CỘNG TÁC BÁO CHÍ · DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Hành trình chinh phục Đà Lạt bằng những cung đường đèo khác nhau


Đà Lạt là một thành phố du lịch hấp dẫn thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên của Việt Nam. Cùng điểm qua những cung đường đèo khác nhau cho hành trình chinh phục Đà Lạt tự túc bằng đường bộ từ thành phố Hồ Chí Minh.

Bài viết đã được đăng trên trang tcdulichtphcm.vn. Đây là bài gốc.

1. Đèo Bảo Lộc

Đèo Bảo Lộc là cung đường đèo cơ bản, phổ biến nhất cho chặng đường lên Đà Lạt từ các tỉnh thành phía Nam nói chung, và từ thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đèo Bảo Lộc (còn gọi là đèo B’Lao, hay đèo Ba Cô) dài khoảng 10km, nằm trên dãy núi Lu Bu, thuộc thung lũng Đạ Huoai và cao nguyên Di Linh, nối thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, và xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Đèo Bảo Lộc (còn gọi là đèo B’Lao, hay đèo Ba Cô)

Đèo Bảo Lộc cách ranh giới Lâm Đồng – Đồng Nai 23km, cách thành phố Hồ Chí Minh 170km. Đèo được xây dựng vào năm 1973, tổng cộng có khoảng 108 khúc cua ngoằn ngoèo và nguy hiểm trên toàn tuyến.

Đường đèo Bảo Lộc tương đối nhỏ và thường xuyên có xe khách, xe tải lên xuống. Do đó, nếu đi tự túc bằng xe máy, du khách nên cẩn thận quan sát và vững tay lái.

Cảnh núi non trên đèo Bảo Lộc

Lộ trình căn bản từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt qua đèo Bảo Lộc sẽ là: quốc lộ 1A – ngã tư Dầu Giây (Đồng Nai) – quốc lộ 20 – đèo Chuối – đèo Bảo Lộc – đèo Prenn – Đà Lạt.

2. Đèo Gia Bắc

Đèo Gia Bắc (còn gọi là đèo Di Linh) dài khoảng hơn 10km, nằm trên tuyến quốc lộ 28, được hình thành đã hơn 100 năm. Đèo nối huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) với huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). Đường đèo Gia Bắc không đủ rộng, gồm nhiều khúc cua tay áo, khúc cua gấp, nên được xem là một trong những đường đèo nguy hiểm trên cung đường nối thành phố biển Phan Thiết và thành phố ngàn hoa Đà Lạt.

Đèo Gia Bắc (còn gọi là đèo Di Linh)

Với những người thích du lịch bụi bằng xe máy, trải nghiệm đèo Gia Bắc mang tính thử thách và chinh phục rất cao. Bên cạnh đó, cảnh quan dọc đường từ thiên nhiên rừng núi hoang sơ cho đến vực thẳm bất ngờ hiện ra cũng là những điểm hấp dẫn của cung đường đèo này.

Trải nghiệm đèo Gia Bắc mang tính thử thách và chinh phục rất cao

Lộ trình căn bản từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt qua đèo Gia Bắc sẽ là: quốc lộ 1A – Phan Thiết – quốc lộ 28 – đèo Gia Bắc – quốc lộ 20 (Di Linh) – đèo Prenn – Đà Lạt.

3. Đèo Đại Ninh

Đèo Đại Ninh (còn gọi là đèo Lò Xo) thuộc tuyến quốc lộ 28B (còn được gọi là đường Lương Sơn – Đại Ninh), là một trong hai con đèo hiểm trở của tỉnh Bình Thuận (cùng với đèo Gia Bắc) trên cung đường nối thành phố biển Phan Thiết và thành phố ngàn hoa Đà Lạt.

Đèo Đại Ninh (còn gọi là đèo Lò Xo)

Đèo Đại Ninh nối huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) với huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Từ hướng Phan Thiết lên Đà Lạt, cuối đèo Đại Ninh là quốc lộ 20, từ đây đến với thành phố ngàn hoa chỉ còn khoảng 50km.

So với đèo Gia Bắc, đèo Đại Ninh có cảnh quan hoang sơ hơn, vắng xe hơn, thích hợp cho những hành trình trải nghiệm tự túc gần gũi thiên nhiên, không bị bó buộc bởi thời gian.

Đèo Đại Ninh thích hợp cho những hành trình trải nghiệm tự túc gần gũi thiên nhiên

Lộ trình căn bản từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt qua đèo Đại Ninh sẽ là: quốc lộ 1A – Phan Thiết – quốc lộ 28B – đèo Đại Ninh – quốc lộ 20 (Đức Trọng) – đèo Prenn – Đà Lạt.

