Ngày 4: Quy Nhơn (Bình Định) – Hội An (Quảng Nam)
Dấu ấn Quy Nhơn và khách sạn nhỏ xinh ở Hội An
Mình được sinh ra ở Quy Nhơn, và trưởng thành ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, cách Quy Nhơn khoảng 80 km về hướng Bắc. Mình thích đi chơi, thích biển, cho nên đối với mình, cả mảnh đất Nam Trung bộ đều là những tỉnh thành thân thương.
>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (5)
>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (4)
Nhớ trong hành trình, lúc đến được thành phố Phan Rang, mình dừng xe hỏi một chú đường đi Ninh Chữ – Vĩnh Hy. Chú vừa cất giọng lên chỉ đường tận tình là đã cảm nhận được sự thân thương và quen thuộc rồi. Đó là vì chất giọng Nam Trung bộ nằng nặng, đậm nét, đặc trưng của miền Trung – Tây Nguyên (như ở một số tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai) và đã nghe một lần thì những người ở xa mới đến không thể nào quên được.
Sự thân thương đó bắt đầu xuất hiện từ Ninh Thuận, đến Khánh Hòa rồi kéo dài sang Phú Yên, và đến Quy Nhơn thì nó bắt đầu đi sâu vào máu thịt. Dù Bình Định quê mình ấy, từ khi vô Sài Gòn học tập và sinh sống, thì hàng năm mình đều đặn về nhà, ít nhất một lần, nhiều nhất bốn lần…
Nỗi yêu mến và tình cảm dành cho quê hương thì không có gì thay đổi được, mình tin những ai xa quê đều sẽ có cảm nhận y như mình.
Sáng hôm đó, tụi mình dậy từ 5g, sớm hơn mọi ngày, trả phòng, để có thể đến cảng cá chụp ảnh theo mơ ước của em gái đồng hành. Nhưng có vẻ như cảng cá Quy Nhơn không phù hợp với yêu cầu hoặc sự tưởng tượng của em ấy, mà khi đến, thấy khung cảnh buôn bán cá lộn xộn và hôi tanh, ngập nước, trong khi cá đã được chuyển hết vào bờ, và không có những chú cá ngừ đại dương mập mạp to bự, mà em ấy đã không chụp một tấm ảnh nào. Điều này thì em gái đồng hành khác hẳn với mình. Với khung cảnh kể trên, nếu chỉ có một mình, không bị vướng bận bởi ai, mình sẽ lặng lẽ và lăn lê mọi ngóc ngách trong cảng, trong chợ cá hỗn tạp đó để mà chụp khung cảnh đời thường. Đó mới là cuộc sống, là khoảnh khắc bình thường, là một khía cạnh giản dị nhưng tươi đẹp của cuộc sống này.
Nhưng vì em không chụp, làm mình cũng tụt mất cái cảm hứng, nên thôi, hai đứa bèn chạy xe ra biển, dọc theo đường Nguyễn Huệ.

Mặt trời đã lên, và cũng như Nha Trang, có rất nhiều dân địa phương đi dạo, tập thể dục hay tắm biển…

Sớm mai trên biển Quy Nhơn khác một chỗ với Nha Trang, đó là rất ít khách du lịch, vì nền du lịch của Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung bao năm nay vẫn chưa phát triển vượt bậc…

