Hồi lâu lắm rồi, mình có viết một bài về tiếng địa phương ở Bình Định. So ra ở thời điểm này, mình đã có thời gian sống ở miền Nam nhiều hơn quãng thời gian sống ở miền Trung quê mình, nên nay mới mạo muội viết một bài về tiếng địa phương ở miền Nam nói chung. Nếu có gì thiếu sót, sai trái, mời độc giả nhiệt tình góp ý cho!
1. Ăn – sẽ được nói chệch thành “âng”. Ví dụ “âng cơm” – ăn cơm.
2. Đi tắm – “đi tấm”
3. Trời ơi – “chời ơi”
4. “Đẹp heng?”, kiểu như đẹp ha?
5. Phải hông đó? – “phải hôn đó?”
6. Cãi lộn – “cự lộn”
7. Thịt thì nói là “thịch”. Tương tự, bịt mắt – “bịch mắt”, đen kịt – “đen kịch”,…
8. Óc – sẽ được nói như “ốc”. Ví dụ “gốc đường” – góc đường. Đặc biệt, mình thấy nhiều người miền Nam, nhất là Tây Nam bộ, do quen nói tiếng địa phương mà viết sai chính tả luôn.
9. Nơi có yếu tố gốc Hoa sẽ dùng từ “chế” thay cho chị.
10. Gặp may mắn, được phù hộ: tổ đãi, tổ độ. Hoặc gặp xui xẻo: tổ trác.
11. Dân Bến Tre sẽ không gọi quê hương họ là Bến Tre, mà gọi là “Bến Te”
12. Dân miền Tây nói chung, trong ngôn ngữ ngày xưa, vừa mới tới (vừa mới đến) thì nói là “mới tới cái độp”.
13. Cũng dân miền Tây, quả tắc (quất) thì gọi là “trái hạnh”.
14. “Bao ăn”: cho ăn thử (hoặc là đảm bảo ngon); “bao đổi”: cho đổi (hàng) miễn phí,…
15. “Ăn chai” – ăn chay, “chại đi” – chạy đi, “mai mắn” – may mắn,…
16. “Bịch mủ/ đồ mủ,…” – bịch ni-lông/ đồ ni-lông
17. “Con ở đâu lợi (đây)?” – Con ở đâu lại (đây)?
18. Một số tỉnh miền Tây Nam bộ, nhất là Kiên Giang sẽ gọi “r” thành “g”, ví dụ: “cá gô” – cá rô, “gầu ghĩ” – rầu rĩ,…
19. “Trùm”: kiểu như người đứng đầu, chuyên gia, chuyên môn. Ví dụ: “thằng đó trùm ăn chơi”.
20. Dân Phú Quốc (Kiên Giang) gọi “bánh cắt” để chỉ món bánh ướt
21. Mắt ma trà đá”: (dùng để chửi khi bực mình) chỉ ai đó xấu tính, làm cho người khác tức giận
22. “Tè le hột me”, “từa lưa hột dưa”: ý nói mọi chuyện rối tinh rối mù
23. “Cắt móng giò” – cắt móng chân
24. “Chế”: chị gái (từ này được sử dụng rộng rãi ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ, là tiếng Tiều – Triều Châu, Trung Quốc)
25. “Ăn tương” – ăn chay
26. “Núm” – nấm (ví dụ “bánh canh núm” – bánh canh nấm)
27. “Xàm xí”: kiểu như nhảm nhí
28. “Giường nhà” – vườn nhà, “đi giô” – đi vô,…
29. “Đi mần” – đi làm, “mần ăn” – làm ăn,…
30. “Thấy cưng”: thấy dễ thương, đáng yêu
31. Gọi “cưng”, ví dụ “cưng ơi” thay cho “em ơi”
32. “Xăm mình”: gan, ví dụ “xăm mình ha!” – gan ha!
33. “Rặt”: toàn, đúng kiểu. Ví dụ: “nhà rặt đàn bà” – nhà toàn đàn bà, “rặt miền Tây” – đúng kiểu miền Tây
34. Đọc một số chữ “h” thành chữ “qu”, ví dụ: “quyền” – huyền, “quyên náo” – huyên náo, “quy động” – huy động,…
35. Bồi thường thì đôi khi chỉ nói “thường”, ví dụ: mày coi chừng người ta bắt thường đó nghe!
*** Bài viết sẽ được chỉnh sửa và thêm bớt, tuỳ vào hiểu biết và trải nghiệm của tác giả theo thời gian.