Không ai có thể nói ra được có cả thảy bao nhiêu quán cà phê ở Sài Gòn. Ở cái thành phố náo nhiệt có thừa này, những quán cà phê lớn, với vị trí đắc địa, thì đã hình thành rất nhiều và rất lâu rồi. Lại còn những quán nhỏ hơn, đa dạng về phong cách, thể loại nhạc, thị trường khách hàng, sản phẩm đặc trưng…, ôi chao, thì có biết bao nhiêu mà đếm cho xuể. Đó là còn chưa kể đến những quán cực nhỏ, phải đi vào ba, bốn cái hẻm cùng tương đương bấy nhiêu khúc ngoặt, hỏi bao nhiêu người thì mới tìm ra được.
Lại nói đến cà phê vỉa hè, cà phê mang đi, thì ôi thôi, khỏi phải nói, cứ đầy rẫy ra. Tưởng tượng đi mười mét là gặp một chỗ bán cà phê như thế, ở đất Sài thành này…
Có một nghịch lý rằng, khi nền kinh tế vẫn đang suy thoái, hàng hóa ế ẩm, nhân lực thừa thãi, tiền lương kiếm ra được ngày càng eo hẹp và tỉ lệ nghịch với giá cả leo thang, thì ở những nơi kinh doanh mặt hàng ăn uống, lại có vẻ như chẳng hề hấn bị ảnh hưởng gì. Điều đó khá đúng ở Sài Gòn, nhất là với việc kinh doanh quán cà phê.
Mặc cho kinh tế thế giới vẫn chưa đi vào quỹ đạo ổn định, thì ở Sài Gòn, hàng ngày, hàng giờ, vẫn thấy con người ta tụ tập ở những quán cà phê, chẳng bao giờ ngớt. Và những quán cà phê đủ loại hình lẫn chất lượng vẫn không ngừng mở ra. Nào là cà phê sang trọng và lộng lẫy ở khu trung tâm, cà phê ngắm máy bay ở khu Gò Vấp, Tân Bình, nào cà phê sách, cà phê Manga, cà phê thú cưng, cà phê kết hợp học làm bánh,… Đủ thứ các thể loại quán xá để mà thu hút khách hàng.
Quán cà phê thì tất nhiên là bán cà phê rồi. Nhưng không phải chỉ có cà phê. Ngoài cà phê là thức uống chính, khách hàng còn có rất nhiều sự lựa chọn thức uống khác như nước ngọt, nước ép, sinh tố,… Thậm chí, có quán cà phê còn có cả rượu, bia, cocktail đủ loại. Thường những quán như vậy sẽ bán kèm vài thức nhắm, thường là những món ăn vặt nhẹ…
Cà phê trong mỗi quán cà phê cũng chia làm nhiều loại, với chất lượng khác nhau. Đó là cà phê kiểu Việt, cà phê kiểu Âu. Cà phê Việt thì có cà phê đen, cà phê sữa, cà phê đá, cà phê nóng, rồi lại có bạc sỉu. Cà phê kiểu Âu thì có cappuchino, latte, expresso…
Lại có nhiều biến tấu chẳng hiểu kết hợp Đông Tây Âu Á gì đó, có cà phê bơ, cà phê trứng, cà phê rượu…
Vậy cà phê nào là ngon? Đó là một câu hỏi rất chung chung, bởi cái ngon nằm ở khẩu vị của mỗi người. Mà khẩu vị của mỗi người, ngoài bắt nguồn từ sở thích, cơ địa của mỗi người, còn bắt nguồn từ môi trường và phong cách sống, thói quen, tập tính của họ.
Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu một người Việt Nam chê ly latte nhạt nhẽo, vô vị, hoặc một người phương Tây xây xẩm mặt mày nếu uống phải loại cà phê đen Việt Nam chính hiệu.
Nếu hợp khẩu vị, thì người ghiền cà phê, qua quá trình thưởng thức và thử nghiệm ở nhiều nơi, sẽ nhận biết được mình thích hợp với loại cà phê nào, ở quán nào. Với cá nhân tôi, tôi thích cà phê sữa nóng Việt Nam được pha đậm vừa phải, hương cà phê rang xay đủ độ bốc lên thơm lừng, quyện với mùi sữa đặc nồng nàn… Một ly như thế, phải nhấp từng ngụm nhẹ nhàng, để cảm nhận vị béo ngọt sóng sánh. Và tốt nhất là, thưởng thức nó trong một ngày mưa, ở một quán vắng, nhạc chầm chậm, trong một góc tối hoặc bên khung cửa sổ, và lặng yên ngắm người qua lại…
Ở Sài Gòn, lúc nào cũng thấy người ta đi quán cà phê hoặc uống cà phê. Sáng sớm đi tập thể dục, tay đã xách theo ly cà phê mang đi. Rong xe đi làm, phải có thứ gì đó uống mới được. Ăn cơm trưa xong, ra quán ngồi nghỉ ngơi. Chiều tối về, lại hẹn hò cà phê.
Người đi làm, bàn chuyện công việc, cũng có thể hẹn nhau ở quán cà phê. Bạn bè hẹn hò nhau, cứ lấy quán cà phê nào đó làm điểm hẹn. Cặp đôi yêu nhau, cũng ra quán cà phê. Người già hưu trí, vợ chồng con cái, muốn gặp nhau thường cũng tìm nơi dừng chân là một quán cà phê nào đó… Thậm chí, người viết cũng đã từng dự vài cuộc phỏng vấn việc làm ở quán cà phê.