… Nhưng vậy cũng tốt, nhờ đó mà thành phố vẫn giữ được nét bình yên, hiền hòa và tĩnh lặng.
Dọc theo con đường biển hướng về phía Đông Nam, tụi mình chạy xe lên khu du lịch (KDL) Ghềnh Ráng (Ghềnh Ráng – Tiên Sa) – thắng cảnh Quốc gia. Có lẽ sáng sớm nên KDL mở cửa tự do, không thu phí. KDL Ghềnh Ráng thuộc quyền quản lý của tập đoàn Saigontourist, nằm ở số 03 đường Hàn Mặc Tử, TP. Quy Nhơn, nằm trên ngọn núi thấp (đồi) Ghềnh Ráng. Trong này gồm tổ hợp di tích mộ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân, nhà hàng Hoàng Hậu, Rocky bar, và bãi tắm Hoàng Hậu (bãi Đá Trứng Hoàng Hậu). Đứng trên Ghềnh Ráng nhìn xuống, sẽ thấy thành phố Quy Nhơn nhỏ bé và hiền hòa nép mình bên bờ biển xanh.
Về cái tên Ghềnh Ráng Tiên Sa, “nơi đây đá chất ngổn ngang, tạo thành hang, thành rạn, thành ghềnh, quanh năm đùa giỡn cùng sóng biển. Bãi biển này dân thường gọi là Nhạn Châu, tức bãi Nhạn, có lẽ vì đây là nơi chim nhạn thường kéo đến tìm mồi, từng đàn, từng đàn đông đúc. Còn cái tên Ghềnh Ráng, do khi qua nơi nhiều ghềnh, lắm rạn này, các thủy thủ phải tìm cách đổ bớt gió trong buồm ra cho thuyền đi chậm lại. Thao tác này trong nghề đi biển gọi là ráng. Lâu dần thành tên, vùng này được gọi là Ghềnh Ráng.
Bên cạnh cái tên dân dã thân quen này, nơi đây còn gắn với một truyền thuyết. Truyện kể rằng, ngày xưa ở Bồng Sơn có người con gái đẹp, nết na, thùy mị nổi tiếng. Nàng và một chàng trai trong làng đã thầm yêu nhau. Nhưng rồi sắc đẹp của nàng đã làm viên quan huyện mê say. Hắn cho người theo dõi và tìm mọi cách chiếm đoạt. Để giữ trọn lòng chung thủy với người yêu, nàng khóc lạy cha mẹ rồi bỏ làng trốn vào Quy Nhơn. Biết tin, viên quan huyện lập tức sai tùy tùng đuổi theo. Tới Ghềnh Ráng thì trời nổi dông bão, sấm chớp đùng đùng, núi nứt một khe lớn và nàng biến mất. Chàng trai mất người yêu cũng chạy đi khắp nơi tìm kiếm. Chàng leo hết tảng đá này đến tảng đá khác cất tiếng gọi người yêu. Tiếng chàng tha thiết vang động khắp núi rừng và biển cả. Rồi chàng đuối sức rồi ngất xỉu, sóng biển đã đưa chàng tấp vào Ghềnh Ráng.
Khi tỉnh lại, chàng còn đang ngơ ngác chưa hiểu mình bị dạt vào nơi đâu thì thấy bóng người con gái lúc hiện, lúc ẩn, chàng vừa gọi vừa chạy theo cho đến khi hai người cùng biến mất. Ghềnh Ráng trở thành nơi tụ đoàn của những đôi uyên ương, vì cường quyền mà không nên được nghĩa vợ chồng lúc còn ở dương gian. Họ đã phải thoát tục thành tiên mới đến được với nhau. Câu chuyện thường đượm màu huyền thoại và đậm chất nhân văn ấy đã gán cho Ghềnh Ráng thêm hai chữ Tiên Sa, nên trong dân gian thường gọi vùng này bằng cái tên ghép Ghềnh Ráng – Tiên Sa” – (Tổng hợp và biên tập từ Internet).

Chạy xe lên dốc KDL, bên tay trái là nhà thờ Ghềnh Ráng, bên phải là mộ Hàn Mặc Tử.
Có lẽ ai cũng biết Hàn Mặc Tử là nhà thơ tài hoa nhưng đã sớm ra đi về với đất mẹ vì căn bệnh phong thời đó không có thuốc chữa dứt. Hàn Mặc Tử đã có quãng thời gian chữa trị ở bệnh viện da liễu Quy Hòa thuộc Quy Nhơn, và mất tại đây. Sau khi mất, Hàn được chôn cất ngay trong khuôn viên bệnh viện, nhưng sau đó đã được dời sang Ghềnh Ráng, nằm trên đồi Thi Nhân, nhìn xuống biển xanh, theo ý nguyên của Hàn. Mộ Hàn dựa vào núi, hướng xuống biển, đó cũng chính là thế phong thủy tốt “tiền thủy hậu sơn”.
Có thông tin mình không dám chắc, rằng ngôi mộ Hàn Mặc Tử hiện nay trong KDL Ghềnh Ráng chỉ là mộ gió, vì xương cốt của Hàn đã được người thân bốc về quê hương Quảng Bình.

Biển Quy Nhơn và Royal resort (hệ thống khách sạn nhà hàng cafe Hoàng Gia mà mình có nhắc tới ở kỳ 5) nhìn từ Ghềnh Ráng.
Tụi mình tiếp tục chạy xe lên núi, đi thẳng là gặp nhà hàng Hoàng Hậu, Rocky bar và bãi tắm Hoàng Hậu ngay bên dưới nhà hàng.


“Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, đã chọn Ghềnh Ráng để lập một hàng cung. Năm 1927, ông đã cho xây dựng một tòa biệt thự ba tầng cùng những công trình phục vụ cho cuộc sống đế vương trong những khi đi kinh lí và nghỉ ngơi, thưởng ngoạn cảnh đẹp ở Bình Định. Tòa biệt thự này đã bị nhân dân đập phá 1949, nay chỉ còn lại phế tích.”

Nam Phương hoàng hậu cũng đã chọn nơi đây làm bãi tắm riêng cho mình, tên gọi bãi tắm Hoàng Hậu bắt nguồn từ đây.

Bãi có nhiều viên đá xanh hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng, nên còn được gọi là bãi Đá Trứng

Một góc thành phố Quy Nhơn nhìn từ bãi tắm Hoàng Hậu

Thuyền và biển

Bên trên bãi tắm Hoàng Hậu có hai khối đá lớn chồng xếp lên nhau nên được gọi là Hòn Chồng – (Internet). Trong ảnh, một chú tập thể dục bằng cách đạp xe lên núi.
Chi tiết Hòn Chồng lại khiến mình liên tưởng đến Nha Trang. Ở Nha Trang có Hòn Chồng, có chợ Đầm, thì ở Quy Nhơn cũng có hai thứ tương tự. Có lẽ những vùng gần gần nhau thì có những nét tương tự về địa lý, thời tiết, văn hóa,… để tạo nên những tên gọi hay sự tích tương đương nhau. Cũng giống như từ “Hàm Rồng” thường được đặt cho nhiều ngọn núi, như ở Phú Quốc (Kiên Giang), Sa Pa (Lào Cai), Pleiku (Gia Lai)… Hay “Châu Thành” thường là tên huyện cuối cùng, giáp ranh với một tỉnh thành khác của nhiều tỉnh thành ở miền Tây Nam bộ, như Long An, Đồng Tháp, An Giang…
Xe lại tiếp tục chạy theo con đường lên núi để đến được cổng sau của bệnh viện da liễu Quy Hòa. Đường này mình chưa chạy bao giờ nên cũng hơi tò mò. Cổng chính bệnh viện sẽ được rẽ vào từ đường Quy Nhơn – Sông Cầu, con đường mới đẹp mà mình từng kể ở kỳ trước.

Đi ngang bãi biển Quy Hòa
Vẫn còn sớm nên cũng không thấy ai thu phí vào cổng, vì đây cũng là một điểm tham quan dành cho du khách khi đến với Quy Nhơn.
Theo cách hiểu và cảm nhận của mình, bệnh viện da liễu Quy Hòa là một khu đất rất rộng, nơi sống tập trung cho các bệnh nhân bị phong, những người vào chữa bệnh hoặc sống luôn ở đó và tập hợp thành cả làng phong, nghĩa là nơi ở của nhiều gia đình phong. Nơi đây có vị thế thật đắc địa, nằm trong thung lũng, bên cạnh bãi biển hoang sơ và đẹp tuyệt. Thật đúng là nơi chữa bệnh, cần sự yên tĩnh và cảnh đẹp để làm cho lòng người thư thái.
Trước đây, mình từng vô Quy Hòa ba lần, một lần đi chơi, một lần thăm bạn, một lần chụp ảnh cưới cho bạn. Không như người khác từng nghĩ nơi này sẽ là ổ bệnh hay cái gì đó ghê gớm, vô trong khu bệnh thì cũng như những bệnh viện khác thôi. Còn ở xung quanh, bệnh viện đã được quy hoạch thành nhiều khu, có nhà thờ rất đẹp, có vườn tượng những người nổi tiếng, có ngôi mộ cũ của Hàn Mặc Tử, có căn phòng nơi từng chữa bệnh và mất của Hàn, lại có khu nghiên cứu, biển xanh, quán nước… Nói chung là một nơi tham quan yên tĩnh và xa rời cái ồn ào của phố thị.

Khu tiếp nhận thiện nguyện và căn phòng nơi Hàn Mặc Tử đã trút hơi thở cuối cùng


Rời bệnh viện da liễu Quy Hòa, bọn mình chạy xe ra cổng chính để đi đường Quy Nhơn – Sông Cầu, ngắm Quy Nhơn từ trên cao.

