Chùa Núi Châu Thới cổ kính là một địa danh du lịch tâm linh lâu đời và hấp dẫn của tỉnh Bình Dương. Ngoài vị trí đắc địa, kiến trúc đẹp mắt và những tượng Phật giáo ấn tượng, đây còn là nơi lý tưởng để ngắm hoàng hôn vào những ngày đẹp trời.
Chùa Núi Châu Thới, Châu Thới Sơn Tự, hay chùa Châu Thới được xây dựng vào năm 1612, là ngôi chùa cổ nhất ở vùng Đông Nam bộ. Ngôi chùa đặc sắc này tọa lạc trên núi Châu Thới (cao 82m), thuộc địa phận xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Chùa đã được xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.
Sử sách ghi chép lại, xưa kia, nhờ địa thế hiểm trở, không gian u tịch, Châu Thới Sơn Tự từng là nơi ẩn náu và hoạt động của cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Qua hơn 400 năm “vận đổi sao dời”, chùa Châu Thới đã trải qua nhiều đợt trùng tu xây dựng để có được diện mạo là một quần thể kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Bắc tông cùng sự giao thoa với tín ngưỡng dân gian, gồm ngôi chánh điện cùng các điện thờ: Thiên Thủ Thiên Nhãn, Linh Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương, Ngọc Hoàng Thượng Đế, nhà tổ, giảng đường,… Trong chùa còn lưu giữ nhiều tranh, tượng, pháp khí, đồ thờ tự có giá trị, cùng nhiều pho tượng Phật, Quan Thế Âm lớn được đúc bằng đồng hoặc đá cẩm thạch.
Chùa Núi Châu Thới được biết đến qua những câu chuyện truyền miệng huyền bí góp nên một ngôi chùa linh thiêng. Chẳng hạn như chuyện về hòn đá thần, hay còn gọi là “ông Tà”. Chuyện kể rằng, vào năm 1971, khi sư trụ trì cho mở đường, xây bậc tam cấp từ chân núi lên chùa đã phải phá rất nhiều đá núi. Khi xây tới bới bậc thứ 170, có một tảng đá lớn chắn ngang đường. Những người thợ không thể di chuyển hay phá vỡ hòn đá được. Nghe chuyện, sư trụ trì yêu cầu giữ nguyên hòn đá vì cho rằng đây là vật trấn yểm, là “vị thần” giữ chùa. Hòn đá cứ nằm giữa đường như vậy cho đến ngày nay. Sư trụ trì cũng đã dùng sơn viết lên trên hòn đá mấy chữ Hán: “Tà Lão Trung Sơn”, tức “ông Tà giữa núi”.
Chùa Núi Châu Thới cũng được kháo nhau là ngôi chùa “oán” tình nhân bởi người ta đồn rằng, khá nhiều cặp đôi yêu nhau sau khi lên chùa cầu nguyện thì sau đó đều chia tay.
Bỏ qua những truyền thuyết kỳ bí của ngôi chùa, cùng khung cảnh buôn bán hơi xô bồ nơi cổng và cửa chùa (thực trạng chung cho các khu di tích tâm linh linh thiêng của Việt Nam, cũng khó trách), cá nhân mình cảm nhận chùa Châu Thới là một địa danh du lịch tâm linh, ngắm cảnh, chiêm bái đáng giá, bởi vị trí khoáng đạt trên núi, bởi lịch sử lâu đời, bởi kiến trúc thu hút. Ngoài ra, nếu đến đây vào những ngày đẹp trời, đúng thời điểm hoàng hôn, các bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt đẹp từ trên cao, giữa chốn thiền môn tĩnh tại (trong trường hợp vắng du khách).
Mời bạn theo chân An đến tham quan chùa Châu Thới, đợi ngắm hoàng hôn vào một buổi chiều thanh thản trong những ngày dịch COVID-19 vẫn còn hoành hành nha!
Theo Google Maps trên quốc lộ 1K từ thành phố Hồ Chí Minh về hướng Bình Dương, rẽ phải vào con đường có núi Châu Thới (đầu đường có đề bảng “Di tích núi Châu Thới”).