4. Đèo Ngoạn Mục

Đèo Ngoạn Mục (hay đèo Sông Pha, xưa kia được gọi là đèo Bellevue) dài khoảng 18km, nằm trên tuyến quốc lộ 27 ở ranh giới huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng). Đèo Ngoạn Mục được xem là một trong các đèo núi đẹp nhất Việt Nam, do men theo những sườn núi, nơi có suối thác cắt ngang, cảnh quan núi đồi hùng vỹ, cùng hệ thực vật rừng nguyên sinh đa dạng, đặc trưng.

Đèo Ngoạn Mục (hay đèo Sông Pha, xưa kia được gọi là đèo Bellevue)

Để chinh phục đèo Ngoạn Mục, những du khách ưa trải nghiệm đường dài bằng việc “mài mông” trên yên xe máy thường chọn đến thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, từ đó mới qua đèo và thẳng lên Đà Lạt.

Đèo Ngoạn Mục được xem là một trong các đèo núi đẹp nhất Việt Nam

Lộ trình căn bản từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt qua đèo Ngoạn Mục sẽ là: quốc lộ 1A – Phan Rang – Tháp Chàm – quốc lộ 27 – đèo Ngoạn Mục – quốc lộ 20 (Đơn Dương) – đèo Prenn – Đà Lạt.

5. Đèo Khánh Lê

Đèo Khánh Lê (còn gọi là đèo Omega, đèo Hòn Giao, đèo Bidoup, đèo Long Lanh, hay đèo Khánh Vĩnh) dài khoảng 29km, đi qua tuyến quốc lộ 27C, nối huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) và huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng). Đỉnh đèo có độ cao đến 1.700m, gần đỉnh núi Hòn Giao.

Đèo Khánh Lê (còn gọi là đèo Omega, đèo Hòn Giao, đèo Bidoup, đèo Long Lanh, hay đèo Khánh Vĩnh)

Đèo Khánh Lê nằm ở thung lũng Khánh Vĩnh và bắc ngang qua cao nguyên Di Linh để lên cao nguyên Lâm Viên. Đèo nằm trên trên cung đường chính nối thành phố Nha Trang với thành phố Đà Lạt (còn gọi là cung đường nối biển và hoa, nối hoa và biển).

Đèo Khánh Lê mang một vẻ đẹp tự nhiên và hoang sơ, lúc đi qua rừng núi và vực thẳm hùng vĩ, khi thì bất ngờ “trốn tìm” trong làn sương mờ ảo, dù là ban ngày, lúc lại đột ngột trải dài qua cánh rừng thông xanh mướt. Với những đặc trưng như vậy, đèo Khánh Lê được dân ưa thích du lịch bụi ví von như chốn bồng lai tiên cảnh, tên sao cảnh thực vậy: đèo Long Lanh, long lanh thiệt!

Một đoạn đèo Khánh Lê trải dài qua cánh rừng thông xanh mướt

Lộ trình căn bản từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt qua đèo Khánh Lê sẽ là: quốc lộ 1A – Nha Trang – quốc lộ 27C – đèo Khánh Lê – Lạc Dương – Đà Lạt.

Nguyễn Thị Bình An

Advertisement
DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Du lịch nội địa Việt Nam: đi đâu, chơi gì 3 tháng cuối năm?


Cùng An điểm qua một số địa danh, hoạt động du lịch nội địa Việt Nam nên thực hiện vào 3 tháng cuối năm nha!

Hiện tại, ở Việt Nam mình, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang được khống chế khá tốt. Tuy nhiên, dịch bệnh trên thế giới vẫn tương đối phức tạp. Một số quốc gia đang rơi vào vòng xoáy sâu của cơn sóng dịch thứ 2 chưa biết khi nào tới hồi kết. Trong khi đó, chỉ còn gần 3 tháng nữa là đã hết năm 2020 và vắc-xin phòng dịch vẫn chưa được đem đi sản xuất đại trà vì chưa đảm bảo hoàn thiện.

Với tình hình như vậy, việc du lịch nước ngoài trong mấy tháng cuối năm có vẻ như là một “điệp vụ bất khả thi”. Và nhân tiện Việt Nam ta đang lên chủ trương kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 sau khi cơn sóng dịch quay lại, An sẽ điểm qua một số địa danh, hoạt động du lịch trong nội địa Việt Nam mà chúng ta có thể tham khảo và thực hiện. Những địa danh này được An xem xét dựa trên tiêu chí thời tiết và mùa du lịch (ở đây là mùa hoa, các lễ hội thì An bỏ qua vì không dám đảm bảo sẽ được cấp phép tổ chức trong tình hình dịch bệnh vẫn còn).

