Chùa Thắng Quang (Tổ đình Sắc Tứ Thắng Quang, hay chùa Cây Xay, chùa Cây Xây, chùa Cây Say) thuộc thôn Hi Tường, xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, được xem là một thắng cảnh và là ngôi chùa linh thiêng của vùng Bắc Bình Định xưa kia.
Theo tài liệu “Những ngôi chùa nổi tiếng ở Hoài Nhơn” của nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, thì tiền thân chùa Thắng Quang là một thảo am được “triệu kiến” vào năm Nhâm Thân (1692) nhưng mãi đến năm Đinh Dậu (1717), dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, ngài Minh Giác Kì Phương (hòa thượng Minh Giác), đời Pháp thứ 34 Lâm tế chánh tông, mới khai sơn là Thắng Quang Tự.
Kể từ hòa thượng Minh Giác trụ trì đến nay, chùa Thắng Quang đã trải qua 14 đời trụ trì. Trong đó, vị trụ trì có công trùng kiến là hòa thượng Bảo Tạng (1822 – 1842), trụ trì có công quảng tác Phật sự là hòa thượng Hoằng Hóa (1876 – 1913), và trụ trì có công trùng tu là hòa thượng Khánh Quý (1923 – 1943).
Chùa Thắng Quang đã được vua Bảo Đại ban “Sắc Tứ Thắng Quang tự” vào năm 1940. “Sắc tứ” là tờ lệnh của vua ban cho một ngôi chùa, hay một người nào, một sự vật nào đó. Trước đây, dưới triều Nguyễn, có khá nhiều ngôi chùa được ban sắc tứ như một danh thắng trong vùng, mà chùa Sắc Tứ Khải Đoan nổi tiếng ở Tp. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) là một ví dụ.
Chùa Thắng Quang tọa lạc trên một ngọn đồi ở lưng chừng núi Cây Xay. Thuở xưa, có mấy nhà phong thủy đến viếng chùa, đều cho rằng đất chùa có thế quý “long bàn” (tức “rồng cuộn khúc”): mình rồng nằm trong dãy Thạch Tân, đầu rồng ngẩng lên hướng Nam đó là núi Cây Xay, chót lưỡi rồng là hồ Long Thiệt ngày xưa (bây giờ là sân hạ), giữa lưỡi rồng là nơi mà chùa Thắng Quang đang tọa lạc, đỉnh đầu rồng là ngọn đồi sau chùa (nơi mà trong chiến tranh quân đội Mỹ đã từng đóng đồn).
“Thạch Tân có đèo Bình Đê
Có núi Đầu Rồng mặt ngoảnh vào Nam”
(Ca dao xưa)
Hồ Long Thiệt xưa kia quanh năm không hề khô cạn, đến nay chỉ còn lại dấu tích ở phía sau chùa có một mạch nước ngày đêm luôn chảy đến trước chùa rồi theo khe núi chảy xuống đồng bằng. Xưa kia, khi đứng trước cổng chùa, du khách có thể nhìn xa xa ra phía Đông là biển xanh phẳng lì, thấy cảng cá Tam Quan tàu bè ra vào tấp nập, còn hướng về phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ. Buổi sáng, khi mặt trời mọc ở phía Đông, ánh quang minh vừa chiếu sáng thì có một tia nắng chiếu vào sân chùa. Đây là một điều kỳ lạ mà trên núi không phải chỗ nào cũng có.
Về tên gọi núi Cây Xay (hay Cây Xây, Cây Say), do người dân trong vùng vẫn quen gọi tên như vậy vì trên núi mọc toàn cây xay, và chùa Thắng Quang cũng được gọi là chùa Cây Xay theo tên núi.
Việc hình thành chùa Thắng Quang gắn với câu chuyện thu phục cọp trắng (Bạch Hổ). Thuở xưa, người dân quanh vùng thường lên núi Cây Xay để đốn củi, lấy nước. Bỗng một ngày có hai mẹ con cọp trắng xuất hiện, ở trong một hang đá sát hồ Long Thiệt. Do đó, người dân trong vùng không ai dám đến hồ lấy nước, dù đang trong mùa hạn hán khủng khiếp.