Nắng chiều hanh hao, lúc u ám xám xịt, lúc hé mây cho nắng lan tỏa.
Cứ sợ là không gặp được hoàng hôn, nhưng không, đợi xem những bức ảnh cuối nha!
Cảnh chụp trên con đường dẫn lên núi.
Đi thẳng một hồi là gặp núi Châu Thới, bên trên là chùa Châu Thới, bên dưới là những hồ nước nhân tạo được hình thành do khai thác đá lâu ngày.
Dừng lại ven đường chụp quá trời ảnh khung cảnh quen thuộc này, dù đây không phải là lần đầu mình đến vãn cảnh chùa.
Nhưng mình thích thì mình cứ chụp thôi!
Ở góc này có thể thấy rõ hai bức tượng Quan Thế Âm đứng lộ thiên trong sân chùa.
Chạy xe thêm một đoạn thì gặp cổng tam quan chùa Châu Thới bên tay trái, với con đường bộ qua 220 bậc tam cấp dẫn lên núi. Nếu muốn đi bộ để từ từ trải nghiệm, ngắm cảnh, để rèn luyện sức khỏe, hay để thể hiện lòng thành trước cửa thiền, thì bạn có thể gởi xe ở xung quanh cổng này, rồi đi bộ lên chùa.
Còn với người lười vận động và yếu ớt như mình thì tiếp tục chạy xe qua đoạn đường đá sỏi, ngắn thôi, nhưng quái, mình đến đây mấy lần, hơn chục năm nay, nhưng lần nào cũng thấy đoạn đường này xấu y chang như vậy (có thể do xe chở đá khai thác đi qua lại nhiều chăng?!).
Khi nào thấy cổng tam quan này thì quẹo trái vô, đặng chạy lên chùa núi (xe máy, xe hơi chạy vô tư nha).
Nhìn lại cổng tam quan cho xe chạy này, bên ngoài thì toàn tiếng Hán, bên trong mới có tiếng Việt nè.
Đường cho xe chạy lên chùa núi, đoạn gần cổng có những bức tượng các vị La Hán.
Khi gần lên đến sân chùa thì bên tay trái có một khuôn viên rộng với đình Quan Âm và vài bức tượng Phật.
Từ đây ngước nhìn lên sân chùa phía trên…
Một chỗ rộng rãi có thể ngắm một góc khu vực Bình Dương bên dưới.
Lại tiếp tục chạy xe lên chùa (nếu đi xe máy số thì các bạn nhớ để số 1-2 để chạy nha, cẩn thận quan sát xe chạy lên xuống, vì dù sao đây cũng là một ngôi chùa nổi tiếng, thu hút nhiều du khách).
Cảnh đẹp nên tấp xe vô lề, quay đầu chụp lại.
Góc này chụp ảnh “sống ảo” cũng được lắm nè!
Càng lên cao khung cảnh càng trải rộng, không gian càng mênh mông, con người càng cảm thấy thoải mái và tự do.
Thật ra, tự do vẫn luôn ở đó, chỉ là chúng ta thường bị những thứ vô hình che mờ, ví dụ như những định kiến, miệng lưỡi thế gian, hay chính sự tham – sân – si trong lòng của mỗi người.
Một bé khỉ đu cành cây. Chùa này có khá nhiều khỉ nha các bạn!
Nhưng được cái là các bé này không nghịch ngợm giựt đồ của du khách. Chúng chỉ chạy nhảy, chuyền cành, ăn trái cây và rải vỏ khắp chùa thôi!
Chạy lên tiếp là đến cổng và sân chùa. Thẳng vào gửi xe bên trong nha (5.000 đ/ xe máy).
Cổng soát vé xe
Một số công trình kiến trúc và tượng Phật giáo trong sân chùa
Ảnh tự chụp. Đi chơi một mình mà!
Khu vực chánh điện. Đang mùa dịch nên chánh điện đóng cửa thì phải, với lại cũng khá ít du khách.
Bức ảnh này chỉ để chụp em khỉ, mọi người có nhận ra không?
“Tác phẩm” vỏ thanh long vương vãi, có lẽ là của các em khỉ! Bên cạnh đó còn có vỏ chuối nữa.