Trong 3 tháng cuối năm: tháng 10, 11 và 12, nếu như không có gì thay đổi thì miền Nam nói chung (bao gồm cả miền Tây và Đông Nam bộ), và khu vực Tây Nguyên sẽ bước vào mùa khô. Lượng mưa sẽ giảm, các cơn mưa chỉ còn rải rác và thay bằng những ngày nắng nóng, khô hạn. Với thời tiết này, đi chơi có lợi thế là không sợ mưa ướt và lạnh, không sợ đường xấu, đường trơn trợt khó đi. Ngược lại thì, nắng nóng cũng khiến cho du khách nhanh mệt hơn, chụp ảnh ít đẹp hơn (nhất là rơi vào buổi trưa nắng, sau 10g). Nhưng, cuộc sống mà, biết sao được, mặt tốt và xấu phải luôn song hành chứ! Chúng ta chỉ có thể lựa chọn hoặc chấp nhận mà thôi.

Riêng khu vực Tây Nguyên bước vào mùa khô, nhưng tiết trời mùa đông cũng sẽ lạnh dần, nhất là vào sáng sớm và về khuya.

Vào 3 tháng cuối năm, miền Trung Việt Nam thường là mùa mưa. Mà bạn có biết rằng, mùa mưa ở miền Trung thường là mưa dai dẳng cả ngày trời, là mưa rào, mưa dông, mưa to gió lớn mang theo những đợt lạnh tê tái. Thỉnh thoảng sẽ có những cơn bão từ biển đổ về hoặc các cơn áp thấp nhiệt đới do ảnh hưởng của bão ngoài khơi, hoặc do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Do đó, du lịch miền Trung Việt Nam vào cuối năm thường không được cổ vũ, trừ tỉnh Bình Thuận. Chi tiết mình sẽ đề cập bên dưới.

Ở miền Bắc Việt Nam, cuối năm thường là mùa đông giá rét. Tùy từng vùng, từng địa phương mà có thêm mưa, mưa phùn, mưa đá, lũ quét, sương giá,… Và nếu bạn ưa thích cái lạnh miền Bắc, hoặc muốn tham quan một địa danh cụ thể nào đó (do đợt cuối năm khu vực miền Bắc cũng có kha khá mùa hoa nở), thì nhớ theo dõi kỹ dự báo thời tiết trước ngày đi, để tránh xảy ra những trải nghiệm hoặc kinh nghiệm đáng tiếc.

Cùng An ngó qua xem chúng ta nên đi đâu, chơi gì trong 3 tháng cuối năm 2020 này nha!

Du lịch miền Tây Nam bộ

Với tiết trời nắng đẹp, ít mưa, bạn hoàn toàn có thể làm những chuyến ngắn hoặc dài hơi vòng quanh 13 tỉnh miền Tây Nam bộ. Từ các tour chèo xuồng giữa kênh mương xanh mướt dừa nước, nghe đờn ca tài tử, tham quan cơ sở làm cốm, làm kẹo dừa ở Bến Tre, Tiền Giang, cho đến hành trình ngắm bình minh trên đồng thốt nốt hay ngẩn ngơ trước hoàng hôn rừng tràm Trà Sư An Giang. Bạn cũng có thể xuống Cần Thơ uống ly cà phê giữa sông nước mênh mang của chợ nổi Cái Răng, hay về tận Bạc Liêu chụp ảnh cùng cánh đồng điện gió. Đi Đất Mũi Cà Mau “check-in” nơi cuối cùng của Tổ quốc, hay ra đảo Phú Quốc nằm dài trên bãi cát trắng hòa mình vào biển xanh êm đềm.

Phong cảnh sông nước miền Tây Nam bộ

Thốt nốt ở An Giang

Đất và người An Giang

Du lịch miền Đông Nam bộ với mùa cao su thay lá và hoa đỗ mai Bà Rịa – Vũng Tàu

Với miền Đông Nam bộ, bạn có thể thực hiện những hành trình ngắn ngày khám phá các tỉnh:

Đồng Nai có rất nhiều danh lam thắng cảnh từ rừng núi cho đến sông suối hồ nước, đến cả những công trình kiến trúc tôn giáo của Phật giáo và Ki-tô giáo, như: rừng Nam Cát Tiên, rừng Mã Đà, núi đá voi Chữ Thập, núi Chứa Chan (Gia Lào), Thác Mai – Bàu Nước Sôi, hồ Đa Tôn, hồ Trị An, KDL Bửu Long, chùa Bửu Phong, chùa Đèn Cầy, thiền viện Phước Sơn, thiền viện Toàn Giác, nhà thờ Đông Vinh, nhà thờ Giáo xứ Phúc Nhạc,…

Tây Ninh: cắm trại ở hồ Dầu Tiếng, tham quan thánh thất Cao Đài Tây Ninh, vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (phải đăng ký với biên phòng trước), căn cứ trung ương cục miền Nam, leo núi Bà Đen, “check-in” ở hai cây thốt nốt tình yêu Kvan đằng sau núi Bà.

