Tương đối thú vị, nhưng không mới. Không ngạc nhiên, không quá bất ngờ, không như mong đợi. Đó là những gì mình có thể tóm gọn khi đọc truyện dài “Em rắc thính anh thả tình” của nữ nhà văn Dương Thụy. Nhưng vẫn là một cuốn sách hay giúp ta thêm yêu người, yêu đời trong cuộc sống!
Mình đọc các tác phẩm của Dương Thụy cũng kha khá. Từ những ngày đầu với các truyện ngắn đăng trên báo Hoa Học Trò, như “Ông anh Việt Kiều” thời mình còn là học sinh (trước năm 2003). Sau đó tới truyện dài (hay tiểu thuyết) “Oxford thương yêu” (và thích luôn quyển này, thích nhất trong tất cả các tác phẩm của chị mà mình từng đọc qua từ trước giờ; thích từ cả cách viết, lẫn nội dung, câu chuyện tình, nhân vật Kim và Fernando – nhờ đó mà cũng từng có thời gian mơ mộng được gặp một “bạch mã hoàng tử” như Fernando – thời trẻ trung ấy mà, mình tin rằng cô bé nào ở lứa tuổi mộng mơ dưới 24 như mình cũng sẽ mơ mộng như vậy!). Tiếp theo là một loạt các quyển chủ đề tản mạn du lịch lẫn truyện ngắn, truyện dài như: “Venise và những cuộc tình Gondola”, “Cáo già gái già và tiểu thuyết diễm tình”, “Chờ em đến San Francisco”, “Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ”, “Nhắm mắt thấy Paris”.
Và mới nhất đây là truyện dài “Em rắc thính anh thả tình”. Thú thực là mình mua quyển sách này chỉ vì rất rất tò mò với các mác “18+”, trong khi sách online (ebook) thì chưa có trên mạng (mặc dù sách đã ra mắt từ tháng 7/2020). Mình thực sự vô cùng tò mò, không biết là chị Dương Thụy sẽ viết gì với thể loại 18+, mà 18+ thiệt hả ta? Bởi trước giờ, giọng văn của chị luôn mềm mại nữ tính, các nhân vật nữ trong những tác phẩm của chị tuy khá là kiêu kỳ, chảnh, thẳng tính, kiểu phụ nữ hiện đại, độc lập, tự chủ (thường là từng du học, học giỏi, đi làm trong các tập đoàn – công ty đa quốc gia, giữ chức vụ cao, lương hậu hĩnh, chế độ đãi ngộ tốt), nhưng trong vấn đề tình cảm – tình yêu, mối quan hệ với đàn ông thì lại có chút gì đó kín kẽ và ngây thơ. Những nhân vật nữ đó, có thể định hình dễ hiểu là bên ngoài Tây, nhưng bên trong ta, bên ngoài Âu Mỹ, nhưng bên trong tương đối Á Đông.
Lâu rồi không tự mình đi mua sách, và cũng lâu rồi không cầm trên tay một quyển sách mà đọc liền tù tì cho đến hết (thường mình đọc sách nhanh lắm, cuốn gần 400 trang mình đọc chừng 3-4 tiếng là xong). Hổng phải vì sách “Em rắc thính anh thả tình” này hay, gay cấn, hấp dẫn, mà bởi vì mình lỡ nhập tâm vào câu chuyện trong đó, nên thôi, cố đọc liền liền cho xong vậy (chớ mất công đi làm chuyện khác thì khó lòng lại tập trung vào câu chuyện).
