DU KÝ · Du Ký Việt Nam

7 lý do khiến mình “đánh rơi con tim” ở An Giang


An Giang là một trong những tỉnh thành hiếm hoi ở Việt Nam mà mình có thể du lịch nhiều lần, đi tới đi lui, thăm đi thăm lại bao nhiêu lần vẫn không biết chán! Lý do vì sao vậy?

Chung quy lại, nguyên nhân là vì An Giang là tỉnh hiếm hoi ở miền Tây Nam bộ có vị trí địa lý và địa hình ưu đãi, vừa có đồng bằng, vừa có núi (điển hình là vùng Thất Sơn gồm 7 ngọn núi thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn), có thác, có hồ, kênh rạch, lại còn là tỉnh giáp với đất nước chùa Tháp Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thông thương mua bán. Đã vậy, nơi đây lại là địa danh khá tâm linh và gắn liền với những câu chuyện huyền bí, những sự kiện lịch sử từ thời khai hoang mở cõi (câu chuyện về kênh Vĩnh Tế và giai thoại về Thoại Ngọc Hầu).

Bên cạnh đó, An Giang là tỉnh có dân số đông nhất trong các tỉnh thành ở khu vực miền Tây Nam bộ, trong đó bao gồm dân tộc Việt sống đan xen chan hòa với dân tộc Khmer, Chăm, và Hoa, từ đó hình thành nên sự đa dạng về mặt văn hóa, các phong tục tập quán,…

Nói về lý do chi tiết vì sao du lịch An Giang hấp dẫn mình đến như vậy, khiến mình có thể “đánh rơi con tim” ở nơi này, mời bạn nghía qua những nguyên nhân thuyết phục như sau:

1. An Giang là xứ sở của thốt nốt

Có thể nói mình bị cuồng hai loài thực vật liên quan tới du lịch: một là dã quỳ, hai là thốt nốt. Cứ mỗi khi nhìn thấy các em, ở bất cứ nơi đâu, là lòng mình lại dâng lên một nỗi niềm tự do phóng khoáng hoang hoải đến lạ kỳ!

Và vì An Giang có rất nhiều cây thốt nốt, vừa tạo cảnh đẹp, vừa mang lại giá trị kinh tế khi làm nên các sản phẩm đặc sản thốt nốt, mình yêu thốt nốt, nên yêu luôn An Giang. Vả lại, mình cũng mê uống nước thốt nốt, mà phải uống ở tại An Giang thì mới cảm thấy ngon, thấy thú vị mọi người à!

Cây thốt nốt ở An Giang

Thốt nốt trái tim ở huyện Tịnh Biên

Thốt nốt trái tim ở huyện Tri Tôn

2. An Giang là thế giới của những ngôi chùa Khmer đẹp và bình yên

Mình không theo đạo gì hết, nhưng có xu hướng thích đọc và ngắm nhìn những gì liên quan đến Phật giáo hơn là các tôn giáo khác. Trong đó, mình lại có cảm giác khá thoải mái so với Phật giáo nguyên thủy (Phật giáo Nam tông, Phật giáo tiểu thừa). Ý kiến cá nhân của mình, có lẽ do chùa Nam tông không bao giờ đóng cửa, chỉ thờ mỗi tượng Phật Thích Ca ở bên trong, không thắp nhang cúng vái đặt nặng lễ nghĩa, và kiến trúc thiết kế thì luôn đẹp lộng lẫy, rực rỡ, kết hợp với không gian cây xanh rộng lớn thoáng đãng bao quanh.

Mà ở An Giang, có hàng chục những ngôi chùa Nam tông mang phong cách thiết kế Khmer tuyệt đẹp giữa không gian bình yên, tĩnh tại.

Cổng chùa Kon Kas (chùa Tual Prasat)

Chùa Xvay Ton (chùa Xà Tón)

Chùa Tà Pạ

Nói như vậy không có nghĩa là An Giang không có những ngôi chùa theo Phật giáo phát triển (Phật giáo Bắc tông, Phật giáo đại thừa) tuyệt đẹp khác!

Chùa Kim Tiên

Phước Lâm Tự (chùa Lầu)

3. Phong cảnh thiên nhiên An Giang đẹp và phong phú

Như đã nói ở đầu bài viết, do vị trí địa lý nhiều thuận lợi mà An Giang rất thích hợp để phát triển nhiều loại hình du lịch từ cảnh quan thiên nhiên cho đến tìm hiểu về văn hóa lịch sử. Về cảnh quan thiên nhiên thì vùng đất trứ danh này được thiên nhiên ưu đãi, hình thành nên những ngọn núi, rừng, suối thác,…

Rừng tràm Trà Sư là địa danh du lịch rất nổi tiếng ở An Giang

Hồ Tà Pạ

Đồi Mộng Mer (đồi Mộng Mơ)

4. Con người An Giang dễ thương, thiệt tình

Người An Giang nói riêng và người miền Tây Nam bộ nói chung đều có đặc trưng là hiếu khách, nhiệt thành và thiệt tình trong lời ăn tiếng nói. Ngoại trừ một số thành phần “con sâu làm rầu nồi canh” ở một số tụ điểm du lịch nổi tiếng (ví dụ nạn chặt chém khi mua nhang đèn hoa bánh trái viếng Mẹ ở chùa Bà Châu Đốc), thì đa số những người dân địa phương An Giang chính gốc mà mình từng có duyên gặp gỡ trên đường đều vui vẻ, giúp đỡ du khách hết mình.