Cây thốt nốt tình yêu Kvan

Một số điểm du lịch ít người biết ở Tây Ninh là: tháp cổ Bình Thạnh (nền văn hóa Óc Eo), tháp Chóp Mạt, di tích lịch sử văn hóa chiến thắng Tua Hai, hay tham quan vườn trái cây,…

Bình Dương: một số điểm tham quan mà bạn nên tham khảo như làng tre Phú An, hồ Dầu Tiếng (thuộc địa phận 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và phần lớn ở Tây Ninh), hồ Cần Nôm, đập Phước Hòa, suối Trúc, chùa Thái Sơn trên núi Cậu, khu du lịch (KDL) Đại Nam, khu nghỉ dưỡng An Lâm (An Lam resort), vườn trái cây Lái Thiêu. Bình Dương cũng có những công trình tôn giáo cổ kính và đẹp mắt như: nhà thờ Chánh Tòa Phú Cường, chùa Hội Khánh, thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên,…

Bình Phước: ở đây có rừng quốc gia Nam Cát Tiên, vườn quốc gia Bù Gia Mập, sóc Bom Bo, trảng cỏ Bù Lạch, núi Bà Rá, hồ Thác Mơ, hồ Suối Lam, hồ Suối Giai. Một số ngọn thác đẹp và khá hoang sơ có thể nhắc đến như: thác số 4, thác Đứng, thác Voi, thác Mai,… Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm – mùa khô thì không chắc là trong thác có nước hay không.

Bà Rịa – Vũng Tàu: tỉnh thành du lịch này đã quá nổi tiếng với cảnh biển, núi Minh Đạm, đèo Nước Ngọt, đường dọc biển, hồ Đá Xanh, các ngôi chùa cổ,… Thú vị hơn, vào dịp cuối năm không thể không nhắc đến một loài hoa bé xinh bung nở, mang lại thêm sắc màu lãng mạng cho thành phố biển, đó chính là hoa đỗ mai.

Bà Rịa – Vũng Tàu mùa hoa đỗ mai

Đừng quên, thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) với rất nhiều địa danh hiện đại có, thiên nhiên có hẳn sẽ không làm bạn thất vọng. Từ những quán cà phê “sang chảnh”, cà phê bệt, cho đến các công viên xanh. Từ những khu phố đi bộ, khu phố Nhật, khu phố Hàn, khu phố Hoa cho đến những bảo tàng, nhà thờ, chùa chiền cổ kính và đẹp mắt,…

Sài Gòn sầm uất nhưng cũng có những góc phố thiệt yên bình!

Một điều đặc biệt, vào độ cuối tháng 11 cho đến tháng 2 năm sau là mùa cao su thay lá (mùa cao su rụng lá). Do đó, khi tham quan các khu vực có trồng cây cao su, bạn sẽ được chứng kiến cảnh sắc ngoạn mục của rừng cao su lá vàng, lá cam, lá đỏ, hay trơ trụi lá. Các khu vực trồng nhiều cao su ở miền Đông Nam bộ là: quận 12, huyện Củ Chi (Sài Gòn); huyện Long Thành, huyện Thống Nhất, huyện Trảng Bom, huyện Định Quán, huyện Long Khánh (Đồng Nai); huyện Tân Châu, huyện Tân Biên, huyện Châu Thành, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh); huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương); huyện Lộc Ninh, huyện Bù Đốp, huyện Phú Riềng, huyện Đồng Phú, huyện Hớn Quản, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long (Bình Phước).

Cao su thay lá ở Bình Dương

Du lịch các tỉnh Tây Nguyên với mùa hoa cúc quỳ nở rộ và chinh phục những con đường đèo

Nếu bạn yêu thích cái lạnh se và núi rừng hùng vĩ, mời bạn đến với Tây Nguyên Việt Nam. Bạn có thể thỏa sức chạy xe và ngắm nhìn cảnh thiên nhiên non cao xanh bạt ngàn ngút ngát. Bạn có thể thưởng thức ly cà phê chính hiệu từ nơi nguồn cội của cà phê. Bạn có thể chụp ảnh với những đồi cà phê, đồi chè mênh mông của xứ Bảo Lộc, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), hay đắm chìm vào “đôi mắt Pleiku” – Biển Hồ (hồ T’Nưng, hồ Tơ Nuêng, hồ Tơ Nưng) của tỉnh Gia Lai. Nếu có nhiều thời gian, hãy thử làm một vòng Tây Nguyên qua 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, và Lâm Đồng) trên chiếc xe máy dọc theo quốc lộ 14 để ngắm nhìn và khám phá cuộc sống của người dân địa phương.