Về nội dung, mình tóm tắt ngắn gọn như vầy: Dương Nam Việt, cô gái có cái tên mạnh mẽ như nam, thường gọi là Vi, vào khoảng thời gian sát ngày sinh nhật tuổi 29 của mình, đã nhận ra tại sao mình đã phải trải qua quãng thời gian thật dài vùi mình vào công việc, làm như trâu bò vì những cái gọi là “tiến độ”, “deadline”, mà không có thời gian nghỉ phép, vui chơi, giải trí, kết bạn, hẹn hò, để vẫn là gái trinh. Vậy là cô quyết tâm nghỉ việc, một công việc đáng mơ ước ở công ty đa quốc gia, từ bỏ chức vụ cao, mức lương hấp dẫn, hòng thực hiện một chuyến đi dài “ít nhất nửa năm để sắp xếp lại cuộc đời mình một cách hợp lý hơn”. Hành trình một mình của Vi bắt đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất, qua Pháp, Hy Lạp, rồi Thụy Sĩ, Mỹ. Trong thời gian đó, cô dính vào mối quan hệ tình cảm tương đối rắc rối với hai người mới là chàng trai Việt Nam tên Hồng (Trịnh Lạc Hồng, tên nữ tính quá nên tự gọi là Hồ), và chàng trai người Mỹ gốc Nhật tên Billy (Haruki Yamamoto), cùng một người cũ – “anh trai mưa” – Minh. Cuối cùng, Vi đã chọn Hồ: “Hành trình để hai người cùng trưởng thành sẽ luôn tiếp diễn với mọi cung bậc thăng trầm, ổn chỗ này, thì lại bất ổn chỗ khác. Nhưng nếu hành trình đó có người đi bên cạnh để nâng đỡ nhau, làm cho nhau bật cười, thì có thăng trầm bao nhiêu vẫn sẽ là tự nguyện“.
Mình có dự buổi họp mặt ra sách “Yêu em bằng mắt, giữ em bằng tim” hồi tháng 3/2022, thì được biết là trong tác phẩm “Em rắc thính, anh thả tình”, nhiều độc giả phản hồi rằng thích Vi đến với Billy hơn, và đó cũng là suy nghĩ của mình sau khi đọc. Nhưng theo giải thích của chị Dương Thụy, Vi tuy chọn Hồ nhưng chưa chắc đã ở bên nhau mãi mãi với ảnh, mà còn có sự chọn lựa dài sau này. Như ngoài đời thôi, nếu người đàn ông không làm cho người phụ nữ cảm thấy hạnh phúc, thì người phụ nữ có quyền được lựa chọn mối nhân duyên khác.
Bây giờ thì mình có vài lời muốn phát biểu với độc giả sau khi đọc cuốn “Em rắc thính, anh thả tình”. Về nội dung, mình nghĩ rằng đây là chủ đề không mới, ít nhất là có nhiều sự tương đồng về câu chuyện so với các tác phẩm khác của Dương Thụy. Chẳng hạn như: nhân vật nữ xinh đẹp, học giỏi, làm công ty đa quốc gia, chức vụ cao, mức lương hấp dẫn, nhưng công việc bận rộn với các kỳ hạn và ông sếp khó tính từ công ty “vắt chanh bỏ vỏ”, không có thời gian yêu đương hẹn hò. Các nhân vật nam cũng đâu kém cạnh gì: đẹp trai, nhà giàu, làm chức lớn, công ty lớn, ga lăng, nhiệt thành và cũng rất dịu dàng nồng hậu. Câu chuyện cũng lồng ghép những hành trình du lịch thế giới như trong các tác phẩm “Oxford thương yêu”, “Chờ em đến San Francisco”.
Ở “Em rắc thính, anh thả tình”, mình thấy có nhiều chi tiết khá giống với “Chờ em đến San Francisco”, từ nhân vật nữ chính, cho đến hai nhân vật nam. Cũng là chuyện tình tay ba, tay tư. Và cuối cùng, nhân vật nữ chính đã lựa chọn người đàn ông Việt Nam, chứ không phải là đàn ông nước ngoài. Vi đã chọn Hồ, chứ không phải Billy, như là An đã chọn Bình trong “Chờ em đến San Francisco”, mà không phải là John.