Vào một đêm, có nhà sư chẳng biết từ đâu tới, đi thẳng lên núi, dân làng gọi lại cũng mặc kệ. Sau đêm đó trở đi, người làng thấy ở hồ Long Thiệt có ánh đèn, vài ngày sau lại thấy nhà sư phát dọn quanh hồ. Nhiều người kéo nhau lên núi xem thực hư thế nào thì nhà sư cho biết đã thu phục được hai mẹ con cọp trắng, chúng sẽ không còn hại người, và khuyên dân làng cứ lên núi bình thường.
Cảm tạ ân đức đó, dân làng đã xin cất chùa gần hồ cho nhà sư ở lại tu hành, khai hóa Phật pháp, giúp dân làng thu phục thú dữ. Nhà sư đồng ý nhưng chỉ khuyên mọi người xây một cái am nhỏ để không tốn tiền của, công sức.
Dân làng rủ nhau vào núi đốn gỗ, cắt tranh dựng am. Khi dựng xong, các bô lão trong làng xin nhà sư cho biết pháp hiệu và đặt tên am, thì sư thản nhiên bảo: “Đây là linh địa, tôi không có duyên với núi này. Cũng vì nghiệt súc tới đây tác oai tác quái mà phải theo chúng tới đây. Chờ đến bao giờ hóa độ chúng xong thì tôi lập tức trở về núi cũ. Sau này sẽ có một vị Thiện trí thức đến khai sơn thì nơi này sẽ trở thành bảo sở. Vì vậy không cần thiết phải biết tên tuổi của tôi mà mọi người nên lo tu hành để gieo nhân lành”.
Nhiều năm sau đó, khi dân làng rủ nhau lên núi thăm nhà sư thì thấy hai con cọp đã chết từ bao giờ, nhà sư cũng đi đâu mất. Người dân bèn xây một ngôi tháp vọng bên hữu am để hằng ngày thắp hương tưởng niệm nhà sư. Họ cũng lấp kín miệng hang để bảo toàn thi thể hai con cọp. Sau này, khi trùng tu lại chùa, người ta phá hang lấy hai bộ xương cọp đặt vào hai chiếc hộp gỗ đem vào một khám thờ, gọi là am Bạch Hổ. Thời gian rất lâu sau đó, hai bộ xương cốt này đã bị hỏng dần và hiện tại thì đã không còn nữa.
Hai tháng sau khi nhà sư ra đi một cách bí ẩn, hòa thượng Minh Giác Kỳ Phương, trụ trì ngôi chùa nổi tiếng Thập Tháp Di Đà ở vùng An Nhơn (tỉnh Bình Định) trên đường vân du nghe chuyện lạ ở núi Cây Xay nên đến xem. Dân làng Hy Tường đón hòa thượng Minh Giác lên núi, kể lại chuyện cũ và thỉnh cầu hòa thượng đứng ra khai sơn chùa. Hòa thượng nhận lời và tổ chức lễ khai sơn, đặt tên chùa là Thắng Quang. Tên gọi Thắng Quang tự đã ra đời từ đó.
Bây giờ thì mời độc giả lần lượt xem ảnh đường đến chùa và cảnh chùa Thắng Quang nghen!
Đường đến chùa cũng dễ, bạn cứ đi theo Google Maps nha, lấy quốc lộ 1A phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định làm chuẩn
Phường Tam Quan, đi thẳng theo quốc lộ 1A hướng ra tỉnh Quảng Ngãi
Sau đó cứ theo bản đồ mà quẹo trái vô một con đường bê tông sạch đẹp (hướng về mỏ đá Trường Thịnh)
Ngang qua Ủy ban Nhân dân thôn Chương Hòa, xã Hoài Châu, thị xã Hoài Nhơn
Cảnh đồng quê trên đường
Mỏ đá Trường Thịnh
Ảnh tự chụp lúc tranh thủ đi dạo thêm vì cảnh quê đẹp quá!
