CUỘC SỐNG MUÔN MÀU

Mơ về một cái Tết văn minh hoàn hảo


Có người thích Tết (tết Nguyên đán, tết Âm lịch), thì có người không thích Tết. Có người trông, lại có người mong Tết lâu lâu tới. Trên mạng có hai phe: một phe ủng hộ nghỉ Tết và một phe mong muốn bỏ Tết.

Cá nhân mình, cho tới giờ vẫn thích Tết ở nhiều điểm. Như được nghỉ học, nghỉ làm. Như Tết có các tiểu cảnh trang trí, là dịp để chưng diện áo dài chụp hình mà không cần phải giải thích: dịp gì lại mặc áo dài?! Tết đến mới có nhiều vườn hoa, làng hoa, chợ hoa để ngắm. Và chỉ Tết đến mới có hoa mai vàng (ở miền Nam), và hoa đào (miền Bắc). Tết lại có các món ăn mà trong năm không ăn thường xuyên: bánh tét, các loại mứt tết. Và quan trọng nhất, chỉ có dịp Tết thì các thành viên trong gia đình mới tề tựu đông đủ.

Mình nghĩ rằng, những người sợ Tết, ghét Tết, ấy là vì họ đã từng có những trải nghiệm không tốt hay tồi tệ về Tết, vì các truyền thống – phong tục lạc hậu, vì những tư tưởng cổ hủ mà cha ông đời đời truyền lại trong mỗi nếp nhà.

Vậy nên, ta có quyền mơ ước và nếu được, tự mình thay đổi để có một cái Tết văn minh hoàn hảo, một kỳ nghỉ lớn thực sự, một cái tết Việt giữ gìn truyền thống tốt đẹp thuở xưa, nhưng vẫn phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Chẳng hạn như Tết thì nhà ai cũng cần dọn dẹp, bày trí cho sạch, cho đẹp, cho mới, trước là hi vọng một năm mới tươi sáng may mắn, sau là để đón khách đến thăm nhà. Thì tuỳ vào hoàn cảnh gia đình mà chúng ta có sự chuẩn bị cho phù hợp. Nếu như mỗi ngày ngôi nhà đều được sắp xếp gọn gàng, dọn dẹp sạch sẽ thì cuối năm không cần phải dọn nhiều. Với việc chưng hoa Tết, nhiều tiền thì chơi mai, chơi đào, chơi quất. Ít tiền thì vạn thọ, mào gà, không thì dăm ba loài hoa cỏ trong vườn nhà, thậm chí cỏ dại cũng có thể thành một bình hoa đẹp trang trí nhà.

Mong người bán hoa nói riêng, và các thứ khác, các sản phẩm – dịch vụ mùa Tết nói chung, vẫn bán đúng giá như bình thường, chớ không phải tăng giá vô tội vạ và ăn theo cùng lời lý giải “Tết mà!”. Tôn trọng và nên hiểu sự thuận mua vừa bán, nhằm không có tình trạng người bán hoa tết đi trách móc người mua hoa đợi đến lúc sát Tết chờ mua hoa giá rẻ,…

Rồi tới việc sắm đồ ăn Tết. Tuỳ vào số lượng thành viên, khách khứa, sở thích và nhu cầu của gia đình mà nên cân đối lượng thực phẩm mua về, tránh thừa mứa ngán ngẩm phải đổ bỏ. Bây giờ chợ và các siêu thị đều đóng cửa trễ và mở cửa sớm. Còn ở thành phố lớn, các cửa hàng tiện lợi mở cửa xuyên Tết, nên không lo thiếu thức ăn.

Không thể không nhắc đến tục xông đất. Chúng ta không nên để tâm quá vào điều này. Đó là mê tín. Vì mọi chuyện xui rủi hay may mắn của chúng ta đều bắt nguồn từ phước lộc, từ những hành động chúng ta làm trong quá khứ, chứ không phải từ một ai đó đến nhà chúng ta trong ngày đầu năm mới.

Tương tự, ngày mồng một, mồng hai mà có làm bể chén bể đồ, có quét nhà dọn rác, có đi chơi bị hư xe,… thì cũng chẳng phải là điềm xui hay làm ảnh hưởng gì đến nguyên một năm sau đó đâu!

