DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Một thoáng Sài Gòn Chợ Lớn


Có đi rồi mới biết, khu vực Chợ Lớn ở Sài Gòn, nơi tập trung nhiều người Hoa hoặc người Việt gốc Hoa sinh sống, là một kho tàng văn hóa, những phong tục tập quán, truyền thống, tư tưởng sống to lớn và sinh động, rất đáng để tham quan, khám phá và học hỏi.

Vùng Chợ Lớn (khu phố Tàu, khu phố người Hoa) bao gồm cả khu vực rộng lớn của quận 5, quận 6, quận 10 và một phần của quận 11 ở Sài Gòn. Nếu bạn muốn có thời gian tham quan, trải nghiệm, nhìn ngắm, học hỏi, quan sát… những nét đẹp văn hóa, và cả những nét chưa đẹp, thì phải dành ít nhất nguyên một ngày để có thể dạo bộ những con đường chính sầm uất, những khu vực nhỏ tập trung đông đúc người Hoa sống ở Sài Gòn nhất.

Mình đã có thời gian vài tiếng đồng hồ đi bộ qua những con đường của khu phố người Hoa, từ Nguyễn Trãi sang Lương Nhữ Học, Trần Hưng Đạo, rồi Hải Thượng Lãn Ông, Phùng Hưng… Ở đây, mỗi con đường lại chuyên bán một món đồ, đúng tinh thần “buôn có bạn, bán có phường”, tinh thần đoàn kết giúp đỡ đồng hương của những người Trung Quốc. Nếu như đường Lương Nhữ Học – Nguyễn Án chuyên bán các loại lồng đèn, đèn cầy, đồ chơi trung thu, được gọi là phố lồng đèn, thì đường Hải Thượng Lãn Ông – Triệu Quang Phục – Phùng Hưng lại chuyên bán các loại thuốc Bắc, đi ngang qua đây cảm nhận mùi thơm lừng dễ chịu cả một khu phố nhỏ.

Ngoài những con đường với các mặt hàng đặc trưng, cả khu vực Chợ Lớn ở Sài Gòn có nhiều ngôi chợ nổi tiếng vì lâu đời, vì sầm uất, hoặc vì chuyên cung cấp những mặt hàng nào đó. Như chợ Kim Biên (thành lập từ những năm 1960), chợ Bình Tây (chợ Lớn), chợ An Đông, chợ vải Soái Kình Lâm, chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ kéo Triệu Quang Phục…

Bên cạnh đó, vùng Chợ Lớn còn tập trung nhiều miếu mạo, chùa chiền với kiến trúc và trang trí đặc trưng của văn hóa Trung Hoa, thờ cúng những vị thần tâm linh của riêng họ, như Quan Công, Ông Bổn, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thiên Đế… Những ngôi chùa đặc trưng hay còn được gọi là hội quán (tức nơi gặp gỡ giao lưu của những người đồng hương) có thể kể đến như: chùa Bà Thiên Hậu (hội quán Tuệ Thành), chùa Ông Bổn (hội quán Nhị Phủ), Chùa Ôn Lăng, Chùa Ông (hội quán Nghĩa An)…

Hành lang rêu phong bên hông chùa Bà Thiên Hậu (hội quán Tuệ Thành)

Miếu Nhị Phủ (hội quán Nhị Phủ)

Còn gọi là chùa Ông Bổn, ở số 264 Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5

Cổ kính và trầm mặc

Lịch sử hình thành và phát triển TP.HCM không thể không nhắc đến Chợ Lớn. Bắt đầu từ năm 1644 tại Trung Hoa, nhà Thanh lật đổ hoàn toàn nhà Minh. Một số người nhà Minh đã rời bỏ quê hương xuôi về phương Nam… Tháng giêng năm 1679, hai tướng cũ của nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đã đem 3.000 quân cùng 50 chiến thuyền cập bến Đà Nẵng, xin thần phục nhà Nguyễn. Chúa Nguyễn lúc bấy giờ là Nguyễn Phúc Tần không nỡ cự tuyệt, đã đưa họ đến vùng Đông Phố để cư trú, khai khẩn và làm ăn.

Dương Ngạn Địch tiến quân vào cửa Soài Rạp, đến đóng quân ở Mỹ Tho. Trong khi đó, Trần Thượng Xuyên đi theo cửa Cần Giờ để đến Biên Hòa. 2 đạo binh người Hoa này vỡ đất hoang, dựng phố xá, tạo nên một vùng đất trù phú.

Cánh quân của Trần Thượng Xuyên trú ở cù lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai) đã tiến hành khai khẩn vơi quy mô lớn. Chẳng bao lâu, vùng đất hoang sơ này đã trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định, tức Nam bộ ngày nay. Sự phồn thịnh của Cù lao Phố kéo dài không lâu. Năm 1776, dưới ảnh hưởng của chính sách mới của nhà Tây Sơn, người Hoa bỏ đi rất nhiều.

Những người còn lại tìm đến vùng Chợ Lớn (Sài Gòn) sinh sống, lập cơ sở mới làm ăn, buôn bán. Kể từ đó, cù lao Phố đánh mất vai trò là trung tâm thương mại, thay vào đó là Chợ Lớn. Tại Chợ Lớn, lúc bấy giờ có tên là Đề Ngạn, đã có một làng Minh Hương nhưng chưa được sôi động lắm. Chỉ khi số người từ Cù lao Phố chạy về, khu vực Đề Ngạn mới trở nên đông đúc.

Người Hoa bắt đầu lập chợ tại nơi họ cư ngụ để trao đổi hàng hóa. Chợ của người Hoa lúc bấy giờ (khu vực bưu điện Chợ Lớn ngày nay) so với chợ người Việt mà điển hình là chợ Tân Kiểng có lớn hơn nên được gọi là Chợ Lớn. Từ đó, cả khu vực có người Hoa sinh sống đều được gọi là Chợ Lớn.

Năm 1865, thành phố Chợ Lớn được thành lập bao gồm quận 5, quận 6 ngày nay và vùng đất dọc theo kênh Tẻ nơi có đông người Hoa sinh sống.

Người Hoa có mặt tại Chợ Lớn ngay từ lúc vùng đất này còn hoang sơ. Họ miệt mài lao động, đổ mồ hôi đổi lấy bát cơm. Trong số đó, có những người từ đôi bàn tay trắng tạo nên sự nghiệp to lớn. Họ góp phần tạo cho Chợ Lớn có diện mạo trù phú, sầm uất như hôm nay.

Một trong những bí quyết thành công của người Hoa là họ sống thành những cộng đồng, chung tay giúp nhau những lúc cần thiết.

(Theo Vietnamnet)

Advertisement