Tượng La Hán dưới đài sen của một tượng Phật Quan Thế Âm lộ thiên
Bức tượng thứ nhất này Quan Thế Âm tay cầm bình thanh tịnh đựng nước cam lồ.
Tượng cao 22,5 m
Hai bức tượng Quan Thế Âm
Bức tượng Quan Thế Âm thứ hai hai tay cầm đóa hoa sen
Các tượng Phật giáo khác
Những công trình kiến trúc khác trong sân chùa Núi Châu Thới
Những bức tượng rồng vàng khổng lồ trong thế lưỡng long tranh châu bao quanh sân chùa, làm thành tường thành và lan can.
Bia lưu niệm công đức
Một chú chim bồ câu
Hai em khỉ đang bắt bọ chét hay chí cho nhau? Thực tế, khoa học giải thích rằng, trên mình khỉ chẳng có mấy bọ chét hay chí gì đâu. Chúng đang tìm muối để ăn đó! Lý do là khỉ sau khi ra mồ hôi, nước bị bay hơi, còn đọng lại chất muối. Lâu dần, lớp muối này kết hợp thành cáu ghét ở trên da, trên chân lông con vật, tạo thành những hạt muối. Các món ăn thường ngày của khỉ không hề có thêm muối vào, lâu ngày cơ thể chúng bị thiếu chất muối, cho nên con nọ nhặt những hạt muối trên lưng con kia, hình thành nên một thói quen mà nhìn qua ta tưởng chúng bắt chí cho nhau.
Một nhánh cây lớn trên núi mọc chìa ra, tường chùa nương theo đó mà xây chứ không chặt bỏ cây. Thật là tuyệt!
Cảnh bên dưới với đồng bằng, hồ nước, nhà cửa,… nhìn qua lan can chùa.
Sắp được ngắm cảnh hoàng hôn rồi đây!
Bầu trời rực rỡ trước khi mặt trời lặn!
Mặt trời dần xuống thấp, lúc này khoảng gần 17g30’…
Khoảnh khắc này, nếu muốn chụp ảnh thì nên chuẩn bị sẵn “đồ nghề”, nhanh tay lẹ mắt đứng vững mà chụp, chớ mặt trời sẽ biến mất nhanh thôi!
Ảnh lúc tối lúc sáng, lúc rõ lúc nhòe là do mình chụp bằng cả máy ảnh Fujifilm X-A10 (chế độ tự chụp – Manual, lúc kéo sáng cho thấy cảnh vật bên dưới, lúc chỉnh tối cho thấy rõ ông mặt trời) lẫn điện thoại IPhone 7.
Khung cảnh “phê” quá, mê quá, có nhiêu đó mà chụp hoài liên tục không thôi!
Sau mấy tháng Sài Gòn áp dụng quy định “ai ở đâu ở yên đó”, hôm nay mình mới có thể lại thưởng thức trọn vẹn một buổi hoàng hôn đẹp đẽ như vầy!
Mặt trời xuống thấp rồi, về thôi. Có lẽ mặt trời khuất dạng thì chùa cũng đến giờ đóng cửa. Mà đang ở trên núi, cây cối nhiều, trời sẽ tối nhanh lắm, cũng phải tranh thủ xuống núi vì đường núi quanh co, chạy đêm hơi nguy hiểm!
Sau khi mặt trời lặn, vẫn còn đó ráng chiều bắt gặp dưới chân núi.
Nhìn lại cảnh chùa từ chân núi một lần nữa…
Hoàng hôn trên chùa Núi Châu Thới, hẹn gặp lại vào một ngày không xa!
Một lưu ý nho nhỏ, do chùa Châu Thới vốn dĩ nổi tiếng lâu đời, nên thường xuyên đông du khách. Mùa dịch giã này, và với những ai không thích nơi ồn ào đông đúc, thì nên lựa thời gian đến chùa vào ngày trong tuần, không phải cuối tuần, lễ tết. Nên đến đây vào lúc sáng sớm, hay chiều muộn, để cảm nhận sự thanh tĩnh của chốn Phật môn, cũng để có cơ hội tự do ngắm cảnh!
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.