Đồi chè Bảo Lộc

Đà Lạt mộng mơ

Đặc biệt, mùa khô Tây Nguyên cũng là mùa của một loại hoa hoang dại nơi đại ngàn: hoa cúc quỳ (còn gọi là dã quỳ, sơn quỳ). Màu vàng rực của những vạt cúc quỳ khi cùng nở rộ dọc các tuyến đường, hay trên những ngọn đồi hẳn là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người lữ khách.

Tây Nguyên mùa cúc quỳ

Riêng Đà Lạt vào dịp cuối năm cho tới qua tết nguyên đán thường có mùa hoa anh đào nở rộ. Đây cũng là một dịp để thành phố ngàn hoa thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Mùa hoa anh đào Đà Lạt

Bên cạnh đó, nếu yêu thích bộ môn đi bộ đường dài (trekking), bạn có thể tham gia các cung đường trekking đỉnh Lang Biang, hay cung Tà Năng – Phan Dũng,…

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử chinh phục những con đèo ở Tây Nguyên, hay đèo kết nối Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung, như đèo Bảo Lộc, đèo Prenn, đèo Long Lanh (đèo Omega, đèo Khánh Lê,…), đèo Ngoạn Mục, đèo Đại Ninh, đèo Gia Bắc, đèo Phượng Hoàng, đèo An Khê, đèo Violak,… Việc tự mình qua đèo bằng xe máy tuy có hơi nguy hiểm, nhưng chỉ cần cẩn thận, chú ý an toàn, kiểm tra phương tiện di chuyển, xem kỹ thời tiết trước khi đi, thì sẽ là những trải nghiệm hay ho trong đời bạn!

Cảnh trên đèo Gia Bắc

Du lịch miền Trung

Như đã nhắc đến ở trên, vì vấn đề thời tiết, thì việc đi du lịch miền Trung Việt Nam vào những tháng cuối năm là không nên cho lắm. Tuy nhiên, riêng tỉnh Bình Thuận nằm sát miền Đông Nam bộ, nên có khí hậu và thời tiết tương đối tương đồng. Chỉ trừ những ngày bị ảnh hưởng của bão (do là một tỉnh duyên hải), thì bạn cũng có thể khám phá Bình Thuận trong mùa du lịch này. Thành phố Phan Thiết, khu Mũi Né với rất nhiều cảnh quan biển, suối và những hoạt động trên biển, trượt cát, thưởng thức hải sản,… Tất cả sẽ giúp bạn “sạt” đầy năng lượng sau những ngày bộn bề với công việc.

Một số địa danh du lịch miền Trung có thể du di đi du lịch được vào dịp cuối năm, tuy nhiên, bạn cần kiểm tra kỹ thời tiết trước khi đi, chẳng hạn như: thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Du lịch miền Bắc với mùa hoa cúc họa mi, tam giác mạch, hoa cải trắng, hoa đào

Trên đây mình đã thông tin rằng mùa đông miền Bắc là mùa giá rét, và tùy tỉnh thành, khu vực mà sẽ có các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, mưa đá, lũ quét, sương giá… Do đó, trước khi muốn đi du lịch các tỉnh thành miền Bắc vào 3 tháng cuối năm, bạn nên tra cứu kỹ tình hình thời tiết và nhớ chuẩn bị đủ quần áo ấm, khăn choàng, giữ gìn sức khỏe cẩn thận.

Vào mùa đông, tuy nhiệt độ miền Bắc thường rất lạnh, thậm chí là rét buốt, nhưng nếu như chuẩn bị kỹ càng, bạn vẫn sẽ có những trải nghiệm thật đẹp chẳng hạn như đi bộ lang thang ngắm đường phố thủ đô Hà Nội, nhìn những “cây bàng mồ côi mùa đông”, lắng nghe “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” (lời bài hát “Em ơi, Hà Nội phố”),…

Đường phố Hà Nội

Nếu may mắn, bạn sẽ được hưởng trọn không khí lãng mạn trên đường phố Hà Nội trong mùa cúc họa mi (thường vào tháng 11). Ấy là hình ảnh bình dị mà tinh tế của những cô hàng hoa gánh từng gánh hoa cúc họa mi trắng phau, đang chúm chím hay bung nở, hoặc thúng hoa được buộc chặt gọn gàng đằng sau yên xe đạp, theo chân các chị, các cô đi khắp nẻo đường thủ đô.

Thêm một loại hoa không chỉ nở rộ ở vùng núi non Tây Nguyên, mà ở huyện Ba Vì (thuộc Hà Nội), hoa cũng có mặt. Đó chính là mùa cúc quỳ Ba Vì.

Bên cạnh đó, về du lịch các tỉnh thành miền Bắc Việt Nam mình, bạn cũng có thể trải nghiệm các điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở Ninh Bình, vì tỉnh thành này có khí hậu, thời tiết tương đồng với Hà Nội.

