Luông (gồm 4 động chính với những chùm nhũ đá huyền ảo) thuộc quản lý của khách sạn Mai Chau Lodge. Nhưng mình hổng có hứng thú tham quan.

Về lại bản Lác

Một du khách Tây đạp xe trên đường

Chú này đang thăm ruộng, nhổ cỏ thì phải

Ảnh tự chụp

Ăn giữa ruộng là một cảm giác thích thú. Đứng nhai bắp mà cũng bị dân địa phương đi ngang qua chọc ghẹo nữa.

Chiều dần buông

Một hoàng hôn thiệt đẹp

Nắng vàng như rót mật

Quay trở lại đoạn nhà cửa hàng quán đông đúc

Một người phụ nữ địa phương đang may sản phẩm

“Mò” ra được con đường nhỏ dẫn ra một đám ruộng gần đó

Chỉ muốn dừng chân mãi ở nơi này

Lại tự chụp ảnh. Đằng sau là một nữ du khách Tây đang uống bia một mình. Phải rồi ha, sao lúc nãy mình không mua bia trong tiệm tạp hóa rồi ra ruộng ngồi uống, cảm giác sảng khoái biết bao nhiêu?!

Mình đạp xe về nhà nghỉ thì thấy nhà vắng tanh. Chị chủ và thằng con trai lại đi đâu rồi. Còn có mỗi anh chủ, ảnh hỏi chuyện mình rồi bảo: tối nay đi ăn đám hội lễ lạc gì đó của người Thái trong bản với chú (lúc này chưa biết tuổi nhau), mình đồng ý luôn. Dù sao cũng rảnh.

Nói thêm một chút về dân tộc thiểu số ở tỉnh Hòa Bình. Hòa Bình là một trong 9 tỉnh của Việt Nam mà trong đó có người Kinh (Việt) không chiếm đa số, đồng thời tỉnh này cũng được coi là thủ phủ của người Mường. Người Mường xét về phương diện văn hóa – xã hội là dân tộc gần gũi với người Kinh nhất. Người Thái chủ yếu sống tập trung ở huyện Mai Châu. Tuy sống gần với người Mường lâu đời và đã bị ảnh hưởng nhiều về phong tục, lối sống (đặc biệt là trang phục), nhưng dân tộc Thái ở Mai Châu vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo.

Những dân tộc thiểu số khác ở tỉnh Hòa Bình như: người Tày chủ yếu tập trung ở huyện Đà Bắc, sống xen kẽ với người Mường, người Dao. Dân tộc này có tập quán và nhiều nét văn hóa gần giống với người Thái, đặc biệt là ngôn ngữ. Người Dao sống thành cộng đồng ở các huyện Đà Bắc, huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Cao Phong, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình. Người H’mông sống tập trung ở xã Hang Kia và Pà Cò của huyện Mai Châu.

Tối hôm đó, mình theo anh chủ nhà nghỉ đi bộ ra chỗ tập trung lễ hội của người Thái, chỗ gần khoảng sân rộng rãi mà mình đi qua lúc chiều. Chỉ nhớ anh chủ giải thích đó là lễ hội mùa màng gì trong mùa xuân, mà ảnh gọi là tết người Thái. Mình nghĩ trong đầu, lễ hội thì chắc là vui lắm, có hát múa dân tộc thiểu số, có phần lễ (cúng kiếng, đọc bùa chú…) lẫn phần hội, nên mới ham vui đi chung xem cho biết. Ngờ đâu tới nơi thì thấy người ta bày bàn tiệc, dựng màn hình chiếu cùng mấy cặp loa thùng để hát karaoke như một đám cưới hay đám cúng giỗ ở quê. Mà hát karaoke những bài gì? Toàn là nhạc trẻ xập xình với nhạc sến Bolero miền Tây sông nước không mới ghê!

Làm thất vọng quá chừng! Ai mượn tưởng tượng và kỳ vọng quá nhiều làm chi?!

Vậy nên mình chỉ ngồi vào bàn một lúc, nghe anh chủ nhà giới thiệu mọi người (toàn thanh niên trai tráng trong bản), rồi ăn thử xôi nếp chấm với chẳm chéo (hay chẩm chéo). Thứ này thì mình biết, vì mình có cô bạn mang nửa dòng máu Tày từng chỉ cho mình cách làm, đó là muối chấm cổ truyền của dân tộc Thái vùng Tây Bắc với nguyên liệu chính bao gồm muối, hạt dổi, tỏi, hạt dẻ, húng lủi, rau thơm, ớt bột, sả; dùng chấm kèm với xôi, các món luộc, đồ nướng, rau sống. Nghe nói chẳm chéo còn bao gồm cá cơm nữa, nhưng hổng biết ở đây người ta có dùng không. Dù sao thì mình cũng lỡ thử rồi.

Mình uống chung với các anh trai 3 ly rượu gạo (nhỏ thôi, nhưng cũng hơi lâng lâng à), rồi cáo từ đi bộ về trước. Mình đâu thích mấy bữa giao lưu tiệc tùng như thế này. Các bạn thấy mình thường đi du lịch một mình, có vẻ hợp với “món” này, và vẫn rất tận hưởng thú vui một mình là hiểu ha. Nhất là việc giao lưu ngồi ăn uống hát hò với những người lạ thì mình càng không quen cho lắm!

Dù rằng, theo lẽ thường, lý ra những người ham thích du lịch thường có tính tình cởi mở, phóng khoáng, thích giao lưu, dễ bắt chuyện, hay kết bạn cùng người lạ.

Trên đường về mình còn đứng hóng gió ở cầu Lác một lúc, ngắm trăng sao, tranh thủ hít thở mùi ruộng đồng Tây Bắc, trước khi về nhà ngủ một giấc ngon lành.

(Còn tiếp)

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

>> Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (14)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s