Chùa Xiêm Cán là ngôi chùa theo Phật giáo nguyên thủy (Phật giáo Nam tông, Phật giáo tiểu thừa) nằm trên tỉnh lộ DT31, thuộc ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Thạnh Đông, cách thành phố Bạc Liêu khoảng 7 km. Đây được xem là ngôi chùa Khmer đẹp nhất Bạc Liêu.
Chùa Xiêm Cán được khởi công xây dựng vào năm 1887, và đã trải qua nhiều đợt trùng tu xây dựng. Tuy đây không phải là ngôi chùa Khmer cổ nhất ở khu vực này, nhưng chùa Xiêm Cán luôn là thu hút du khách đến tham quan khi đi du lịch Bạc Liêu bởi lối kiến trúc và thiết kế độc đáo, tinh xảo. Ngoài ra, chùa Xiêm Cán cũng nằm trên cung đường tiện thể tham quan các địa danh nức tiếng khác của Bạc Liêu, như nhà công tử Bạc Liêu, điện gió Bạc Liêu,…
Vốn dĩ lúc mới xây dựng, chùa Xiêm Cán có tên Khmer là Komphisako, ý tức “biển sâu”, nói lên sự thâm sâu, uyên bác của trí tuệ nhà Phật. Ngoài ra, chùa còn có tên theo địa danh là Komphirsakor Prét Chru. “Prét” có nghĩa là “sông”, còn “chru” có nghĩa là “sâu”, ghép lại là “sông sâu”. Theo thời gian, một bộ phận người Hoa gốc Triều Châu (Trung Quốc) đã đến khu vực này định cư, vì tiếng Khmer khó đọc nên họ đã dịch từ Prét Chru sang Xiêm Cán (Xiêm Cán nghĩa là “giáp nước”, ý nói ngôi chùa ngự trên một vùng đất ngay bên cạnh bãi bồi ven biển, do khi xưa chùa Xiêm Cán chỉ cách bờ biển khoảng 500 m, nhưng do bờ biển Bạc Liêu là dòng biển bồi nên hiện tại khoảng cách từ chùa đến bờ biển đã thành khoảng 5 km.
Chùa Xiêm Cán bao gồm tổng thể kiến trúc của nhiều hạng mục như: tường thành bao quanh, cổng tam quan, chánh điện, tháp chuông, tháp thờ (mộ tháp, stupa, là nơi đựng cốt), giảng đường, nơi nghỉ ngơi của các sư,… Tất cả các hạng mục đều thể hiện rõ phong cách Khmer truyền thống và đều quay về hướng Đông.
So với những ngôi chùa Khmer nói chung, chùa Xiêm Cán ở Bạc Liêu được thiết kế khá lộng lẫy và rực rỡ, mang tính nghệ thuật cao. Nếu có dịp, mời bạn hãy đến Bạc Liêu và tự tham quan, cảm nhận về kiến trúc, phong cảnh của chùa Xiêm Cán!
Tường bao quanh chùa Xiêm Cán
Cổng tam quan nhìn từ sân trong
Các ông lục đang lao động
Từ lâu đời nay, chùa Khmer là tụ điểm sinh hoạt văn hóa – xã hội của đồng bào người Khmer. Trong mỗi chùa có nhiều sư (gọi là các ông lục) và do sư cả đứng đầu. Theo tập tục của người Khmer, người con trai khi lớn lên (khoảng 14-15 tuổi) phải vào chùa tu để báo hiếu cho cha mẹ, học kinh Phật và những kiến thức cần thiết cho cuộc sống (như kiến thức phổ thông, chữ Việt, chữ Khmer, nhạc ngũ âm…). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tu, họ hoàn tục về đời thường, đem kiến thức phụ giúp gia đình, đền ơn công dưỡng dục của bậc sinh thành và phục vụ xã hội.
Chánh điện chùa Xiêm Cán
Hành lang chánh điện
Bên trong chánh điện
Có thể thấy các chi tiết trang trí tỉ mỉ, lộng lẫy, và đặc sắc vô cùng!
Khu vực mộ tháp
Các công trình khác
Các ông lục vô tư nô đùa trong nắng trưa
Một vài hàng quán bên trong sân chùa
Nếu như bạn thắc mắc vì sao trong khuôn viên chùa lại có một quán… bún nước lèo, thì đọc tiếp nội dung bên dưới nha!
Hệ phái Phật giáo nguyên thủy (Nam tông) theo chủ trương trong thời Đức Phật còn tại thế, thực hành hạnh trì bình khất thực, đi nhiễu quanh làng xóm, mọi người cúng dường thức gì thì ăn thức nấy, nên không phân biệt thức ăn chay hay mặn. Vì vậy, tu sĩ Phật giáo Nam tông không ăn chay thuần túy như Phật giáo Bắc tông (Phật giáo phát triển, Phật giáo đại thừa), mà được phép dùng mặn theo luật “Tam Tịnh Nhục”, có nghĩa là thực phẩm mặn phải hợp thời, không thấy, không nghi, và không nghe (thấy) sinh vật bị giết hại vì mình.
Chư tăng Nam tông chỉ dùng ngọ (dùng ngày một buổi), không ăn sau 12 giờ trưa. Thường tu sĩ Nam tông ăn cháo vào buổi sáng, trưa dùng ngọ, chiều có thể uống sữa, nước cháo, hoặc nước trái cây…
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.