DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Kiến trúc tuyệt đẹp của nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt


>> Trở lại Đà Lạt, một mình

Nhà thờ Chánh tòa Ðà Lạt là một trong những nhà thờ công giáo ở Việt Nam có tên gọi khác là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông có hình con gà lớn. Đây là nhà thờ chính tòa của vị Giám mục Giáo phận Đà Lạt, cũng là nhà thờ lớn nhất Đà Lạt, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại.

Nhà thờ được xây dựng từ năm 1931 đến 1942, có chiều dài 65m, chiều rộng 14m và cao 47m. Với độ cao đó, tháp chuông của nhà thờ có thể được nhìn thấy từ nhiều nơi trong thành phố. Phần phía trên của tường được lắp 70 tấm kính màu mang dấu ấn của kiến trúc nhà thờ châu Âu thời Trung cổ.

Lịch sử Nhà thờ chính tòa Đà Lạt gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt.

Cùng với bác sĩ Alexandre Yersin khám phá ra Đà Lạt, có linh mục Robert thuộc Hội Linh mục Thừa sai Paris (MEP) vào năm 1893. Đến 1917, linh mục quản lý của MEP tại Viễn Đông là cha Nicolas Couveur đã đến Đà Lạt với mục đích tìm nơi nghỉ dưỡng cho các giáo sĩ, và đã cho xây dựng một dưỡng viện giáo đồ nay là một phần của nhà xứ. Vào cuối tháng 4, 1920, Giám mục Quinton (Giám quản Tổng tòa tại Sài Gòn) ban quyết định thành lập Giáo phận Đà Lạt.

Ngày 10 tháng 5, 1920, linh mục Frédéric Sidot là cha xứ đầu tiên của giáo sở Đà Lạt. Cha Sidot đã cho xây dựng ngôi thánh đường “HIC DOMUS EST DEI” dài 24m, rộng 7m và cao 5m. Nhà thờ này được gắn liền với cánh bên tả dưỡng viện giáo đồ mà cha Nicolas đã cho xây. Cửa chính của nó được cấu trúc theo hình vòng cung nhọn, riêng phần chạm trổ và sơn son thiếp vàng thì theo kiểu Á Đông. Trên vòng cung của cửa chính, có khắc dòng chữ tiếng la tinh “HIC DOMUS EST DEI” (đây là nhà của Thiên Chúa).

Ngày 5 tháng 7, 1922, Giám mục Quiton ban quyết định cho phép Giáo phận Đà Lạt xây một nhà thờ mới: rộng 8m, dài 26m có một tháp chuông cao 16m. Công trình được khánh thành vào ngày 17 tháng 2, 1923. Trên tháp có treo 4 quả chuông do hãng Pacard thuộc tỉnh Savoie (Pháp) chế tạo. Công trình này hiện nay không còn tồn tại.

Nhà thờ chính tòa Đà Lạt hiện nay được chính thức khởi công vào 9 giờ sáng chủ nhật ngày 19 tháng 7, 1931 do giám mục Colomban Dreyer (khâm sứ Toà Thánh tại Đông Dương và Thái Lan) đặt viên đá đầu tiên. Được xây theo đồ án của linh mục Céleste Nicolas, cha sở lúc bấy giờ” – Tổng hợp từ Internet.

Nói chung là mình mê mẩn những kiến trúc Pháp tuyệt đẹp ở nhiều công trình tại Đà Lạt. Những kiến trúc mà nhìn vào sẽ thấy ngay nét gì đó vừa cổ kính, vừa quý phái và trường tồn mãi với thời gian.

Công trình có màu cam pastel hài hòa và duyên dáng. Mở cửa tự do.

Trước kia nhà thờ có tên gọi là nhà thờ Con Gà bởi trên đỉnh tháp chuông có hình con gà lớn, nhưng tháp chuông nay đã không còn, và cũng không còn hình con gà nào hết.

Khuôn viên nhà thờ khá rộng và mát mẻ

Chỗ này là nhà sách Phaolô, nằm trong khuôn viên phía sau nhà thờ

Vì khoảng sân trước của nhà thờ được rào lại khá hẹp, nên đến đây để chụp hết toàn cảnh mặt trước của nhà thờ, bạn phải có ống kính góc rộng hoặc mắt cá. Mình chỉ có ống kính 18-55mm đi kèm máy ảnh từ hồi giờ nên không thể nào chụp toàn cảnh được. Một sự tiếc nuối!

Đà Lạt, tháng 10/2013.

Tái bút:

Những dòng kiến thức in nghiêng trong ngoặc kép mà mình đã sao chép từ nhiều nguồn trên Internet, đọc ra thì thấy khô khan, nhưng nếu được nghe người khác đọc hay thuyết minh, nhất là khi đi cùng hướng dẫn viên, trong không khí thực tại của cái nơi hay sự kiện đã diễn ra, thì bạn sẽ có cảm nhận rất khác. Đó là cảm nhận thích thú, hay ho, và cảm xúc tuyệt vời, không diễn tả nổi khi mà những kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa lý… như ngân nga, nhẹ nhàng đi vào tâm trí, trái tim bạn. Đó cũng chính là một nét hay của việc du lịch: không chỉ đi để nghỉ ngơi, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, hay để ngắm cảnh, thưởng thức đồ ăn… mà cái quan trọng nhất đó là đi để hiểu biết, để cảm nhận, và sống chan hòa, bao dung và tốt đẹp hơn.

Advertisement