Hoàng hôn dần buông! Mình rời KDL Hang Múa, rời Ninh Bình trong sự nuối tiếc vì khung cảnh nơi đây quá đỗi bình yên, quá đỗi nên thơ đi…
>> Đi chơi một mình: Hà Nội – Sa Pa – Hà Giang – Ninh Bình (32)
>> Đi chơi một mình: Hà Nội – Sa Pa – Hà Giang – Ninh Bình (31)
Người lữ khách cô độc tranh thủ ngắm nhìn những cánh đồng lúa, hít hà hương lúa hương cỏ của đất cố đô.
Dừng xe uống nốt lon nước còn lại lấy sức để về. Dù biết các thứ nước ngọt này không tốt, nhưng thỉnh thoảng, trong những chuyến độc hành đường trường, mình vẫn phải dùng chúng!
Một bảng chỉ đường
Vẫn là cảnh ruộng lúa đất cố đô
Ở Ninh Bình, có một mùa du lịch thu hút các nhiếp ảnh gia, ấy là vào tháng 5 – mùa lúa chín. Vào tháng 5, Ninh Bình lúa chín đầy đồng, từ cuối tháng 5 đến tháng 6 là thời gian thu hoạch lúa, nên với những du khách yêu thích nhiếp ảnh, thì đây chính là thời điểm thích hợp nhất để chụp nhiều khung cảnh đẹp gắn với các thắng cảnh của đất cố đô.
Ngoài Hang Múa, Ninh Bình còn có rất nhiều địa danh du lịch nổi tiếng và hấp dẫn khác, như: quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, cố đô Hoa Lư (bao gồm đền vua Đinh, đền vua Lê và nhiều công trình hạng mục khác), động Am Tiên, chùa Bái Đính, vườn chim Thung Nham, vườn Quốc gia Cúc Phương, đầm Vân Long, nhà thờ đá Phát Diệm (nhà thờ Phát Diễm), đền Thái Vi, Thung Nắng, động Thiên Hà, Bãi Ngang (cồn nổi ven biển Kim Sơn), hồ Đồng Chương,…
Thiết nghĩ, Việt Nam mình quả là một đất nước có tiềm năng thu hút du lịch rất lớn. Với riêng mỗi một tỉnh Ninh Bình đã có rất nhiều địa danh để tham quan, khám phá. Thời gian đến đây, một ngày quả là không hề đủ để hiểu về vùng đất cố đô “địa linh” này.
Hu hu, miền Bắc xem mèo là một món ăn phổ biến!
Tạm chuyển tông nha, để kể các bạn nghe về trải nghiệm không mấy vui vẻ và cũng là lần đầu tiên mình gặp chuyện như vậy. Ấy là trên đường về, đến đoạn Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Tâm trạng khi ấy đang khá thoải mái do được ngắm cảnh đẹp trên đường, trong khi những tia nắng cuối ngày đang dần rót mật xuống nhân gian. Thì đi đến một ngã tư đèn xanh đỏ, mình khi ấy, đang dừng xe đúng vạch, ở lằn dành cho xe thô sơ và hai bánh. Mình cứ nghĩ, mình đi đường đúng luật an toàn giao thông lắm kia. Nhưng khi đèn vừa xanh, mình chạy lên, thì bị một anh cảnh sát giao thông (CSGT) ở chốt ngã tư ấy, ngay trước mặt, giơ dùi cui thổi còi ngoắt vô.
Ơ? Khi ấy, trên cổ mình còn đang đeo toòng teng chiếc máy ảnh, đặng thấy cảnh đẹp bất ngờ dọc đường thì dừng ngay mà chụp. Anh cảnh sát bảo mình cất máy ảnh đi, và cho xem giấy tờ.
Mình đưa giấy chứng minh nhân dân (CMND), bằng lái xe, và tờ giấy tờ xe photocopy mà lúc sáng chị cho thuê xe đã đưa. Anh cảnh sát ấy cầm lấy, rồi đưa cho một anh khác đang ở trong chốt. À, ở thành phố Phủ Lý này, mà có lẽ Hà Nội cũng vậy, các anh CSGT làm nhiệm vụ đều có chốt riêng, là một cái bốt như bốt điện thoại công cộng, nhưng được xây bằng bê tông hình tháp, tô màu vàng nhạt (kiểu kiến trúc thực dân).
Anh trong chốt coi hết giấy tờ của mình, mình mới hỏi ảnh mình bị lỗi gì. Ảnh bảo, mình đậu xe sai làn, chỗ mình đứng, phải là chỗ dành cho người quẹo phải (có vụ này nữa hả). Rồi sau đó, mình còn bị bắt bẻ là xe chỉ có một kính chiếu hậu, không có giấy tờ xe, và vô số lỗi khác từ cái xe mà mấy ảnh đã được giải thích là xe đi thuê rồi. Mình nghe mấy ảnh bắt lỗi mình mà lùng bùng hết lỗ tai. Mình mặc dù rất uất ức, nhưng cũng ráng kềm, đề nghị được đóng phạt tại chỗ (toi 250.000 đ).
Mình lên xe đi tiếp, và, lạ chưa kìa, qua tiếp một cái ngã tư nữa, lại hoét hoét, một anh CSGT lại đi ra ngoắt mình vô. Lúc ấy, nói thiệt là tâm hồn mình đang treo ngược ở đâu rồi ấy. Chẳng hiểu tại sao lại bị “hốt” một lần nữa, trong vòng đâu chừng 2 phút (do mặt mình lơ ngơ quá chăng?). Và thêm một trận lùng bùng lỗ tai, mất thêm 200.000 đ nữa.
Biết thế này, thà mình mua tour ghép đi cho rồi, vừa khỏe, lại vừa được tham quan nhiều chỗ!
Nhưng sau vụ đó, mình có thêm bài học kinh nghiệm khi thuê xe đi đường trường (chạy khác tỉnh thành) là phải thuê ở chỗ uy tín, xe đàng hoàng, giấy tờ phải đầy đủ.
Lúc gần về tới Hà Nội thì tấp vô một quán nước uống ly nước mơ ngâm đường nè (ly này 10.000 đ). Thèm món này lắm luôn á, và phải uống ở tận nguồn thì mới có cảm giác! Sẵn ngồi nói chuyện vài câu với cô chủ quán dễ mến, hoàn hồn sau vụ vừa rồi.
Ngắm mặt trời lặn ven đường ray quốc lộ 1A
Về tới Hà Nội khi trời đã tối hù.
Trả xe và lững thững đi bộ về nhà
Ghé một cửa hàng tiện ích mua nước suối uống, nhưng mua trúng nhãn hiệu FIJI đắt thấy bà luôn (71.000 đ cho chai 1,5l; về đọc quảng cáo mới biết đây là loại nước khoáng thiên nhiên tinh khiết được đóng chai trực tiếp ngay tại mạch nước ngầm trên quần đảo FIJI, thấy bảo là quốc đảo ở Châu Đại Dương).
Về lại nhà nghỉ Daisy, tắm rửa, nghỉ ngơi thôi.
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.
(Còn tiếp)
>> Đi chơi một mình: Hà Nội – Sa Pa – Hà Giang – Ninh Bình (34)