Người dân địa phương trên chợ nổi Long Xuyên

Cô bán hàng rong với món bánh ít, bánh bò thốt nốt

5. Nền văn hóa đa dạng

Như đã nhắc ở đầu bài, An Giang là tỉnh có sự sinh sống đa dạng và hòa hợp của các dân tộc Việt, Khmer, Chăm và Hoa, nên tỉnh miền Tây này có rất nhiều điểm tham quan văn hóa, lịch sử cùng các tập tục, lối sống đa dạng cho du khách khám phá.

Thánh đường Hồi Giáo Jamiul Azhar ở làng Chăm Châu Giang

Kiến trúc một ngôi chùa Hoa ở thành phố Long Xuyên

6. An Giang là thiên đường của người ăn chay

Với người du lịch ăn chay trường như mình, miền Tây Nam bộ quả là điểm đến lý tưởng, vì có vô số hàng quán chay dọc khắp các nẻo đường. Trong cuốn sách “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, tác giả Nguyễn Hiến đã giải thích đại ý rằng, miền Tây sông nước phóng khoáng tự do, đất đai rộng rãi mênh mông, con người ở đây không cần lo nhiều đến cái ăn cái mặc, nên họ mới có thời gian để mà tu hành. Đó là lý do vùng này có rất nhiều tu sỹ, cư sỹ các thể loại. Và có lẽ cũng bởi vì lý do đó, mà việc tu hành dẫn tới việc ăn chay, rồi hình thành nhiều quán chay ở miền Tây Nam bộ của Việt Nam mình.

Cá nhân mình thấy, riêng ở An Giang và Sa Đéc là hai nơi mà bạn có thể ăn chay rất dễ dàng, vì hàng quán chay ở đây rất nhiều, lại đa dạng và phong phú về các món ăn từ cơm, hủ tiếu, bánh canh, cháo, phở, lẩu chay cho tới bánh mì, bánh cống (bánh cóng), gỏi cuốn cùng các món ăn chơi chay khác. Tuy nhiên, nếu như khẩu vị món ăn miền Tây Nam bộ nói chung là ngọt đường, thì ở Sa Đéc vị này trở nên rất ngọt và rất đậm, thậm chí là rất gắt. Nhưng ở An Giang thì chỉ là vị ngọt đường vừa phải, nếu ai đã ăn quen vị miền Tây rồi thì sẽ cảm nhận đồ ăn ở đây rất ngon đó!

Bánh xèo rau rừng chay, nếu du lịch ở vùng Núi Cấm An Giang thì bạn sẽ thấy các quán bánh xèo rau rừng bày bán trên đường nhiều lắm, chay mặn đều có!

Chè thốt nốt ở thành phố Long Xuyên, một món ăn mà mình rất thích!

Nếu các bạn không ăn chay, có thể tham khảo các món đặc sản của An Giang như: bún cá Châu Đốc, bánh tằm bì Tân Châu, bò bảy món Núi Sam, cơm tấm Long Xuyên, gà đốt lá chúc Ô Thum,…

7. Vật giá phải chăng nếu không muốn nói là rẻ

Về yếu tố này thì hợp với những người du lịch bụi bặm, có yêu cầu cao với chi phí chuyến đi nè. Với tính cách chân thật, xởi lởi, phóng khoáng đặc trưng của miền Tây Nam bộ, những người dân An Giang chính gốc hiếm khi chặt chém du khách các bạn à. Cho dù là bạn có là một người khách lạ chỉ tình cờ ghé qua mua đồ hay sử dụng sản phẩm, dịch vụ của người dân một lần thôi!

Một quán bán các đặc sản An Giang từ thốt nốt: nước thốt nốt, đường thốt nốt, nước màu đường thốt nốt,… Một chai nước thốt nốt bự (loại 1,5 lít) chỉ có giá 20.000 đ thôi! Bịch đường thốt nốt (loại viên tròn, gồm 15 viên) chỉ có 15.000 đ, mình mua về nấu chè ăn ngọt thanh và thơm lắm luôn á!

An Giang tuyệt vời như vậy, còn chần chờ gì nữa mà không lên kế hoạch cho chuyến đi An Giang đầy ngẫu hứng của bạn?

À, ngoài An Giang, các địa danh du lịch khác ở Việt Nam mà mình cảm thấy thương mến vô hạn ấy chính là: Đà Lạt, Hội An, Hà Nội, Sa Đéc, Hà Giang. Cho đến lúc viết bài này, vẫn còn 12 tỉnh của Việt Nam mình chưa đến nên không biết có nơi nào khiến mình cực kỳ yêu thích nữa hay không!

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s