Chùa Bái Đính nhìn từ xa

Phía các tỉnh miền núi Tây và Đông Bắc thì tình hình thời tiết cuối năm không khả quan và thuận lợi cho những chuyến du lịch. Tuy nhiên, bạn có thể cân nhắc khi đi du lịch vào những mùa hoa vùng cao này, chẳng hạn như mùa hoa tam giác mạch Hà Giang (thường vào cuối tháng 10, đầu tháng 11), mùa hoa cải trắng Mộc Châu (tỉnh Sơn La, tháng 11), hay mùa hoa đào Sa Pa (tỉnh Lào Cai, từ tháng 12 cho tới tháng 2 năm sau),…

Hà Giang vào đầu mùa hoa tam giác mạch

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Một mình qua đèo Gia Bắc (3)


Đèo Gia Bắc được xem là một trong những cung đường đèo hiểm trở nối liền phố biển và phố núi hay ngược lại…

>> Một mình qua đèo Gia Bắc (2)
>> Một mình qua đèo Gia Bắc (1)

Đèo Gia Bắc được lấy tên theo xã Gia Bắc, thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Giữa đèo là những thôn xóm của dân tộc K’Ho cư ngụ.

Đường đèo quanh co

Càng lên cao thì núi rừng khoáng đạt càng hiện ra

Một trạm dừng chân

Kề bên một rừng thông. Thấy thông là thấy Tây Nguyên, là cảm giác thích thú vui sướng lạ thường. Một phần phấn khích vì được hưởng khí hậu mát mẻ trong lành của xứ lạnh nữa.

Đèo Gia Bắc có đường dốc quanh co, nhiều cua gắt. So với đèo Bảo Lộc hay đèo Prenn thì đèo Gia Bắc nguy hiểm và khó đi hơn.

Nhưng theo trải nghiệm của mình, bạn cứ chạy xe từ tốn và bình tĩnh là được à. Đừng vì say mê ngắm cảnh mà quên vấn đề an toàn giao thông.

Có vài đoạn đường đang được tu sửa, nhưng đi trong mùa nắng thì chỉ bụi bặm thôi, chứ không nguy hiểm gì. Và cũng chính vì thế nên mình hạn chế việc qua đèo qua núi vào mùa mưa, bão lũ…

Đi qua đèo, nhìn thấy mấy đồi trọc là cảm giác không vui chút nào. Vì đồi trống núi trọc mà thiên tai ngày một nhiều và nặng nề…

Thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe máy của người địa phương chạy qua

Hoặc có vài nhà dân hiện ra…

Này chắc là đồi cà phê

“… làm cây thông đứng giữa trời mà reo…”

Một xóm đông đúc của người K’ Ho nè!

Hẳn là có nhiều bạn nước ngoài “phượt” trên cung đường này, nên mới có bảng hiệu Anh ngữ đây chứ!

Heo mọi thả rông

Hoa bên hiên nhà ai

Có hai ông cháu dắt nhau đi dưới nắng. Thấy thương thương!

Ngang qua một ngôi trường khang trang, nơi có các chú dê nghỉ ngơi thư giãn dưới bóng râm

Càng đi tới thì nét Tây Nguyên càng hiện rõ với đất đỏ Bazan, đồi núi và rừng thông xuất hiện càng nhiều…

Thị trấn Di Linh (huyện Di Linh) còn 12 km

Nhìn lại đằng sau, chỗ này cách Phan Thiết 83 km nha.

(Còn tiếp)

>> Một mình qua đèo Gia Bắc (4)

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Một mình qua đèo Gia Bắc (2)


Mỗi khi đi qua đèo thì mình thường canh thời gian sao cho đến được đèo là buổi trưa, nói chung là còn nắng, vì mình cũng hơi lo xa nếu có chuyện gì bất ngờ xảy ra (như hư xe, hết xăng, gặp người xấu…) thì sẽ đỡ sợ hơn và có thêm thời gian giải quyết.

>> Một mình qua đèo Gia Bắc (1)

Vẫn là quốc lộ 28. Đường nhỏ nhưng rất tốt luôn.

Ở Việt Nam mình có nhiều con đường “nối biển và hoa” (ý là nối một trong các tỉnh duyên hải miền Trung như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên, từ đó đi thêm lên Đà Lạt “thành phố ngàn hoa”), như qua đèo Phượng Hoàng trên quốc lộ 26, đèo Long Lanh trên tỉnh lộ 723, đèo Ngoạn Mục trên quốc lộ 27, đèo Đại Ninh theo quốc lộ 28B, đèo Gia Bắc theo quốc lộ 28…

Nếu từ thành phố biển Phan Thiết đi lên thành phố ngàn hoa Đà Lạt, có hai đường chính là qua đèo Đại Ninh hoặc là đèo Gia Bắc. So với đèo Đại Ninh, đường đèo Gia Bắc là con đường mới, nên phổ biến ở hiện tại hơn. Nếu bạn nào thích chốn vắng vẻ ít người, thì có thể chọn đèo Đại Ninh để “chinh phục” nếu muốn đi từ Phan Thiết lên Lâm Đồng.

