Khoảng hơn 20g thì xe Bằng Phấn về đến bến xe Mỹ Đình, thủ đô Hà Nội. Mình theo chân các hành khách khác lục tục xuống xe, lấy hành lý từ thùng xe, và bị vây quanh bởi một đám lố nhố các tài xế xe ôm, xe taxi, có cả xe công nghệ (Grab) nữa.
>> Đi chơi một mình: Hà Nội – Sa Pa – Hà Giang – Ninh Bình (26)
>> Đi chơi một mình: Hà Nội – Sa Pa – Hà Giang – Ninh Bình (25)
Mình lắc đầu với tất cả các anh tài xế, mở điện thoại, vô Google Maps kiểm tra, thấy từ đây về nhà nghỉ Daisy (Daisy hostel) trong khu phố cổ mất khoảng 10 km. Coi để biết mà trả giá tiền xe về chứ hổng có gì hết. Dự tính là sẽ đi bộ ra ngoài cổng bến để đặt Grab cho tiện.
Ở Hà Nội có tổng cộng 5 bến xe khách, đó là bến xe Mỹ Đình (là bến xe lớn và hiện đại nhất), bến xe Giáp Bát (cho các hành khách đi phía Nam), bến xe Nước Ngầm, bến xe Gia Lâm (đi phía Đông), và bến xe Yên Nghĩa (thực ra là bến xe Hà Đông mới, chuyên đi Hòa Bình). Trong đó, bến xe Yên Nghĩa là xa trung tâm nhất, còn bến Gia Lâm là gần trung tâm nhất.
Có một em trai mặc đồng phục Grab (2 bánh) cứ lẽo đẽo chạy theo mình năn nỉ đi xe. Mình hỏi giá bao nhiêu, ẻm nói lấy chị tám chục thôi. Mình biết tỏng là 10 km, mà bắt Grab thì làm gì cao tới mức đó, nhưng mà ẻm cứ năn nỉ hoài, nên mình cũng xìu. Vậy thì 70.000 đ chốt giá chị đi nha. Ok luôn.
Trên xe, em trai nói chuyện với mình quá chừng. Hỏi chị đi đâu về, chị sống ở đâu, chị làm nghề gì,… Rồi khi mình nói mình 34 tuổi, ẻm ngạc nhiên lắm, đang chạy xe mà cũng quay ngoắt đầu lại nhìn mình cho kỹ, bảo tưởng chỉ hơn mình vài tuổi thôi. Ẻm đang là sinh viên, chạy Grab để trang trải. Cũng tội.
Nhưng thân gái dặm trường, về tới thủ đô mình có chút tâm lý dè chừng. Nên mình mở Google Maps trên điện thoại xe ẻm có chở mình đi đúng đường không. Cũng may, gặp người hiền lành đứng đắn.
Đây, nhà nghỉ của mình. Cứ nhìn mấy cái tên đường có chữ “Hàng…” là biết ở ngay khu phố cổ, tức trung tâm thủ đô ha.
Phòng tập thể 4 giường nam nữ ở chung, khoảng 70.000 đ/ đêm không bao gồm ăn sáng
Xác nhận đặt phòng qua Agoda
Mỗi lần trở lại một tỉnh thành nào đó, mình sẽ ưu tiên qua đêm ở những chỗ mới, hợp tiêu chí du lịch bụi của mình: tiện – thoải mái – rẻ. Chỉ khi nào gấp gáp hoặc không tìm được chỗ mới thì mới quay lại chỗ đã từng ở, cũng trong tiêu chí trên. Đây cũng là một cách để mình có thêm tài liệu về viết bài giới thiệu, đánh giá, chia sẻ cùng độc giả.
Lúc nhận phòng, mình có nói với em tiếp tân là muốn thuê một chiếc xe máy vào ngày mai. Nhưng lúc này đã gần 22g, có lẽ em không tiện liên hệ được bên dịch vụ cho thuê xe, nên có vẻ ậm ừ không chắc chắn. Mình tính sáng mai sẽ liên hệ lại.
