DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Những địa danh du lịch phổ biến đối với du khách tham quan thành phố Hồ Chí Minh lần đầu


Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc về những địa danh du lịch phổ biến và tiêu biểu, các món ăn nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh đối với những du khách ghé thăm thành phố mang tên Bác lần đầu tiên.

Thành phố Hồ Chí Minh (còn được biết đến với tên cũ Sài Gòn) là thành phố lớn nhất ở Việt Nam về dân số và quy mô đô thị hóa, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục tại Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là thành phố trực thuộc trung ương, thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam, cùng với thủ đô Hà Nội.

Tìm về lịch sử, vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, theo tiếng Khmer của người dân bản địa có nghĩa là “thành trong rừng”. Vì sự sụp đổ của đế chế Khmer, vùng Nam bộ trở thành đất vô chủ, về sau đã sáp nhập vào Đại Việt nhờ công cuộc khai phá miền Nam của chúa Nguyễn. Vào năm 1698, chúa Nguyễn cử Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất phương Nam. Nguyễn Hữu Cảnh cho lập huyện Tân Bình thuộc phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố Sài Gòn. Phủ Gia Định khi đó bao gồm Sài Gòn và các tỉnh xung quanh hiện nay (như Tây Ninh, Long An,…), còn huyện Tân Bình là chỉ vùng đất Sài Gòn.

Cái tên Sài Gòn tồn tại từ đó mãi cho đến tháng 7 năm 1976, sau cuộc kháng chiến chống Mỹ thành công, Quốc Hội đã chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn thành tên thành phố Hồ Chí Minh cho đến tận ngày hôm nay, khẳng định sự thống nhất của hai miền Nam Bắc sau khoảng thời gian dài chia cắt.

Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích 2.061 km², hiện gồm tổng cộng 1 thành phố: Thủ Đức, 16 quận: quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, và 5 huyện: huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè.

Tòa nhà tài chính Bitexco (Bitexco Financial Tower) ở quận 1, được thiết kế theo hình đóa hoa sen (nhưng có người nói vui là hình trái bắp Mỹ) cao 262m, gồm 68 tầng, hiện là tòa nhà cao thứ 4 ở Việt Nam

Tòa nhà cao nhất Việt Nam Landmark 81 cao 461m nằm ngay trung tâm dự án khu căn hộ cao cấp Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh

Một góc khu phố Hoa, quận 5

Đêm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1

Một góc khu phố Nhật quận 1 về đêm

Dưới đây là tổng hợp một vài địa danh du lịch nổi tiếng, phổ biến và tiêu biểu dành cho du khách khi đến tham quan Sài Gòn lần đầu tiên (nếu muốn, du khách có thể chọn mua vé xe buýt 2 tầng hop-on hop-off để khám phá thành phố):

  • Nhà thờ Đức Bà
  • Bưu điện trung tâm thành phố
  • Đường sách Nguyễn Văn Bình
  • Nhà hát thành phố
  • Ủy ban nhân dân thành phố
  • Dinh Độc Lập
  • Bảo tàng Chứng Tích Chiến Tranh
  • Bảo tàng Lịch Sử
  • Bảo tàng Thành Phố Hồ Chí Minh (bên cạnh thư viện thành phố)
  • Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng
  • Bảo tàng Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh (nhà cũ Hứa Bổn Hỏa)
  • Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ
  • Bảo tàng Tôn Đức Thắng
  • Bảo tàng Y Học Cổ Truyền Việt Nam (Fito Museum)
  • Thảo cầm viên (sở thú) – đền thờ vua Hùng
  • Hồ Con Rùa
  • Phố đi bộ Nguyễn Huệ – Công viên Bến Bạch Đằng
  • Phố đi bộ Bùi Viện – khu phố Tây
  • Khu phố Nhật (các con đường Lê Thánh Tôn, Thi Sách, Thái Văn Lung,… ở quận 1)
  • Khu phố Hoa (khu phố người Hoa, Chợ Lớn) ở quận 5, quận 6 và quận 11: chùa Bà Thiên Hậu, chùa Ông (miếu Quan Đế), Ôn Lăng Hội Quán, hội quán Nghĩa An, nhà thờ giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê, chợ Bình Tây (chợ Lớn Mới), chợ Phùng Hưng (chợ Thủ Đô), chợ Kim Biên, thương xá Đồng Khánh (chợ vải Soái Kình Lâm),…
  • Chợ Bến Thành – Chợ đêm Bến Thành
  • Chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải Tự)
  • Chùa Vĩnh Nghiêm
  • Chùa Bửu Long (chùa Thái Lan)
  • Chùa Việt Nam Quốc Tự
  • Chùa Giác Lâm
  • Nhà thờ Tân Định (nhà thờ hồng)
  • Miếu Nổi Gò Vấp (Phù Châu Miếu)
  • Tòa nhà tài chính Bitexco
  • Tòa nhà Landmark 81
  • Cầu Ánh Sao – Hồ Bán Nguyệt
  • Buýt đường sông Saigon WaterBus
  • Địa đạo Củ Chi – Bến Dinh và Bến Dược