Quốc lộ 28, cách đèo Gia Bắc còn 35 km

Cảnh trên đường

Cảnh thôn quê thiệt là yên bình…

… Nhất là khi gặp những cây hoa phượng đỏ rực tươi đẹp như thế này

Một cây hoa giấy đẹp

Di Linh còn 67 km. Đi đường trường, cần lắm những cột mốc cây số chỉ dẫn như thế này. Nhưng phải là cột mốc chính xác nghen. Có nhiều đoạn đường đang làm, hoặc mới làm, các cột mốc chạy tứ lung tung, con số trên đó tán loạn cả.

Nghe nói gần khúc này có hồ Sông Quao đẹp lắm à!

Trời xanh, mây trắng, nắng vàng

Đá quấn cây hay cây quấn đá, chẳng biết nữa!

Đã bắt đầu đi vào đèo Gia Bắc rồi đây

Biển báo đường quanh co

Đầu mùa khô nên cây cỏ chưa héo úa

Gặp hai bé chăn dê trên đường…

Lúc này cảm thấy hơi hối hận rằng tại sao mình không mang theo bánh kẹo để tặng các bé địa phương trong những tình huống gặp trên đường tình cờ như thế này! Thôi, rút kinh nghiệm lần tới. À mà cũng không phải, chắc do tính mình ghét mang nặng, mỗi lần sắp xếp hành lý là cân nhắc kỹ lắm, chỉ mang theo đồ vừa đủ dùng và cần dùng, những thứ thiệt cần thiết thôi!

Chạy xe giờ trưa có thêm cái lợi nữa là đường vắng như thế này nè, hổng bị ai làm phiền, cũng ít khi gặp cảnh sát giao thông. Nhưng mà cái hại là lỡ có chuyện gì thì… hổng biết sao luôn!

Ngang qua một con suối nhỏ

Phải cho “em nó” lên sóng cùng!

Địa phận Lâm Đồng rồi đây

(Còn tiếp)

>> Một mình qua đèo Gia Bắc (3)

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Một mình qua đèo Gia Bắc (1)


Chuyến độc hành như thường lệ bằng xe máy này mình thực hiện vào mùa hè năm ngoái (tháng 5/2019)…

Tại sao mình lại chọn đèo Gia Bắc (nằm trên quốc lộ 28 nối huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận với huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng)? Vì các nguyên nhân như sau:

– Muốn thêm vào bộ sưu tập đèo của chính mình, vì hổng hiểu sao mình luôn thích đi qua những con đường cong cong, thích cảnh rừng núi và thích đứng ở trên đỉnh đèo cao nhìn xuống mênh mông rừng núi bên dưới, nhìn những con đường uốn lượn quanh co…

– Ngày phép ít, chỗ đi chơi thì lại nhiều, nên mình chỉ có thể tranh thủ cuối tuần để đi đâu đó. Và mình nhắm tổng quãng đường đi đèo Gia Bắc khoảng 530km (Sài Gòn – Phan Thiết 200km, Phan Thiết – Di Linh qua đèo Gia Bắc 100km, Di Linh – Bảo Lộc 50km, Bảo Lộc – Sài Gòn 180km), hoàn toàn thực hiện dư dả bằng xe máy, một mình, vừa đi vừa ngắm cảnh, trong hai ngày.

Trước khi đi, như thường lệ, coi lại em xe Jupiter, và cố gắng nghỉ ngơi, ăn uống lấy sức cho chuyến đi. Rồi sắp xếp hành lý gọn nhẹ và lên đường thôi.

Sài Gòn mùa hè, hơn 5g sáng

Thỉnh thoảng trong những chuyến đi sớm lại được thấy cảnh mặt trời đỏ to như cái nong dần dần nhú lên…

Sài Gòn, chào ngày mới!

Đoạn này là quốc lộ 51 thì phải.

Tới chỗ này (đường Võ Nguyên Giáp thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thì sắp đi qua một ngôi chùa ở bên tay phải. Lúc này, nắng vừa lên, sương chưa tan, ngọn tháp 7 tầng của ngôi chùa ẩn hiện trong màn sương như thực như mộng, đẹp kinh khủng khiếp. Tiếc là mình hổng dừng chụp lại được khung cảnh như thoát tục ấy. Nhưng có lẽ vì vậy mà hình ảnh đẹp ấy cứ lưu mãi trong tâm trí…

Ra quốc lộ 1A rồi đây…

Giáo xứ Quảng Xuân, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai

Ngay đối diện là thánh Đường Hồi Giáo Masjid Nourul Ehsaan

Và đây, “đặc sản” tuyệt đẹp của mùa hè: hoa phượng. Phải nói là quãng đường đi Bình Thuận vào mùa hè khá thú vị khi được ngắm no nê những cây phượng trổ bông rực rỡ ven đường.