Về giọng văn, “Em rắc thính, anh thả tình” vẫn bằng giọng văn nhẹ nhàng và dịu dàng, nhưng rất tỉnh, rất hóm hỉnh theo phong cách thường thấy của Dương Thụy. Đặc biệt là chi tiết “độc thân lần thứ mấy” mình thấy lặp không ít hơn ba lần trong các tác phẩm của chị. Mình không phải là cố ý soi mói gì đâu, vì sự hài hước này thể hiện trí thông minh và sự tinh quái của tác giả (cũng như các nhân vật nữ chính trong tác phẩm của chị Dương Thụy). Nhưng vì nó thú vị quá, nên đặc biệt gây ấn tượng với mình, làm mình nhớ lâu. Và khi gặp lại chi tiết ấy trong những tác phẩm khác của cùng tác giả, mình đã không còn cảm thấy thú vị như lần gặp đầu tiên nữa.
Riêng phần 18+, cái này mới thú vị, bởi nói là “18+”, dành cho đối tượng trên 18 tuổi, cho người trưởng thành, nhưng thực chất, những chi tiết, câu chữ đó không hẳn là “người lớn” chút nào. Nó giống như là những bài học tâm lý tình yêu, những câu đùa về tình dục nhưng được thể hiện một cách khá vui, hóm hỉnh và rất thẳng, rất tỉnh, một cách trực diện. Nói chung là theo cách rất… Dương Thụy.
Chẳng hạn đoạn này (trang 45): “Anh làm ra vẻ lịch sự và trí thức, nhưng trong đầu anh đầy những ý nghĩ tiêu cực. Anh quá mong manh, nhìn từ thân hình nghệ sĩ này, khả năng tình dục của anh e là không cùng cấp độ với những nhân vật nam của Haruki Murakami.”.
Hay chi tiết Vi bị Billy gọi vui là “cô gái thiếu sex” (trang 51). Trình “thả thính” của Vi với chàng tiếp tân ở Hy Lạp: “Người Hy Lạp nào cũng duyên dáng như anh hết hay sao!“, “Có ai nói cho anh biết là anh đẹp trai như một vị thần Hy Lạo không?” (trang 60, 61). Rồi khi nhân vật Karen (một nữ đồng hành người Mỹ mà Vi tình cờ gặp khi đi tàu sang đảo Santorini, Hy Lạp) “nghiến răng thòm thèm, “Nó mà không chịu đi thì chị đè nó ra hiếp luôn cho nó biết tay. Cái thằng gì đẹp trai mà tồ khủng khiếp!”.” (trang 101). Tất nhiên, Karen chỉ vui tính vậy thôi chứ thực chất cô không phải có ý như vậy.
Với mình, đó chính là những điểm sáng và thú vị nhất của “Em rắc thính, anh thả tình”. Mình vẫn còn nhớ trong buổi họp mặt ra sách “Yêu em bằng mắt, giữ em bằng tim” nhắc ở trên, bạn MC Phương Thảo có nhắc đến một ý hay, đại loại rằng, nếu trong cuộc sống chúng ta thường xuyên đọc, nghe, xem những câu chuyện tốt đẹp, những tình yêu đẹp, những chuyện tình màu hồng, thì chúng ta sẽ có thêm lạc quan và tin tưởng vào những điều tốt đẹp, và rồi sẽ thường gặp được những điều tốt đẹp.
Đọc sách của Dương Thụy, là những câu chuyện nhẹ nhàng không có khổ đau bi lụy vật vã vì chuyện cơm áo gạo tiền, hay tình yêu phụ bạc. Đó cũng là một cách hay để củng cố niềm tin yêu vào cuộc sống này.
Nếu có cơ hội, hãy tìm đọc “Em rắc thính, anh thả tình”. Một truyện dài tương đối thú vị, tuy không mới, không ngạc nhiên, nhưng vẫn là một cuốn sách hay giúp ta thêm yêu người, yêu đời trong cuộc sống!
Nghe bạn review mình lại thấy xó quá nhiều chi tiết trùng với tác phẩm nhắm mắt thấy paris
Cảm ơn bạn, đoạn cuối bình luận mình nhầm với “Nhắm mắt thấy Paris” thiệt, mình đã sửa lại 🙂