Con đường này thường khá vắng, cứ mỗi lần ở Sài Gòn về, đến đây là trong lòng mình lại dấy lên một nỗi niềm khó tả, như muốn thốt lên rằng, con đã về tới quê rồi.

Quy Nhơn đó, ngay bên dưới
Bọn mình lại chạy vòng vô Quy Nhơn, ăn sáng và ghé mua trái cây (cả hai đã bắt đầu muốn ăn và cũng nên ăn thêm trái cây để có chất xơ và vitamin). Sau đó, bọn mình chạy theo đường Trần Hưng Đạo, rẽ vào các thể loại cầu Hà Thanh, từ đó qua cầu Thị Nại để chạy qua khu kinh tế mới Nhơn Hội thuộc bán đảo Phương Mai, từ đó lại chạy dọc theo con đường biển ra Quảng Ngãi.

Sông Hà Thanh

Gần 2/9 nên cờ hoa tung bay phấp phới!

Chỗ sông này có lẽ là nước lợ, vì gần ngay biển

Những năm trước mình còn thấy người ta nuôi nghêu và cào nghêu, không biết là bây giờ còn hay hết.

Khung cảnh cây ngập mặn, nước lợ chắc rồi. Xa xa là cầu vượt biển Thị Nại.
Qua Nhơn Hội, bọn mình rẽ trái, ghé uống cà phê ở một quán ven đường, rồi tiếp tục đi qua những đồi cát, bắt đầu hành trình tiếp tục dọc theo con đường biển.

Quy Nhơn nhìn từ Nhơn Hội.
Bắt đầu từ đoạn này, mỗi ngã rẽ bọn mình đều thận trọng hỏi thăm người dân địa phương. Bởi những con đường nhỏ bé và ít người đi này (ngay cả mình nếu đi từ Quy Nhơn về Bồng Sơn, gần Quảng Ngãi, thì bình thường vẫn đi quốc lộ 1A, chứ đường này mình chưa đi bao giờ) không hề có biển chỉ đường ra Quảng Ngãi hay là ra biển đâu, mà chỉ có chỉ đường ra một cái thị trấn hay địa danh trong huyện đó.
Hỏi tùm lum vậy mà cuối cùng bọn mình cũng chỉ đi được khoảng 50 km đường biển, mà lẽ ra phải là 90 – 100 km, và phải đi Quốc lộ 1A chán òm.

Con đường vắng người, tất nhiên đi rất “đã”!


Bên núi, bên biển (ảnh chụp ngược lại)

Biển quyến rũ mắt người

Hết qua biển, xe lại đi qua những đồng ruộng

Bạn có nhận ra mỗi tỉnh thành có những đồng ruộng đẹp mắt khác nhau không?

Ở Bình Định, ruộng đã mang màu xanh thẫm hơn một chút của lúa non, hoặc vàng thẫm của lúa chín, và vàng mạ thẫm của lúa đã gặt xong…

Một đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ
Hổng liên quan là từ chỗ này mình bị gãy gọng kính, nên những ngày sau cứ chiều tối mà chưa tới nơi là phải đưa cho em gái kia chạy, vì mắt cận của mình về chiều cứ như là quáng gà ấy.

Cây trên đồi bị đốt, có lẽ để trồng lớp cây lương thực nào đó
Ra lại Quốc lộ 1A ở đoạn huyện Phù Mỹ (vẫn Bình Định), hai đứa nghỉ chân uống nước hơi lâu tí rồi mới lại tiếp tục đi. Đoạn Quảng Ngãi không có gì để nói vì chạy rất là chán. Đường thì đang làm, khói bụi ổ voi ổ gà mù mịt, đã vậy, cảnh cũng không có gì nhiều nhặn đáng để dừng lại chụp. Mà từ Quảng Ngãi tới Hội An chỉ khoảng 130 km, nhưng đi hoài chẳng thấy tới, có lẽ vì cả hai đều mong chờ tới nơi, mà trên đường lại chẳng thấy cột cây số ghi còn bao nhiêu km tới Hội An, mà toàn là ghi mấy nơi không cần thiết nào đó, gần thì đề Huế, còn xa thì ghi Ninh Bình, Bắc Giang…
Quá trưa, bọn mình ghé ăn bánh bèo trong một quán dọc đường vẫn thuộc Quảng Ngãi. Hai dĩa bánh bèo rưới nhân ướt là thịt và nấm, mỗi dĩa chừng 8 – 10 cái bánh bèo ăn no, mà có 5.000đ/ dĩa. Ôi trời, vật giá ở đây còn rẻ hơn Bình Định quê mình nữa.
Sau vài lần hỏi đường nữa thì khoảng 18g30 hai đứa cũng mò tới được Hội An. Trên đường đã có để ý phương hướng để hôm sau ghé làng gốm Thanh Hà.
Em gái đồng hành tình cờ ghé đại vô một khách sạn, nhưng đúng là thật tuyệt, đó là cái khách sạn hài lòng nhất, sang chảnh nhất từ đầu chuyến đi tới giờ, và cả sau này. Để sau đó, hai đứa ghé lại và quyết định ở thêm hai đêm ở Hội An, thì không tìm ra được khách sạn, mà mò tới khách sạn này ở tiếp.