Sau khi theo bản đồ quẹo phải vô một con đường nhỏ, thì cuối đường là con đường lát đá gập ghềnh dẫn lên chùa
Đường hơi khó đi xíu, bạn nhớ vững tay lái nghen!
Hoa rụng ven đường
Một góc đẹp trên con đường đã dẫn lên chùa. Ảnh tự chụp.
Nếp chùa Thắng Quang cũ kỹ hiện ra đằng sau vườn cây cối xanh um
Bảng sơ lược thông tin Tổ đình Sắc Tứ Thắng Quang
Sân trước cổng chùa, chỗ này có lẽ xưa kia là hồ Long Thiệt
Ảnh tự chụp
Bước lên những bậc thang in hằn dấu vết thời gian là nhà bái đường (hay còn gọi là tiền đường, nhà thiêu hương)
Tượng Phật Di Lặc ở trước chánh điện. Chánh điện ở đây được phân làm hai phần: thượng điện và hạ điện. Trong ảnh là hạ điện.
Bên cạnh công trình cũ kỹ, có thể nhận ra đã có những công trình xây mới hoặc được trùng tu trong chùa Thắng Quang.
Bên phải chánh điện chùa là một tháp chuông
Kề đó là tháp thờ và tượng Phật Quan Âm
Một tháp thờ còn khá mới
Trong chùa có trồng rất nhiều cây quăng – thứ trái cây tuổi thơ được lưu truyền lúc ăn thì đừng chép lưỡi, chứ không sẽ bị rách, rát lưỡi!
Tượng Phật Quan Âm cưỡi rồng
Chánh điện: phần hạ điện
Chánh điện phần hạ nhìn từ chánh điện phần thượng
Hai bên chánh điện, như thường thấy ở các ngôi chùa Bắc tông, là tượng hai vị Hộ Pháp. Một là ông “khuyến thiện” (tức khuyến khích làm điều thiện), và một ông chuyên trừng phạt kẻ ác, tục gọi là “ông thiện” và “ông ác”. Trong ảnh là tượng ông ác với vẻ mặt dữ tợn được đặt ở bên phải chánh điện.
Tượng ông thiện với vẻ mặt hiền từ ở bên trái chánh điện
Hạ điện
Ảnh tự chụp
Chánh điện (thượng điện)
Vào chùa hãy cẩn thận với 2 em chó khá dữ dằn đó nghen! Mấy ẻm phóng ra với tốc độ ánh sáng, nhe hàm răng nhọn hoắt. Kinh nghiệm của mình là hít thở sâu, nhẹ nhàng, bình tĩnh, đứng yên đó khi các em chạy ra. Vì mình tin rằng, tụi động vật cũng như con người, có thể cảm nhận và đánh giá người khác thông qua hành động, vẻ mặt… Nếu chúng ta tỏ ra sợ hãi thì càng dễ bị tấn công. Nên tốt nhất là cứ tỏ ra ta đây không làm việc gì sai trái để mà phải sợ hãi hay trốn tránh hết!
Xung quanh là khu vực nhà ở cho sư sãi, khu ăn uống, đón tiếp khách…
Một tháp thờ cổ kính
Tiểu cảnh hang Bạch Hổ…
Tượng Đức Phật trong vườn chùa
Cây cối xanh um trong vườn chùa, mặc dù lúc này đang là mùa nắng nóng khô hạn
Vườn chùa
Sân chùa trước hạ điện
Những cây quăng lúc lỉu trái
Trái quăng rụng đầy sân
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.
sao chùa cây Xay mà không có xay lại có quăng rụng tá lả âm binh thế? Ai giải thích
Cảm ơn bạn đã bình luận. Có câu “cuộc sống vô thường”, mọi chuyện thay đổi liên tục là điều rất bình thường. Trong khảo cổ học, người ta tìm thấy không ít hang động, ngọn núi có hóa thạch của vỏ ốc, chứng tỏ nơi đó từng là biển cả. Thì một ngôi chùa từng tọa lạc trên ngọn núi có nhiều cây xay, bây giờ cây xay không còn nữa (hoặc có mà mình không biết) cũng là chuyện không lạ gì!