Một góc phố cổ Hà Nội về đêm nhìn từ ban-công phòng mình
Trong phòng chỉ có mình với một ông chú người Tây đã ở trước, nhưng có vẻ khó gần, vì mình chào chú mà chú hổng chào lại, còn khi mình vừa vô giường mình (kế giường chú) thì chú liền kéo rèm giường chú che kín hết. Thiệt tình, thấy vậy nên từ lúc mới vô nhận phòng mình không nói với chú một câu nào nữa. Chú này có lẽ đang có công việc gì ở Hà Nội ấy, vì hôm sau chú có hẹn một bạn nam người Việt, đoán là dân thiết kế website, lên phòng bàn công chuyện. Thôi mặc kệ chú vậy, việc ai nấy làm.
Sáng hôm sau, mình dậy thiệt sớm, dự tính là tranh thủ thuê xe để đi Ninh Bình, đi về trong ngày. Nhưng mình hỏi bạn nam tiếp tân (lần này là bạn khác), nhưng có vẻ bạn không có hứng thú với việc thuê xe của du khách hay sao ấy (lời ít quá chăng?) nên không thấy bạn đáp lại, vậy là mình quyết định đi bộ loanh quanh gần đó tự tìm chỗ cho thuê xe. Khu phố cổ này, thiếu gì dịch vụ cho du khách chứ?
Thời tiết Hà Nội lúc này
Phía trước nhà nghỉ Daisy
Phố cổ sớm mai
Mua được gói xôi bắp ở quang gánh vỉa hè 10.000 đ. Ngon lắm nha!
Ngang qua nhà thờ Lớn Hà Nội (nhà thờ chính tòa, St. Joseph’s cathedral)
Đây, mình thuê xe máy ở chỗ này, giá khá đắt: 150.000 đ, không bao xăng (có lẽ họ tính 1 ngày thuê chỉ 8 tiếng, còn mình đi từ sáng sớm tới chiều tối mới về; với lại xe cũng không phải của họ, mà họ thuê lại từ một chỗ khác, ăn tiền chênh lệch)
Mình nói với bạn cho thuê xe là lựa cái xe tốt tốt vì mình đi Ninh Bình có một mình. Thủ tục thuê xe thì họ sẽ giữ chứng minh nhân dân của mình, rồi đưa cho mình tờ bản sao (không công chứng) giấy tờ xe của họ. Mình hỏi thăm chỗ đổ xăng gần đó, chạy đi đổ đầy bình hết 70.000 đ xăng, rồi khởi hành đi Ninh Bình.
Đường đi thì đã có Google Maps từ điện thoại lo (mình xài 3G), hoặc trên đường sẽ có bảng chỉ dẫn, hoặc cùng lắm thì hỏi người dân địa phương.
Ảnh chụp trong khu phố cổ
Phía trước chùa Pháp Bảo Tạng
Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm)
Chợ Đồng Xuân, chợ lớn nhất trong khu phố cổ Hà Nội, cũng là một trong những chợ lớn nhất của thủ đô. Kiểu như khi nói đi chợ ở trung tâm Sài Gòn thì người ta sẽ nghĩ ngay đến chợ Bến Thành.
Ga Hà Nội trên đường Lê Duẩn
Có xe lửa chạy qua nè
Tới đây rồi thì cứ chạy dọc theo đường tàu, thẳng theo con đường này là quốc lộ 1A, sẽ đi qua thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), và sẽ đến được tỉnh Ninh Bình
Viếc tới đây, nhắc đến địa danh Phủ Lý và Hà Nam, mình có chút chán ngán, bởi vì trong chuyến đi Ninh Bình hôm đó, đã có chuyện không vui một chút nào liên quan tới cái tên này.
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.
(Còn tiếp)
>> Đi chơi một mình: Hà Nội – Sa Pa – Hà Giang – Ninh Bình (28)