Khách sạn Hoàng Trinh, 45 Lê Quý Đôn, P. Cẩm Thô, TP. Hội An – Đường Lê Quý Đôn nhỏ, hơi khuất nha (ảnh chụp sáng hôm sau), nhưng chỗ này là ngay trung tâm phố cổ rồi, đi bộ vô chùa Cầu chừng 5 phút thôi.

Kiểu kiến trúc và trang trí vừa tạo nét cổ kính, lại mang nét dễ thương như mình từng thấy khi ở Luang Prabang (Lào) hay các hình trên mạng ở Pai (Thái Lan)

Khách sạn có phục vụ thức ăn và cà phê nữa nghen.

Có cả quầy bán tour (ảnh chụp hai ngày sau)

Cầu thang xinh xinh (ảnh chụp hai ngày sau)

Hành lang và ban công có bàn ghế cho khách tự do ngắm cảnh (ảnh chụp hai ngày sau)

Cảnh nhìn từ ban công (ảnh chụp hai ngày sau)

Phòng đẹp, rộng, đầy đủ máy lạnh, bồn tắm, nước nóng lạnh, khăn tắm, dép đi trong phòng riêng, dép đi trong nhà tắm riêng, rồi gương lược, tăm bông, áo Yukata, móc áo đầy đủ…
Đặc biệt là, lúc mới vô nhận phòng, mình hoảng hồn khi thấy trang trí khăn tắm hình hai con chim quấn vào nhau, lại có hình đôi gấu với trái tim, mặc dù đây là phòng hai giường, làm mình nghĩ vô lộn phòng. Ai ngờ hỏi em tiếp tân, em ấy nói không, phòng nào cũng trang trí như vậy hết. Trời, dễ thương ghê luôn!
Bạn xem hình đó, nội thất trong phòng đều là hàng không phải rẻ tiền, lại được trang trí tranh ảnh vô cùng nhã nhặn, nhìn như đang ở trong khách sạn ít nhất là 3 sao. Hội An thiệt là tuyệt, ít nhất đây là lần thứ tư mình đến Hội An (lần đầu đi tour thực tập với khách sạn, các lần khác là ra nhà chị gái chơi, chị ở cách Hội An khoảng 7 km), nhưng chưa có lần nào Hội An làm mình thất vọng cả.
Điểm này mới quan trọng nè, giá phòng có 300.000đ/ đêm/ 2 người thôi, mặc dù hôm đó là 1/9, ngay lễ – thời khắc mà nếu là ở Đà Nẵng thì sẽ bị tăng giá. Ngoài ra, mấy em nhân viên ở đây vô cùng thân thiện, thậm chí cả bà chủ khách sạn cũng thân thiện cười nói vui vẻ với khách, khiến khách có cảm giác như đang ở nhà vậy đó. Mình có để ý lúc tụi mình ở thì trong khách sạn chỉ gặp những khách Tây khác thôi.
À, xe máy thì cứ để trước khách sạn, không khóa cổ, để đến khuya bảo vệ sẽ dắt vào trong sân, không sợ mất. Khi bọn mình quay lại đây hai ngày sau đó, thì còn được tiếp đãi sinh tố đu đủ và bánh ngọt nho nhỏ miễn phí nữa.
Xin lỗi độc giả vì bệnh nghề nghiệp (đặt phòng khách sạn) của mình lại tái phát, nên mỗi khi ở được chỗ nào rẻ đẹp hài lòng là mình sẽ viết nhiều để giới thiệu miễn phí đến những người cần, cũng là một cách cảm ơn dịch vụ tốt mà bên khách sạn đã mang lại cho những người đi bụi như mình.
(Còn tiếp)
>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (7)