Bằng lăng tím cũng đang vào mùa

Tới chỗ này, nếu rẽ trái sẽ là đường đi Tây Nguyên qua quốc lộ 55, qua các con như đèo Sông Phan, đèo Lộc Nam… Nhưng mình đi đèo Gia Bắc nên bắt buộc phải đi thẳng tới Phan Thiết.

Lại hoa phượng nữa nè…

Tỉnh Bình Thuận chào đón người lữ khách…

Thành phố Phan Thiết đây rồi, chạy từ từ và chắc tay mất chừng 4 tới 4 tiếng rưỡi là tới thôi. Từ chỗ vòng xoay này mình đi thẳng để vô trung tâm thành phố. Nếu rẽ trái là quốc lộ 1A, đi thêm tí nữa thì thấy quốc lộ 28 bên tay trái.

Đi dạo một vòng Phan Thiết… Ngang qua chùa Thiền Lâm (165 Trần Quý Cáp)

Ghé quán Chay 16 (16 Lý Thường Kiệt, Phan Thiết) để ăn sáng kiêm ăn trưa luôn. Phần cơm tấm này 15.000 đ thì phải. Ăn khá được.

Quán có trà đá miễn phí tại bàn.

Ăn xong thì chạy ra lại quốc lộ 1A, rồi rẽ trái vô quốc lộ 28 đặng qua đèo Gia Bắc – mục đích chính của chuyến đi.

Đường xá thông thoáng êm ái dễ đi vô cùng… Nhưng mà mình cũng hổng dám chạy nhanh, phần vì sợ gặp công an giao thông, phần vì còn ngắm cảnh nữa.

Cảnh trên quốc lộ 28

Tới được thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận

(Còn tiếp)

>> Một mình qua đèo Gia Bắc (2)

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Gợi ý những hành trình ‘bụi bặm’ ít tốn kém cho dịp lễ 30/4 và 1/5


Dịp lễ 30/4 và 1/5 này, rất nhiều bạn sẽ được nghỉ tới 4 ngày. Nếu như bạn vẫn chưa có kế hoạch về quê, hay đi chơi xa ở đâu, hoặc lấn cấn chuyện tài chính hạn hẹp, hoặc e ngại những địa danh đông du khách, thì mình sẽ gợi ý những hành trình, điểm đến ít người, và ít tốn kém như sau (hoàn toàn đi về bằng xe máy từ Sài Gòn):

1. Thành phố cao nguyên Bảo Lộc với những đồi trà, cà phê (khoảng 400km cho 2 lượt đi về).

2. Tỉnh Bình Phước với những con đường đất đỏ uốn cong đẹp mắt, thác nước và trảng cỏ, rừng cao su (khoảng dưới 250km cho 1 lượt đi).

3. Tỉnh Bình Dương với cù lao Rùa, chùa núi Châu Thới (khoảng dưới 50km cho 1 lượt)

4. Chạy một vòng quốc lộ 14, 28 từ Sài Gòn qua Bình Phước, lên Đắc Nông, qua Lâm Đồng, xuống Đồng Nai, về lại Sài Gòn (khoảng 600 km cho 2 lượt đi về).

5. Chạy một vòng Sài Gòn – Di Linh – Bình Thuận – Sài Gòn, điểm nhấn là đèo Gia Bắc (khoảng 600 km cho 2 lượt đi về).

6. Chạy một vòng Sài Gòn – Đức Trọng – Bình Thuận – Sài Gòn, điểm nhấn là đèo Đại Ninh (khoảng 600 km cho 2 lượt đi về).

7. Chạy một vòng Sài Gòn – Lạc Dương – Khánh Hòa – Sài Gòn, điểm nhấn là đèo Long Lanh (khoảng 800 km cho 2 lượt đi về).

8. Đi cung đường biển từ Sài Gòn qua Long Hải, Hồ Tràm, về đến thị xã La Gi – Bình Thuận ngắm biển (khoảng dưới 300 km cho 1 lượt).

9. Về các xóm làng thôn quê miền Tây Nam bộ (khoảng dưới 300 km cho 1 lượt)

10. Hoặc đơn giản là ở lại Sài Gòn, gởi xe máy, rồi đi bộ lang thang qua các con hẻm ở quận 1, quận 4, quận 5. Ngó nghiêng thêm vài cái bảo tàng. Nhìn cuộc sống yên bình lướt qua ở các ngôi chợ…

Hãy lên lịch cho kỳ nghỉ của mình!