Qua đến việc đi chúc tết, lì xì, mừng tuổi. Người lớn nên dạy trẻ con về vấn đề này, giải thích rằng lì xì không phải là một nghĩa vụ, không nên là hành động bắt buộc, và “nội dung” bên trong không phản ánh lên điều gì. Đó chỉ là một phong tục, là lộc, là thay cho lời chúc mừng năm mới.

Nên bỏ việc đi Tết với các sếp, quản lý, tết thầy tết cô bằng vật chất và qua đó gởi gắm những thông điệp thực dụng.

Nên bỏ việc cúng giỗ lễ nghĩa rườm rà trong ba ngày Tết, nào chạp mã, tất niên, nào cúng rước, cúng đưa, cúng ba bữa hàng ngày trong mỗi ngày Tết. Bởi như vậy rất cực cho người dọn dẹp chuẩn bị, nhất là phụ nữ khi phải quần quật chuyện bếp núc những ngày tết. Mà chờ cúng xong mới đem đi ăn thì đồ ăn cũng nguội lạnh hết rồi, ăn không ngon nữa. Gì thì gì, người sống mới quan trọng chứ chết là hết. Việc tôn trọng tổ tiên cha ông có thể đặt trong lòng, thể hiện qua những hành động lời nói hàng ngày chứ không cần phải đợi đến Tết mới thực hiện.

Nên bỏ việc tụ tập gặp nhau là phải làm ly bia, chén rượu. “Rượu vào lời ra”, vừa mất tình cảm anh em bạn bè, vừa ảnh hưởng đến sức khoẻ và những hệ luỵ về sau.

Nếu có gặp gỡ bạn bè, họp lớp, thì hãy nên xem đây là một dịp ôn kể chuyện xưa, chỉ có tình cảm trường lớp, không có khoảng cách địa vị – giàu nghèo, không phải là dịp than thở hay khoe khoang chuyện công việc, chồng con, gia đình.

Nên giữ lại các trò chơi dân gian, và các trò may rủi (bầu cua cá cọp, đánh bài, lô tô,…), nhưng chỉ ở mức chơi cho vui, không phân nặng thắng thua.

Cũng bỏ những câu hỏi vô duyên vô tâm, lấy danh nghĩa quan tâm nhưng thực chất là tò mò tọc mạch, hỏi cho có chuyện hỏi nhưng lại đẩy người được hỏi vào thế khó xử: hỏi về ngoại hình (kiểu body shaming – miệt thị ngoại hình), hỏi về lương thưởng, hỏi chuyện tình cảm chồng con cá nhân riêng tư,… Người Việt ta thiếu gì cách và ngôn từ để mà giao tiếp, thiếu gì phương thức quan tâm nhau, mà không chọn cách hỏi han nhẹ nhàng vui vẻ thoải mái đôi bên?

Nếu có đi du lịch đến các địa danh nổi tiếng thì nên chuẩn bị từ trước đó: đặt phương tiện giao thông, đặt phòng khách sạn, chuẩn bị đồ ăn vặt – dự phòng mang theo vì đây là dịp mà các điểm du lịch phổ biến thường quá tải, đông đúc.

Và cuối cùng, Tết nên là dịp gia đình đoàn tụ, nghỉ ngơi thư giãn, nên hãy làm gì mà bạn cho là đúng, là phù hợp, không đi trái truyền thống đạo đức là được. Đừng để mình ảnh hưởng tới ai và cũng đừng để cho ai làm ảnh hưởng tới mình.

Nên chuẩn bị cả tâm thế sẵn sàng, hồi phục sinh lực khi kỳ nghỉ dài ngày kết thúc để quay lại với guồng quay thường nhật của cuộc sống.

Advertisement

2 bình luận về “Mơ về một cái Tết văn minh hoàn hảo

  1. Đồng ý nhiều ý kiến trong bài về Tết. Tiếng Việt nên chăng viết Tết như một từ riêng của chữ Việt để chỉ dịp lễ lạc đầu năm Âm lịch. LGĐ

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s