Có thể nói, quán cà phê là điểm hẹn lý tưởng, phổ biến, tùy chỗ mà lịch sự hay bình dân, lại thích hợp cho mọi cuộc hẹn, mọi tầng lớp trong xã hội. Và ở Sài Gòn, điều đó đã được thể hiện rất rõ nét. Cứ nhìn các quán cà phê luôn đông khách, nhìn những kiểu khách hàng trong đó thì hiểu.
Ở Sài Gòn, các quán cà phê đông khách nhất thường là tối thứ bảy, và ngày chủ nhật hàng tuần. Thường thì rủ nhau đi cà phê, nhưng người ta hiếm khi chọn cà phê để uống, trừ những người nghiện cà phê, hay mấy anh trai quanh năm suốt tháng trung thành với loại cà phê đá. Có hàng tá thứ thức uống hấp dẫn, ngon lành, ngọt mát khác mà người ta muốn chọn. Sinh tố, nước ép, dừa tươi, nước ngọt, cocktail… Người uống sành sẽ biết thứ nào ngon, thứ nào hợp, thức uống nào ở quán nào là đặc trưng, là ngon nhất, phổ biến nhất, được mọi người uống nhất. Đi nhiều người, vui miệng, còn có thể gọi thêm dĩa trái cây để tất cả mọi người cùng nhâm nhi.
Cà phê ở Sài Gòn luôn được phục vụ thêm trà đá miễn phí và không giới hạn. Đa phần là loại trà có mùi thơm dịu nhẹ của hoa, hương hoa lài chẳng hạn. Trong lúc chờ thức uống chính mang ra, hoặc khi đã thưởng thức hết thức uống chính, thì việc bưng ly trà lên, kề miệng, nhấm nháp, cảm nhận hương thơm dịu nhẹ lan tỏa, cũng thi vị lắm.
Ở Sài Gòn, mỗi quán cà phê đều hướng tới một loại khách riêng biệt. Và mỗi người thưởng thức cũng đều có cái “gu” quán của riêng mình. Có quán hướng tới khách trung niên, khách kinh doanh, chuyên bàn chuyện công việc. Những quán này thường là phòng máy lạnh, được trang trí nhẹ nhàng, lịch sự. Có quán hướng tới các khách teen, tất cả từ bài trí, âm nhạc, cho đến sản phẩm đồ ăn uống đều được tính toán để phục vụ khách teen. Bài trí dễ thương, nhạc sống động, đồ uống đủ màu sắc… là đặc điểm để nhận dạng…
Nhưng cũng có nhiều quán, với vị trí hay bài trí đặc trưng, mà thu hút nhiều thành phần khách đến. Như cà phê sân thượng, cà phê ngắm máy bay, cà phê ven sông, cà phê sân vườn…
Đi cà phê, ngoài việc giải trí đơn thuần, gặp gỡ bạn bè, có những người xem quán cà phê là nơi làm việc, tha hồ chúi mũi vào chiếc máy tính xách tay, trong những quán có ổ cắm điện, wifi miễn phí. Hoặc, có những người chỉ thích đi một mình, tìm một góc vắng, rồi tĩnh tâm, thả hồn hoài niệm những chuyện cũ, hay nghĩ về nơi nào đó xa lắc…
Sài Gòn có những quán cà phê độc đáo, thường là đẩy mạnh phần bài trí để gợi trí tò mò, thu hút thực khách. Có quán cà phê chuyên sưu tập những món đồ cổ, quán thì lại treo ngược các món đồ, quán lại thiết kế như một khu vườn châu Âu, với hoa thơm bướm lượn khắp nơi…
Sẽ là thiếu sót nếu nói đến cà phê ở Sài Gòn mà không nhắc đến một loại hình cà phê độc đáo, không có quán nào, hay có rất nhiều quán ở cùng một địa điểm, đó chính là cà phê bệt.
Cà phê bệt là cà phê vỉa hè ở công viên, nơi có rất nhiều người bán luôn sẵn sàng phục vụ. Nơi tập trung loại hình này là công viên 30/4 gần kề nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, dinh Độc Lập. Chỉ cần bạn đặt mông ngồi xuống, sẽ có người tới hỏi bạn có uống gì không. Nếu có, họ sẽ đưa cho bạn tờ báo lót ngồi cho đỡ dơ, rồi mang nước tới, tính tiền ngay.
Cà phê bệt Sài Gòn thu hút khá nhiều khách, phần đông là những bạn trẻ, thường là học sinh, sinh viên. Ngoài ra cũng có giới văn phòng, những người đã đi làm nhưng thích lê la khám phá. Bởi, việc ngồi cà phê trong một công viên mở xanh mát, xung quanh toàn là những bạn trẻ năng động, không giới hạn thời gian, và nhìn ngắm người qua lại giữa trung tâm thành phố xem ra khá là thú vị.
Đa dạng về hình thức và số lượng, cà phê ở Sài Gòn lại chẳng thiếu những quán có biểu diễn âm nhạc, thường là về đêm, buổi tối cuối tuần, tiền vé phụ thu trong thức uống. Loại hình này cũng được nhiều người ưa chuộng, bởi có thể kết hợp nhiều việc: nhu cầu giải trí, gặp gỡ, lẫn thưởng thức đồ uống.
Tôi từng nghĩ nếu thiếu đi những quán cà phê, thì Sài Gòn sẽ như thế nào? Có vài lần xa Sài Gòn, khi nhớ về nó, tôi thực sự nhớ những lần sum họp giữa bè bạn trong những quán cà phê xinh xinh, nhớ không gian đặc trưng, nhớ hương thơm của ly trà, nhớ thứ âm nhạc chầm chậm dịu dàng…
Hẳn là, Sài Gòn sẽ nhàm chán đi nhiều, nếu không có những quán cà phê…