Một số món ăn ngon tại Sài Gòn (ẩm thực Sài Gòn chỉ có vài món riêng biệt, đặc trưng, còn lại là những đặc sản và món ngon từ nhiều vùng miền trong cả nước hội tụ lại):

  • Cơm tấm Sài Gòn (cơm tấm sườn bì chả, mà trong tác phẩm “Sài Gòn, bao nhớ”, tác giả Đàm Hà Phú đã gọi vui thành món “sà bì chưởng”, từ đó, cái tên này được rất nhiều người ưa thích và chấp nhận)
  • Bánh mì Sài Gòn (với phần nhân đầy đặn gồm pa tê, chả lụa, bì, thịt nướng, xíu mại, ốp la,…; ngoài ra, bạn cũng có thể nghe tiếng rao quen thuộc “bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ” từ các anh chị bán bánh mì không dạo)
  • Bò né (dùng kèm bánh mì)
  • Bánh mì chảo Sài Gòn
  • Phá lấu (dùng kèm bánh mì)
  • Bột chiên
  • Hủ tiếu gõ (một món ăn bình dân; ngày xưa người bán vỉa hè thường sai một người làm mang theo hai thanh tre hoặc sắt gõ vào nhau đi khắp nơi hang cùng ngõ hẻm để quảng cáo cho gánh hàng của mình)
  • Hủ tiếu Nam Vang (Nam Vang chính là tên tiếng Việt của thủ đô Phnom Penh – Campuchia, còn gọi là Nam Vinh, hay Kim Biên)
  • Bánh canh ghẹ
  • Hủ tiếu bò kho hoặc bánh mì bò kho
  • Gỏi khô bò (thực chất là gỏi đu đủ gan heo)
  • Gỏi cuốn (bánh tráng cuốn với bún, tôm tươi luộc, thịt heo luộc, rau sống và nhất là có hẹ tươi)
  • Xôi mặn
  • Bánh tráng trộn
  • Sủi cảo, há cảo (thường bán nhiều ở khu Chợ Lớn)
  • Cháo trắng hột vịt muối
  • Cút chiên bơ
  • Chân gà nướng
  • Ốc các món
  • Súp cua
  • Bắp xào
  • Lẩu cá kèo
  • Trứng vịt lộn, trứng cút lôn luộc hoặc xào me, hột vịt dữa (trứng hơi ung)
  • Xiên nướng
  • Chuối nếp nướng
  • Các món chè: chè bà ba, chè thưng, chè Thái Lan, chè khúc bạch,…
  • Trái cây tô

Một số quán ăn, thương hiệu ẩm thực lâu đời, nổi danh ở Sài Gòn:

  • Hủ tiếu Nam Lợi (đường Tôn Thất Đạm, quận 1)
  • Phở Cao Vân (đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1)
  • Phở Hòa (đường Pasteur, quận 3)
  • Hệ thống Phở 24
  • Hệ thống Cơm Tấm Nhớ
  • Cơm sườn Ba Cường (đường Trần Quang Khải, quận 1)
  • Cơm tấm Huyền (hẻm đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh)
  • Cơm tấm 135 (đường Đoàn Văn Bơ, quận 4)
  • Cơm tấm 419 (hẻm 419 đường An Dương Vương, quận 5)
  • Cơm tấm Minh Long (đường Nguyễn Thị Thập, quận 7)
  • Cơm tấm Ba Há (đường Hưng Phú, quận 8)
  • Cơm tấm trứng kho lòng đào Bà Năm (hẻm đường Tân Canh, quận Tân Bình)
  • Cơm thố Chuyên Ký (đường Tôn Thất Đạm, quận 1)
  • Tiệm cơm chay Tín Nghĩa (đường Trần Hưng Đạo, quận 1)
  • Cháo lòng Bà Út (đường Cô Giang, quận 1)
  • Bánh mì Như Lan
  • Bánh mì Bảy Hổ (đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1)
  • Bánh mì Hòa Mã (đường Cao Thắng, quận 3)
  • Bánh mì Huỳnh Hoa (đường Lê Thị Riêng, quận 1)
  • Bánh mì phá lấu Tâm Ký (đường Nguyễn Trãi, quận 5)
  • Cà phê vợt Ba Lù (đường Phùng Hưng, quận 5)
  • Cheo Leo Cafe (cà phê vợt; đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3)
  • Chè Châu Giang (“chè ma”, “chè âm phủ”, “chè cột điện”; đường Trần Hưng Đạo B, quận 5)
  • Chè Hiển Khánh (đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3)
  • Xe chè Bà Lộc (góc đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1)
  • Chè đèn dầu (đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận)
  • Chè mâm (đường Sư Vạn Hạnh, quận 10)
  • Chè Miên (chè Campuchia; chợ Hồ Thị Kỷ, quận 10)
  • Chè Tàu Lâm Vinh Mậu (đường Nguyễn Thái Bình, quận 1)

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Advertisement